Bộ NN&PTNT loại bỏ 3 hoạt chất thuốc BVTV
Ngày 3/1, Bộ NN&PTNT đã ký quyết định số 03/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ các loại thuốc BVTV có chứa 3 hoạt chất gồm Carbendazim, Benomyl và Thiophanate-methyl ra khỏi danh mục.
Theo đó, 109 tên thương phẩm thuốc BVTV có chứa hoạt chất Carbendazim đăng ký phòng trừ bệnh hại trên khoảng 29 loại cây trồng, trong đó có 37 tên thương phẩm có hoạt chất đơn Carbendazim và 72 tên thương phẩm là thuốc hỗn hợp của Carbendazim và các hoạt chất khác (theo Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT ngày 21/4/2016) bị loại bỏ khỏi danh mục. Bên cạnh đó, 16 tên thương phẩm thuốc BVTV có chứa hoạt chất Benomyl (trong đó có 11 tên thương phẩm có hoạt chất đơn Benomyl và 5 tên thương phẩm là hỗn hợp của Benomyl và các hoạt chất khác); 90 tên thương phẩm thuốc BVTV chứa Thiophanate metyl (chủ yếu là hỗn hợp của Thiophanate metyl và các hoạt chất khác) cũng bị loại bỏ khỏi danh mục.
Theo quyết định của Bộ NN-PTNT, các loại thuốc BVTV chứa 3 hoạt chất Carbendazim, Benomyl và Thiophanate-methyl chỉ được SX, nhập khẩu Việt Nam tối đa 1 năm; được buôn bán, sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày 3/1/2017.
Kể từ ngày 3/1/2017, Bộ NN-PTNT cũng quyết định ngừng toàn bộ các thủ tục đưa vào danh mục đối với các hồ sơ đăng ký thuốc BVTV có chứa 3 hoạt chất nêu trên. Trước đó, Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) cũng đã có văn bản gửi các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV thông báo về việc tạm dừng tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép khảo nghiệm thuốc BVTV, cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV đối với 3 hoạt chất trên kể từ ngày 20/12/2016. Carbendazim (cùng với Benomyl và Thiophanate-methyl là hai chất chuyển hóa của Carbendazim) hiện đã bị nhiều nước trên thế giới, nhất là các thị trường XK nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU cấm sử dụng. Vì vậy, tồn dư của Carbendazim trên nông sản XK của Việt Nam đã bị nhiều thị trường cảnh báo.
Bên cạnh đó, đây cũng là hoạt chất hóa học có độc tính cao, với nhiều tác động tới môi trường, hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người. Cùng với việc loại bỏ Carbendazim khỏi danh mục, vừa qua, Cục BVTV cũng đã có văn bản gửi các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV cho biết: Cục BVTV đang hoàn tất thủ tục trình Bộ NN-PTNT xem xét, quyết định và giải pháp áp dụng lộ trình loại bỏ các thuốc BVTV có chứa hai hoạt chất 2.4 D và Paraquat ra khỏi danh mục.
Theo đó từ ngày 30/12/2016, Cục BVTV sẽ tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép khảo nghiệm thuốc BVTV, cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc BVTV đối với thuốc BVTV có chứa hai hoạt chất 2.4 D và Paraquat. Đối với các đơn vị đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc BVTV, tạm dừng ký hợp đồng khảo nghiệm và thống kê cụ thể các trường hợp chưa, đã và đang thực hiện khảo nghiệm đối với thuốc BVTV chứa 2 hoạt chất nêu trên và báo cáo về Cục BVTV trước ngày 15/1/2017 để kịp thời xử lí.
Theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013, các loại thuốc BVTV sẽ bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau: Có bằng chứng khoa học về BVTV gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường; Thuốc BVTV có hiệu lực thấp đối với sinh vật gây hạị.
Ngoài ra, thuốc BVTV thành phẩm hoặc hoạt chất trong thuốc thành phẩm có độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS) cũng sẽ không được đăng ký vào danh mục…
14 phản hồi cho bài "Bộ NN&PTNT loại bỏ 3 hoạt chất thuốc BVTV"
Chia sẻ đầu năm !
Năm qua, chú có tư vấn qua email cho một cô giáo có vườn tiêu khoảng 3 sào, bị bệnh vàng lá thối rễ, chết chậm.
Vấn đề là do chú cả nể, mà cũng vì cô ấy năn nỉ nữa, nên chú đã nói tên thuốc. Cô đi mua về phun+đổ theo phác đồ chú đưa. Tuần đầu, theo cô đánh giá bệnh giảm gần 70%. Chú đề nghị xử lý tiếp lần 2, lần này chỉ phun mà không đổ. Cô ra hiệu thuốc, họ hẹn 2 hôm nữa thuốc mới về. Nôn nóng, cô đi tìm ở các hiệu thuốc khác thì không có, chỉ có loại thuốc tương tự nên không mua. Vài hôm sau, hiệu thuốc nhắn thuốc về rồi, ra lấy. Thế là cô đem về phun… Hơn 2 tháng sau, có vài trụ biểu hiện bệnh trở lại… nhưng chỉ mới trong vòng 1 tháng nữa, 50% số cây phát bệnh đồng loạt. Chú đề nghị cô dùng thuốc gốc đồng kết hợp. 1 tuần sau, vẫn qua email, cô báo đã có 3 cháu ra đi…
Quái lạ ! vì sao ? Trong khi chú vẫn khuyên nhiều bà con dùng loại thuốc đó, và 3 năm nay chưa có email nào cho biết thuốc không hiệu quả hay hiệu quả thấp !
Sau 2 hôm xem xét khoảng 30 tấm hình cô thường xuyên gửi cho chú theo dõi. Chú đề nghị cô chụp lại tất cả hình ảnh bao bì thuốc đã dùng gửi cho chú coi. Đúng như chú nghi ngờ, số thuốc cô phun là thuốc nhái, trên bao bì có thêm mấy chữ quảng cáo nữa… Chú hỏi cô tại sao lại dùng thuốc bao bì có khác mà không báo cho chú biết. Cô chỉ nói là thấy đúng tên, đúng công ty, với lại hiệu thuốc cũng quen, cùng ở trong xã, họ nói công ty đổi bao bì mới để “hợp quy”…
Chú chỉ chia sẻ ngắn gọn vậy thôi. Nguyên nhân và kết quả, các cháu đã hiểu hết rồi chứ !
Thân
Chào chú Vịnh! Con xin vào vấn đề luôn. Xin hỏi chú thuốc gốc đồng kết hợp được loại nào, và phun khi nào thích hợp nhất. Cháu cám ơn chú.
Chào cháu !
– Tốt nhất là chỉ kết hợp với thuốc nhóm OH (cồn).
– Phun khi cây không nuôi trái.
Thân
Cho em hỏi – vườn tiêu nhà em, khoảng gần 200 nọc. Năm nay bắt đầu cho thu bói, có cần phải áp dụng kỹ thuật làm bông không ? Với lại có mấy nọc cuối vườn, dưới gốc hơi hanh hanh vàng, mặc dù cây vẫn phát triển rất tốt. Em dùng cuốc làm bồn thì thấy đất rất cứng, lớp đất mặt bị rửa trôi nhiều khi mưa lớn. Có phải độ pH đất bị thấp quá và lớp đất mặt tơi xốp, ít quá phải không ? Em có bới gốc, thấy rễ tơ vẫn bình thường.
Hình như nội dung làm bông cho tiêu tơ bạn đã hỏi mấy lần rồi.
Đất cứng làm rễ không phát triển nổi thì lấy gì hấp thụ đủ chất để nuôi cây mà không vàng. Bạn cần hạn chế hóa học, tăng phân hữu cơ, hữu cơ sinh học để hệ vsv có lợi giúp cải tạo đất tơi xốp hơn.
Các bác cho em hỏi : Tiêu lươn em trồng năm 2014, đến nay đang có bói ít, vậy năm nay có áp dụng được quy trình làm bông không ạ. Em mới làm tiêu nên không có nhiều kinh nghiệm. Xin cảm ơn !
Chỉ áp dụng biện pháp hãm nước với tiêu đi vào kinh doanh.
Còn tiêu bói chưa cần thiết, mà cũng không nên, mau suy cây.
Chào chú Vịnh! Chúc chú năm mới dồi dào sức khoẻ, bình an, hạnh phúc.
Xin hỏi chú về cách ngâm ủ bánh dầu miếng thế nào cho đơn giản mà lại hiệu quả. Tìm hiểu trên mạng không biết thế nào cả ? Xin chú tư vấn giúp. Xin chân thành cảm ơn !
Đọc các thảo luận trên bài “tự sản xuất phân cá giá thành rẻ” sẽ rõ hơn.
Chú ơi, vườn cháu đã bị chết 2 trụ rồi, nay có gần cả chục bụi cũng đang úa vàng, nắm ăn trên lá nhiều lắm. Chú giúp cháu với, xót lắm chú ạ !
Tiêu vùng cháu cũng vậy, bị chết nhiều lắm mà chẳng ai quan tâm ngó ngàng gì nữa. Hồi tiêu mới chết bà con ra đại lý mua thuốc về phun+đổ gốc nhiều lắm nhưng chẳng thấy ăn thua. Giờ thì ai cũng mặc kệ chú ạ !
Quyết định chữa hay buông xuôi là do cháu và gia đình quyết định.
Chú chỉ khuyên rằng bệnh nấm chết nhanh chết chậm trên hồ tiêu là không phải bệnh nan y nhưng thuốc phải đạt chất lượng mới chữa được, nếu không thì sẽ nuôi bệnh dai dẳng.
Hôm trước chú cũng giới thiệu cho mấy người bạn lên chỗ chú Ri mua biogel+biosol và thuốc trị bệnh nấm luôn. Tự cháu tìm hiểu thêm nhé !
Chào chú Vịnh, vườn tiêu nhà cháu củng đen vài bụi rồi mà giờ cháu chưa biết xử lý thế nào hết, cháu đang định mua thuốc gốc đồng về đỏ nhưng ra tiệm thì họ chỉ tùm lum, nhà cháu trước giờ không xài thuốc hoá học vẫn chăm sóc theo hướng sinh học, nhưng chả hiểu sao vẫn dính, chú cho cháu lời khuyên với.
Chú ơi cho cháu hỏi chút nhà cháu có trồng cây huệ trắng mà dạo gần đấy cây bị bệnh vàng lá héo dần rồi chết rồi lan ra diện rộng, phun nhiều loại thuốc mà không khỏi. Chú tư vấn hộ cho cháu với. Cảm ơn chú nhiều.
Vàng lá, héo dần rồi chết là hiện tượng bệnh. Bạn phải kiểm tra tình trạng rễ, củ, bên trong thân và kiểm tra các chất dinh dưỡng đã bón nữa mói chính xác. Phun nhiều thuốc mà không đúng với bệnh hoặc thuốc không hiệu quả thì khỏi kiểu gì ?
Nguy cơ cao nhất vẫn là do nấm, có thể xử lý bằng thuốc có hoạt chất kép mancozeb + melataxyl 72WP.