“Bé hạt tiêu” vươn vai thành tỷ phú

Năm 2012, “siêu bão” suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm nghiêng ngả hàng loạt các ngành kinh tế. Vậy nhưng, mặt hàng hồ tiêu của VN vẫn đại thắng, từ doanh nghiệp đến nông dân đều hể hả ngay giữa cơn giông bão cuồng nộ của thị trường. Bí quyết nào đã tạo nên thành tích đáng nể này của anh chàng “bé hạt tiêu”?

Con đường dẫn vào ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ thủ phủ của cây tiêu huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai trải nhựa phẳng lì. Chỉ khoảng 5 năm trước thôi, nơi đây đường sá còn gồ ghề, nhà tranh vách nứa nghèo nàn, tối chưa tắt nắng đã rỉ rả toàn tiếng côn trùng kêu rên buồn tẻ. Vậy nhưng từ năm 2007, khi giá tiêu bắt đầu chỉ biết ngóc đầu đi lên (phá vỡ quy luật bình thường, năm được năm mất), người trồng tiêu ở Thọ Lộc chẳng ngờ có ngày ấp mình, xã mình lại xuất hiện nhiều… tỷ phú đến thế.

Dọc hai bên đường giờ mọc lên vô số biệt thực theo đủ phong cách, từ Á đến Âu, từ hiện đại đến cổ điển, nhìn có vẻ không theo bất cứ quy hoạch chuẩn nào. Bỏ qua vẻ mỹ thuật nguyên tắc đó, nhìn ở khía cạnh kinh tế, rõ ràng người nông dân nơi đây đang có của ăn của để một cách đáng nể. Đặc biệt, hỏi ra mới “tá hoả” biết: có tới 90% nhà mới, biệt thự nơi đây toàn dân trồng hồ tiêu thuê thợ đến xây “xoành xoạch” trong vài năm nay, loáng cái cả ấp đã có vài chục biệt thự bề thế.

Trong số đó, ngôi biệt thự của ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm Liên hiệp CLB năng suất cao Phước Lộc khiến chúng tôi cứ tấm ta tấm tắc khen vì cái vẻ đồ sộ nhất, nhì trong xã. Anh Thắng khoe rằng, trước đây thì chỉ mơ cây tiêu cho đủ ăn, cuối năm thì có cái quần, cái áo mới cho con là mãn nguyện rồi.

“Nhưng đấy là khi cả ấp chúng tôi làm tiêu theo kiểu “may nhờ rủi chịu”, năng suất 1 – 2 tấn, giá bán lại quá thấp. Giờ thì khác, CLB năng suất cao đã hợp lực nông dân lại, đưa khoa học – kỹ thuật mới vào để đạt “siêu năng suất” trên dưới 10 tấn trên mỗi ha. Rồi 2 – 3 năm nay giá tiêu tăng vọt lên cả trăm triệu đồng mỗi tấn, vậy là vô số nông dân Thọ Lộc bỗng nhiên thành tỷ phú!”.

Tất nhiên, không phải chỉ ở mỗi huyện Xuân Lộc mới có anh chàng “bé hạt tiêu” vươn vai thành đại phú. Nhan nhản trên vùng đất Tây Nguyên, đặc biệt là tại Chư Sê (Gia Lai), hay tại miền Đông đất đỏ như Lộc Ninh (Bình Phước), Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu), hoặc Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Lộ (Quảng Trị)…, hàng vạn hộ nông dân đều được hưởng thành quả ngọt ngào từ những trái hồ tiêu bé nhỏ nhưng cay nồng, ngay giữa cơn cuồng phong suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.

Cây hồ tiêu đã giúp nhiều nông dân trở thành… đại phú

Nói về sự trỗi dậy của loài cây trước đây bị liệt vào dạng xoá đói giảm nghèo này, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) lý giải: “Chính người nông dân đã tạo ra sự khác biệt cho ngành hàng hồ tiêu!”.

Đây là mặt hàng duy nhất đến thời điểm này, người nông dân đã tự biết điều tiết lượng hàng: Khi thị trường giá xuống thì họ giảm lượng bán, còn khi thị trường giá lên thì họ mới đẩy hàng ra. Thực chất, đó là một hình thức tạm trữ trong dân mà chưa một ngành hàng nào làm tốt hơn hồ tiêu.

Vì thế, dù kinh tế thế giới suy thoái, nhiều mặt nông sản giảm giá, nhưng hồ tiêu XK của VN vẫn luôn trên 6.000 USD/tấn. Đặc biệt, dù sản lượng XK giảm khoảng 10% nhưng giá trị kim ngạch lại tăng và dự kiến đạt mức gần 800 triệu USD (tăng trên 10% so với năm 2011).

Thực ra, để có được thành quả này, nông dân trồng hồ tiêu VN đã được “tập dượt” trữ hàng nhiều năm nay và đây là năm thứ 5 liên tục VN điều tiết được thị trường hồ tiêu thế giới, giá năm sau luôn tốt hơn giá năm trước. Nếu như trước đây giá mỗi tấn hồ tiêu chỉ khoảng 20 triệu đồng, thì 2 năm qua giá đã vượt qua 120 triệu đồng/tấn, một mức giá giúp nông dân đạt siêu lợi nhuận gấp 5 – 6 lần vốn đầu tư.

Ngoài ra, lợi thế rất lớn là lượng hồ tiêu XK của VN luôn chiếm 40 – 50% của toàn cầu. Thế mạnh đó lại được tiếp sức bằng các nguồn thông tin cung cấp chuẩn cho người nông dân về giá cả, thị trường, cung cầu và những biến động trên toàn thế giới (trong đó VPA đóng vai trò chủ đạo).

Vì thế, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả nông dân cũng biết rằng, họ đang là “anh cả” trong việc cung ứng nguồn hàng: Những nước XK hồ tiêu khác như Braxin, Ấn Độ, Indonexia… có tỷ trọng XK so với VN rất thấp (chỉ bằng 30 – 40% của VN) nên ảnh hưởng về điều tiết không có. Vì thế, bất kỳ một bến động nào từ thị trường VN đều gây ảnh hưởng đến thế giới và đây chính là lợi thế để nông dân VN tự tin làm chủ nguồn hàng cung ứng ra thị trường, tạo giá bán như trong… mơ!

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA: Đến thời điểm này, các nước có sản lượng hồ tiêu lớn như Việt Nam, Ấn Độ gần như đã tiêu thụ hết hàng. Vụ thu hoạch tiêu của các nước khác như Malaysia, Indonesia, Brazil và Sri Lanka cơ bản đã hoàn tất. Vì thế, nhìn tổng thể số lượng tồn kho cuối kỳ của các nước đang trong thế hạn hẹp. Đây là thuận lợi để vụ tiêu mới của VN (từ tháng 2/2013) sẽ có giá tốt.

VPA khuyến cáo, mấy năm qua, việc trữ tiêu khi vào vụ thu hoạch và sau đó bán cầm chừng, chờ giá tăng đã cho hiệu quả cao, tạo tâm lý khá phổ biến. Vì thế, nông dân và doanh nghiệp VN cần tiếp tục phát huy thế mạnh này để đảm bảo vụ kinh doanh năm 2013 tiếp tục thắng lợi.

Ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng VPA: Tạo “QUẢ ĐẤM THÉP” Với lợi thế cực lớn của ngành hàng hồ tiêu, từ năm 2013 trở đi, nếu VN tập trung đầu tư để tạo ra “quả đấm thép hồ tiêu” như Malaysia thành công lớn với cây cọ dầu (sản phẩm cọ dầu Malaysia phủ sóng toàn cầu) thì chắc chắn giá trị gia tăng sẽ còn rất lớn…

Chiếm 50% sản lượng XK toàn cầu, lợi thế của cây hồ tiêu VN đã quá rõ. Theo ông, để tạo giá trị gia tăng lớn hơn nữa, ngành hồ tiêu cần tập trung làm gì trong năm 2013 tới?

Tôi khẳng định, nếu VN tập trung sức mạnh tạo một chiến lược phát triển tổng thể, cây hồ tiêu của VN hoàn toàn làm được như Malaysia đã thành công với cây cọ dầu. Trong đó, cần rà soát lại quy hoạch, đề ra chỉ tiêu phát triển cây hồ tiêu trong 5-10 năm tới. Thành lập Phân viện chuyên nghiên cứu, chuyển giao, bán sản phẩm sáng chế về công nghệ áp dụng cho cây tiêu như giống, phân, thuốc BVTV, máy móc, công nghệ thiết bị chế biến.

Đồng thời, đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng như hỗ trợ tài chính 30-50% thậm chí 100% giá trị cơ sở, thiết bị đầu tư cho xây kho, sân phơi, tấm bạt, lò sấy, xe chuyên dùng… cho các tổ chức hợp tác xã, hoặc hội nông dân những người trồng, chế biến hồ tiêu (nhiều nước đã hỗ trợ cho nông nghiệp từ nhiều năm qua).

Riêng Bộ Công thương cần hỗ trợ mạnh công tác XTTM trọng điểm quốc gia hàng năm, xây dựng và quảng bá thương hiệu hồ tiêu các tỉnh và thương hiệu hồ tiêu quốc gia tại các dịp tham gia khảo sát, triển lãm, hội chợ ngành hàng tại các thị trường quốc tế.

Ông có nhận thấy, việc bùng nổ diện tích hồ tiêu thời gian gần đây sẽ là rào cản lớn để ngành tạo nên sức mạnh “quả đấm thép” như ông vừa nói?

Vừa qua do giá bán cao, diện tích tiêu tăng nóng đã xuất hiện đặt ra nhiệm vụ nặng nề, khó khăn cho ngành BVTV và các nhà quản lý. Bộ NN-PTNT khuyến cáo ngành hồ tiêu giữ vững diện tích 50.000 ha, trong đó có cả những diện tích trồng mới bù cho diện tích già nua, sâu bệnh, phải đốn bỏ. Tập trung chủ yếu làm sao nâng năng suất lên bình quân 3 tấn/ha, đưa sản lượng lên 150.000 tấn/năm (hiện đạt 110.000 tấn/năm).

Giá hồ tiêu đang tốt như vậy thì diện tích tăng tự phát của nông dân không thể tránh khỏi, việc này hiệp hội và địa phương phải khuyến cáo rất chi tiết đến từng cơ sở. Chúng tôi thấy rằng, thành tỷ phú cũng do tiêu và trắng tay cũng do tiêu, vì thế bà con cần cân nhắc để không phát triển tự phát tràn lan.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam

1 phản hồi cho bài "“Bé hạt tiêu” vươn vai thành tỷ phú"

honam

“Chính người nông dân đã tạo ra sự khác biệt cho ngành hàng hồ tiêu!”. Nhận xét của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA) rất có lý!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *