Bón phân cho cây hồ tiêu
Nhằm cung cấp kiến thức về trồng và chăm sóc hồ tiêu, Giatieu.com thân mời bà con tham khảo bài viết sau đây để có thêm kiến thức bón phân cho cây hồ tiêu ở giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh. Bài viết do Giatieu.com sưu tầm.
1- Đặc điểm chung của cây hồ tiêu
Thời gian các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu như sau: Từ khi gié xuất hiện đến khi hoa nở hoàn toàn khoảng 30 ngày, từ khi hoa nở đến quả chín khoảng 7-10 tháng. Ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ hồ tiêu thường chín vào tháng 1, tháng 2 và có khi kéo dài tới tháng 4, 5 nếu gặp hạn đầu vụ.
2- Nhu cầu dinh dưỡng
Hồ tiêu có nhu cầu phân bón không cao về lượng nhưng lại yêu cầu cao về chất. Phân tích lá hồ tiêu thấy tỷ lệ các khoáng dao động trong khoảng 3,1-3,4% N; 0,16-0,18% P; 3,4-4,3% K; 0,44% MgO; 1,67% CaO và luôn cao hơn so với các cây khác. Cây tiêu cần nhiều đạm và kali nhất sau tới lân, canxi, magiê và các vi lượng khác. Đạm giúp hình thành chồi, phát triển thân lá và quả. Thiếu đạm, cây kém phát triển; thừa đạm, quả ít, sâu bệnh nhiều. Lân giúp rễ tiêu phát triển, thúc đẩy quá trình hình thành mầm hoa. Thiếu lân, cây cằn cỗi, lá vàng. Kali giúp cây quang hợp tốt, giảm rụng quả, tăng sức kháng bệnh của cây, tăng chất lượng hạt. Tiêu cần nhiều kali trong giai đoạn ra quả. Thiếu kali lá xoắn, bìa lá khô.
3- Bón phân cho hồ tiêu
Ở nước ta, hồ tiêu được trồng chủ yếu trên đất đỏ bazan, đất vàng đỏ trên granit và đất xám do vậy cần bón cho tiêu nhiều kali và đạm, lân thấp hơn, bón đủ trung, vi lượng. Tùy từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển, cây tiêu cần các loại phân bón với tỷ lệ khác nhau.
+ Bón phân cho hồ tiêu kiến thiết cơ bản:
-Bón lót: 10-15kg phân hữu cơ hoai mục và 1 kg phân hữu cơ vi sinh cho mỗi hố trước khi trồng.
-Tưới thúc: Khi hồ tiêu ra rễ mạnh, hòa tan 30-50gam phân NPK-20-20-15+TE trong 20 lít nước, tưới 2-3 lần, cách nhau 10-15 ngày/lần nhằm giúp hồ tiêu ra rễ mạnh, phát cành khỏe.
-Bón thúc: hàng năm bón phân bón NPK 20-20-15+TE với lượng: 0,5-0,7 kg/nọc cho năm thứ nhất; 0,7-1 kg/nọc cho năm thứ 2. Lượng phân này chia làm 4-5 lần bón vào đầu, giữa, cuối mùa mưa và 1 lần vào mùa khô. Cuối năm thứ hai cần bón bổ sung 0,5 – 1kg phân hữu cơ vi sinh /nọc để hồ tiêu phát triển mạnh, nhanh có hoa.
+ Bón phân cho hồ tiêu kinh doanh:
Hồ tiêu kinh doanh cần bón 3-4 đợt/năm. Bón phân đợt 1 sau khi thu hoạch, đợt 2 trước ra hoa, đợt 3 sau đậu trái và đợt 4 bón nuôi trái. Lượng phân hữu cơ cần bón 5-10kg/nọc, bón ngay sau khi thu hoạch. Khi bón cần xẻ rãnh nông giữa 2 nọc tiêu rồi rải phân hoặc vét bồn rồi rải phân vào mép ngoài bồn và xới nhẹ đất để vùi lấp phân. Các đợt bón sau có thể chọc lỗ để bỏ phân hoặc rải phân vào mép bồn rồi xới nhẹ để vùi lấp phân.
Để hồ tiêu có năng suất cao, chất lượng tốt cần sử dụng phân bón 20-8-16+TE chuyên dùng cho hồ tiêu có chứa đầy đủ và cân đối dinh dưỡng đa, trung và vi lượng. Bón phân 20-8-16+TE chuyên dùng cho hồ tiêu theo qui trình sau: Sau thu hoạch: bón 1-2kg vi sinh và 0,5-0,6 kg 20-8-16+TE/nọc. Trước ra hoa rộ: bón 0,3-0,4 kg 20-8-16+TE/nọc. Sau đậu quả: bón 0,3-0,4 kg 20-8-16+TE/nọc. Nuôi quả: 0,4-0,5 kg 20-8-16+TE/nọc.
Ngoài phân bón gốc, việc bổ sung phân bón lá rất cần thiết để hồ tiêu đậu nhiều trái, năng suất cao. Phân bón lá có hàm lượng đạm cao như 30-10-10+TE hoặc hoạt chất tăng trưởng gốc axit amin như Protifert vào thời kỳ sau thu hoạch, tỉa cành nhằm kích hoạt chồi mới phát mạnh, cành vươn tốt, nhanh có hoa. Phun phân bón lá có hàm lượng lân cao như 6-30-30+TE và chế phẩm có hàm lượng Bor cao vào thời kỳ hồ tiêu ra nụ để kích thích phân hóa mầm hoa và giúp hoa nở tốt, đậu nhiều trái. Phun phân bón lá có hàm lượng kali cao và canxi cao như 10-5-45+TE vào thời kỳ sau đậu trái và dưỡng trái nhằm giúp trái lớn nhanh, to hạt, chống rụng trái và đạt năng suất cao và chất lượng tốt.
TS Nguyễn Hoàng
12 phản hồi cho bài "Bón phân cho cây hồ tiêu"
Sao mà bón phân vô cơ nhiều thế, trụ tiêu mà bón đến gần 2kg phân vô cơ một năm thì có nhiều quá không? Chưa tính phân vi sinh nữa chứ, các bạn trồng tiêu thấy thế nào, mời các bạn góp ý.
Năm ngoái nhà em bỏ tất cả khoảng 3,5 Kg phân hóa học. Gồm 2Kg lân đầu mùa mưa và 1,5 Kg NPK rải đều mùa mưa luôn, cộng thêm 2Kg vi sinh nữa và khoảng 35 khối phân bò nữa cho 1.000 trụ.
Tuy phân nhiều vậy nhưng năng suất cũng không cao lắm, chắc được khoảng trên dưới 3,5 tấn thôi. Em nghĩ mình bỏ phân vẫn chưa hợp lý nên năng suất được chỉ có vậy, ai có cao kiến gì thì chỉ cho em biết với nhé.
Tui chắc chắn là ông TS này có đầu tư cổ phần trong nhà máy phân NPK, hoặc chi ít là ông đang quảng cáo cho hãng phân trộn vô cơ nào đó.
Hiện nay có nhiều ý kiến cho là không bón phân vô cơ vì dư lượng hóa chất sẽ tiêu diệt vi sinh có ích trong đất. Thế mà ông TS lại cho bỏ quá nhiều phân NPK nghĩa là sao?
Bà con nên thận trọng với số lượng phân NPK khuyến cáo trong bài này. Tôi thấy là quá… quá nhiều !
Hiện nay, nhiều nhà khoa học khuyên nông dân tăng cường bón phân hữu cơ hạn chế bón phân vô cơ để gia tăng sự bền vững trong canh tác nông nghiệp. Hình như quan điểm của tác giả bài viết này thì ngược lại, phân hữu cơ sử dụng không đáng kể !
Dù sao cũng là một bài viết để bà con tham khảo.
Em thấy sử dụng theo hướng vi sinh vẫn an toàn hơn hết, vì trong phân hữu cơ vi sinh cũng đã chứa tất cả các thành phần dinh dưỡng thiết yếu, và điều quan trọng là trong vi sinh nó chứa một quần thể vi sinh vât hữu ích giúp cây khỏe mạnh và hạn chế sâu bệnh, nhất là bón phân vi sinh kết hợp với nấm trichoderma. Còn về vô cơ cũng nên bổ sung nhưng cũng phải thận trọng khi sử dụng không để dư thừa, hàm lượng phân vô cơ sẽ phá vỡ hệ thống vi sinh vật trong đất, làm giảm khả năng kháng bệnh và làm “chai” đất.
Mong các bác giúp! Đối với cây tiêu sau khi thu hoạch trái, tôi đọc trên mạng người ta kêu bón phân vi sinh là tốt nhất. Vậy khi bón phân vi sinh cho tiêu thì có nên trộn thêm phân NPK không? Nếu có thì trộn thế nào? (tỉ lệ thế nào là hợp lý)
Mong nhận được phản hồi từ các bác có kinh nghiệm!
Chân thành cám ơn.
Vườn tiêu nhà mình năm nào cũng mỗi gốc một xe rùa phân bò ủ hoai (ử với các loại nấm đối kháng gây bệnh), 0,5kg lân và 0,5kg vôi sau khi thu hoạch. Trước khi ra hoa bón thêm ít Urê, lân để cây ra hoa đồng loạt. Sau khi đậu quả mình bón thêm 3 lần phân bón lá, và 2 lần phân hóa học để nuôi trái.
Năng suất thường thường 7-8kg/trụ (trụ bê tông cao 3m), cả chục năm chẳng bệnh tật gì.
Chào cháu @kiến thép
Để nắm được cơ bản về việc bón phân cho cây hồ tiêu, chú mong cháu đọc bài viết này của TS Nguyễn Hoàng. Sau đó, cháu có thể hỏi từng chi tiết, từng giai đoạn để nhận được sự tư vấn hợp lí hơn, kể cả những bổ sung, điều chỉnh kết hợp giữa hóa học và hữu cơ vi sinh. Thân
Bác Nguyễn Vịnh ơi, cháu chuẩn bị trồng tiêu và muốn hỏi quy trình bón phân cho tiêu ạ, bác chỉ giúp cháu với. Cháu đang định dùng phân bón tan chậm để bón cho hồ tiêu bác ạ. Cháu cảm ơn bác.
Sai lầm sau thu hoạch bón ko có tác dụng, ngta bón 3kg hữu cơ 200gr NPK trước thu hoạch 10 ngày tưới đều là an tâm.
Bón phân không bao giờ là sai lầm mà chỉ đạt hiệu quả cao hay thấp thôi.
Bón trước thu hoạch rất hợp lý. Sau thu hoạch cần hồi phục, chống suy cây…
Chỉ khi cây sung sức, đủ chất thì hãm nước làm bông mới đạt yêu cầu.
Chào cộng đồng, em thấy bác Vịnh bảo sau thu hoạch chỉ nên bón phân hữu sinh học hoặc vi sinh, tuyệt đối không bón NPK vì lúc này rễ yếu. Em nghĩ làm như bác Vịnh chỉ là chắc ăn. Bón NPK tiêu ăn không được phí phân.