Các tỉnh Tây Nguyên trồng hồ tiêu không theo quy hoạch

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã đưa diện tích tiêu tăng lên trên 21.973 ha, sản lượng mỗi năm đạt gần 52.100 tấn; trong đó, nhiều địa phương đã vượt kế hoạch diện tích.

Thế nhưng, hiện nay, do giá tiêu hạt trên thị trường tăng khá cao, có lúc trên 130.000 đồng/kg nên đông đảo đồng bào các dân tộc ồ ạt phá bỏ hàng trăm ha cà phê già cỗi, năng suất thấp sang trồng tiêu hoặc chuyển đất vườn, thậm chí, đất không thích hợp cũng đưa vào trồng tiêu.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Đăk Nông phá vỡ quy hoạch, đưa diện tích tiêu tăng lên trên 8.029 ha, trở thành địa phương có diện tích tiêu lớn nhất vùng Tây Nguyên.

Ở tỉnh Gia Lai, ngoài hai huyện vùng trọng điểm tiêu Chư Sê, Chư Pưh, hiện nay, hàng ngàn hộ đồng bào các dân tộc ở các địa phương Chư Prông, Đăk Đoa, Mang Yang cũng đua nhau chặt bỏ cà phê, chuyển đất vườn sang trồng hồ tiêu.

Theo quy hoạch, tỉnh Đắk Lắk chỉ ổn định diện tích trên dưới 5.000 ha tiêu hiện có để đầu tư thâm canh, phát triển bền vững. Thế nhưng, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, đồng bào các dân tộc, các địa phương ồ ạt mở rộng diện tích cây tiêu không theo quy hoạch, kế hoạch, tăng lên trên 6.290 ha. Thậm chí, do chạy theo phong trào, nhiều hộ đồng bào các dân tộc đã đưa cây tiêu vào trồng ở những vùng đất không thích hợp.

Do mở rộng diện tích ồ ạt, không theo quy hoạch, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, nhiều địa phương ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn. Ngay tại huyện Ea H’Leo, Cư M’Gar, Chư Sê, Chư Pưh là những vùng trọng điểm cây tiêu của các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai đã có hàng trăm ha tiêu đến kỳ thu hoạch lại bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, có hộ thiệt hại hàng tỷ đồng.

Theo các ngành chức năng, nguyên nhân tiêu chết hàng loạt vừa qua ở các tỉnh Tây Nguyên, chủ yếu là do giống, kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh còn kém. Nghiêm trọng hơn là do phần lớn các hộ đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên chạy theo phong trào, trồng tiêu ở những vùng đất không thích hợp, nhất là những vùng đất dễ bị ngập nước, sử dụng các giống tiêu không rõ nguồn gốc nên lây lan các nguồn bệnh làm cho tiêu chết trên diện rộng.

Nguồn TTXVN
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *