Bộ Nông nghiệp & PTNT: Thành lập tổ công tác về phòng – chống bệnh trên cây hồ tiêu

Vừa qua, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp & PTNT công bố Quyết định số 4828/QĐ-BNN-KHCN về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo nghiên cứu biện pháp phòng – chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu.

Ra mắt Tổ công tác chỉ đạo nghiên cứu biện pháp phòng-chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu.
Ra mắt Tổ công tác chỉ đạo nghiên cứu biện pháp phòng-chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu.

Theo Quyết định, ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam làm Tổ trưởng, ông Ngô Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật làm Tổ phó thường trực, ông Nguyễn Như Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường làm tổ phó cùng 10 tổ viên là lãnh đạo các Cục, Viện, Trung tâm thuộc Bộ và lãnh đạo thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai.

Kiểm kê vườn tiêu chết
Thống kê những vườn tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm ở địa phương

Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối, tập trung nguồn lực nghiên cứu các biện pháp phòng – chống bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu cho các vùng trồng tiêu của cả nước ; là đầu mối để phối hợp các đơn vị có liên quan thuộc bộ Nông nghiệp & PTNT, các địa phương, điều phối thống nhất các nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật phòng – chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu ; chủ động kịp thời đề xuất các biện pháp kỹ thuật, các giải pháp và cơ chế chính sách để phòng – chống bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu ; thực hiện chế độ giao ban tháng về diễn biến gây hại của bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu và các kết quả triển khai phòng – chống bệnh tại các địa phương trồng tiêu.

Theo Gia Lai Online

6 phản hồi cho bài "Bộ Nông nghiệp & PTNT: Thành lập tổ công tác về phòng – chống bệnh trên cây hồ tiêu"

Trịnh Văn Ba

Nhìn hình , ai cũng dễ dàng nhận thấy nguyên nhân gây tiêu chết là do đâu !
Úng nước vì những hố tử thần. Cây tiêu rất cần nước nhưng chỉ cần dư 1 chút thì đã có hậu quả !
Tự lo đi. Tổ công tác chỉ cưỡi ngựa xem hoa mà thôi !

duongtam

Tương lai hồ tiêu sẽ không còn chết nhanh chết chậm rồi bà con ơi . . . Vui lên đi !

Đinh Hữu Vấn

Đồng quan điểm với chú Trịnh Văn Ba, bà con nên tự trau dồi kỹ năng, kiến thức về canh tác nông nghiệp và cây hồ tiêu để tự cứu lấy mình trước đã.
Hãy hỏi và suy nghĩ tại sao người khác trồng được, chăm được mà mình lại không làm được. Những người biết cách chăm sóc cây hồ tiêu để giảm chết nhanh chết chậm không hề thiếu, điều quan trọng là bà con nông dân mình nên chịu khó học hỏi và chọn lọc để ứng dụng cho phù hợp với từng tình hình cụ thể.
Hãy làm thế nào để hồ tiêu Việt Nam luôn đứng số 1 thế giới về mọi mặt theo hướng tích cực. Làm được điều này hay không thì phụ thuộc rất lớn vào tất cả bà con nông dân hiện đang trồng hồ tiêu trong cả nước.

Đặng Tài Tuân

Bà con trước giờ trồng tiêu cũng đã thấy được, nếu cây tiêu đã có dấu hiệu chết nhanh hay chết chậm thì có tới 80% đến 90% là không cứu được. Còn nếu có chữa được thì cây tiêu cũng sẽ phát triển rất kém. Vì vậy cách tốt nhất là chúng ta nên phòng chứ đừng mong trừ bệnh này. Sau đây xin mạo muội gửi đến bà con một vài ý kiến :
Để có một vườn tiêu khỏe mạnh thiết nghĩ bà con nên cần chú ý đến :
1. Đất : Đa số các bà con không quan tâm đến môi trường của đất trồng, không biết được độ pH của đất như thế nào, có bị chua hay không, độ tơi xốp cũng như tình trạng đất canh tác ra sao, độ pH bao nhiêu là phù hợp với cây tiêu …vv.
Đây là vấn đề hết sức quan trọng, vì cây hồ tiêu hoàn toàn không thích ứng với môi trường đất chua, độ pH phù hợp là từ 5,5-6,5. Nhiều khu vực ở Bình Phước thì hầu hết độ pH đều dưới 5,0. Đất chua là môi trường lý tưởng để cho nấm bệnh phát triển, đồng thời cũng làm hạn chế sự hấp thu chất dinh dưỡng của cây tiêu. Ngoài ra, loại đất nào phù hợp trồng tiêu, đất có bị bạc màu hay không ?
2. Nước : Cần phải kiểm tra độ pH của nước xem có phù hợp với cây trồng hay kg ?
Lưu ý không nên tưới quá đẫm nước rồi khoảng cách mỗi lần tưới quá xa nhau. Vì nếu bạn tưới quá đẫm lượng nước ngấm xuống ngay lập tức nhiều như vậy sẽ kéo theo các hạt liên kết trong đất xuống sâu, lâu dần sẽ làm cho lớp đất bề mặt bị chai và dưới sâu khoảng 40-50cm sẽ có một lớp keo đất làm cho rễ bị bó lại không phát triển được. Nên tưới vừa đủ ẩm và cách nhau vài ngày tưới 1 lần. Nếu có hệ thống tưới thấm càng tốt.
3. Phân bón : Bà con cần lưu ý đã bón phân cân đối chưa, sử dụng loại phân bón có phù hợp không ? Nên sử dụng phân bón mang tính chất bền vững như phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học. Đối với bất kì loại cây trồng nào thì bón phân cũng nên bón với lượng vừa đủ. Bón nhiều quá thì lãng phí mà ít quá thì tất nhiên cây sinh trưởng và phát triển kém. Với tâm lý sốt ruột và tập quán canh tác cũ, bà con bón quá nhiều phân mà không biết đó chính là một phần tác nhân gây bệnh cho cây.
Bà con cần tham khảo để tính ra lượng phân để cân đối dinh dưỡng cho cây, ngoài ra thì các trung, vi lượng cũng đặc biệt quan trọng. Nếu thiếu chúng thì sẽ giảm năng suất cũng như khả năng kháng chịu sâu bệnh.
Thêm nữa, thời điểm bón phân cũng hết sức quan trọng. Bón khi nào, thời điểm nào thì sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng, ra hoa và kết trái.
4. Giống : Nên lựa chọn những loại giống tốt, giống rõ nguồn gốc,… Không nên mua giống ở những vườn đã có dấu hiệu nhiễm bệnh.
5, Vệ sinh vườn và làm mương thoát nước : Việc này có nhiều bà con xem nhẹ, tưởng chừng như không liên quan hay ảnh hưởng nhiều đến bệnh tật của vườn tiêu nhưng thực ra nó rất quan trọng. Nếu vườn thoát nước không tốt sẽ bị ngập úng vào mùa mưa (bà con lưu ý có những vườn trên mặt đất không thấy nước nhưng mùa mưa đào xuống khoảng 30-40cm thì thấy nước đọng nhiều) những vườn như vậy cần phải có hệ thống thoát nước xung quanh thật tốt. Cây hồ tiêu chỉ cần ngâm nước trong vòng 24 tiếng là đã có thể bị nhiễm nấm bệnh hoặc thối rễ rồi .Vào mùa mưa nếu vườn không được vệ sinh sạch sẽ, khô ráo thì sự rậm rạp của cỏ cây hay lá khô nơi gốc sẽ chính là môi trường lý tưởng cho nấm phát triển. Đối với tiêu non thì không để vườn quá nắng, đặc biệt là những vườn đất cát hay đất đỏ badan vì nắng chiếu trực tiếp xuống làm cho đất rất nóng sẽ làm rễ tiêu khô lại không hấp thụ được dinh dưỡng. Thường các hàng tiêu ở bìa vườn đón nắng buổi chiều rất xấu, phát triển chậm hơn.
6, Đoán bệnh : Bà con cần chẩn đoán bệnh cho cây tiêu chính xác, tìm hiểu xem như thế nào là đốm lá, thán thư, rệp, côn trùng, chết nhanh, chết chậm… rồi cây tiêu có biểu hiện như thế nào là thiếu dinh dưỡng, thiếu trung vi lượng để bổ sung kịp thời cho cây.
Xin chia sẻ một số vấn đề chính với bà con.

Mangyang

Mọi người cho cháu hỏi : hôm nay cháu ra vườn tiêu phát hiên nhiều nọc bị rủ héo lá dù vẫn màu xanh . Vậy mong mọi người cho cháu lời khuyên với ạ cháu xin chân thành cám ơn

Chi Mai

Bạn bươi rễ tiêu ra kiểm tra xem, nếu rễ bị thối đen rồi thì bó tay.
Nguy cơ vườn tiêu bị bệnh chết nhanh đó bạn à !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *