Biểu hiện bệnh, quan sát hồ tiêu và cách chăm sóc (Phần IV: Tiêu già cỗi)

Có nhiều con đường để lựa chọn, nhưng tôi lại chọn con đường làm bạn với đất. Với nhiều bạn trẻ nó sẽ là mặc cảm. Một khi thấu hiểu cây cần gì, như thế nào mới là làm bạn với đất, làm thế nào để hiệu quả, mà bền vững. Khi đó tôi tin các bạn sẽ tự hào mình là một nông dân. Thành công luôn chờ đợi chúng ta.

 Phần IV: Tiêu già cỗi

Lúc này cây chỉ tập trung hoàn toàn vào sinh thực. Cây không phát lươn gốc. cũng không phát đọt non. Lá tiêu thường quăn lại, teo nhỏ như tiêu điên. Có cho chuỗi năng suất cũng rất thấp. Lúc này bà con nên tính tới đường thay thế vườn tiêu già cỗi.

Dấu hiệu cho ta biết tiêu cỗi ban đầu là 2 năm trúng 1 năm thất. Sau đó tăng dần lên 1 năm trúng 1 năm không có trái. Cuối cùng là cây trái rất ít, chuỗi ngắn ngủn, có khi không cho trái nữa.Với những cây tiêu này nó rất ít bị bệnh. Do mạch dẫn của nó chai lì như mạch gỗ, không có con gì muốn gặm. Chính bản thân ta cũng không muốn chăm sóc nó, ít chăm bón. Thế mà cây không hề bị chết nhanh gì cả?

Đa phần nguyên nhân cây chết là do tự bản thân ta. Vì quá chạy theo năng suất bón nhiều phân vô cơ, hóa học, lại lo bệnh này nọ… xịt vô số loại thuốc cho nó. Làm tổn hại đất, tổn hại cây. Đất pH quá thấp không còn phù hợp, cây kém phát triển.

Hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày, nếu cây nào không có năng suất thì nên thay thế. Tiêu già cỗi, tiêu kém năng suất đều không có kinh tế. Đau đớn nhất chính là mình trồng trúng giống kém chất lượng.

Vì thế khi bắt đầu trồng tiêu bà con nên lựa chọn giống cẩn thận. Hiểu rõ đặc tính giống đó, thì chăm sóc hồ tiêu mới trãi nghiệm được cảm giác tiêu chết già là thế nào.

Tôi mong bà con mình trồng hồ tiêu thế này: Chỉ có mình cho phép thì nó mới được chết, nó chưa được phép của mình, thì nó không được chết. Tôi chỉ cho nó chết già, hoặc tôi không ưng ý nó là cho nó đi ngay từ ban đầu. Quan sát cây để phán đoán nên trị hay nên bỏ, sẽ giúp vườn sạch bệnh mà đỡ tốn kém.

Khi thay thế vườn tiêu đã canh tác già cỗi, quan trọng nhất vẫn là khâu xử lý đất. Việc trồng mới trên đất tái canh là rất khó khăn.

Tôi thường xử lý đất tái canh như sau: Tháo bỏ cây tiêu già cỗi xuống. Trụ chết thì đốt ngay tại chỗ, còn trụ sống kéo ra xa 1 chút, khoảng 0,5 m tránh cháy trụ.Việc đốt như thế giúp khử trùng nấm bệnh, ngoài ra lượng tro nó trả lại cho đất rất giàu Kali. Bao nhiêu năm lấy dinh dưỡng của đất, thì thân xác ấy giờ đây trả lại cho đất mẹ. Trở về với cát bụi, để chuẩn bị cho một cây mới sức sống mãnh liệt hơn.

Tiếp theo ta cần đào hố phơi ải. Đào như thế nào để qua tầng đất cỗi. Vùng đất đó bao nhiêu năm không được cày xới. Do nó chịu sức hút của lực hấp dẫn, các phần tử đất nhỏ sẽ lặn xuống khoảng 20-50 cm kết dính lại. Đất cứng như đất thép Củ Chi.

Ở vườn tiêu kinh doanh, đây chính là nguyên nhân làm tiêu bị úng nước chết mà ta không hề hay biết. Nhìn mưa xong thấy đất ráo nước, nhưng thực chất nước bị ứ lại ở tầng này. Với cây tiêu chỉ cần 24- 48 giờ úng nước là rễ có thể bị thối, lúc này nấm Fusarium, Phytopthora… tha hồ mà xâm nhập theo vết thương. Thời gian ủ bệnh 1-2 tháng sau đó phát bệnh ra lá cho ta thấy. Lúc này có chữa trị bằng nhiều cách cũng không hiệu quả, mọi thứ giờ đây đã là quá muộn.

Do đó hệ thống rút nước tốt là yếu tố rất quan trọng trong canh tác hồ tiêu. Có nhiều nhà vườn không đào hệ thống rút nước nhưng vẫn không hề bệnh tật, vì họ biết bảo vệ vi sinh vật có lợi làm đất thông thoáng.

Nếu hàng năm, bà con đào qua tầng khó rút nước này, dùng nhiều phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma để đất tơi xốp, thì vườn sẽ rất ít bệnh tật. Kỹ thuật này rất hữu ích.

Cây hồ tiêu là cây công nghiệp cần độ mùn hữu cơ rất dày. Khi đào hố phơi ải bà con xịt các loại thuốc gốc đồng để khử trùng đất. Sau 1 tháng kiểm tra độ pH bón vôi và phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma. Nhờ Trichoderma xử lý phần rễ còn lại nằm trong đất.

Phương pháp này áp dụng cho cây tiêu bị chết cũng rất hiệu quả.Với cây trụ sống hố trồng cách xa trụ ra 1 chút, khi trồng cho lên trụ giả, sau đó đôn vào. Lúc này tiêu chiết trồng cho những trụ sống to là rất hiệu nghiệm. Giống như ta hóa phép cho đất đang cỗi trở nên màu mỡ lại, cây tiêu già thành cây tiêu tơ.

Tôi rất ít khi trồng lại tiêu lươn trên nền đất cũ, hoặc tiêu ác trồng trực tiếp. Mà thường sử dụng tiêu chiết hoặc tiêu trồng qua mùa khô cho ra ác, sau đó chỉ việc lấy đi đôn. Do nền đất cũ tiêu con rất khó phát triển. Trụ sống quá to, bỏ thì thương mà vương phải biết cách. Nếu tiêu già cỗi mà còn phát lươn được, bà con không vội nhổ bỏ mà hãy kéo lươn đó lên trụ giả xa ra 1 chút. Sau đó lấp đất lấy bộ rễ, vắt ngược lại cây.

Nếu là giống tốt, áp dụng kỹ thuật bấm đọt cho nó ra lại. Còn giống không tốt, có thể tiến hành ghép. Dựa vào sự hỗ sinh của cây tiêu để áp dụng kỹ thuật khôi phục vườn tiêu già cỗi rất hiệu nghiệm. (tham khảo)

Kiến thức của tôi chỉ là hạt cát giữa đại dương mênh mông. Nhiều hạt cát của cộng đồng sẽ trở thành những bãi cát thơ mộng. Cho dù đại dương có mênh mông bao nhiêu, thì bờ biển cũng dài bấy nhiêu. Chẳng phải vũ trụ bao la kia cũng hình thành từ những phần tử nhỏ bé đấy sao?

Chúc bà con thành công!

Nguyễn Minh Vịnh – Giatieu.com

73 phản hồi cho bài "Biểu hiện bệnh, quan sát hồ tiêu và cách chăm sóc (Phần IV: Tiêu già cỗi)"

Nông Văn Dân

Minh Vịnh quả là chuyên gia “chân đất”. Cảm ơn.

balo con coc

Chào anh Vịnh. Anh Vịnh ơi, bữa trước anh đã giúp em, em chân thành cảm ơn anh và gia đình. Hôm nay lại có việc muốn hỏi anh chút. Cây tiêu bị thối rễ non mình chữa như thế nào? Lần trước em có xem trả lời của anh nói xử lý như chết nhanh chết chậm, dùng nấm tricho hoặc thuốc gốc đồng. Như vậy tiêu đã bị như vây liệu sử dụng độc nấm tricho không hay với cái gì nữa. Còn sử dụng thuốc gốc đồng thì mình phun hay sục gốc vậy anh?
Anh thông cảm, em chậm hiểu lắm. Nhờ anh và các bác tư vấn giúp.

Nguyễn Minh Vịnh

Chào balo con coc!
Anh nên mô tả nguyên nhân gây bệnh để bà con ta có thể dể dàng tư vấn hơn!
Tiêu thối rễ non rất khó khôi phục. Ngoài các thuốc đồng và các thuốc trị nấm thông dụng ngăn ngừa nấm tấn công vào vết thương. Ta cần tập trung khôi phục rễ bằng phân bón sinh học, hoặc thuốc kích thích ra rễ. Hoặc loại thị trường nó hay ghi là siêu lân, kích thích ra rễ cực mạnh… Làm cho cây bung chùm rễ mới. Như thế có cơ may khôi phục.
Với thối rễ hạn chế tối đa việc bón vô cơ. Dạng như phân đạm, hay NPK…
Trichoderma cũng giúp ngăn ngừa nấm tấn công nhưng dùng ở giai đoạn ngừa sau khi dùng hóa học. Tác động của trichoderma khá chậm do đó dùng sinh học hoàn toàn trong trường hợp này rất khó. Để thối rễ khả năng em nó ra đi là rất cao. Đây là đặc tính của cây hồ tiêu. Phát hiện sớm chữa trị khả năng là 50 -50. Để biểu hiện thành bệnh thì phòng tránh lây lan cây khác là chính.
Thân!

balo con coc

Cảm ơn anh. Tức là em nó bị tuyến trùng với thối rễ non, em đã phun thuốc sinh học, bữa nay kiểm tra thấy đã ra rễ non mới nhưng ít, còn những cây khác thì kiểm tra thấy đầu rễ non bị thối anh à. Cây bị tuyến trùng sau khi phun thuốc mình muốn biết có hiệu quả không mình làm thế nào để kiểm tra vậy anh. Mặc dù là bộ đội nhưng em rất đam mê làm tiêu, nay thấy bị vậy nên cũng rất buồn, mong anh và cộng đồng gía tiêu giúp đỡ, em xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Minh Vịnh

Chào Balo con coc!
Nếu phun kích thích bung rễ non. Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết cây có hồi phục hay không là cây sẽ ra 1 vài chiếc lá non nhỏ màu hơi thiếu sắc tố 1 chút. Do nó vừa bị tổn thương rễ xong.
Riêng tuyến trùng nó quá nhỏ, mắt thường không thấy được ta phải có thời gian 15 – 30 ngày xem cây phát triển theo hướng nào mới biết được. Nếu hiệu quả cây sẽ bớt vàng lá lại.
Thân!

Võ Thị Lan Nhi

Cảm ơn anh rất nhiều về bài viết này.
Anh cho em hỏi, tiêu nhà em dạo này trồng cho năng suất thấp và bị vàng, chuỗi của nó rất ngắn và hạt lại không căng biểu hiện của nó như vậy là già cỗi hay bị nấm bệnh gì vậy anh? Giống như bài viết anh đã nói ở trên hay sao? Anh giúp em cách xử lý nhé!

Nguyễn Minh Vịnh

Chào Võ Thị Lan Nhi!
Năng suất thấp do rất nhiều nguyên nhân chứ không nhất thiết là tiêu cỗi. Ở đây tôi không biết chính xác Lan Nhi đã kinh doanh được bao nhiêu năm và giống gì? Mô tả vậy thật sự tôi cũng không biết nó là bệnh gì. Do chưa đủ cơ sở để có thể phỏng đoán, hay khẳng định nó là bệnh gì.
Nếu sẻ đất đỏ mùa này lá nó sẽ ngả vàng nhẹ. Giống này chuỗi cũng ngắn.
Chỉ mô tả sơ thế nếu đem trị nấm bệnh có thể bị oan. Nên kiểm tra độ pH có thể đất dư axit.
Hoặc có thể đất bị thiếu dinh dưỡng, tuyến trùng, rầy trắng… Xác định rõ nguyên nhân phòng và trị bệnh mới chuẩn được.
Thân!

đào minh hoang

Anh Vịnh ơi. Trước hết cho em được gửi lời cảm ơn và chúc anh sức khoẻ vì những giúp đỡ của anh. Mấy sào tiêu chuẩn bị cho kinh doanh nhà em (5 năm tuổi) 1 tuần này mưa liên tục, tiêu vàng lá và lây lan rất nhiều em có gửi hình ảnh vào gmail của anh Vịnh. xin anh Vịnh và mọi người giúp đỡ. Một lần nữa xin cảm ơn.

nguyễn quân

Anh Minh Vịnh ơi cho em hỏi vườn tiêu của anh cao tới 7 đến 8 m thì làm sao anh xịt thuốc lên thấu đọt để rửa cây sau khi thu hoach, và phòng ngừa côn trùng ở sau giai đoạn ra bông, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của anh cho em và bà con trên diễn đàn được biết được không ?

Nguyễn Minh Vịnh

Chào Nguyễn Quân!
Máy xịt áp xuất tầm 30 Pa là tới ngọn 10 mét ấy chứ.
Thân!

Tieu suy chupuuh

Chào anh Minh Vịnh. Tôi có 200 trụ tiêu suy chỉ sinh thực không sinh dưỡng. Đã xử lý tuyến trùng và đồng đỏ đầu mùa mưa. Dùng Pseudomonas phun tháng 1 lần, trichoderma trong phân khoáng humic kết hợp mỗi đợt bón phân cá 16.10.16. hoăc phân vô cơ. Cách nay hơn 1 tháng dùng vôi+lân văn điển rải xới gốc, rồi dùng siêu lân để kích rể, hiện nay chỉ có vài tay ác nhú lá non, một số không nhú tý nào. Anh cho hỏi tôi làm vậy đúng sai chỗ nào? đầu mùa đã lót phân trấu cà ủ cẩn thận. Mong anh chia sẻ. Thân ái

Nguyễn Minh Vịnh

Chào anh tieu suy chupuuh!
Nói về vấn đề tiêu suy. Anh chăm sóc để nó tiếp tục sinh trưởng. Thời gian khôi phục nó cũng gần bằng với thời gian một bụi tiêu tơ phủ trụ. Tại sao anh không tính tới đường thay thế nó. Bằng cách trồng cây mới cho lên trụ giả thay thế dần. Cây đó ta cho ăn và cho nó vào tầm ngắm để thay thế.
Bản thân tôi khôi phục tiêu già cỗi được. Tuy nhiên về mặt hiệu quả thì thua xa trồng mới.
Anh nên chọn loại giống mà vườn nhà anh đang già cỗi đó. Vì khả năng kháng bệnh của giống đó cực tốt trong vườn nhà anh.
Với tiêu già rất khó chết. Chăm sóc chế độ dinh dưỡng như phân chuồng hoai mục ủ trichoderma nhiều hơn. Cây sẽ trẻ lại. Dùng thêm các chất cytokinin, auxin và GA3 cây sẽ trẻ hóa. Ta để ăn thêm vài năm sau đó cây con thay thế đã kịp lớn. Một vài chia sẻ.
Thân!

Tiêu suy chupuh

Chào anh Minh Vịnh.
Cám ơn anh đã phản hồi. Tôi biết chăm sóc tiêu suy rất cực và thời gian có thể 2 năm mới hồi phục. Chắc phải làm như anh chia sẻ, cứ chăm để ăn và trồng mới. Hẹn anh em mình gặp nhau sẽ trao đổi nhiều hơn.
Thân !

Nguyen Chinh

Chào diễn đàn cho tôi hỏi nếu bây giờ mưa dầm có nên phòng bệnh chết nhanh hay không. Xin cảm ơn

Ba Thiện

Chào bạn, theo bạn có nên phòng bệnh chết nhanh cho tiêu không?
Tiêu nhà mình thì phòng mỗi năm 2 lần, sau mùa mưa dầm mình còn dùng vi nấm Trichoderma + Pseudomonas bổ sung thêm nữa. Phòng bệnh hơn chữa bệnh mà.

Nguyen Chinh

Ý kiến của Ba Thiện như mình đó. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hôm nay mình đang đổ thuốc

hữu nghĩa

Chào chào anh Minh Vịnh tôi mới đọc xong mấy bài viết của anh, bài viết rất tuyệt vời cho những người trồng tiêu. Tôi đang tìm những viết như thế này và giờ đã gặp, tôi ở Gia Lai và tôi sẽ áp dụng cách làm tiêu của anh kể từ nay. Cảm ơn anh trước đã và tôi có một số điều chưa biêt mong anh tư vấn dùm.
-Phân khoáng cụ thể là phân gì?
-Khi côn trung tấn công khẩn cấp ta dùng thuốc gì để luân phiên cho khỏi kháng thuốc?
-Lâu nay tôi vẫn dùng tervigo+ridomil để trị và ngừa tuyến trùng, ridomil+til để trị và nấm anh thấy hợp lí không? anh cho biết thêm loại cụ thể ngen.-
-Khi ủ phân chuồng anh dùng loại gi? Chứ mua nhiều loại chi phí cao quá anh.
-Phân chuồng ủ hoai và hữu cơ vi sinh khác gì nhau?
-Trichoderma có nhiều loại tác dụng khác nhau mình sử dụng tất cả hay ưu tiên loại đối kháng tuyến trùng thôi?
-Đổ và phun tricho+pseu ở giai đoạn mùa nắng hợp lí không? Gia Lai đang vào mùa nắng anh.
Cảm ơn anh chúc gia đinh sức khỏe.

Nguyễn Minh Vịnh

Chào anh Hữu Nghĩa!
Dạo này vi tính tôi hay bị hư nên thỉnh thoảng không theo dõi diễn đàn được. Do đó có những phản hồi chưa kịp đọc.
Phân khoáng cụ thể ở đây là những phân bổ sung trung vi lượng như: Mg, Zn, Fe, Cu, Si… Trên thị trường có rất nhiều chủng loại, chọn loại có thương hiệu uy tín mà dùng.
Riêng về côn trùng tôi mạn phép không trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên anh có thể chế thuốc trừ sâu sinh học từ rượu và tỏi. Thứ này tôi đang dùng khá hiệu nghiệm. Mặc dù có côn trùng nhưng nó không tàn phá vườn mình. Có cũng chỉ mức độ không đáng kể.
Đây là phương pháp trị tuyến trùng và nấm khá phổ biến. Anh nên dùng thêm phương pháp sinh học như trichoderma. Hoặc dùng các loại thuốc gốc lân hữu cơ dạng như basudin, diazan chẳng hạn.
Phân chuồng tôi thường dùng là loại: Bò, dê, cút, gà vịt… dùng chung trichoderma các loại bào tử chất lượng. Dùng 1 tuần là lên trắng xóa đống ủ. Nhưng muốn hiệu quả ta hoạt hóa cho nó bằng mật mía hoặc dịch khoai tây… Như thế sẽ đạt hơn.
Tùy nhu cầu sử dụng mà ta dùng cho hợp lý. Ví dụ như ủ phân thì ta dùng loại chuyên ủ phân, trị nấm dùng loại ngừa nấm và trị tuyến trùng ta dùng loại chuyên trị tuyến trùng. Đúng bệnh đúng thuốc.
Vào mùa nắng vẫn hoạt động tốt nếu có nền hữu cơ và dùng chung với phân sinh học như phân cá tự ủ.
Thân!

HỒ XUÂN HẢI

Xin chào cộng đồng giatieu.com trước tiên cho mình xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cộng đồng đã có một diễn đàn rất hay và bổ ích. Mình có một câu hỏi mong cộng đồng giải đáp giúp. Các vườn tiêu ở quê mình (Krông năng- Đăk lăk) khi kiểm tra mặt dưới của lá tiêu (cả trên đọt và dưới gốc, tiêu trồng mới và tiêu kinh doanh) đều thấy có những hạt trắng li ti, khi dùng tay chà vào nghe có tiến vỡ và ươn ướt. Đó là gì vậy? có làm ảnh hưởng đến tiêu không? cách chữa trị thế nào? xin công đồng giatieu.com cho mình lời tư vấn. Xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Xuân Phương

Cái này trên diễn đàn đã có nhiều người trả lời rồi; đề nghị bạn chịu khó tìm đọc lại. Tìm đọc lại sẽ đọc được những cái khác nữa; rất bổ ích đó!

Trang BP

Khi bị vỡ bạn có nghe nùi gì không?
Theo mình bạn ngắt vài ngọn lá tiêu có những hạt li ti đó để nhốt riêng khoảng 10 ngày xem có phải trứng côn trùng không? Từ đó mới có phương án phù hợp.

Chi Mai

Chào bạn Trang BP và các bạn.
Ba mình nói là trứng nhện đỏ, nhỏ lắm, mắt thường bạn phải nhìn thật kỹ mới thấy nó được. Nó chích hút nhựa trên lá tiêu, không làm chết cây nhưng lại làm cây suy yếu, giảm năng suất, lá mau rụng. Dùng thuốc trừ côn trùng bình thường cũng hiệu quả nhưng phải phun nhắc lại sau khoảng 10 – 12 ngày vì nó lây lan cũng nhanh..

HỒ XUÂN HẢI

Cảm ơn cộng đồng đã trả lời, một số người ở quê mình cũng cho đó là trứng Nhện Đỏ đúng là nó rất nhỏ nhìn thoáng qua như bột trắng vậy. Bạn Chi Mai có thể cho mình tên cụ thể của 1 loại thuốc cụ thể không, cám ơn bạn! thân

Sáng_tiêutơ

Chào a Minh Vịnh. Anh cho tôi hỏi là một vườn tiêu bệnh khoảng 50% nếu chăm sóc chữa trị tổng hợp thì sau bao nhiêu năm vườn tiêu mới sạch bệnh được. Cảm ơn anh. Thân

truongvancuong

Chào anh Minh Vịnh ! Tiêu không bung tay dù bấm ngọn hay chiết đi trồng nhưng tay không bung, vậy nó có bệnh gì anh giúp giùm.

Nguyễn Văn Chinh

Chào Sáng tieutơ. Theo tôi hiểu thì nấm phitopthora, bào tử của chúng được bảo vệ bởi 3 lớp vỏ dày, nó chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ khoảng 80 độ C trở lên và âm trên 30 độ C trở xuống. Thuốc sát trùng chỉ diệt được sợi nấm. Nếu bạn trị được triệt để trong vườn và không bị lây ở ngoài vào thì ít nhất 2 – 3 năm mới tạm sạch (không để sợi nấm sinh ra bào tử mới). Thân!

Sáng_tiêutơ

Chào anh Nguyễn Văn Chinh. Cảm ơn anh đã phản hồi.
Vậy là trong 2-3 năm đầu mình vẫn phải trị tiếp. Sau đó mới ngừa định kỳ, bón phân đầy đủ và cả trung vi lượng nữa anh hả. Chúc anh sức khỏe.

Đặng Chinh

Dạ cho em hỏi là: riêng tiêu con vào mùa khô, cắt cỏ phủ vào gốc, chống ẩm, có tốt hay gây nấm bệnh gì không? Xin trả lời giùm em ạ

Nguyễn Vịnh

Chào @Đặng Chinh
Muốn cắt cỏ tủ (phủ) gốc để giữ (chống) ẩm, cần phải làm tốt 2 việc:
-Nguồn cỏ tương đối sạch sẽ, không ẩn chứa nguy cơ dịch bệnh. Sau khi cắt, cỏ được phơi nắng để ánh sáng và nhiệt độ tiêu diệt những vi sinh vật có hại.
-Sau khi tủ cỏ, tưới vsv đối kháng Tricho+Pseud lên cỏ để ngăn chặn các vsv có hại nảy sinh, sống bám vào cỏ khô. Tưới nước giữ ẩm cho tiêu con theo chu kỳ chăm sóc mùa khô, tưới cả lên cỏ.
Khi vào mùa mưa, có thể tưới vsv phân hũy hữu cơ để cỏ thành mùn giúp làm tơi xốp đất.
Thân

Hoa tuylip

Em chào cộng đồng, năm rồi vườn tiêu nhà em có mấy trụ tiêu lúc chuẩn bị vào mùa thu hoạch thì lai rai lá vàng lần lượt rụng từ từ, cành nhánh cũng bình thường không tháo khớp, hoặc rụng đốt, nhìn vào chỉ toàn trái không hà toàn trụ tiêu cũng còn một ít lá xanh. Sau khi thu hoạch xong thì những trụ tiêu đó èo uột và chết, mà những trụ nầy trái rất nhiều anh à. Năm nay lại có thêm mấy trụ y chang như vậy, khoảng tháng nữa nhà em mới thu hoạch, vì trước đó không có dấu hiệu gì khác lạ nên giờ em không biết làm sao cứu, cộng đồng giúp em với ! Năm mới em chúc cộng đồng giatieu.com gặt hái nhiều thành công trong mọi lĩnh vực.

Trang BP

Chào bạn.
Vấn đề này cũng khá đơn giản. Không thấy có biểu hiện của bệnh mà tiêu vẫn chết sau thu hoạch là do tiêu nuôi hạt quá nhiều nên suy kiệt vì thiếu dinh dưỡng. Đây là điều thường thấy với những trụ tiêu cho năng suất cao mà bộ rễ yếu không đủ sức lấy dinh dưỡng từ đất để nuôi cây, nên nhà nông học mới nghiên cứu và tăng cường bón thêm phân qua lá.
Bạn sử dụng ngay phân hữu cơ sinh học Biosol để phun qua lá và đổ gốc Biogel để tăng sinh rễ. Chỉ 5-7 ngày bạn sẽ thấy ngay hiệu quả.

Nguyễn Vịnh

Chào cháu.
Vấn đề này theo cháu là đơn giản, nhưng với nhiều người trồng tiêu là một sự mất mát lớn mà không thấy.
Trong nhiều trường hợp thì cây sẽ không chết ngay sau thu hoạch mà sẽ trở thành tiêu suy, tiêu mau già cỗi và năng suất hàng năm giảm dần rồi mới chết.
Theo nhà sản xuất, sử dụng phân hữu cơ sinh học Biosol+Biogel sẽ giúp vườn cây già cỗi trẻ hóa rất hiệu quả, phục hồi nhanh và cho năng suất cao hơn trước. Cháu đọc kỹ lại những phản hồi của bác Trịnh Văn Ba ở TT Ea K’Nốp, Ea Kar sẽ thấy.
Cháu lưu ý nhé ! Thân

Thanh tu

Chào qúy cô bác! Cháu năm nay mới bắt đầu tìm hiểu và chăm sóc tiêu mà gặp vừơn tiêu bị bệnh chết dây và tháo khớp rất nhiều gần một nữa là bị tháo khớp từ dứơi gốc lên khoãng 1m mới có cành và lá nên mùa thu hoạch năm nay vườn tiêu của cháu cho năng suất rất kém nên cháu buồn lắm. Cháu muốn nhờ qúy cô bác tư vấn giúp cháu nên làm thế nào để năm sau tiêu của cháu đạt năng suất cao hơn. Cháu xin cám ơn!

Thanh Sơn

Chào @ Thanh tu
Để hồi phục được vườn tiêu này và cho năng suất cao hơn vào ngay năm sau như bạn muốn thì không thể.
Trước tiên bạn phải xử lý bệnh tháo khớp chết dây bằng các loại thuốc diệt nấm. Sau đó đôn hạ xuống và cho tiêu ra nhánh ác lại từ dưới lên. Đổ phân gốc amino kết hợp tricho + pseud để phòng trừ bệnh tái nhiễm. Có thể dùng phân hữu cơ sinh học Biosol+Biogel để giúp trẻ hóa cây. Xử lý trường hợp này không đơn giản, phải mất 2-3 năm mới xong.

Nguyen Trung Truc

2 – 3 năm, đúng là nan giải. Vậy thì trồng cây tiêu kế bên, thời gian đó nó phát triển cũng hơn rồi.

Thanh tu

Da cháu cảm ơn ý kiến cuả chú Thanh Sơn, nếu 2 – 3 năm mới hồi phục được thì lâu quá chắc là nên phá đi rồi tròng lại thì tốt hơn chăng! Mà cho cháu hỏi nấm pseud đó có sản phẩm nào là tốt để cháu mua về dùng ạ và coc 85 là thuốc góc đồng đúng không ạ, và công dụng của nó là gì ạ?

Hoa tuylip

Chào Trang BP. Cám ơn bạn rất nhiều, mình sẽ áp dụng ngay theo góp ý của bạn, hy vọng sẽ đạt được kết quả như ý. Thân

tran hung

Chào chú Vịnh và mọi người. Cho cháu hỏi : tiêu con bị đen đầu rễ, bị đen đầu rễ thôi còn rễ vẫn bình thường. Lá non ra thì rách, đen mép lá, lá già bị nấm đốm chấm nhỏ. Cháu đã bón phân sinh học dạng nước và trên lá phun thuốc nấm 3 lần nhưng hiện giờ vẫn không hết. Xin chú và mọi người giúp đỡ!

Nguyễn Vịnh

Chào @tran hung
Do không nói rõ đã bón phân gì và phun thuốc gì, liều lượng sử dụng như thế nào … nên cũng khó góp ý chính xác được.
Tuy nhiên, dự đoán bước đầu có khả năng là cây bị thừa đạm và cháy rễ non vì bón nhiều kali.
Thân

Nguyễn Văn Chinh

Chào Hoa tuylip và tất cả mọi người. Tôi có vài lời chia sẻ. Tình trạng cây tiêu cho quả sai do phân hoá, hoặc kích thích hoa ra quá độ mà nền hữu cơ thấp hoặc bón phân hữu cơ ít thì cây sẽ chết hoặc tuổi thọ rất ngắn. Dựa vào chăm sóc và chẩn đoán được để điều chỉnh số lượng hoa quả phù hợp với từng cây thì dù có nhiều quả đến mấy nhưng cây vẫn khoẻ, vẫn ổn định năng xuất cho năm sau. Nhà tôi chủ yếu chăm bắng phân hữu cơ, sinh học. Phân hoá chỉ để điều chỉnh theo nhu cầu của cây theo từng thời điểm. Thường khi cây đã đậu quả tới lúc thu hái thì tỷ lệ của quả và cành lá cân đối. Còn những cây chỉ thây quả không thấy lá đâu thì khi thu xong cây rất suy kiệt. Cho dù cây đó năng xuất không cao lắm. Mong các bạn tham khảo.

hồ đức mẫn

Chào chú Nguyễn Vịnh và diễn đàn giatieu.com
Cháu ở Gia Lai, chú cho cháu hỏi mùa nắng này có đổ được thuốc trị tuyến trùng rễ hay không?

Cường

Chào bạn @hồ đức mẫn
Chỉ trừ khi mưa dầm còn lúc nào trị tuyến trùng cũng được. Mùa này cần phải tưới cho tiêu đủ ẩm rồi đổ thuốc trị mới có hiệu quả.
Sau khi đổ thuốc khoảng 10-15 ngày, tiến hành bón phân các loại cho tiêu, ưu tiên phân cá, phân bánh dầu, amino hay đổ và phun lá phân hữu cơ sinh học Biogel+Biosol để hồi phục hệ rễ thì cây mới khỏe trở lại.

Hải Ngô

Nguyên nhân của bệnh tiêu điên, cách phòng ngừa, ai có thể tư vấn dùm tôi? Xin cảm ơn.

Nguyễn Văn Chinh

Chào Hải Ngô. Tiêu điên chủ yếu là do virut. Cây nặng thì nhổ bỏ chưa có thuốc trị. Nguồn bệnh chủ yếu từ giống mẹ hoặc ở vườn có vài cây rồi lây lan qua dao kéo. Phòng tránh là khi dùng kéo cắt phải đem hai kéo, virut điên ở môi trường tự nhiên 30giây là chết. Xạc cỏ hạn chế làm đứt rễ. Không cắt giống. Nếu cắt có thể bị lùn xoắn lá. Thân.

Nấm

Chào chú Nguyễn Văn Chinh, Anh Minh Vịnh và các chú các anh. Cháu mới làm tiêu, ở chỗ cháu nhiều lão nông có kinh nghiệm nhưng cắt 1000 thì cũng 200 điên, sắp tới cháu cắt khoảng 400 mà thấy lo quá. Các chú các anh có kinh nghiệm gì về chế độ phân bón trước và sau khi cắt, và cách cắt như thế nào ko ạ, nếu mình cắt trên mắt lươn thì nó có ra lươn ko? Cháu cảm ơn!

Nguyễn Văn Chinh

Chào @Nấm. Để ý vườn mẹ nếu bây giờ mà lác đác bị điên thì bạn không nên cắt giống Trước khi cắt khoảng 1-2 tháng không bón phân hoá. Cây phải cứng khoẻ, không xanh quá. Sau cắt cũng không bón phân hoá, chỉ bón hữu cơ . Tránh thời kỳ mưa dầm. Khi cắt phải dùng 2kéo. Chú ý những cây khảm (khảm nghĩa là lá bánh tẻ tới lá non vừa xanh vừa vàng nhạt đều như mắt lưới) vì những cây đó đã biểu hiện nhiễm virut điên). Còn cắt chỗ lươn đương nhiên là ra ác chậm hơn nhưng do lươn cách mặt đất cao quá vẫn phải cắt để tránh quần đùi. Thân!

Lê Hùng

Chào giatieu.com.
Tôi lần đầu học trồng tiêu, xin cộng đồng tư vấn giúp. Tôi mới trồng tiêu lươn 1 tháng, có hiện tượng chết một số cây, nhổ lên không còn rể nào. Bây giờ tôi dùng thuốc gì để trị. Vườn thoát nước tốt.
Xin cám ơn cộng đồng rất nhiều.

Thanh Sơn

Bạn kiểm tra lại chất lượng cây giống khi trồng, đặc biệt là bộ rễ đã ra đủ mạnh chưa.
Hoặc có thể do khâu chăm sóc, nhất là những ngày qua trời khá nóng…
Cũng không rõ bạn đã xử lý hố trồng như thế nào cũng là vấn đề !

lê hùng

Tiêu mới trồng bón lót phân chuồng chưa hoai mục, nhiều cây chết nhổ lên thối hết rễ . Xin cộng đồng tư vấn cho cách xử lý. Tôi xin chân thành cảm ơn.

tiêu lép

Phân chuồng ủ chưa hoai thì cũng như phân không ủ, tồn tại rất nhiều mầm bệnh, nên bón cho cây sẽ gây ra nhiều tác hại, tiêu con làm sao chịu xiết.
Bạn mua phân vi sinh chứa nấm trichoderma sp. bón ngay, có thể giúp kháng bệnh và phân hũy hữu cơ chưa hoai, may ra còn vớt vác ít nhiều ! Nhớ mua đúng loại.

lê hùng

Chào anh Vịnh và cộng đồng, tôi mới trồng tiêu lươn được 3 tháng. Lần đầu trồng chưa có kinh nghiêm gì về chăm sóc xin tư vấn giùm. Lá tiêu chin từng đốm như nắp chai hôm sau chín luôn đọt rồi chết. Nước chảy từ cây bệnh xuống mấy cây dưới chết luôn, chết rất nhanh. Xin cộng đồng tư vấn giúp, chân thành cảm ơn và xin chào.

Nguyễn Hữu Trọng

Chào bác Vịnh và mọi người. Cháu xin phép được hỏi là : Gia đình cháu tại Buôn Hồ, Daklak có 3 sào tiêu, trồng được 3 năm rồi nhưng cây thì sống, cây chết và đủ các loại nấm bệnh vàng lá, thán thư. Năm nay gia đình cháu quyết định nhổ bỏ tất cả, cày xới làm lại đất để gây dựng lại vườn tiêu mới. Vì đất trồng đi trồng lại mà tiêu vẫn chết nên cháu muốn hỏi bác Vịnh và mọi người cách phun thuốc, bỏ phân, loại giống… nhằm cải tạo lại đất trước khi trồng lại tiêu con.

Nguyễn Vịnh

Chào cháu @Nguyễn Hữu Trọng
Vấn đề cháu muốn trao đổi rất dài dòng, khuôn khổ của 1 comment không thể nói hết được.
Bác cũng muốn giúp cháu xử lý từng bước cho kỹ càng. Cháu gửi email về cho bác nhé.
Thân

TieuSach

Chú Vịnh ơi, chú cho cháu hỏi tiêu nhà cháu là tiêu tơ. Cháu thấy lá tiêu nó vàng ở dưới lá có rất nhiều chấm đen. Và cháu thấy tòan cây nó đã ngả sang màu vàng và cháu thấy nó lây sang mấy cây khác mong chú chỉ cho cháu biết đó là bệnh gì và cách chữa ạ . Chào chú mong chú sớm hồi âm cho cháu vì cháu đang rất hoang mang.

Nguyễn Vịnh

Chào @TieuSach
-Có dấu hiệu bị côn trùng chích hút, chủ yếu là bọ trĩ. Phun thuốc diệt côn trùng như Abatox, Vibamec… 7 ngày sau phun nhắc lại, nên đổi thuốc.
-Vàng lá còn do thiếu trung vi lượng. Dùng phân bón lá sinh học Biosol để bổ sung.
-Kiểm tra rễ xem có tuyến trùng làm tổ tạo thành các nốt sần. Dùng thuốc Tervigo hay Marshal sục gốc.
-Đo độ pH đất, dùng vôi điều chỉnh lên mức 5,5 – 6,5.
Sau cùng, dùng phân amino, đạm cá, bánh dầu, hay phân sinh học Biogel để hồi phục rễ, bón thêm lân Văn Điển khoảng 300 gr/gốc, tăng cường phân chuồng ủ hoai và rải phân vi sinh Tricho phòng bệnh đầu mùa mưa.
Thân

minhvt

Chào chú Vịnh và cộng đồng. Cho cháu hỏi là cháu có đổ gốc Agrifos+thuốc trừ sâu Amitage 200ec (trị chết nhanh), nếu cháu đổ tiếp biogel thì có bị mất tác dụng ko chú, nếu có thì thgian cách ly là bao lâu. Bỏ phân chuồng ủ với trichoderma cùng lúc với phân hoá học (ure) có làm mất tác dụng của nấm. Vì cháu mới làm nên còn ít kinh nghiệm, mong chú và mọi người tư vấn giúp. Cháu cảm ơn!

tiêu lép

-Sử dụng thuốc cách ly ít nhất 3 tuần.
-Ủ phân chuồng với nấm tricho, khi phân hoai thì tricho cũng tiêu hao gần hết. Bạn hỏi tác dụng gì? có lẽ bạn nhầm lẫn giữa tricho phân hũy hữu cơ với tricho kháng bệnh là khác nhau mà. Khi bón, cần cho thêm tricho đối kháng để ngừa bệnh

nguyenquocnam

Chào cộng đồng giá tiêu, cho em xin hỏi tiêu của em trồng được 2 năm rồi, trồng được 1 năm thì em đôn xuống bây giờ lên được 3/4 trụ rồi em có nên bón thêm phân đạm hay NPK cho tiêu mau phủ trụ không. Tiêu của em đã bón phân bò ủ hoai và phân nước sinh học rồi nhưng có vẻ chậm lớn cho dù đất khá là tốt. Cho em xin hỏi bác nào có kinh nghiệm cho em một lời khuyên, em xin cảm ơn nhiều.

Trung Anh

Tiêu tơ mà sao khó khăn vậy?
Bón phân đủ nhu cầu, phân đảm bảo chất lượng… thì nó phát ào ào.
Đừng vội chủ quan cho là đủ rồi

duongtam

Chào @nguyenquocnam
Mình không biết bạn định nghĩa về đất khá tốt của bạn như thế nào, nhưng với những gì bạn nêu trên chưa đủ cơ sở để mọi người tư vấn giúp bạn. Cụ thể về cách trồng và cách chăm sóc, bón phân gì, liều lượng bao nhiêu, và bón bao nhiêu lần rồi, cách bón ra sao… Có như vậy cộng đồng mới đưa ra được cho bạn cách làm hợp lý nhất !

lê viết tâm

Chào chú Vịnh và cộng đồng. Nha cháu có vườn tiêu trên 13 năm tuổi. Cho cháu hỏi cách tăng năng suất không ạ! Tiêu nhà cháu chuổi thi dai nhưng rất thưa nên năng suất rất thấp. Cho cháu xin hỏi chú và các bác nào có kinh nghiệm cho cháu một lời khuyên. Cháu cảm ơn!

Nguyễn Vịnh

Chào cháu @lê viết tâm
Muốn tiêu cho năng suất cao thì phải chăm bón cho cây khỏe, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, hãm nước làm bông đúng thời vụ, phòng chống sâu bệnh chu đáo… nói thì dễ nhưng làm mới trần ai lắm. Đặc biệt khi thị trường phân thuốc thật giả tùm lum, bà con nông dân không phân biệt được nên cũng… bó tay. Tất nhiên cũng không phó mặc cho sự may rủi mà cháu cần phải nổ lực tìm tòi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm…
Chú nói vậy để cho cháu hiểu rằng không thể chỉ qua 1 comment là giửi quyết được đâu !
Thân

Hoàng Minh Khuê

Chào chú Vịnh, và cộng đồng, cháu ở Đăk Nông nhà cháu có vườn tiêu năm nay năm thứ 3, hiện nay vườn nhà cháu đang bị vàng lá, chết từng dây, có bụi thì phần dưới gốc màu vàng còn phần ngọn thi vẫn xanh, cây kém phát triển, trên cây có nhiều nấm hồng. Cháu đã đổ thuốc tuyến trùng và rệp sáp 2 đợt, đổ thuốc trị nấm 2 lần nhung hiện nay vẫn còn bị chết. Nhờ chú và cộng đồng cho cháu một lời khuyên, cháu cảm ơn nhiều.

ho nam

Tuyến trùng, rệp sáp và không loại trừ cả mối đã gây hại rễ tiêu cho vườn từ năm trước. Khi cây bị hại ở bộ rễ thì cũng bắt đầu cho sự xâm nhập của nấm, đến khi cây vàng là bệnh đã nặng. Không thể cho cây xanh ngay được khi mà mới phun hay đổ thuốc hóa học. Những cây bị nặng sẽ chết nhanh hơn khi gặp thuốc hóa học tác động vào vùng gốc, rễ !
Ngừng ngay việc bón phân hóa học và thuốc hóa học, dùng phân sinh học Biogel tưới vào gốc giúp tiêu ra rễ mới ! Không để vườn bị nước từ ngoài đường chảy vào và ngập úng khi trời mưa làm nấm lây lan nhanh !
Tăng cường bón phân chuồng ủ hoai kết hợp nấm đối kháng trichoderma !

Nguyễn Ngọc Hương

Chào cộng đồng giatieu.com
Tiêu nhà em là tiêu Vĩnh Linh và tiêu Ta. Em thấy lá của nó cứ dính vào nhau rồi có mấy cái mạng nhện dính dính vào đó, sau 1 thời gian thì lá đó chết sạch, trường hợp này rất nhiều trên 1 cây. Xin cộng đồng tư vấn cho em biết cách xử lý. Em cảm ơn !

Thanh Hà

Tiêu đã bị nấm mạng nhện tấn công.
Dùng các thuốc trị nấm thông thường, xử lý kép 2-3 lần liên tiếp, đều có hiệu quả.

Bình Trang

Chào chú Vịnh, cháu có 450 cây tiêu, một nữa rất đẹp, mà cháu cũng ít xịt thuốc, một nữa còn lại kém chú ah, mà mùa này cháu bị một vài cây vàng, rụng lá rồi chết, giờ cháu phải phòng ntn ạ? Với những cây đẹp vừa phủ trụ, có hiện tượng lá non bị đen, cuốn. Cháu đã xịt Moventor, không biết có đỡ không ạ

Nguyễn Vịnh

Chào @ Bình Trang
Đã bị chết rồi thì lo chữa trị, sao lại còn muốn phòng ?
Ngay ngày mai, chụp một số hình thật rõ dấu vết bệnh, chuyển qua email để chú xem xét cụ thể nhé !
Thân

Bình Trang

Chú Vịnh cho con cái email của chú để con gửi hình ạ…

Nguyễn Vịnh

Chú chưa bao giờ cho ai email của mình cả…
Vì chú để sẵn trên trang rồi, khỏi cần xin !
thân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *