Bình Phước: Cảnh báo việc trồng tiêu ồ ạt
Hiện nay, hồ tiêu được giá, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây khác. Thế nhưng, việc nông dân ồ ạt chuyển sang trồng tiêu chẳng khác nào đánh bạc với may rủi và đang phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp Bình Phước…
“Nóng” về diện tích
Năm 2013, toàn tỉnh có hơn 11.000 ha hồ tiêu, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 8.820 ha. Dự kiến trong năm 2014, diện tích cây tiêu ở Bình Phước tăng trên 320 ha, nâng số diện tích cho thu hoạch lên hơn 9.000 ha. Hiện nay người dân đang đổ xô phá bỏ vườn cao su, điều, cà phê… để ồ ạt trồng tiêu, khi giá tiêu đạt mức trên 130 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Xuân Lương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, người dân trong xã đã phá bỏ nhiều loại cây trồng để trồng thêm gần 100 ha tiêu, nhiều nhất ở 2 thôn Bình Minh và Bình Hòa. Nhiều hộ chặt bỏ vườn điều, cà phê đã trồng 10 năm để trồng tiêu”.
Theo tính toán của người dân, hiện mỗi héc-ta tiêu cho thu hoạch đạt lợi nhuận 500-700 triệu đồng/năm. Với điều, cao su và một số cây trồng lâu năm khác nếu được mùa, được giá cũng chỉ lãi 60-80 triệu đồng/ha, còn mất mùa kèm thêm mất giá như niên vụ 2013 thì chỉ hòa vốn. Chính vì lẽ đó, nhiều nông dân đã chuyển toàn bộ diện tích cao su, cà phê, điều đang cho thu hoạch để trồng tiêu, thậm chí còn mở rộng đất bìa rừng, suối để trồng tiêu. Ông Nguyễn Công Tiến ở thôn Bình Hòa, xã Nghĩa Bình có 4 ha điều nhưng vì mất mùa liên tục, lại mất giá nên ông đã chuyển sang trồng tiêu và hiện đang tiếp tục mở rộng diện tích. Ông Tiến nói: “Tôi thấy bạn bè trồng nhiều, lại cho thu nhập cao nên trồng theo. Kỹ thuật trồng chủ yếu là từ kinh nghiệm người đi trước, sâu bệnh thì đã có thuốc”.
Việc người dân đổ xô trồng tiêu đáng báo động vì không theo quy hoạch. Ngành nông nghiệp cũng không thể nắm cụ thể diện tích cây tiêu mà người dân mới trồng. Vì vậy rất khó kiểm soát để đưa ra những khuyến cáo đối với người dân. Ông Lê Xuân Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm tra quy hoạch, Sở NN&PTNT chia sẻ: “Do địa bàn rộng, việc trồng tiêu của người dân chủ yếu là tự phát, chạy theo giá. Tại các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh và thị xã Bình Long có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây tiêu thì người dân không mặn mà mở rộng diện tích. Trái lại, các nơi khác không phù hợp với loại cây này lại trồng ồ ạt. Diện tích tiêu tăng thì đất rừng và các cây trồng khác bị thu hẹp…”.
Năm 2013, huyện Bù Gia Mập có tổng diện tích tiêu trồng mới đạt trên 1.000 ha. “Khi giá tiêu tăng cao, người dân lại tập trung vào loại cây trồng này để mong thu lợi nhuận lớn. Ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo người dân nên tập trung vào chất lượng cây trồng, tránh đầu tư dàn trải để mang lại hiệu quả kinh tế” – ông Trí cho biết thêm.
Đắng lòng vì tiêu
Để trồng 1 ha tiêu, chi phí khoảng 600 triệu đồng, chưa kể khoảng thời gian trên 3 năm chăm sóc mới đến thời kỳ thu hoạch. Vì thế nhiều người ví von cây tiêu là “cây của nhà giàu”. Nếu gom hết vốn liếng trong nhà để trồng cây tiêu, khi bị bệnh không kịp xử lý sẽ bị thiệt hại nặng nề. Ông Điểu Nhớ ở thôn Đắk Min, xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) có hơn 1.000 nọc tiêu đang chết trụi, chua chát: “Năm trước vì điều rớt giá nên tôi chuyển sang trồng tiêu. Không ngờ đến cuối năm tiêu phát bệnh và đến nay 2/3 diện tích đã chết, số còn lại chỉ sống lay lắt. Bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra coi như mất trắng”.
Bên cạnh những hộ sẵn vốn đầu tư trồng tiêu, cũng có nhiều hộ khó khăn, nhưng bị hấp lực bởi giá tiêu tăng cao nên sẵn sàng vay vốn ngân hàng, người thân với lãi suất cao để theo đuổi mộng làm giàu. Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Đắk Min cho biết, khoảng cuối năm 2012, ông vay ngân hàng gần 300 triệu đồng và cưa bỏ 5 sào điều để trồng tiêu. Thời gian đầu, cây tiêu phát triển rất nhanh, nhưng cách đây hơn nửa tháng gần nửa số nọc tiêu nhiễm bệnh và lan rất nhanh sang những cây khác. Do thiếu hiểu biết về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây tiêu hiện đang chết dần…
Tại xã Đắk Ơ, chỉ 3 tháng đầu năm 2014 đã có gần 5.000 nọc tiêu bị chết (tương đương 5 ha). Ở Bù Đốp, trong năm qua cũng có gần 26 ha tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh… gây thiệt hại lớn cho người nông dân.
Khuyến cáo đáng quan tâm
Ông Võ Đình Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh nói: “Nhiều vườn tiêu mới trồng vào những nơi có điều kiện môi trường, đất đai không phù hợp; việc đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học vào sản xuất còn hạn chế; sâu bệnh phát sinh gây hại dẫn đến giảm năng suất. Với việc phát triển cây tiêu ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường trong thời gian tới…”.
Việc mở rộng diện tích trồng tiêu thiếu định hướng sẽ phá vỡ cơ cấu cây trồng trong từng vùng, ảnh hưởng không nhỏ tới tư duy sản xuất lẫn hiệu quả kinh tế với người nông dân. Điệp khúc “trồng – chặt, chặt – trồng” vẫn là bài học đối với nông dân và ngành chức năng!
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân không nên chạy theo giá cả mà phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu, bởi sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, lúc đó giá hồ tiêu lại giảm. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo người trồng hồ tiêu không nên lạm dụng phân bón, thuốc hóa học để chăm sóc, mà nên phát triển loại cây trồng này theo hướng sinh học. Đây cũng là cách hướng đến sản xuất hồ tiêu theo phương pháp thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGap) để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo thương hiệu cho hồ tiêu Bình Phước.
19 phản hồi cho bài "Bình Phước: Cảnh báo việc trồng tiêu ồ ạt"
Nhìn cây tiêu con kìa !
Không cách gì để cây tiêu phát triển nổi vì đất quá chua, pH dưới 4, đất thiếu nền hữu cơ…
Những cây điều, cao su hút hết các chất dinh dưỡng rồi còn gì nữa đâu. Muốn trồng được tươi tốt thì phải cải tạo đất lại thôi.
Không chỉ ở Bình Phước thôi đâu, Gia Lai hiện nay diện tích trồng tiêu tăng cũng rất nhanh, số dt tiêu kinh doanh thì thấy bệnh và chết nhiều, tiêu tơ thì quăn rụng đọt. Cơ sở đúc trụ thì xã nào cũng có, nhiều vô số. Thật sự lo lắng không biết sau 2 đến 3 năm nữa tình hình sẽ như thế nào
Gía tiêu luôn ổn định ở mức cao Đắk lắk cũng ko ngoại lệ của việc ồ ạt trồng tiêu , ở vùng tx Buôn Hồ diện tích tiêu tăng nhanh chóng kéo theo đó là nhu cầu trụ và cây giống cũng tăng theo, trụ gỗ là 180 ngàn nhưng vẫn ko có để mua, tiêu giống thì 10 đến 12 ngàn một bịch nhưng giống ko đc đảm bảo.
Chết cứ chết nhưng trồng vẫn trồng, như vùng xa Bình Thuận có hộ ông Vương tích góp mua đc 5 sào đất trồng trụ đc 2 năm thì tiêu vàng chết hàng loạc chưa thu đc gì bỏ ra biết bao nhêu tiền bạc và công sức giờ đành nhổ trụ để trồng lại càfe.
Một nguyên nhân khác nữa là do giá càfe thấp vườn cafe thì gìa cổi, nông dân nhẩm tính trên một diện tích đất thu 1 năm tiêu là bằng 3 năm cafe, trồng tiêu chỉ cần thu 3 đến 4 năm vẫn hơn cafe.
3 đến 5 năm nũa cây tiêu thì chết cafe thì lên giá, thiệt hại lớn nhất vẫn là nông dân.
Chẳng cứ gì ở Bình Phước. Đi đâu cũng thấy người dân vẫn ồ ạt chuẩn bị trồng tiêu. Một số người không hiệu nhiều về cây tiêu, thậm chí rất lạ lẫm cũng sắp trồng tiêu. Thật là liều lĩnh
Tui dân Bình Phước. Tui thấy trồng tiêu xen trong chữ ngủ của cà phê là it bệnh nhất. Còn xuống nguyên đám thì cứ xanh được 3 năm đầu tới năm thứ 4 thì dễ nhiễm bệnh. Tốc độ lây lan cao hơn nhiều trong cây trồng xen cà phê. Nhà tui trồng dây lươn.
Thử hỏi các bạn, không trồng tiêu thì trồng cây gì ! mà gọi là ồ ạt?
– Rồi từ từ học hỏi để chăm sóc, chứ ngay từ đầu có ai biết gì về cây tiêu đâu. Đừng nói cho bà con lo lắng quá, nhưng hãy giúp kinh nghiệm và hướng dẫn khi có thể đươc. Bà con vẫn còn có nhưng e ngại : sợ thiên hạ bảo mình ngu (chính tôi đã gặp!).
Chào bác Lập. Dân ta rất muốn vươn lên làm giàu nên cây gì có giá là trồng theo ngay mà quên đi rằng kiến thức trang bị cho cây khó tính này chưa có nên giàu chưa thấy mà lại nghèo thêm.
Chào cộng đồng, tôi không phải người trồng tiêu, chỉ là cán bộ thống kê quèn, căn cứ vào những dữ liệu mà tôi có thì nông dân mình nên trồng tiêu vì năng suất và chi phí sản xuất cạnh tranh hơn so với các vùng canh tác khác, tuy nhiên cần có quy hoạch và kiến thức canh tác, kiến thức thị trường vững chắc trước khi trồng vì đầu tư cây tiêu là đầu tư dài hạn, cần có dự báo về thị trường dài hạn.
Lúc tiêu đang hot thì nhiều bác sẽ cảm thấy những chia sẻ của tôi là thừa nhưng tôi không nghĩ vậy.
Nếu bác nào trồng tiêu lâu năm thì hãy nhớ lại diễn biến giá trong quá khứ xem:
Tiêu đạt gía cao từ 1986-1989, sau đó giá giảm dần đến 1990 thì chạm đáy.
Nằm im đó đến năm 1994 thì bắt đầu tăng trở lại, chạm đỉnh năm 1989, giữ giá cao đến 2001 thì chạm đáy và nằm im đó đến 2006 mới ngóc dậy, lập mốc tạm năm 2008, sau đó tiếp tục tăng đến đỉnh tháng 9/2011 và giữ giá cao đến nay.
Nhìn lại những đợt biến động giá để thấy rõ quy luật: chặt-trồng-trồng-chặt trong quá khứ để tính kế hoạch cho hiện tại và tương lai.
Chắc chắn một điều là từ 2012 không chỉ ở VN mà các nước khác, nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu (vì một vốn-bốn lời mà), theo các bác trao đổi trên này thì vào năm 2015, những vườn tiêu trồng từ 2012 sẽ cho trái bối, giá sẽ bắt đầu hạ nhiệt từ mốc đó vì cung vượt cầu, thêm vào đó các vườn trồng sau chịu áp lực phải thanh toán các khoản vay mượn để đầu tư phải bán ngay khi thu hoạch để trả nợ. Quá trình giảm giá sẽ diễn ra trong suốt 2016 và thiết lập đáy vào 2017.
Để ứng phó với điều đó, dân mình cần lấy căn bản trồng trọt làm nền tảng, đầu tư công sức để học hỏi, trau giồi kiến thức canh tác, làm sao cho cây khỏe, năng suất cao một cách bền vững. Chính điều này đảm bảo cho bà con có thu nhập khi giá xuống và chịu đựng tốt hơn dân nước khác để chờ hưởng lợi khi lên giá trở lại ( khi họ chặt thì mình vẫn giữ).
Không riêng gì hồ tiêu, các ngành hàng khác cũng vậy, các đối thủ cạnh tranh chiếm thị phần của nhau khi thị trường khó khăn chứ không phải khi thuận lợi.
Tiêu là cây khó tính, nó không chấp nhận người chủ thiếu vốn hay thiếu kiến thức. Vậy những người mới bước vào nghề thì sao? Sẽ có nhiều người lo cho họ! nhưng cám dỗ của giá cả thì sao? mong rằng mọi phản hồi sẽ giúp họ tĩnh ngộ trước khi giá xuống thấp.
Tiêu bây giờ giá cao thiệt. Chỗ tôi ở BRVt cũng “người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu”, đất đồi cao cũng trồng tiêu, đất bùn lầy cũng trồng tiêu… nói chung là chặt điều, cafe, cao su để trồng tiêu. Rồi chuyện khoan giếng hơn 100m sẽ gây ô nhiễm nguồn nước…
Giá tiêu ko phải quyết định bởi sản lượng mà được quyết định bởi sự điều tiết cung – cầu. Rõ ràng sau 3 năm nữa dân mình đâu thể điều tiết cung cầu như hiện nay, vì khoản đầu tư đã bỏ ra nên bà con sẽ bán ồ ạt để thu hồi vốn, chắc chắn giá sẽ trượt dốc dữ dội. Theo tôi ko nên chỉ tập trung vào cây tiêu mà phải làm thêm cây- con khác nữa thì dân mình sẽ đứng vững khi tiêu giá rớt.
Cái vòng luẩn quẩn của nhà vườn chặt trồng… cứ như vậy không thể nào phát triển kinh tế được. 2 năm trước cao su được giá thì ồ ạt chặt cây trồng cao su, giờ tiêu lên giá lại ồ ạt đốn cao su trồng tiêu.
Người dân tự bơi như vậy thì khổ nhất rồi.
Xin chào các anh chị trong diễn đàn giatieu.com! Em là 1người mới trồng tiêu lần đầu. 3 năm trước em trồng đc 100 cây muồng đen đến nay đã lớn em có nên trồng tiêu ko ạ
Bạn nên tìm hiểu cách chăm sóc và kỹ thuật rồi hãy trồng vì 100 gốc ko đáng gì đâu. Vì theo tôi thấy nhiều nhà họ trồng hơn 1000 gốc (quá mạo hiểm) nhà tôi trồng tiêu nếu tính cây già nhất vườn thì cũng đc 13-14 năm rồi. Nay cũng đang trồng lại để thay thế nhưng cây già dễ sinh bệnh tật đó. Nhưng cũng không dám trồng nhiều, 1 năm trồng chừng 300-400 gốc. Vì trồng nhiều khó chăm sóc, ít thì có thì có thời gian chăm sóc tốt hơn (chăm sóc như con). Nhà đủ loại 13 năm 10 năm 9 năm 5 năm 3 năm và vừa rồi trồng thêm 250 gốc nữa. Thấy nhiều vậy chứ có chừng 1500 gốc. Chăm sóc nhiều lắm đa số thời gian trong ngày là ăn ở với tiêu, trung bình là 11-12 tiếng 1 ngày. Thuốc sâu bệnh, nấm này kia 1 năm phun 6-7 lần, đổ thuốc gốc 3-4 lần. Nhưng 1 năm cũng có vài 3 gốc ra đi. Nói trồng tiêu ngon, nhưng khâu chăm sóc không tốt xem có ngon không ? Tên của nó là “Tiêu” mà. Sơ suất là tiêu luôn.
Có vài năm đầu tiên làm phun thuốc nặng liều rụng gần 60% lá chỉ biết ngồi ôm mặt khóc. Cả gia tài dồn vào tiêu hết. Tiêu đi người cũng đi theo luôn. Sau đó trời thương tiêu phục hồi lại được mừng còn hơn trúng vé số.
Cây tiêu rất khó tính. Mưa nhiều cũng chịu nằng nhiều cũng không ưa. Đất trồng tiêu là mưa xong không đọng nước, đọng nước không chết trước cũng chết sau.
Vì vậy tôi đồng tình với bạn trồng nhưng phải biết kỹ thuật và cách chăm sóc. Chúc bạn thành công.
Nhà tôi có xưởng cưa, từ tết tới giờ bán cũng được khoảng 60.000 nọc tiêu, chủ yếu là gỗ tạp, mới biết dân mình trông tiêu cỡ nào, chỉ riêng xã tôi thôi, còn vài xưởng cưa khác nữa. Nhưng nhà tôi không trồng tiêu, dù đất có vài hecta, noc thì không thiếu…
Dù bán nọc tiêu cho bà con nhưng cũng thấy đau lòng lắm các bác ạ.
Nhiều nhà khi chở nọc tiêu vào vườn cho họ, tôi nhìn đất của họ là biết trồng tiêu không được, sớm muộn rồi cũng chết, vì nhà tôi 3 đời đều trồng tiêu, đến đời tôi thì tôi không trồng nữa, nên nhìn là biết thôi. Nhưng mình đâu dám nói. Chỉ biết họ mua thì mình cứ bán thôi.
Việc người dân thi nhau trồng tiêu cũng là bình thường, đó là dấu hiệu của sự điều chỉnh đúng theo quy luật, nếu người dân không đua nhau trồng tiêu thì ai chẳng phải năm nào cũng giá cao à
Nếu suy diễn như các anh thì chắc để đất trồng cỏ nuôi bò sao, mà với diện tích 5sào thì nuôi được mấy con, có đảm bảo cuộc sống hay không? Hay chỉ làm uổng đất và làm nghèo gia đình, làm nghèo đất nước.
Chào cộng . Chào các bạn !
Chắc ai cũng nghĩ vườn nhà tôi toàn là tiêu và tiêu bạt ngàn, nếu nghĩ như vậy đến trực tiếp thăm vườn sẽ thất vọng. Vườn nhà tôi không rộng lắm nhưng có đủ tiêu, cà phê, và các loại cây trồng khác tỷ lệ phù hợp, xen canh phù hợp, mục đích mang lại hiệu quả kinh tế cao. “con rết nhiều chân bị vặt mất vài cẳng, vẫn chạy tốt”. Việc giá tiêu lên cao nhiều năm nay mọi người phá để trồng, nhưng tôi chẳng dại. vd : như vườn tiêu nhà tôi, tôi xen rau ngót vừa chống xói lở đất, góp 1 phần vào thảm tươi để cân bằng sinh thái trong vườn, ngoài ra thu từ khoản rau này đủ chi phí các khoản cho cả vườn tiêu.
Tôi có người nhà ở Bình Phước có vài ha vườn, trước đây có điều, cà phê, ca cao, tiêu và hồ cá rộng lớn. Theo thời gian và giá cả các loại cây trồng đó lần lượt ra đi, kể cả ao cũng thành đất trồng cao su, bây giờ cao su đã “mở miệng”, ông chủ cũng mở miệng luôn, muốn quay lại chu kì cũ thì sức đã kiệt, nguồn lực cũng cạn. Bó tay ! đành để đó mà chờ thời.
Ít hôm nữa tôi về đấy chơi, có bạn nào ở gần Đồng Xoài giới thiệu để tôi được tham quan học hỏi.
Thân chào !