Ấn Độ: thảo luận về việc trồng xen canh cây tiêu để tiết kiệm đất
Thị trường tiêu thế giới đang lo ngại về việc đảm bảo duy trì nguồn cung tiêu ổn định trong dài hạn, mở rộng nhu cầu và hạn chế mức độ biến động giá.
Trong một cuộc thảo luận tại Hội nghị Hồ tiêu Thế giới ở Ấn Độ hôm thứ Ba ngày 25/6, các chuyên gia đến từ nhiều nước khác nhau bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Sri Lanka đã nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hỗ trợ, khuyến khích nông dân trồng xen để đảm bảo nguồn cung tiêu ổn định, vượt qua những hạn chế của đất đai và chuyển hướng sang cây trồng khác, đồng thời nâng cao sản lượng thông qua tập huấn kiến thức nông nghiệp thực hành cho nông dân.
Không chỉ có giai đoạn nuôi trái khá dài, cây tiêu cũng không đảm bảo cho sản phẩm có chất lượng ổn định khiến cho lớp trẻ thiếu sức hút ở lại nông thôn là một thách thức cũng được Hội nghị bàn đến.
Ở Ấn Độ, cao su đang ngày càng thay thế hồ tiêu trên vị trí là loại cây truyền thống của bang Kerala và Karrnataka. Vì thế, người trồng hồ tiêu ở đây đang được khuyến khích ưu tiên cho hình thức xen canh.
Về phía nhu cầu, các chuyên gia cũng xem xét một cách nghiêm túc một loạt các sáng kiến để mở rộng sức tiêu thụ.
Các sáng kiến bao gồm các ứng dụng mới của hồ tiêu trong lĩnh vực y tế, gia tăng khả năng phục vụ các lĩnh vực thực phẩm trong nước mạnh mẽ hơn và khám phá các thị trường xuất khẩu mới như Đông Âu chẳng hạn.
Theo quan điểm của các chuyên gia Ấn Độ, nhu cầu nội địa đang tăng lên do sức mua từ tầng lớp trung lưu, tầng lớp đang ngày càng đông dần lên theo điều kiện kinh tế của Ấn Độ.
Nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng tuy mới được thành lập cũng được nhắc đến như một tiềm năng. Trước đó, Ramesh Abhishek, Chủ tịch Ủy ban thị trường chuyển tiếp (FMC) điều tiết thị trường hàng hóa tương lai của Ấn Độ, cũng nhận xét tương tự trong một cuộc hội thảo, rằng Ủy ban đã thực hiện các bước đi tiên phong để đảm bảo tính toàn vẹn của thị trường hồ tiêu.
Ông cho rằng một sự kết hợp chặt chẽ giữa thị trường kỳ hạn và thị trường hàng thực là rất cần thiết. Một hệ thống tích hợp giữa thị trường giao ngay và thị trường kỳ hạn sẽ tăng cường độ tin cậy trên giá cả và sẽ thu hút các nhà đầu tư tham gia vào thị trường tiêu kỳ hạn nhiều hơn. Đặc biệt là các công ty phòng hộ đầu tư.
Để giảm thiểu các trường hợp thương mại trái phép và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin, Ủy ban sẽ thành lập một hệ thống gửi thông báo qua Email và SMS về các thông tin giá đóng cửa hằng ngày trên các mặt hàng mà họ đầu tư, ông nói.
16 phản hồi cho bài "Ấn Độ: thảo luận về việc trồng xen canh cây tiêu để tiết kiệm đất"
Em thấy việc trồng tiêu đám thì sẽ dễ châm bón hơn so với việc trồng xen kẻ, hơn nữa nếu áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt thì rất khó để trồng xen kẻ, việc hảm nước làm bông cũng khó khăn hơn.
Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng nếu trồng tiêu xen với cà phê cũng có tác dụng bớt đi phần nào nấm trên cây tiêu?
Theo ý kiến mọi người thì theo mô hình nào sẽ tốt hơn?
Trồng xen thì khoảng cách có xa hơn 1 tí nên sự lây lan bệnh với nhau có phần khó hơn.
Trồng xen hay trồng chuyên đều có ưu và nhược. Phải biết sự khác nhau là để hạn chế bệnh hại và nâng cao năng suất thôi.
Bạn tiêu Cẩm Mỹ.
Thực sự trên diễn dàn này, chưa hề thấy bài nào nói về trồng tiêu xen kẽ các loại cây khác. Bản thân tôi, với trên 1ha cafe cùng với cây tiêu, mặc dù cafe đạt gần 5tấn, năm đó giá đầu tư 1kg cafe trên 7000$ nhưng giá bán 6800$/kg mà tiêu bắt đầu hái bói. Lập tức tôi cưa bỏ cafe chỉ dể tiêu, có người nói tôi khùng. Nhưng kết quả hết sức tốt. Nên theo tôi, không nên trồng xen bất cứ cây gì trong vườn tiêu cả. Không thể hãm nước như bạn nói… Còn bạn nói “có tác dụng bớt phần nào nấm trên cây tiêu” xin cho biết tại sao bớt dược nấm ?
Khu vực tôi ở, năm nay có mấy hộ trồng xen cafe như vậy, tiêu ra bông sớm, trong lúc nhiệt độ không khí trên 37 độ, không mưa. Trên 1 tháng sau, mưa xuống RỤNG… có lẽ tới trên 80%, và bây giờ -đang lác đác- ra hoa thì làm sao trúng mùa được? Còn trong rẫy tiêu, tôi chỉ trồng cây đậu phụng dại, có thể cạnh tranh dinh dưỡng (không đáng kể) nhưng có nhiều ưu điểm như không trôi dất (tức là không lây lan nấm bệnh, tuyến trùng… và khi cắt đi, một số lượng phân xanh bồi dưỡng cho đất cực tốt…còn trong mùa nắng, cỏ giữ độ ẩm cho đất rất tốt. Trong rẫy còn có mầu xanh, màu vàng của bông khá mát mắt… (hệ thống tưới tiết kiệm). Cần xin thêm ý kiến chia sẻ.
Lập Cây Gáo.
Anh Lập thân mến
Em không phải là người làm vườn như mọi người ở đây, anh đọc kĩ nội dung của em ở trên là em muốn hỏi ý kiến từ mọi người mà thôi anh à, còn chuyện trồng xen canh giúp giảm bớt nấm đó là em nghe gia đình bảo vậy nên muốn lên diễn đàn hỏi mọi người.
Chào các bạn.
Văn Dân cũng đã từng trồng xen tiêu và cà phê song rất vất vả khi chăm sóc hai loại cây này. Khi tháng 11 thu hoạch cà phê, nếu lúc này nắng hạn thì tốt biết mấy cho công việc thu hoạch, nhưng nếu thời kỳ này gặp trời nắng dài ngày thì cây tiêu lại cần nước để cây nuôi trái, nếu tưới tiêu thì ảnh hưởng đến cây cà phê. Ngược lại tháng 3 cây cà phê cần nước thì cây tiêu không cần mà lúc này phải hãm nước, thật rắc rối, đó là chưa nói là hầu như các cây khoảng 1,5 m trở xuống không có trái, vì bị cà phê che ánh sáng. .. Còn nhiều khó khăn khi chăm sóc nữa mà dẫn đến cà phê và tiêu đều bị giảm sản lượng.
Diễn đàn Văn Dân và các bạn bàn chuyện trồng tiêu xen cây cà phê, nhưng bài báo không nói rõ Ấn Độ hội nghị họ bàn trồng xen để tiết kiệm đất chứ không nói trồng xen cây gì ? Hãy chờ xem.
Chào @Văn Dân và bà con.
Do Ấn Độ và nhiều nước khác trồng tiêu theo lối quảng canh, hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, việc chăm bón hầu như không có nên năng suất rất thấp, chỉ khoảng 200 – 250 kg/ha, năm nào được mùa cũng tối đa là 350 kg/ha.. Gặp những năm thời tiết bất lợi thì mất trắng.
Chủ trương xen canh tiêu là trồng thêm đậu mè, cây ăn trái hay cây lương thực như bắp, sắn,… hoàn toàn không phải như đa canh ở nước ta.
Hội nghị đưa ra chủ trương xen canh nhằm mục đích nếu có mất lợi tức loại này thì có thu loại khác, miễn là nông dân vẫn sống được trên mảnh đất của mình, chứ không bỏ ra các thành phố.
Trồng tiêu chung với cà phê như @Văn Dân ở Cư Kuin là đa canh.
Chào bác Vịnh .
Cảm ơn bác đã cho em biết lối trồng quảng canh của Ấn Độ, em cứ tưởng họ trồng đa canh như ở Việt Nam nói chung và Cư Kuin nói riêng.
Xin chào tất cả bà con trên diễn đàn cho tôi tham gia với. Nhà tôi trước đây bốn năm vì sợ giá cả lâu dài của cây tiêu nên đã mua 2ha để trồng cà phê và xen hai hàng thì một hàng tiêu. Nhưng kết quả thì thật thảm hại sau này phải bán đi và chuyển đổi. Lý do là mỗi lần chăm sóc cà phê rất vướng, nhất là việc vét bổn bỏ phân tưới nước và xịt thuốc…
Còn xen cây ngắn ngày thì vườn nhà cũng có, trồng ăn cải thiện thôi, nhưng rắc rối vô cùng mỗi lần phun xịt thuốc không dẫm lên không được mà dẫm lên kéo dây qua thì xót quá! Theo tôi thì giá tiêu có thấp hơn chút nữa cũng nên làm chuyên canh thôi, còn quá rẻ thì sẻ tính sau đến núi thì ắt có đường !
Chào @Quyết.
Hiện nay bà con mình trồng tiêu đi vào thâm canh tăng năng suất bằng cách chủ động chăm sóc, phân, thuốc trên cơ sở KHKT và học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Hoàn toàn khác với các nước còn quảng canh, mọi cái họ đều phụ thuộc tự nhiên, không có sự can thiệp của con người. Nói nôm na như ta trồng cây mít, nhiều quả thì may, ít quả thì… ráng chịu.
Trình độ thâm canh càng cao thì năng suất càng tăng, chuyên canh càng nhiều thì nông sản mới dồi dào để trở thành hàng hóa xuất khẩu.
Nên chúng ta chỉ xen canh để gìn giữ sự cân bằng sinh thái cho môi trường tự nhiên chứ không nhất thiết phải như họ. Thân.
Chào bà con , chào các bạn!
Thấy bà con bàn về vấn đề này rất hay, tôi xin được chia sẻ một chút ý kiến của mình.
Vì mỗi cây cần lượng phân và nước khác nhau nên trồng xen canh sẽ khó chăm sóc hơn. Nhưng như bà con cũng biết Cà Phê, Cao Su, Hồ Tiêu.., cây nào cũng có lúc thịnh suy, nếu kinh tế cả gia đình chỉ trông vào một cây nào đó thì…Tôi từng có bài học xương máu về việc “cà phê thua cà pháo” nên nay tôi rất sợ chuyện chạy theo phong trào.
Nếu có thể thì nên chia dt đất mình ra và trồng vài loại cây có kinh tế cao, kết hợp ao, chuồng, như thế thà ta tiến chậm nhưng vững chắc, rất an toàn. Cây Hồ Tiêu đang trong thời vàng son nhưng ai biết chắc được “ra sao ngày sau” dịch bệnh, giá cả? …
Tôi đang có kế hoạch trồng độc canh 1,5 -2 ha Hồ Tiêu, nhưng chưa phải lúc này.
Tôi mới ngoài 40 tuy còn nhỏ so với các chú các anh, nhưng đã nhiều lần vấp ngã trong cuộc sống nên cũng tích lũy được một chút kinh nghiệm sống cho riêng mình.
Người nông dân thành đạt, ngoài tính cần cù chịu khó còn cần có một cái đầu biết mở ra đón nhận những cái mới, chắt lọc những cái hay về kỹ thuật để làm vốn cho mình, ngoài ra còn cần phải có chiến lược tầm xa 5 năm, 10 năm. Về kinh tế gia đình, học hành con cái …
Vài góp ý chân thành có gì thiều sót mong cộng đồng bổ sung.Thân mến.
Chào bác Nguyễn Vịnh! bái phục bác kiến thức, tập tục canh tác của người Ân Độ. Quyết cứ tưởng họ làm chủ giá cả sản phẩm tốt như vậy thì phần canh tác cũng tốt chứ. Cảm ơn bác về kiến thức này!
Giá tiêu xuống quá. Các bác nghĩ liệu nó có khả năng lên không ?
Theo tôi nghĩ mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Như nhà tôi ngày trước lỡ trồng cafe rồi làm sao dám chặt cafe đi để trồng tiêu nên đã trồng xen vào ngã tư cafe, chấp nhận mỗi cây ăn it đi một tí nhưng vẫn chắc ăn hơn là trồng độc canh, mặc dù vẫn biết là xen canh như vậy là chăm sóc có những khó khăn và hạn chế nhất định. Vài lời chia sẻ cùng diễn đàn.
Cho mình hỏi trồng xen dưới cây điều có được không và nọc sống trồng bằng cây gì thì tốt? Mình ở Bình Phước. Cám ơn các chú các bác
Bạn tiêu Cẩm mỹ, minh tưởng bạn tính trồng xen. Theo mình hiểu bên Ấn Độ đất ít chăng? và có lẽ họ xen tiêu vào những vườn cây có sẵn. Như bạn Tuấn Linh đang có vườn diều, xen quá tốt, tranh thủ kiếm thêm. Còn như dang có vườn tiêu, thì không nên. Tuyệt dối không nên.
Các bác cho em hỏi có thể trồng xen cây tiêu với cây đậu phộng, không phải cây đậu phộng dại đâu các bác, như thế có được không? mong các bác phản hồi sớm cho em biết.