Bà Rịa – Vũng Tàu: Khống chế được bệnh trên cây tiêu

Trong khi nông dân ở các tỉnh khác đang vất vả đối mặt với bệnh cây tiêu chết nhanh, chết chậm (CN-CC), thậm chí nhiều hộ gia đình phải bỏ cả vườn tiêu thì tại Bà Rịa – Vũng Tàu, từ 3 năm trở lại đây người trồng tiêu đã tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục bệnh này khá hiệu quả.

Các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh đã hạn chế được bệnh CN-CC nhờ canh tác theo hướng hữu cơ sinh học. Trong ảnh:Vườn tiêu của gia đình ông Phạm Văn Ánh, ấp Tân Bang, xã Xà Bang (huyện Châu Đức) năng suất 4 tấn/ ha.
Vườn tiêu của gia đình ông Phạm Văn Ánh, ấp Tân Bang, xã Xà Bang (Châu Đức) đã hạn chế được bệnh chết nhanh chết chậm nhờ canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, đạt  năng suất 4 tấn/ ha.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV), BR-VT được coi là thủ phủ của cây tiêu với tổng diện tích trên 8.000ha, xếp thứ 4 trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, trên toàn tỉnh mới có gần 90ha tiêu nhiễm bệnh CN-CC xấp xỉ 1% so với tổng diện tích. Cụ thể, bệnh chết chậm xảy ra trên khoảng 68ha, bệnh chết nhanh khoảng 20,5ha (với tỷ lệ nhiễm từ 1-3%) chủ yếu tại huyện Châu Đức và Xuyên Mộc. Bệnh CN-CC trên cây tiêu dù chỉ xảy ra rất ít, nhưng việc phòng bệnh CN-CC là rất cần thiết bởi nếu để cây nhiễm bệnh là khó có thể cứu chữa. Bà Trần Thị Yến, Phó trưởng Chi cục TT-BVTV cho biết, hiện nay bệnh CN-CC đã không còn là nỗi ám ảnh của người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh khi mà biện pháp phòng bệnh tổng hợp đã được triển khai và áp dụng.

 Thời gian qua, Chi cục TT-BVTV đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người trồng tiêu, như tổ chức hội thảo chuyên đề “Canh tác cây tiêu bền vững theo hướng hữu cơ sinh học” tại các vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh. Theo đó, người trồng tiêu trên địa bàn đã chuyển từ việc bón phân hóa học sang hóa phân hữu cơ (phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh) kết hợp với các chế phẩm sinh học. Biện pháp thoát nước trong mùa mưa và tưới nước trong mùa khô cũng được bà con quan tâm.

Ông Vũ Văn Nghĩa, xã Quảng Thành (Châu Đức) cho biết, sau khi tham gia lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây tiêu, ông đã áp dụng giải pháp bón phân cân đối, đồng thời cải tạo hệ thống thoát nước phù hợp với điều kiện vườn tiêu khá dốc. Ông còn tạo tỉa vườn tiêu thông thoáng, cắt bỏ các cành tiêu mọc sát đất và các dây thân vô hiệu mọc ra từ tán. Cây trụ sống cũng được tỉa thật thoáng trong mùa mưa. Các bộ phận cây tiêu bị bệnh được dọn sạch khỏi vườn để tiêu hủy. Nhờ đó, trong nhiều năm liền, vườn tiêu của gia đình ông không bị dịch bệnh làm chết cây.

“Trước đây, khi chưa được học các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu, tui thường làm bồn sâu, nước bị ứ đọng, tiêu thường bị chết, năng suất cũng chỉ đạt 1,5 tấn/ha. Nay làm bồn cạn, nước được điều tiết tốt nên vườn tiêu không bị ứ đọng nước, tránh được trường hợp tổn thương cho rễ tiêu và nấm bệnh xâm nhiễm, vườn tiêu luôn xanh tốt và đạt năng suất tăng gấp đôi” – ông Nghĩa cho biết thêm.

Còn theo kinh nghiệm của ông Trần Minh Phước, một hộ trồng tiêu tại xã Kim Long (Châu Đức) thì bệnh CN-CC trên cây tiêu xảy ra là do không tuân thủ đúng theo quy trình canh tác theo hướng hữu cơ sinh học. Theo ông Phước, sau khi học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu những thông tin do TT-BVTV cung cấp, người trồng tiêu đã thận trọng với việc sử dụng phân hóa học và bắt đầu mở rộng việc sử dụng phân hữu cơ. Ngoài ra, để tăng tuổi thọ cho cây tiêu, ông chú ý đến vấn đề thoát nước nhằm phòng bệnh chết nhanh. Vườn tiêu của ông được chia thành những lô trồng riêng biệt, cứ 100-150 trụ lại có một hệ thống thoát nước riêng.

Ông Trần Văn Thắng, một hộ mới trồng cây tiêu được 2 năm tại xã Bàu Lâm (Xuyên Mộc) cho biết, người trồng tiêu hiện nay ai cũng phải thuộc lòng cách sử dụng phân bón, tưới tiêu nước, đặc biệt là tuyệt đối tránh tình trạng bón thừa phân. Những hộ có khả năng tài chính còn đầu tư hệ thống tưới ngầm, cung cấp nước kịp thời cho cây khi cần thiết. Đây là những biện pháp phòng bệnh CN-CC khá hiệu quả.

Theo Quang Đạt (baobariavungtau.com.vn)

13 phản hồi cho bài "Bà Rịa – Vũng Tàu: Khống chế được bệnh trên cây tiêu"

Hoàng Lân

Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông hiện cây tiêu đang chết nhanh trên diện rộng, nhiều vườn tiêu cả ha chết sạch, tiêu non, tiêu tơ, tiêu đang thời kỳ kinh doanh cũng chết. Nhiều khâu trong quy trình canh tác tiêu của bà con trồng tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên làm ngược với bà con ở các tỉnh miền Đông.
Thiết nghĩ cán bộ khuyến nông, BVTV cùng bà con trông tiêu ở Tây Nguyên nên bớt chút thời gian đi tham quan khảo sát học tập kinh nghiệm trồng , canh tác Hồ tiêu bền vững ở Bà Rịa Vũng Tàu, sớm giảm tối đa bện chết nhanh chết chậm trên cây tiêu.

nguyễn nam

Chào cộng đồng
Đọc bài viết của nhà báo Quang Đạt, thấy sự quan tâm của Chi cục BVTV Tỉnh là vô cùng cần thiết. Song có điều những người trồng tiêu cần xem xét, tự mình rút kinh nghiệm để chăm sóc vườn của mình cho hơp lý tránh xảy ra học và làm thụ động. Vấn đề ở đây tôi muốn đề cập đến là vùng khí hậu.
Trải dài suốt từ Kon Tum đến Bà Rịa Vũng Tàu có biết bao vùng khí hậu cục bộ khác nhau, nơi thì mưa sớm nơi thì muộn, còn chỗ mưa nhiều, nơi ít, ngay trong một tỉnh đã khác nhau nhiều. Tôi ví dụ ở Đăk Lăk khu vực anh Ba ở Ea Kar mưa kéo dài đến tháng 11 âm lịch cá biệt có năm còn đến giáp tết, nhưng ở chỗ tôi vùng thấp nhất Ea H’leo thì nắng kéo dài suốt từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau hầu như không có mưa, chính vì thế mất rất nhiều công tưới vất vả. Xuất phát từ một ví dụ trên bà con lưu ý học cách làm, chăm sóc và phòng bệnh là chính đáng nhưng phải cân nhắc áp dụng vào vườn như thế nào cho hợp với khí hậu của vùng mình đang canh tác, tránh thiệt hại không đáng có.
Một vài suy nghĩ chia sẻ cùng cộng đồng.

Trần Xuân Hiệp

Xin chào cộng đồng giatieu.com
Cho em hỏi, tiêu bị chết nhanh nhưng đã sử dụng thuốc đổ gốc nay cây đã đứng bệnh. Tiếp theo em cần phải làm gì để tiêu phục hồi, em đỗ amino sinh học hoặc phân cá có được không? Xin chân thành cảm ơn!

duongtam

Bộ rễ tiêu bị tổn thương cần hồi phục rễ bón phân amino, đạm cá là tốt rồi, nên bổ sung phân qua lá bằng biosol giúp cây mau phục hồi nhé.

quốc việt

Xin chào @trần xuân hiệp. Vườn tiêu của bạn chận được dịch bệnh là tốt rồi, nhưng bước tiếp theo bạn phục hồi cây bằng amino hay đạm cá thì bạn nên cẩn trọng. Vì theo mình liệu nấm bệnh trong đất bạn đã tiêu diệt hết chưa ko khéo vô tình bạn lại bổ sung thức ăn cho nấm bệnh bùng phát… Theo mình bạn nên cách ly thời 1 thời gian, còn trên cây bạn bổ sung phân bón lá là đc rồi… Đây là ý riêng của mình xin góp ý cùng bạn xin chào.

Chi Mai

Chào @Trần Xuân Hiệp. Bạn bổ sung amino, đạm cá, bánh dầu, biogel… sau khi trị bệnh là rất tốt cho tiêu, giúp rễ phát triển và cây nhanh hồi phục, không phải ngại việc nấm bệnh vẫn còn. Giả sử bạn diệt chưa sạch thì nấm bệnh còn lại sẽ ăn gì ngoài việc tiếp tục gặm tiêu của bạn. Bạn sớm bổ sung Tricho + Pseud để giúp phòng chống dịch bệnh triệt để hơn nữa. Bạn chú ý thời gian cách ly tối thiểu 2 tuần. Đây là quan điểm của mình xin chia sẻ với mọi người trên diễn đàn.

Đỗ ngọc hiệp

Chào @nguyễn nam, bạn ở Ea H’leo vùng nào vậy.
Chào mọi người, theo mình cách sử lý tốt nhất trường hợp trên là nên dùng biogel bón chung với trichoderma là tốt nhất, khoảng nửa tháng thì phun phân bón lá 1 lần là ok

duongtam

Khi thấy trong vườn tiêu của mình hay những vườn lân cận đã xuất hiện bệnh chết nhanh chết chậm thì phải phun thuốc đặc trị diệt nấm cho tiêu. Khi đã mắc bệnh chết rồi thì phải đào bới gốc lên thu gom tất cả những gì còn lại đem tiêu hũy sạch. Cần theo dõi để phát hiện bệnh sớm nhât có thể…
Khả năng tiêu phục hồi lại còn tùy vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Những vườn tiêu bị rợp hay ứ đọng nước ở gốc tiêu là những vườn có tỉ lệ bị nhiễm bệnh cao.
Hiện giờ cũng gần tới giai đoạn giao mùa, bà con chăm bón đầy đủ phân, duy trì đủ ẩm, giúp cây có sức đề kháng tốt. Khi trời nắng gắt nên tiêu diệt các loại kiến trong vườn tiêu vì đây là vật trung gian làm lây lan rầy, rệp sáp…

mttaynguyen

Rất nhất trí với quan điểm của @Chi Mai.
Cây tiêu bị bệnh chết nhanh sau khi chữa khỏi sẽ èo uột và chậm phát triển trong nhiều tháng liền sau đó do hệ thống mạch dẫn bị tổn thương. Vì vậy cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, ưu tiên dùng các chế phẩm hữu cơ, thường xuyên tưới pseud và tricho kể cả trong mùa nắng. Vài dòng mạo muội cùng cộng đồng. Thân!

Hòa Hiệp

Có thể hòa chung pseud + tricho + biogel cùng 1 lúc tưới vô gốc tiêu được không vậy các bạn.

Đỗ Thành Trung

Chào Hòa Hiệp trộn Trichoderma + Pseud với biogel thì rất tốt. Vì biogel sẽ là nguồn nuôi cho tricho và Pseud hoạt động…
Thân!

Hòa Hiệp

Cảm ơn bạn Đỗ Thành Trung. Vậy 1 cây cho khoảng bao nhiêu lít vậy bạn. Tiêu nhà mình mới đôn đầu mùa mưa.

Đỗ Thành Trung

Bạn hòa 1kg biogel cho tối thiểu 1 phuy 200 lít nước để tưới cho 200 trụ tiêu, càng nhiều nước thì càng tốt hơn nữa.
Thân!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *