Cách phòng trị bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu
Bệnh chết nhanh hiện nay đã trở thành dịch bệnh gây hại nặng nề cho nhiều vùng trồng tiêu khắp cả nước. Bài viết sau đây nhằm góp phần giúp bà con tham khảo cách phòng trị dịch bệnh này một cách có hiệu quả hơn.
Bệnh chết nhanh trên hồ tiêu do nấm Phytophthora capsici gây ra. Bệnh có thể gây hại ở tất cả các bộ phận của cây nhưng nguy hiểm nhất vẫn là vùng cổ rễ. Nấm gây bệnh có nguồn gốc thủy sinh, gặp mưa ẩm ướt kéo dài sẽ phát triển mạnh, ngấm ngầm tấn công và hủy hoại bộ rễ, làm cho việc dẫn truyền nước và dinh dưỡng nuôi cây bị ngừng trệ. Khi phát hiện thấy cây bị chết thì thực ra bộ rễ của chúng đã bị nấm gây hại trước đó hàng tháng rồi, vì thế cây tiêu thường bị chết hàng loạt vào cuối mùa mưa đầu mùa khô.
Để hạn chế tác hại của bệnh, phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp hợp lý trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, trong đó phòng bệnh là quan trọng nhất. Sau đây là một số biện pháp chính:
– Không nên trồng tiêu trên đất trũng, thoát nước kém. Phải phơi ải đất trước khi trồng.
– Đắp bờ không cho nước bên ngoài chảy vào vườn tiêu. Hạn chế việc đi lại của người và gia súc từ vườn tiêu đã bị bệnh sang vườn tiêu khỏe.
– Vườn tiêu phải có hệ thống rãnh thoát nước tốt, để gốc tiêu không bị đọng nước, ẩm ướt khi có mưa.
– Thu gom sạch tàn dư của cây tiêu và cỏ dại trong vườn để tiêu hủy trước khi trồng tiêu mới.
– Phải trồng thưa (hàng cách hàng 3 m, trụ cách trụ 2 m) để vườn tiêu luôn thông thoáng, khô ráo.
– Đào hố trồng xong, cứ mỗi mét vuông hố trồng tưới 2 lít dung dịch nước thuốc Treppach bul 607SL nồng độ 0,1% (cứ 100 ml thuốc pha với 100 lít nước). Sau đó bón lót cho mỗi hố 10-20 kg phân hữu cơ mục (có trộn chế phẩm Trichoderma), trộn đều phân với đất, lấp đất cao hơn thành mô rồi trồng tiêu lên trên. Không trồng sâu dưới mặt đất rồi sau này đắp đất bồi gốc thành mô.
– Trồng giống tiêu ít nhiễm bệnh như: Lada Belantoeng, tiêu Vĩnh Linh…
– Không lấy giống ở những vườn tiêu đã bị bệnh. Trước khi giâm, nhúng hom tiêu vào dung dịch nước thuốc Treppach bul 607SL (pha nồng độ 0,1%). Giâm hom xong, cứ mỗi mét vuông giâm tưới 2 lít dung dịch nước thuốc này, sau đó cứ khoảng 20 ngày tưới nhắc lại một lần.
– Dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa cây nọc, cây che bóng, dây lươn… Tỉa bớt lá gốc (cách mặt đất 50-60cm) để gốc tiêu nhận được nhiều ánh nắng.
– Không trồng xen những cây cùng là ký chủ của nấm Phytophthora vào vườn tiêu như cà tím, cà pháo, cà chua, ớt, bầu bí, khoai sọ, cà rốt, súp lơ…
– Tránh gây vết thương ở vùng gốc, rễ tiêu để hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh.
– Những cây đã bị chết hoặc bệnh nặng không thể phục hồi, phải thu gom sạch sẽ thân, lá và cả bộ rễ đem tiêu hủy. Rải vào gốc vừa nhổ 0,5 kg vôi bột và tưới 2-3 lít dung dịch nước thuốc Treppach bul 607SL (pha nồng độ 0,1%) để khử trùng đất trước khi trồng lại.
– Vào những tháng mùa mưa sử dụng luân phiên ba loại thuốc (định kỳ 20 ngày/lần):
* Lần 1: Tưới dung dịch nước thuốc Treppach bul 607SL (pha nồng độ 0,1%), liều lượng 2 lít/m2 đất xung quanh gốc tiêu.
* Lần 2: Phun Alpine 80WDG (pha 30-40g thuốc/bình 16 lít), phun ướt đều tán lá.
* Lần 3: Tưới dung dịch nước thuốc Mexyl MZ 72WP (pha nồng độ 0,2%), liều lượng 2 lít/m2 đất xung quanh gốc tiêu.
Đến lần thứ 4, 5, 6… quay lại từ đầu giống như lần 1, 2, 3… Để thuốc phát huy được tác dụng và mang lại hiệu quả cao, khi tưới thuốc đất phải ẩm, nếu đất khô phải tưới ẩm trước khi tưới thuốc.
Ghi chú: Bài viết đã lâu, không còn phù hợp, chỉ để tham khảo.
Giatieu.com (St)
55 phản hồi cho bài "Cách phòng trị bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu"
Nói là trồng tiêu theo phương pháp hữu cơ, không được lạm dụng thuốc hóa học mà 1 năm dùng trên 6 lần thuốc hóa học để phòng trừ bệnh chết nhanh là thế nào? Đó là chưa kể thuốc diệt tuyến trùng, rệp sáp rễ… Nếu mỗi loại bệnh mà dùng thuốc nhiều như đối với bệnh chết nhanh thì có mà chết nông dân, vừa tốn tiền mà lại vừa chết non vì xịt thuốc liên tục.
Theo tôi, những bài viết như thế này là lạm dụng quá nhiều thuốc hóa học. (quảng cáo chăng?)
Trong điều kiện dịch bệnh tràn lan như hiện nay, cần nghĩ đến các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm khác nữa.
Chứ chỉ nghĩ đến thuốc hóa học không thôi thì tác hại sẽ như bạn @trung tin nói ở trên là rất khó lường.
Phòng là chính, khi biểu hiện bệnh tức là cây đã nhiễm bệnh từ 2-3 tháng trước. Xuất hiện rồi thì mười cây giỏi lắm trị được 3 cây ngáp ngáp. Phòng bệnh hơn trị bệnh. Thuốc ngừa chết nhanh chết chậm thì trong thị trường rất nhiều.
Còn thuốc thì để ý nếu thuốc hóa học xử lý thì có khi diệt cả vi sinh vật có lợi mà bạn xử lý sinh học trước đó. Quan trong nhất vẫn là ngăn ngừa hơn là điều trị. Nên rửa cây sau khi thu hoạch sau đó gôm toàn bộ lá địa y, nấm hồng, thán thư,… đem tiêu hủy thì vườn bạn mùa sau sẽ ít bệnh tật hơn đấy. Chuyển dần từ xử lý hóa học sang kết hợp sinh hóa…
Hiện tại vườn tiêu của mình có hiện tượng bị xoắn lá, cây phát triển rất chậm. Các bác có kinh nghiệm loại này xin chia sẻ.
Xin chào Baopn. Tiêu của bạn bị bệnh chổi rồng, bệnh này do vi rút tấn công. Theo tôi được biết thì bệnh này chỉ có thuốc ngừa chứ chưa có thuốc chữa. Không biết bạn ở địa phương nào để tôi giới thiệu cho bạn nơi bán thuốc?
Chào thân ái.
Dùng nhiều thuốc BVTV quá sẽ làm đất nhanh bị thoái hoá!
Bệnh trên cây tiêu chỉ nên dùng IPM để phòng trừ là tốt nhất vì bệnh chết nhanh, chết hàng loạt trên cây tiêu không phải do 1 nguyên nhân hay 1 loài nấm bệnh nào gây ra cả mà do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tôi thì dùng phương pháp tổng hợp là ngăn ngừa mầm bệnh hơn là chữa bệnh hơn 25 năm nay rồi. Tiêu nhà tôi không có bệnh nên tôi không biết chữa thế nào. Cây nào mà có dấu hiệu bệnh là tôi cách li xử lý nếu nặng nhổ gốc đốt sạch, xử lý đất lại trồng mới thế là xong. Ngoài ra có xịt, xử lý gốc ngăn ngừa, dùng phân hữu cơ vi sinh.
Theo tôi, cách phòng trị bệnh chết nhanh theo bài báo này là không khả thi, bởi lẽ :
1. Dùng cả 3 loại thuốc luân phiên theo định kỳ 20 ngày/lần (mùa mưa) là xấp xỉ 10 lần/năm thì chi phí cho tiền thuốc BVTV quá tốn kém, trở thành gánh nặng quá sức cho bà con.
2. Mật độ sử dụng quá dày đặc, không chỉ tiêu diệt hết vi sinh vật có hại mà cả vi sinh vật có lợi cũng không còn, sẽ tạo điều kiện cho các bệnh hại khác tấn công vào cây tiêu rất dễ dàng. Khi đó thì vô phương cứu chữa.
3. Tồn dư độc hại trong đất quá nhiều sẽ hũy diệt môi trường sống, không chỉ cho các sinh vật khác mà cả con người (nguy cơ bị ung thư trông thấy!). Nếu kiểm dịch thực phẩm thì ai dám khẳng định trong hạt tiêu trồng trên đất này không có dư lượng thuốc BVTV…
Vì vậy theo tôi, đề nghị giatieu.com xem lại một cách cẩn trọng, có nên để bài viết tồn tại hay điều chỉnh nội dung lại một cách hợp lý hơn. Xin có ý kiến.
Tôi đồng tình với Tiêu sọ, Tiêu lép và Trung Tín. Xu hướng sản xuất nông nghiệp thế giới từ lâu lắm rồi, người ta sản xuất theo hướng hữu cơ vi sinh. Mười mấy năm trước đây tôi có đọc được những tài liệu của các nhà khoa học lớn như giáo sư Võ Tòng Xuân và các nhà khoa học khác ở các viện nghiên cứu nông nghiệp. Họ luôn khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học để bảo vệ môi trường, con người. Ở các nước tiên tiến như nước Úc, trong các vườn cây nông dân mà làm cỏ sạch quá còn bị phạt nữa kia. Để bao vệ vi sinh vật có ích theo tôi chúng ta nên để cỏ dại trong vườn có chọn lọc, tôi chỉ dọn các loại cỏ như: mần trầu, cỏ chỉ, chồi hôi và những cây thân mộc. Còn những loại cỏ như: đồng tiền, cứt lợn, cúc dại và các loại cỏ lá rộng tôi giữ lại để làm nơi trú ẩn cho các vi sinh vật có ích, chống xói mòn đất, giữ được độ ẩm cần thiết cho đất.
Chúng ta đã làm ngược lại những điều mà các nước sản xuất nông nghiệp trên thế giới làm, quá lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ thâm chí có những loại thuốc nhiều nước người nước ta cấm sử dụng, tôi đơn cử như thuốc diệt cỏ cháy bên nước Anh đã cấm lâu rồi mà chúng ta vẫn vô tư sử dụng, có lần tôi nói về tác hại về việc lạm dụng thuốc bừa bãi người ta còn cười tôi nữa chứ.
Cần có sự thay đổi trong tư duy sản xuất nông nghiệp, cần lắm thay. Rất cần hơn nữa những người như Tiêu lép, Tiêu sọ, Trung Tín gióng lên những hồi chuông cảnh báo. Chúc các bạn sức khỏe.
Năm ngoái tiêu tôi chết 10 trụ tôi đã dùng Treppach bul 607SL nhưng vẫn chết tiếp. Sau đó tôi dùng loại Mexy MZ 72WP hoà nồng độ 3% đổ 5 lít/gốc đổ những trụ xung quanh trụ chết và phòng trên toàn vườn với nồng độ 2% đổ 2-3 lít/gốc, vườn tiêu của tôi dừng không chết nữa. Bà con tham khảo nhé.
Xin chào các bạn trong đại gia đình giatieu.com. Mỗi bài viết của các bạn đều cho tôi một cách nhìn riêng, thêm cho tôi một kinh nghiệm nho nhỏ. Qua đây tôi xin bật mí một vài kinh nghiệm nhỏ của tôi.
Khi hái tiêu xong tôi bón 2kg vi sinh (con gà), 1 lạng kali và 0,5kg lân Văn Điển/1 gốc tiêu, dùng máy tưới. Sau đó phun bini58 để diệt rầy rệp và bọ cánh cứng, sau 15 ngày phun kích thích trổ bông thiên bình 7 ngày sau nhắc lại. Sau 10 ngày sục gốc bằng thuốc trichoderma. Lúc này đã vào đầu mùa mưa tôi bón phân trộn với tỉ lệ lần 1 là 1 Kali – 4 lân Văn Điển – 1 SA. Sau 15-20 ngày thì bón đợt 2 là Kali-SA-lân Văn Điển. Trong 2 đợt này ít mưa nên tôi dùng máy tưới cho tan phân. Sau 1 tháng tôi bón đợt 3 liều như đợt 2 (mỗi gốc từ 0,3-0,4kg) và sục gốc bằng thuốc trichoderma lần 2… Chúc các bạn có 1 mùa bội thu.
Nếu đầu mùa mưa đã phòng bằng trichoderma rồi thì không cần dùng thuốc hóa học nữa đâu.
Tôi thấy cây lạc dại có tác dụng cải tạo đất tốt, giữ ẩm trong mùa nắng. Tôi muốn trồng trên các đường băng để chống xói mòn, cải tạo đất.
Không biết cây lạc dại có là ký chủ của nấm Phytophthora không các bác nhỉ? Mong được giúp đỡ.
Trồng cây lạc dại thì vào mùa mưa nó giữ ẩm cho vườn tiêu thì có làm bùng phát dịch chết nhanh không nhỉ ?
Không anh, hiệp hội Hồ Tiêu Chư Sê khuyến cáo bà con nông dân trồng loại cây này, vừa cải tạo đất, vừa chống lại một số rầy gây hại, loại cây này trồng rất tốt cho vườn tiêu.
Chào các bạn. Mong các bạn góp ý cho mình cách ủ fân bò và vỏ cafe làm fân vi sinh. Có nhất định là fải theo đúng hướng dẫn 1 tan vo cafe- 100 kg fan chuong -25 kg lan -05kg ure – mat mia 1kg -trichoderma 1kg. Vì mình có đọc được bài viết về hộ ông Khanh ở Xuân Lộc -ĐN 1 sào tiêu dùng 2kg nấm trichoderma ủ với 100 kg fân chuồng với cám gạo, ủ xong bón cho tiêu có thể trị được bệnh chết nhanh chết chậm.
Nay mình định kết hợp hai cách trên lại với nhau theo công thức như sau : Cho 1 sào tiêu mình ủ nấm trichcoderma 2 kg – fân bò 200kg -vỏ cafe 300-400 kg – ure 05 kg – lân 20 kg – mật mía 05 kg. Ý mình là vừa ngừa bệnh vùa kết hợp tăng lượng fân chuồng cho vườn tiêu vùa giải quyết số vỏ cafe sau mùa thu hoạch, lợi cả đôi đường. Mong các bạn góp ý và chia sẻ kinh nghiệm. Cách trộn ủ như mình có hợp lí không. Chúc các bạn vui khỏe và làm giàu trên mảnh đất của mình.
@nguyễn chí trung
Chào các bác, cách đây 13 năm, tôi cũng đã trồng hơn 1ha tiêu Vĩnh Linh, đến tháng 9 âm năm 2007 thì bị chết gần hết (may đã thu hồi được vốn). Buồn quá bán rẫy nhưng ko có rẫy lại buồn hơn, vậy là năm nay lại quyết mua rẫy để trồng tiêu. Năm nay định xuống ít lấy giống năm sau xuống tiếp. Thấy mấy bác đóng góp nhiều kinh nghiệm cho bạn đọc, tôi rất cảm kích. Giống tôi đã ươm vào bầu lớn, định tầm tháng nữa trồng. Do hơi cập rập nên không ủ kịp được phân chuồng. Mà trên chỗ tôi phân chuồng (phân bò) chủ yếu là phân giả, chất lượng kém. Do đó tôi định dùng phân vi sinh để bón lót. Các bác có thể giúp tôi lượng phân vi sinh cần bón lót cho một cây là bao nhiêu, bỏ thêm phân gì, xử lý tuyến trùng đất trồng không ạ.
Xin lỗi, nói nhầm mục, mong bác giải đáp dùm tôi câu này, tôi đang chuẩn bị xuống giống nên cần gấp, cảm ơn bác.
Xin chào đại gia đình Giatieu.com. Mình ở Gio Linh Quảng Trị trồng tiêu đã trên 30 năm gía tiêu lên xuống thất thường. Mấy năm nay giá tiêu ổn định người trồng tiêu có lãi thì vườn tiêu gia đình tôi đã già cỗi. Trong đại gia đình Giatieu.com ai có kinh nghiệm phục hồi vườn tiêu già chia sẻ giúp tôi và những người có vườn tiêu như tôi được học hỏi. Xin cám ơn.
@Phan Sanh
Em nghĩ theo hết chu kỳ sinh trưởng bác cứ mạnh dạn trồng mới. Ví như cà phê, cưa đốn phục hồi, nuôi chồi ghép rồi cũng èo uột, chi bằng thay cây mới, giá cây CN dài ngày tuy bấp bênh nhưng phục miết cũng có ngày bắt được phunro. Đừng tiếc bác ạ, cây cà phục hồi dễ, cây tiêu e rằng quá khó. 30 năm đã là quá già. Gía nhân công, phân, điện, giống …. không lẽ giá tiêu trồng một năm thu một vụ mà không bằng giá 1/2kg thịt bò.Còn nếu có ai đó có phương pháp phục hồi, bác cũng nên lẫy cũ nuôi mới rồi thay dần. Vài lời góp ý.
Chào bạn Nguyễn Văn Nhân!
Khâu làm đất đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề trồng và chăm sóc vườn hồ tiêu.
Khi làm đất trước khi trồng tiêu, bón lót bằng phân chuồng là một việc làm hết sức quan trọng và hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cây tiêu trong thời gian đầu phát triển.
@nguyễn chí trung
Cảm ơn bác Trung, năm nay mua đất hơi muộn, phân bò lên tới Đức Cơ hầu hết không mùi, không vị. Vì vậy, tôi bón đỡ phân vi sinh Komik và Sông Gianh. Để qua bớt mưa trực tiếp đi đặt mua phân bò hoặc phân gà về ủ rồi năm sau bón. Qủa thật thấy tiêu phát hơi yếu nhưng tôi cố chăm thêm bằng phân bón lá, tưới gốc, bón gốc (phân nguồn hữu cơ).
Đất thì tôi làm khá kỹ, thuê máy đào xới toàn bộ với độ sâu 60-70cm, sau đó mới chôn trụ, đào lại hố rồi lại xả thành nên tơi xốp, thoát nước tốt. Mong được bác chỉ bảo thêm về kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh.
“Đào hố trồng xong, cứ mỗi mét vuông hố trồng tưới 2 lít dung dịch nước thuốc Treppach bul 607SL nồng độ 0,1% (cứ 100 ml thuốc pha với 100 lít nước). Sau đó bón lót cho mỗi hố 10-20 kg phân hữu cơ mục (có trộn chế phẩm Trichoderma), trộn đều phân với đất, lấp đất cao hơn thành mô rồi trồng tiêu lên trên ”
E đang quan tâm về thành phần của thuốc Treppach Bul 607SL… A làm ơn cung cấp cho E với. Nếu là thuốc hóa học diệt cả phytopthora thì thử hỏi con trichoderma nào còn? Vậy cho bỏ trichoderma để làm gì?
Thuốc hóa học là loại thuốc trị bệnh tạm thời trong khi cây đang bị bệnh, còn bạn dùng chế phẩm sinh học là phòng bệnh lâu dài trên cây trồng. Bạn nên hiểu ý nghĩa của thuốc hóa học và thuốc sinh học.
Nhà em có vườn tiêu bị bệnh chết nhanh. Tiêu bị vàng lá, rụng lá, gốc bị thối. Có vài ngày mà chết vài chục trụ, em dã phun rất nhiều Agrifos 400 mà không khỏi. Hiện tại bây giờ tiêu lại bị chết. Anh chị nào biết cách trị bệnh bày cho em với.
Chào bạn Nguyễn Thị Tiến.
Trị bệnh chết nhanh hiệu quả thì phải nói là “Không Thể”, bạn phải phòng bệnh mới là nguyên tắc cơ bản nhất.
Một khi vườn tiêu khỏe, phát triển xanh tốt, cân đối, tụ dưng bệnh tật sẽ ít hẳn.
Agrifos 400 không phải là thuốc đặc hiệu trị bệnh chết nhanh.
Bệnh chết nhanh phải phòng từ đâu mùa mưa chứ bây giờ để nó phát dịch mới trị thì có trời cứu. Tốt hơn hết là bạn phun phòng những trụ chưa bị thì may ra cứu được giữ được vườn, đừng quá để ý vào những trụ săp chết vì chắc chắn nó sẽ chết thôi.
Chào đại gđ giatieu.com. Tôi ở Bình Phước, tôi đi làm thực tế và rút ra đc một số kinh nghiệm, xin đc tham khảo cùng đại gđ ta.
– Đối với những vườn tiêu đang ở thời kỳ KD phải đảm bảo vườn sạch bệnh (sau khi trị bệnh theo qui trình) + ta tiến hành phòng bệnh bằng nấm đối kháng và hữu cơ vi sinh theo quy trình chặt chẽ. Đừng để thấy bệnh mới cuống lên đi học cách phòng trị bệnh! Khi học đc thì tiền mất, tiêu chết.
– Đối với trồng mới, quan trọng nhất là phải bón lót đc từ 15-20kg phân chuồng hay gà ủ hoai mục, cho xuống hố trồng trước 15-20 ngày. Tiêu giống đưa ra trồng phải đảm bảo đã xử lí bằng nấm đối kháng và hữu cơ sinh học. Vì khi đổi đc lớp đất chai cứng lên và thay vào bằng phân đã ủ hoai mục, sẽ thoát nước tốt và giữ đc độ ẩm thích hợp. Sau đó hằng năm phải bổ sung nấm đối kháng ít nhất 1 lần sẽ phòng đc những dòng nấm thủy sinh và tuyến trùng.
+ Ngay từ năm đầu ta phải dùng phân hữu cơ vi sinh và dòng thuốc sinh học để phòng bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng, rầy rệp… và bổ sung trung vi lượng cho tiêu sinh trưởng 1 cách cân đối.
– Nói về phân bón, đối với tất cả cây công nghiệp dài ngày ở thời kì KD, chưa có dòng phân hữu cơ vi sinh nào có thể thay thế phân NPK đc vì giai đoạn này nhu cầu của cây cần phân đa lượng rất cao. Nhưng vì quá trình sử dụng phân vô cơ thường làm chai đất nên ta phải dùng phân chuồng ủ hoai mục và hữu cơ vi sinh đã qua xử lí để giúp cải tạo đất. Trả lại độ phì cho đất sẽ giúp gia tăng vi sinh vật có ích, bộ rễ phát triển mạnh mẽ, cây lâu già cỗi… Có đôi điều muốn tham khảo xin được trao đổi. Mong đc sự chia sẻ của cộng đồng!
Quan điểm của tôi là đến tận vườn, cùng tham khảo với chủ vườn để có cách làm tốt và tiết kiệm nhất. Xin chào thân ái đại gđ ta.
Phương pháp chăm sóc của bạn khá hay. Nhưng nói không có phân hữu cơ, vi sinh nào nào đáp ứng được nhu cầu phân bón là tôi không đồng ý. Chỉ sợ bạn không đủ tiền bón phân hữu cơ khoáng đậm đặc thôi. 1 bao hữu cơ khoáng đậm đặc Hướng Dương Xanh 20 kg giá gần 500 ngàn. Còn phân rẻ tiền hơn tí là Max One 25kg. Giá sơ sơ cũng 300 ngàn. Bón thử coi có đủ chất đa trung vi lượng ko? Sợ dư đó chứ !
Chia sẻ của ban Đỗ đức Tuấn, cá nhân tôi thấy rất có lý, hữu cơ và vi sinh rất cần thiết cho đất, nhưng rõ ràng trong đất không thể thiếu NPK, nhất là cho các loại cây trong thời kỳ kinh doanh, còn như phân hữu cơ khoáng đậm đặc gì đó cũng chỉ là phân hữu cơ và khoáng chất NPK mà nhà sx kết hợp với nhau mà thôi. Còn nếu xét về góc độ kinh tế, với 500 k đó ta mua phân chuồng (gà, bò),cộng với NPK (đơn hoặc tổng hợp) ta bón cho một diện tích đất như nhau không biết bên nào tốt hơn ha? Lời quê dông dài, xin các bạn niệm thứ và mong được sự chia sẻ của bạn Tuấn về kinh nghiệm chăm sóc cây tiêu.
*Quan điểm của tôi về bón phân là bón trả lại những gì cây đã lấy đi của đất, và như vậy mới bảo đảm sự bền vững trong quá trình canh tác, khai thác đất đai và cây trồng.
Tôi không tranh luận về phương pháp chăm sóc.
Nhưng nói không có phân hữu cơ vi sinh nào đáp ứng được nhu cầu NPK trong giai đoạn tiêu kinh doanh là tôi hoàn toàn không đồng ý. Vì chỗ tôi có người chỉ dùng phân bón hữu cơ Humik mà năm nào cũng cho năng suất cao.
500k cho 1 bao 20kg đó. Nhưng 1 cây chỉ bón 20 gam/gốc/năm bổ sung khoáng. Và chỉ dùng khi cần thiết. Không hẳn là dư phân đã là tốt. Dùng cho việc phục hồi cây suy.
Phân NPK hữu cơ cũng có nhiều điểm khác với NPK tinh luyện đấy bạn ạ.
Theo tôi hiểu thì Phân hữu cơ khoáng đậm đặc chỉ là phân hữu cơ sinh học + phân vô cơ. Bộ Nông nghiệp qui định thành phần chất hữu cơ trong đó phải đạt 15% trở lên – còn Đậm đặc – chỉ gọi cho vui mà thôi. Kiến thức còn nông cạn, mong được học hỏi nhiều hơn. Chào đoàn kết và thân ái.
Tôi ở Châu Đức Bà Rịa, trồng tiêu trên 20 năm. Những năm trước vườn tiêu nhà tôi mỗi năm cũng có chết lai rai năm đến mười nọc. Nhưng năm nay có thể do mưa nhiều hay do tôi lỗi kỹ thuật ở khâu nào đó trong qui trình canh tác mà vườn tiêu nhà tôi đã bị thiệt hại rất nặng nề. Tôi bón phân hữu cơ vi sinh Tấn Phát, mỗi bao trộn 100gram Trichoderma. Mỗi gốc xẻ rảnh bón từ 2 đến 3 kg phân. Mỗi năm bón 3-4 lần. Ngoài ra trong mùa mưa cững có phun ngừa các loại thuốc dùng cho cây tiêu mà vẫn bị… Xin quí vị hảo tâm góp ý cho. Chân thành cám ơn.
Chào Anh!
Có thể thao tác xẻ rảnh của anh làm tổn thương rễ. Gặp điều kiện mưa nhiều nữa dễ làm tổn thương thúi rễ non rễ tơ. Thời tiết năm nay mưa dầm 2-3 tháng liền cây ngập úng chết rất nhiều. Nguyên nhân chính là do mưa nhiều úng làm thôi rễ tơ sau đó dẫn đến chết dây. Nếu anh để ý thì ngay phần tiếp giáp giữa mặt đất với rễ bị xì mủ. Mùi rất hôi.
Đầu mùa mưa sang năm anh làm hệ thống thoát nước nữa thì sẽ giảm hẳn bệnh. Những giống chết đó tôi mô tả như sau: Tay dài, lá mỏng, đốt thưa, năng suất rất cao và năm trúng năm thất. Theo tôi mô tả không biết có đúng không? Nhưng với vùng đất như BRVT anh nên chọn giống Trâu đất đỏ, Sẻ đất đỏ. Khả năng kháng bệnh và chịu úng tốt hơn những giống như Vĩnh Linh hay Sẻ Phú quốc và Lộc Ninh.
Một vài chia sẻ theo kinh nghiệm của gia đình tôi.
Thân!
Và theo tôi lượng phân bón trên 1 năm của anh là quá nhiều.
Chào Đoàn Anh!
Vườn tiêu của anh đã trên 20 năm rồi thì nó suy yếu, cộng với năm nay mưa nhiều và dịch bệnh nên “ra đi” là đúng rồi. Theo em bón phân cho tiêu thì không nên xẻ rãnh vì rễ tiêu ăn nông, mình xẻ rãnh thì sẽ tạo vết thương ở rễ, rồi mình lại rải phân vào đó thì sẽ cháy rễ, mà rễ đã chết thì sao cây sống được. Anh có thể nói cụ thể về quá trình chăm sóc của anh thì mọi người sẽ tư vấn được hiệu quả hơn.
Cách đây mấy hôm, có anh bạn nói rằng : có 1 anh trồng tiêu ở Bình Phước chỉ cho cách phòng, chữa bệnh chết nhanh bằng cách : Hòa tan 2kg lân đỏ, 01 quả trứng gà, 01 bịch sữa tươi không đường vào 16 lít nước phun cho tiêu thì có thể phòng trừ bệnh chết nhanh. Ngày trước, tôi vô chơi nhà đứa em, vợ nó cũng nói em nghe trên ti vi cũng có hướng dẫn tới kỹ thuật này. Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói tới điều này, lần đầu tôi ko tin vì chưa thấy nó có cơ sở khoa học, nhưng lần nghe lại thứ 2 do 1 người khác nói thì tôi lại thấy phân vân, do họ cũng không để ý nên liều lượng có thể chưa chính xác, tuy nhiên, thành phần pha thì nói giống nhau.
Nay nêu ra đây, nhờ bác Vịnh, bác Phan Phát … và bà con. Đã có ai dùng hay nghe tới phương pháp phòng trừ kiểu này chưa ? Mong bà con chia sẻ.
Chào bác Cua. Tôi cũng được xem VTV2 đưa tin một lần cách đây khoảng 2 tháng rồi, đó là vôi lân Địa Long. Lấy 2kg vôi lân Địa Long trộn với đất ở ngã tư thành 1 lớp bùn rồi đắp vào gốc tiêu bị bệnh, và lấy 2kg vôi lân Địa Long hòa với 10l nước để lắng lấy phần nước trong cho thêm trứng gà và 1 bịch sữa tươi không đường phun ngày 2 lần sáng và tối liên tục 14 ngày. Tôi cũng như bác chả tin vì tôi nghĩ không có cơ sở khoa học vì đã có ai trị được anh chết nhanh đâu, nhưng tôi cũng mới mua mấy bao bón thử xem sao, có 270 ngàn 1 bao nếu chữa được thì quá rẻ phải không?
Chào anh Cua, tôi cũng mới nghe cách này thôi, mong các bác cho ý kiến, vườn tiêu tôi đang mới nhiễm bệnh nên cũng lo lắm
trihai có nghe qua chuyện cũng gần tương tự, song thay vì trị bệnh mà là phục hồi cây sau khi đã xử lý hoá học. Như vậy thì hợp lý hơn?!
Chào các bạn. Tôi tìm kiếm mà vẫn không thấy thông tin như các bạn nêu trên. Bản thân tôi thấy thông tin có vẻ mập mờ thiếu tính khoa học. Riêng về Vôi Lân Địa Long, cũng không thấy có dấu hiệu như ý kiến của các bạn.
Cách xử lý theo Vôi Lân Địa Long là đưa độ pH của đất về mức trung tính để có môi trường thuận lợi cho cây tiêu tự hồi phục.
Đây là phần pi-a cho sản phẩm vôi lân Địa Long do chính GĐ Cty, ông Dương Hùng Đỗ trình bày và được VTV2 phát sóng. Tin và làm theo hay ko là tùy thuộc vào mỗi người.
Với tôi thì coi nó là câu chuyện cổ tích được kể bởi người của thời @.
Chào các bạn!
Chúng ta nói về công dụng của nhiều loại phân, nhưng sao không thấy các bạn đề cập đến phân LÂN NUNG CHẢY, ưu điểm là rẻ tiền ( 150.000đ – 160.000đ/50kg ), rất thân thiện với môi trường, cung cấp thêm nhiều trung, vi lượng cần thiết cho nhiều loại cây trồng… Nguyên liệu sản xuất thành lân nung chảy là các quặng từ thiên nhiên, trong quá trình sản xuất không can thiệp bằng hóa học, sản phẩm này được coi là PHÂN HỮU CƠ chứ không phải là phân vô cơ như trước đây nhiều người thường gọi.
Hiện nay các nước có nền nông nghiệp tiên tiến sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng rất ưa chuộng sản phẩm này.
Chúc các bạn sức khỏe và được mùa.
Khi một hợp chất bị nung chảy thì tất cả đều về VÔ CƠ. Khi bị dốt cháy hầu hết các chất trở về vô cơ, ví dụ trấu hay vỏ cà phê là hữu cơ, tro của chúng là vô cơ. Hữu cơ là các chất có liên kết giữa hai nguyên tố C và H, và thường cũng có liên kết với O, N. Ví dụ phân ure (NH2)2CO là hữu cơ và phân sulphat (NH3)2SO4 là vô cơ. Những chất không có liên kết với CH, đều là vô cơ, vậy phân lân nung chảy là vô cơ.
Dùng phân hữu cơ cũng sẽ có giai đoạn vô cơ hóa. Chẳng qua cơ chế tác động nhanh chậm. Có ngộ độc dinh dưỡng hay không? Có mùn hóa đất hay không?…
Bảo lân nung chảy tốt cho cây trồng do cơ chế hấp thụ tôi hoàn toàn đồng ý. Còn bảo lân nung chảy là phân hữu cơ thì…cần xem lại !
Thân!
Tôi đã làm thử nhưng không hiệu quả. Đúng như anh @tình trần bá nói chỉ là chuyện cổ tích thôi.
Các anh cho em hỏi, tiêu bị rệp sáp trị bằng thuốc gì? Vườn tiêu nhà em đang bị chết nhanh và lây lan rất nhiều, làm cách nào để khống chế lây lan. Tiêu con thì một số bị vàng lá nhẹ, môt số bị vàng nặng rồi từ từ chết. Cho em hỏi đó là bệnh gì và trị ra sao? Em chân thành cảm ơn.
Chào @nguyen ba quang. Noi như bạn là vườn của bạn đang bị rệp sáp hoành hành rất nặng rồi đó. Trước đây tôi cũng là nạn nhân của rệp sáp, tôi đã sử lý như sau. Thuốc hóa học TASODANT 600EC pha theo nồng độ khuyến cáo, dùng máy phun áp lực hơi sục xuống bộ rễ (lưu ý vườn phải đủ ẩm trước khi sử dụng), sau khi sử dụng thuốc hiệu quả sẽ rõ rệt. Sau 1 tháng sử dụng nấm đối kháng tricho tưới khắp vườn (vườn cũng phải đủ ẩm) nhằm phục hồi vi sinh vật đã bị mất. Tôi bây giờ không sử dụng hóa học vì 1 năm tôi sử dụng 2 lần chế phảm sinh học Metarhizum nên không phải chịu cảnh rệp sáp bộ rễ nữa. Vài hiểu biết sơ sài chia sẻ cùng bạn
Các bác nông dân chuyên nghiệp ơi? em có câu hỏi là có nên làm cỏ trong gốc tiêu không? Có người bảo chỉ nên cắt đi ko nên nhổ sẽ làm ảnh hưởng đến rễ vậy có đúng không? xin trả lời giúp em nhé.
Chào bạn.
Không nên cuốc cỏ trong gốc tiêu, sẽ làm đứt rễ tiêu, tạo cơ hội cho nấm bệnh thâm nhập vào các vết thưởng ở rễ. Phòng ngừa vẫn hơn.
Chào bich ánh! Để cỏ sẽ cạnh tranh sinh dưỡng với hồ tiêu. Phải làm cỏ trong gốc tiêu ra ngoài tán lá khoảng 20-30 cm, làm cỏ thì nhổ bằng tay thì không ảnh hưởng gì hêt, cây tiêu sạch cỏ trong gốc cho năng xuất cao, ít bệnh hơn. Một vài chia sẻ!
Chào Diễn đàn, chào chú Vịnh , các anh
về bệnh chết nhanh chết chậm thì ngừa trước là hoàn toàn tốt nhất nhưng với loại thuốc nào là tốt và hữu hiệu thì đó mới là vấn đề. Cháu mới tìm hiểu về chế phẩm sinh học pseudomonas của Trung tâm chế phẩm sinh học ở TP.HCM nhưng không biết chú và các anh đã nghe nói nhiều về sản phẩm này chưa và hiệu quả như thế nào ạ.
Cháu chào chú Vịnh và diễn đàn Giatieu.com . Cháu mới lập nghiệp ở Gia Lai, năm vừa rồi cháu có trồng được hơn 100 trụ triêu bằng dây ác, từ khi trồng đến nay dây vẫn lên bình thường. Không hiểu sao khoảng 2 tuần nay có 1 số dây bị quăn lá, quăn ngọn không phát triển. Chú và cộng đồng làm ơn chỉ cháu giúp cháu phải trị thuốc gì được không ? Và cho cháu hỏi thêm tiêu nhà cháu có cần phải phòng ngừa truyến trùng và bón phân gi trong mùa mưa này ko chú ? Cháu rất mong sớm nhận được phản hồi của chú và cộng đồng. Chúc chú và tất cả cô chú bác trong diễn đàn mạnh khỏe.
Mấy anh chị ơi cho em hỏi với ạ. Vườn tiêu nhà em giờ nó bị vàng lá rụng đọt từ trên xuống là bị làm sao đấy ạ, đang xanh tươi tốt độc mấy trận mưa giờ quay vàng hết. Em lên mua thuốc trên mấy đại lý mỗi chỗ kêu dùng 1 lọai em đã dùng thử nhưng không thấy hiệu quả mấy.
Anh chị nào có kinh nghiệm trị vườn tiêu như của em rồi giúp em với ạ.
Tiêu bạn bị bùng phát bệnh chết nhanh chết chậm rồi.
Khẩn trương mua thuốc Romil hay Mexyl… hoặc thuốc có 2 hoạt chất Mancozeb+Metalaxyl phun và sục gốc, xử lý kép cách 7 ngày. Sau đó dùng phân sinh học, amino, đạm cá, bánh dầu các loại để hồi phục tiêu rồi bón phân chăm sóc, phòng bệnh theo qui trình….
Giá như mọi người đều dùng nấm trichoderma để phòng tuyến trùng và các loại nấm bệnh thì không tốn công sức như vậy.