Cạn hàng thực, nhà đầu tư đẩy giá hạt tiêu trên sàn tăng vọt
Đây là điều chưa từng xảy ra với thị trường tiêu thế giới. Việt Nam hiện đang cạn hàng và phải đến tháng 3 mới được thu hoạch vụ mới.
Chốt phiên đóng cửa sớm của ngày cuối tuần, thứ Bảy 17/12, thị trường kỳ hạn hạt tiêu, tại Kochi-Ấn Độ, tiếp tục chuỗi tăng điểm kéo dài thêm phiên thứ 7 cho kỳ hạn giao tháng 12, tổng cộng tăng 2.510 Rupi, tức tăng 7,11 %, lên mức 37.805 Rupi/tạ, tương đương 7.158 USD/tấn (1 USD = 52,8099 Rupi).
Cùng thời gian đó, kỳ hạn giao tháng 1/2012 chỉ tăng 1.070 Rupi, tức tăng 3,09 %, lên mức 35.700 Rupi/tạ, tương đương 6.760 USD/tấn. Trong khi hạt tiêu giao ngay tăng 1.596 Rupi, tức tăng 4,59 %, lên mức 36.353 Rupi/tạ, tương đương 6.883 USD/tấn.
Theo các nhà quan sát thị trường tiêu thế giới, Việt Nam, nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 hiện nay, đã cạn hàng. Do giá xuất khẩu về cuối năm tăng cao nên các thương nhân của nước ta đẩy mạnh xuất khẩu, hoàn tất kế hoạch năm 2011 sớm hơn dự kiến. Điều này làm nhu cầu hàng thật cho mùa lễ tết năm nay càng thêm căng thẳng, buộc các nhà nhập khẩu phải nâng giá hạt tiêu giao ngay và kỳ hạn giao tháng 12 tăng cao để thu hút được hàng dự trữ ra thị trường. Đây cũng là điều chưa từng xảy ra với thị trường tiêu thế giới.
Cũng theo các nhà quan sát, từ đây đến khi Việt Nam có hàng vụ mới, khoảng cuối tháng ba, nguồn cung từ Kerala Ấn Độ sẽ bắt đầu có vào cuối tháng 12 cũng chỉ giải tỏa cơn khát tạm thời.
Giá tiêu trên sàn giao dịch tăng chỉ giúp cho người trồng tiêu Ấn Độ có lợi trước mắt nên giá tiêu giao ngay sẽ còn được đẩy lên cao nữa.
Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), trong dự kiến sản lượng tiêu thế giới năm 2012, khẳng định thế giới sẽ tiếp tục thiếu hụt hạt tiêu và diện tích trồng mới tăng nhanh ở một số nước có thể giúp giải tỏa cơn khát.
Giá tiêu xô trong nước tại Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn duy trì ở 130.000 – 132.000 đồng/kg, dù giảm hơn 20.000 đồng so với mức cao kỷ lục nhưng vẫn là mức rất cao so với mọi năm, giao dịch không đáng kể.