Kinh nghiệm trồng tiêu trên thân cây điều

Trụ tiêu bằng thân cây điều đang cho quả

Bạn Đỗ Trường Sơn ở Bù Đăng, Bình Phước, gửi đến bài viết nói lên kinh nghiệm chuyển từ thế độc canh cây điều nhiều rủi ro sang kết hợp với trồng tiêu, đảm bảo nâng cao thu nhập. Nhận thấy đây là kinh nghiệm đáng để nhân rộng, giatieu.com xin trân trọng giới thiệu với cộng đồng.

Cây điều là loại cây đã gắn bó với nông dân từ lâu, từng là cứu cánh giúp bà con mình “xóa đói giảm nghèo”. Do hiện nay cây đã già cỗi, trồng giống thiếu chọn lọc cho năng suất thấp cộng với giá điều thô ngày càng quá rẻ nên bà con đang quay lưng lại, phá bỏ cây điều để trồng những loại cây khác. Theo ước tính, để thay thế một ha điều trồng lại cây khác bà con phải tốn kém khoảng 250 triệu (200 triệu do bị mất thu nhập + 50 triệu để chi phí cho đầu tư trồng mới khoảng 4 năm). Mà liệu đến khi cây trồng mới có thu thì giá có còn được như bây giờ?  Rủi ro vì thế rất cao. Với những hộ khá giả thì chưa sao. Còn với bà con nghèo, cả nhà có 4-5 miệng ăn, chỉ trông vào 1-2 ha điều, thì rất khó xoay sở.

Qua bài viết này tôi xin chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu trên trụ điều, kết hợp với trụ gỗ hoặc trụ betong mà tôi đã trồng được 13 năm. Từ năm thứ 7 năng suất tiêu bình quân 10 kg/cây trụ điều, cá biệt có những cây đạt trên 20 kg cao 12m.  Có người hỏi, tiêu leo như vậy có ảnh hưởng gì tới cây điều? Thưa rằng, đây là một sự cộng sinh hợp tác vui vẻ. Nhờ anh điều, chị tiêu có được thân hình mạnh khỏe mà dựa nương. Nhờ chị tiêu, anh điều có được phân ngon nước ngọt mà hưởng dùng, cả hai cùng sống vui vẻ hạnh phúc. Hy vọng bà con có thêm một hướng để giải bài toán: trồng cây gì đầu tư ít mà có kinh tế ổn định.

Chọn giống, kinh nghiệm trồng

Nước ta hiện có khá nhiều giống tiêu nhưng theo tôi, giống Vĩnh Linh là thích hợp nhất. Chọn những trụ tiêu khỏe mạnh, không chứa mầm bệnh, lấy tiêu lươn thòng từ trên ngọn xuống để làm hom giống. (tiêu lươn gốc cũng tốt nhưng thường được nhà vườn vệ sinh cắt bỏ hết nên khó kiếm, còn tiêu ác thì giá rất cao 30.000 đ/dây, không phù hợp). Cắt lấy 3 mắt, cắm 2 mắt  vào bầu đất 12x22cm, chừa lại 1 mắt. Mỗi bầu cắm 3 dây (kỹ thuật làm đất coi trên giatieu.com). Che nắng tưới nước khoảng 2 tháng sau bầu tiêu sẽ lên được 4-5 lá, lúc này bà con đã mang trồng được rồi. Thời điểm thích hợp khoảng tháng 4-5 âm lịch, ươm sớm trồng sớm đất còn ấm tốt cho tiêu hơn. Nếu không ươm được thì mua giống chỉ 10.000 đ/bịch/2 dây. Một gốc điều bà con trồng 2 bịch (kỹ thuật làm đất coi trên giatieu.com nhưng không cần làm  kỹ quá). Trồng mặt bầu cao bằng mặt đất, cẩn thận đừng làm bể bịch.

Chăm sóc

Bón 1 muỗng canh (30g) phân NPK, rải quanh gốc 2 tháng/lần, cách gốc 20cm và tăng dần những lần bón sau. Che nắng 2 tháng, nếu gốc nào bị nắng trực tiếp. Dùng bấm la phôn  (80.000 đ/cái), cắt bao cám ngang 2cm dài 4cm bấm cho tiêu leo vào trụ điều, thường xuyên thăm vườn để bấm cho tiêu ôm đều trụ. Khi tiêu được 5 tháng độ cao trung bình 1m, chuẩn bị vào mùa khô bà con lưu ý phải tưới. Không để tiêu thiếu nước vì thời điểm này cây còn nhỏ, bộ rễ còn yếu rất dễ chết héo. Khi tiêu được 1 năm, độ cao khoảng 1,5m đến 2m, cắt ngang  gốc tiêu cách mặt đất 40 cm, lấy phần ngọn làm giống, phần gốc 1 dây sẽ ra được 2-3 dây nữa. Lúc này bà con nên tỉa vườn điều, ưu tiên chừa lại những thân thẳng để tiêu leo cố định sau này, rồi bấm cho tiêu leo như trên đã nói. Lưu ý không để dây tiêu đan chéo nhau vì sẽ khó khăn lúc mình gỡ sau này. Sau 2 năm từ ngày trồng, trụ tiêu đã lên được 2,5-3m, nếu bà con có điều kiện sẻ trụ thì tốt. Còn không cứ để yên năm sau là có thu bói rồi.

Lưu ý, vào năm thứ hai tiêu có bị bệnh chết một số một gốc, có thể chết 1,2,3 dây có khi chết hết trụ, Ngày trước tôi trồng cũng thế, tỉ lệ chết khoảng 15%, nhưng còn dây nào thì dây đó sống rất khỏe. Những trụ nào còn thưa bà con siêng bấm lươn gốc sẽ lên từ từ kín trụ. Phải dặm đi dặm lại vài năm mới đều được. Tiêu không đôn thường bị trống gốc, người ta nói vui là mặc quần đùi. Nhưng không sao, mặc quần đùi thì càng thoáng mát ít bị nấm bệnh. Cây điều cao mà tiếc gì mấy mươi phân.

Những nọc tiêu kết hợp trồng xen trong vườn điều

Kết hợp trồng trụ gỗ hoặc trụ betong

Khi tiêu được 2 năm, cao khoảng 2,5-3m, bà con chôn trụ chết (gỗ hoặc betong) cách gốc tiêu 2m. Đào một đường rãnh, ngang 10cm sâu 20cm cách gốc tiêu 50cm ra tới chân trụ. Cẩn thận gỡ dây tiêu xuống cắt bỏ lá, bỏ nhánh ác ở phần được chôn, và chôn dây tiêu xuống. Lấp đất, nén nhẹ, vun cao hơn mặt đất. Bấm đầu dây tiêu cho ôm vào trụ, chừa lại 3 nhánh ác, rồi cắt bỏ ngọn. Ưu tiên bón nhiều phân chuồng hoai mục gần trụ chết để chỗ đó tiêu mau ra rễ. Phương pháp này cũng giống như đôn tiêu, người ta khoanh tròn, còn mình kéo thẳng ra. Chú ý không để dập dây, không để lá, rác lẫn lộn vào đất khi lấp rãnh tiêu.

Cách làm này có ưu điểm là tiêu lên rất nhanh, 1 năm đã lên phủ nọc 3,5m. Từ 1 gốc điều có thể kéo ra được 4 trụ, còn phần gốc tiêu lại mọc lên tiếp. Sau một năm, cần cắt ngang dây tiêu  gần gốc điều, không để tiêu liên thông với nhau. Thao tác này rất quan trọng, vì nếu tiêu bị bệnh sẽ dễ bị chết chùm.

Từ ngày trồng đến nay đã 13 năm tôi không hề làm bồn, tưới nước chỉ xịt trên mặt. Mỗi năm phun dung dịch boocđo 2 lần, bón 1 chén vôi bột, 1 thìa thuốc trị tuyến trùng. Đắp đất hàng năm như mu rùa, cuốc rãnh bón phân. Liều lượng phân, ép nước, thì anh Minh Vịnh, anh tieuphong đã chia sẻ rồi.

Để chủ động nguồn phân chuồng, tôi đã nuôi heo được 7 năm, trung bình 20-30 con/lứa (tính ra chỉ lời được tí phân). Tôi làm 1 hầm biogas 10 khối, 1 bể chứa nước thải 3 khối. Khi nước đầy bể dùng môtơ bơm ra tưới cà phê, còn xác làm khô để dành bón cho tiêu vào đầu mùa mưa, hiệu quả thì trên cả tuyệt vời.

Tôi thấy cách làm này rất hiệu quả, đầu tư thấp, năng suất điều giảm không đáng kể, năng xuất tiêu khá cao khoảng 2 tấn/ha (không kết hợp). Nhưng bà con phải siêng năng chịu khó, làm với một lòng quyết tâm cao.

Trồng tiêu xen trong vườn điều

Trong lúc làm có gì mới, hay, xin chia sẻ để chúng ta cùng làm tốt hơn. Có gì chưa rõ, có thể trao đổi qua đt và email. Nếu bà con muốn tham quan, tôi rất vui được đón tiếp và chia sẻ kinh nghiệm. Kính chúc bà con thành công !

Đỗ Trường Sơn- thôn Sơn Lập, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước

Đt: 0905.603559 – Email: dotruongson32@yahoo.com

(Giatieu.com)

31 phản hồi cho bài "Kinh nghiệm trồng tiêu trên thân cây điều"

trihai

Đây là hướng đi tốt cho bà con đang trong cơn bĩ cực của “điều”. Có điều trihai xin chia sẻ, chúng ta nên tránh xa “điệp khúc trồng chặt”, bản thân trihai đã nếm trái đắng!
“Ca cao dưới tán điều” ở Lâm Đồng (tin đã đưa) cũng là một ví dụ để chúng ta cùng tham khảo. Thân!

tieuphong

Hoan nghênh Đỗ Trường Sơn đã đóng góp bài viết cho diễn đàn sôi nổi, phong phú hơn.

Tôi cũng cho chị tiêu “kết duyên” với anh điều từ lâu lắm rồi nhưng không kéo qua trụ chết như bạn, trồng lươn thòng thì tiêu mau ra ác hơn lươn gốc, đỡ mất công đôn, tuổi thọ cao và khỏe hơn trồng tiêu ác, ưu điểm trồng tiêu trên điều là ít công tỉa chồi cho trụ, một năm tạo tán cho điều một lần là được rồi.

Xin phép bạn cho tôi được đóng góp thêm, lưu ý đến loài bọ xén tóc (bọ mặt quỷ) chúng đẻ trứng vào cây điều, thức ăn của ấu trùng là thân cây điều, chúng phá hoại ghê gớm chỉ vài tháng sẽ làm chết đứng cây điều hàng chục năm tuổi. Bọ xén tóc thường tìm những nơi tối tăm để đẻ trứng, cho nên người ta thường quét vôi lên thân cây điều để xua đuổi chúng.
Thân ái!

Nguyễn Minh Vịnh

Bà con bón phân heo thì lưu ý một chút về rầy trắng, tuyến trùng và nấm bệnh.
Trồng trên trụ điều thì mình tận dụng thu điều thêm được vài năm nữa. Khi cây tiêu đã phủ trụ thì một năm có lai rai vài trái điều nướng ăn chơi không đủ. Nhưng quả thật là trụ điều tiêu leo vẫn tốt. Nhà tôi có vài trụ gần hàng ranh. Tiêu phủ trụ cả ba đọt trái rất nhiều. Có vấn đề là cây điều hay xì mủ. Với tiêu leo trụ điều bà con ưu tiên nên chọn những giống mạnh.

Đỗ Trường Sơn

Minh Vịnh ơi, bạn trả lời dùm. Có người ở Cẩm Mỹ hỏi mình là tiêu mình, là tiêu Vĩnh Linh loại nào vậy? Mình cũng không biết luôn, bạn trả lời giúp mình nhé. Thân.

Nguyễn Minh Vịnh

Chào Sơn!
Thì lá nhỏ gọi là Vĩnh Linh lá nhỏ. Lá bự gọi là Vĩnh Linh lá lớn.
Cái giống mà tôi thấy trên hình thì có một số là là tiêu trâu lai. Một số sẻ đất đỏ. Và một ít sẻ Phú Quốc. Với những giống trên hình như vườn bạn thì năng suất không ổn định. Năm trùng mùa rất ghê gớm. Năm thì lèo tèo trái.

nguyễn tiến toàn

Em cũng ở huyện Bù Đăng. Có thời gian rãnh em sẽ lên thăm vườn nhà anh, có được không anh?

Đỗ Trường Sơn

Chào bạn, rất vui được gặp bạn vào sáng chủ nhật.

Đỗ Trường Sơn

Trước hết tôi xin gởi lời cám ơn đếm anh Nguyễn Vịnh đã giúy tôi chuyển tải kinh nghiệm nhỏ bé này đến bà con. Tôi xin chân thành cám ơn anh Nguyễn Minh Vịnh đã góp ý chân thành giúp tôi hoàn thiện bài này. Một lần nữa tôi xin hết lòng cám ơn.

Xuân lực

Nông dân Việt Nam mình đúng là số một, có thể làm được những việc không tưởng. Chúc bà con trồng tiêu được mùa trúng giá, chúc cộng đồng giá tiêu ngày càng phát triển. Nhà em trồng cao su trong vườn tiêu (dọc bờ ranh) không biết có ảnh hưởng đến tiêu không các anh? Em cũng hay đi qua Bù Đăng, bữa nào có dịp ghé nhà anh Trường Sơn tham quan!

Đỗ Trường Sơn

Chào bạn theo mình được biết ở Châu Đức, Xuyên Mộc – BRVT người ta cũng trồng tiêu trên cây cao su luôn. Tiêu lên rất tốt, phải ngửa gãy cổ mới thấy được ngọn tiêu.

Đỗ Trường Sơn

Chào bạn. Gì mà chú, Sơn mới U40 thôi. Vườn điều dù không trồng tiêu thì mỗi năm cũng tiễn lên đường vài anh, thường thôi mà, nhưng cũng có trường hợp tốt mái hại cồ. Còn bấm bằng ghim thì không ảnh hưởng gì đến thân điều hết. Thu hoạch điều người ta thường lấy xô gom trái gọn lại một đống xa gốc tiêu rồi mới nhặt hột. Bệnh thì mình thấy có bị nấm hồng nhưng không đáng kể. Thân.

Nam Giao

Chào anh Tiêu Phong !
Anh giải thích giùm em với nhé : lươn thòng là lươn như thế nào vậy anh? Em dốt quá, anh thông cảm!

Phan Phat

Đây là một quá trình thực hành, đúc kết kinh nghiệm, tích lũy khá lâu mới có bài viết đầy tâm huyết, đầy nhiệt tình. Mong bạn có nhiều bài viết để diễn đàn thêm phong phú, đa dạng… Chúc sức khỏe!

tiêu lép

Bài đăng ở đây mới chỉ là một nửa của sự thật bác Phan Phát nhỉ !

trung_tin_727

Chào Nam Giao
Trong bài viết “kĩ thuật nhân giống cây hồ tiêu” bác Minh Vịnh đã giải thích về lươn thòng rồi mà. Dây lươn thòng thực ra nó là cành ác nhưng vì không có chỗ bám nên không ra trái thôi. Nhà em hồi trước trồng tiêu trên trụ bê tông nhưng hồi cơn bão số 9 năm 2009 đã “tiễn” mất một ít, khiếp quá phải mua trụ gỗ về dựng bên cạnh và dùng dây thép buộc kẹp vào. Trụ gỗ cao hơn trụ bê tông cũ, em thấy sợi lươn nào có rễ là buộc vào trụ gỗ luôn, năm sau là ra trái bình thường.
Bài viết này của chú Sơn sẽ mở ra 1 hướng đi mới cho nông dân trồng điều. Nhưng cháu thấy cây điều là nơi thường lui đến của bầy sâu bọ tới ăn quả và đục khoét thân cây làm cây chảy cả mủ ra nữa. Liệu bọn chúng có làm ảnh hưởng tới tiêu không? Quả điều rụng xuống liệu có lây truyền loại nấm bệnh nào cho tiêu không? Chú dùng cái bấm ghim với bao cắt ra để buộc tiêu thì nhanh hơn dây nilon nhưng nó tạo vết thương trên thân cây, như thế có ảnh hưởng tới trụ sống không?
Mà mùa tiêu cũng trùng với mùa điều nhỉ. Đang hái tiêu nóng nực mà vặt trái điều giải khát thì đúng là mát ruột

Nam Giao

Chào anh Minh Vịnh !
Em đã xem kỹ hình ảnh bó chiết tiêu lươn thòng rồi nhưng em không hiểu rõ lắm về lươn thòng, anh có thể giải thích rõ ràng, chi tiết hơn nữa được không anh?

Phạm Huyền

“Ngày 6.10, ông Phạm Khắc Vĩnh, trú tại thị trấn Ia Kha, H.Ia Grai (Gia Lai) cho biết vườn tiêu gần 200 trụ đã bị rụng hết lá, quả, cây héo rũ sau khi phun thuốc trừ sâu (ảnh). Trước đó, ông Vĩnh phun thuốc trừ sâu trộn với thuốc bón lá cho vườn tiêu được 4 năm tuổi, đang chuẩn bị thu hoạch.” Báo Thanh Niên sáng nay vừa đăng, có bạn nào nhà ở gần đó kg? Mong anh Nguyễn Vịnh và các bạn tìm hiểu thử xem thế thế nào. Nghe sợ quá !

Tiêu Sầu

Trích lời ông chủ vườn : …”3 ngày sau khi phun, tôi đi kiểm tra vườn thì phát hiện khu vực tiêu được phun bằng thuốc trừ sâu Dragon 585 EC trộn với phân bón lá Bioking-L bị vàng lá, rụng quả và chết. Riêng nửa vườn tiêu còn lại vẫn phát triển bình thường. … Tôi đã đến Công ty thương mại Xuân An (Ia Kha, Ia Grai, Gia Lai) mua thuốc trừ sâu có nhãn hiệu Dragon 585 EC do công ty Arysta Litescience Việt Nam, có trụ sở tại số 26, đường 26, Khu Công nghiệp Sóng thần 2, huyện Dĩ An, Bình Dương” …

Đây là thông tin trên mạng (http://baogialai.com.vn/channel/8301/201210/ia-Grai-Co-phai-tieu-bi-chet-do-sau-khi-phun-thuoc-tru-sau-2190194/ ) – Bạn nào gần làm ơn tới nhà anh Vĩnh chủ vườn tìm hiểu thêm nguyên nhân giúp bà con trên diễn đàn ta tránh được thì tốt quá !

Chúc bà con khỏe !

Phạm Huyền

Bạn Trường Sơn chia sẻ cách nhân rộng vườn tiêu rất hay, nói vui là từ cao (trụ điều) xuống thấp(trụ gỗ). Nay mình mong nhận được sự góp ý của bạn và các anh Minh Vịnh, Phan Phát, tieuphong, cùng các bạn trên diễn đàn cách làm cho vườn tiêu từ thấp lên cao. Số là mấy năm về trước tôi mua trụ gỗ gồm các loại trai sầm, căm xe về để trồng khoảng 8 sào tiêu, vốn dân TP mới lên, không có kinh nghiệm nên mua nhầm toàn là trụ dỏm, hậu quả là 3-4 năm sau các trụ tiêu lần lượt ngã đổ hàng loạt vì mục gốc, mổi lần tiêu ngã tôi lại dựng lên, và mổi lần như vậy trụ tiêu lại ngắn đi 6 tấc. Sau nầy tôi mua trụ gòn về trồng sát vào trụ gỗ và đến nay đã cố định được vườn tiêu , cũng có vài trụ tiêu bung đọt bám được vào trụ gòn, nhưng hầu hết các bụi tiêu không phát triển cành ác, mà chỉ phát triển tay và lươn thòng, nhìn vào vườn tiêu, thấy trụ thì cao mà tiêu thì rất thấp. Mặc dù dựng lên ngã xuống nhiều lần, nhưng đến nay vườn tiêu vẫn xanh tốt, chỉ tội cái quá lùn nên năng xuất rất kém. Mình rất mong nhận được sự góp ý và hướng dẫn của các bạn là làm cách nào để cho bụi tiêu bám và phát triển lên trụ gòn. Mong lắm thay. Chào đoàn kết và thân ái.

Nguyễn Minh Vịnh

Chào bạn!
Với cây mà ra lươn thòng được thì mình có thể làm cho nó leo lên tốt. Còn cây đã đuôi ngọn vì quá già thì phát đọt rất chậm. Trước dây nhà tôi bị dịch vông chết sạch trụ và thay trụ qua cây gòn cũng khá nhiều nên vấn đề này cũng không phức tạp lắm. Nhưng muốn nó leo ngay như tiêu mới trồng thì là điều không thể. Cái phần đọt mà đã ở trên cùng đó sẽ không bao giờ nứt đọt ác nổi. Có nứt cũng chỉ là những cái đọt nhỏ xíu. Sau khi thu hoạch bạn nên bấm đọt để nó nứt đọt khác. Chịu khó cột những cái lươn thòng đó lên bấm đọt lươn thòng thì một thời gian nó sẽ ra ác lên phủ nọc. Với những lươn gốc nên chừa lại vài cái mập mạp. Đừng cắt bỏ mà cột cho nó leo lên luôn. Vì phần dưới mình đã xum xuê nên cũng không cần đôn cái lươn này. Mà cứ để nó leo trong thân. Khi nó vượt qua được cái đọt cũ của cây mình tự khắc nó ra ác. Như vậy trụ sẽ đều hơn. Trường hợp tiếc không muốn cắt đọt hoặc cây quá già thì bạn có thể kéo nó rũ xuống 30cm sau đó cột lại phần dưới 30cm đó cho cây khỏi tuột. Nó tức nó sẽ nứt thêm đọt. Khi nó ra đọt thì chịu khó cột vào trụ thường xuyên. Cây bỏ mắt thì cũng bấm đọt y như chăm sóc tiêu tơ sau khi đôn. Cây sẽ từ từ phủ trụ. Với trụ thấp mà làm lên cao năng suất của vườn sẽ cải thiện đáng kể.

Phạm Huyền

Xin cám ơn anh Minh Vịnh. Thực sự tôi học được ở anh rất nhiều, một lần nữa cám ơn anh và chúc anh luôn vui khỏe. Thân

anh.vd2

Chào các anh, các bác
Chỗ cháu 2 tuần lại đây, thời tiết thay đổi tiêu bỗng nhiên phát đọt ra bông rất nhiều, lớp ra trước thì bắt đầu hình thành nhân rồi, bà con ở đây rất lo về vụ mùa năm sau, các bác cho cháu hỏi giờ nên làm gì? Cháu xin cảm ơn!

namBRVT

Trồng mới một vườn tiêu.

Ờ khu vực mình hiện nay có rất nhiều gia đình đốn bỏ vườn điều sang trồng tiêu mới hoàn toàn, họ không sử dụng cây điều có sản. Theo bà con thì giữa chặt bỏ cây điều (có thể rong tỉa cho thoáng) trồng tiêu mới (trụ mới) và trồng chung với cây điều và sau đó cho nhân rộng bằng phương pháp trên, thì phương pháp nào hiệu quả hơn?

Giá thành của đất trống hoặc đất trống điều hiện nay ở khu vực mình dao động khoảng trên dưới 1 tỉ/ha, tùy vào vị trí. Nếu đầu tư trồng mới 1 ha hồ tiêu theo ước tính ban đầu của mình thì vào khoảng 500 triệu cho 2 năm đầu tiên, năm thứ 3 thì tiêu có thể cho trái khoảng 2-3 tấn/ha (xem như đủ trang trãi chi phí cho năm đó, năm thứ 4 thì có thể đạt 4-5 tấn thì có lãi, năm thứ 5 trở lên thì khoảng 5 tấn/ha) dự trù đến năm thứ 6 thì sẽ thu hồi vốn đầu tư (cộng với lãi vay ngân hàng 15%/năm) chưa tính tiền mua đất. Dự kiến giá tiêu trung bình là 100.000đ/kg. Xem như tổng chi phí là 1,5 tỉ tính cả đất.

Mình dự tính như trên ai có nhiều kinh nghiệm cho mình ý kiến xem sắp tới có nên đầu tư trồng mới hay không, vì hiện tại vườn tiêu đã thu hoạch không ai bán hết.

Chân thành cảm ơn.

Nhân

Bác Nam BRVT:
Bác nêu vấn đề có nên đầu tư mới trồng tiêu hay mua vườn tiêu đã KD, quan điểm của tôi như sau:
Dưới bác 1ha đất trên dưới 1 tỉ đồng theo tôi là qua đắt. Chi phí trồng bác tính vậy là phù hợp. Tuy nhiên nếu đã quyết thì tôi nghĩ nên đầu tư. Với tôi, tôi sẽ không mua vườn tiêu đã KD vì tôi không hiểu nó nếu tôi vẫn đủ tiền. Một người có nhiều kinh nghiệm không biết sẽ mua hay không chứ tôi thì không. Trồng mới lâu thu, tuy nhiên mình làm theo ý mình, đầu tư cũng dàn trãi. Trong quá trình chăm sóc mình có thời gian học hỏi thêm kinh nghiệm. Còn mua vườn kinh doanh nhất là những người hồi giờ chưa biết gì về tiêu thì tôi nghĩ chỉ có nước phá sản. Trên tôi vừa rồi có mấy tấm gương, thấy tiêu gia cao đầu tư mua tiêu đã KD, những người cần bán chỉ chăm tiêu trong những năm KTCB đâu đã thấy bệnh tật. Năm nay mấy anh mua vườn lãnh đủ. Tiêu chào trụ đi mất tiêu rồi.

namBRVT

Cám ơn anh Nhân,

Vấn đề ở đây là bây giờ trồng mới 1 vườn tiêu thì sau 3,4 năm mới có thể cho thu hoạch được, còn mua mới thì thu ngay, nhưng khổ một nổi và vười tiêu KD không ai bán cả. (họ còn muốn mua thêm nữa) Vùng mình bây giờ đất hiếm lắm, đất cũng tạm tạm thôi chứ không phù hơp lắm cho cây tiêu nhưng giá đã 1 tỷ/ha rồi.

Đúng là trồng mới vườn tiêu bây giờ thì khoa học hơn. Vườn cũ đa phần là trồng xen lẫn những cây khác.

Đỗ Trường Sơn

Chào bạn Nam
Mình đã đọc tin của bạn hôm qua rồi, nhưng mình chỉ là em út nhà nên chờ các bác nói trước rồi mình cũng xin góp ý với bạn và những bạn đang chuẩn bị trồng mới cây hồ tiêu đôi điều. Nhà nông chúng ta đôi khi cũng phải áp dụng binh pháp vào trong nông nghiệp, ta phải tính thực lực của mình (nhân lực, vật lực), thực lực của đối phương (cây gì, đầu tư nặng hay nhẹ, rủi ro có cao không) để ra quyết định “đánh nhanh thắng nhanh” hay “đánh chắc thắng chắc”, và phải tính tới tình huống xấu nhất (20 vạn tinh binh chỉ trong một đêm bị đánh “sạch không kình ngạc, tan tác chim muông”), thì mình sẽ mượn binh ở đâu để phục thù. Mình chỉ góp ý, và quyết định là ở bạn.
Còn bài viết của mình, chỉ nhắm tới bà con nông dân còn khó khăn, tiết kiệm, tận dụng để vươn lên, làm theo kiểu con nhà khó. Trong hai năm từ ngày trồng bà con làm quen, học hỏi, thực hành, và trau dồi kiến thức về cây tiêu, sau đó nếu có điều kiện thì phát triển tiếp. Bà con làm từ từ , từng bước, tiến chậm mà tiến chắc. Vì mình cũng là nông dân nghèo nên rất hiểu hoàn cảnh của bà con.
Vài dòng gởi bạn, chúc ban thành công. Thân.
Em út nhà.

nguyễn tiến toàn

Mình mới tham gia diễn đàn. Các bạn cho mình hỏi chút. Tiêu mình trồng 3 tháng rồi lên qua đầu gối hôm qua mình ra xem thấy một số cây bị héo mình nhổ lên thấy cây đã bị thối mùi rất tanh mặc dù mình đã cố gắng thoát nước .hôm nay mình mua trichoderma chuyên dùng cho tiêu phun không biết được không có ai giúp mình với.. Xin cám ơn!

trung_tin_727

Đất trống mà 1 tỉ/ha thì đắt quá. Trên Tây Nguyên với bằng đó tiền thì cũng phải mua được ít nhất 2 ha đất tương đối. Ở đó mua đươc ha đất thì cũng mất toi 7 tấn tiêu rồi nhỉ!

Xuân lực

@ namBRVT. Chào anh. Theo em thì bây giờ đầu tư vào trồng mới tiêu là hơi liều, em sợ chỉ đôi ba năm nữa thôi tiêu sẽ rớt giá. Đến lúc mình được thu thì giá đã xuống, mà mua rẫy tiêu đang kinh doanh thì vào thời điểm này giá sẽ rất cao. Nhưng bù lại mình được thu ngay bán tiêu với giá cao, em hiện đang ở Đăk Nông đang tính chuyển hướng sang chăn nuôi. Và muốn bán rẫy tiêu nhà em đây. Anh nào có nhu cầu liên hệ với em, sdt 0973173557.