Canh tác hữu cơ – phương pháp canh tác có kiểm soát

Trong canh tác hữu cơ, điều cơ bản là đất, nước phải sạch, không bị nhiễm độc tố do tồn dư phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật,… không bị nhiễm chất thải công nghiệp độc hại. Và dinh dưỡng, phòng bệnh cho cây trồng phải sử dụng các chế phẩm sinh học 100% từ thiên nhiên. Do đó sẽ không còn tồn dư hóa chất độc hại trong sản phẩm.

Vì sao phải canh tác hữu cơ ?

Trải qua hơn 50 năm, với cuộc cách mạng trong nông nghiệp bằng cách ứng dụng kỹ thuật trong phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã làm gia tăng đáng kể năng suất cây trồng nhưng càng ngày càng bộc lộ mặt trái của sự lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật … đã dẫn đến sự tàn phá môi trường, ô nhiễm nguồn đất, nước và đặc biệt gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Do đó hiện nay, qua tổng kết những nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học đã khuyến cáo, lựa chọn phương pháp canh tác thân thiện với môi trường ( như canh tác hữu cơ)

Hiện nay Mỹ và Châu Âu đã chuyển đổi từ canh tác hóa học sang canh tác hữu cơ khoảng 30% , Hàn Quốc 50%,…Và xu hướng này càng ngày càng tăng.

Vậy canh tác hữu cơ là gì ?

Canh tác hữu cơ là phương pháp canh tác “sạch”, thân thiện với môi trường.

Sạch ở đây là không dùng  phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ (khai hoang), không chất kích thích tăng trưởng… Nói chung,  phương pháp canh tác này giống như tập quán canh tác hàng trăm năm qua như ông bà ta đã làm trước đây, lúc mà chưa có các loại thuốc bảo vệ mùa màng, các loại phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, kích thích tố tăng trưởng… như bây giờ. Nói đúng hơn, canh tác hữu cơ là phương pháp canh tác trên nền tảng canh tác tự nhiên như ngày xưa nhưng có sự kiểm soát, tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học.

Thí dụ :

Việc cung cấp dưỡng chất cho cây trồng ( phân bón) : áp dụng phân bón hữu cơ sinh học (chiết suất 100% từ nguồn gốc thiên nhiên : trùn đất, cá, rong tảo…), với mục đích đảm bảo tối thiểu dưỡng chất cho cây trồng phát triển.

Nếu dùng phân chuồng : phân bò, phân heo, phân gà … thì gia súc phải dùng thức ăn từ cánh đồng cỏ tự nhiên (không bón phân hóa học, hóa chất bảo vệ mùa màng…). Thức ăn dành cho heo, gà… phải là thức ăn thiên nhiên (không được dùng thức ăn công nghiệp chế biến) thì mới được phép sử dụng, do trong thức ăn công nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu từ canh tác hóa học có dư lượng hóa chất.

– Việc bảo vệ mùa màng : áp dụng những tiến bộ khoa học mới như trồng những loại cây, hoa mà có hương vị xua đuổi côn trùng xung quanh vùng canh tác. Nếu trồng lúa thì kết hợp nuôi cá, thả vịt, để giúp giảm côn trùng gây hại, hoặc dùng phương pháp bẫy đèn thu hút côn trùng chứ tuyệt đối không được dùng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học. Trong trường hợp nếu áp lực sâu bệnh quá nặng, chỉ áp dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh (chiết suất 100% từ thiên nhiên như các loại thuốc chiết suất từ cây Neem để mà xua đuổi côn trùng).

Tất cả các chế phẩm khi ứng dụng vào canh tác hữu cơ đều phải được sự phê chuẩn của tổ chức Hữu Cơ Quốc Tế nhằm đảm bảo chất lượng tuyệt đối an toàn.

Do đó sản phẩm làm ra từ phương pháp canh tác hữu cơ ngoài việc không gây ô nhiễm nguồn đất, nước mà còn tuyệt đối an toàn vời sức khỏe người tiêu dùng.

* Vì sao thực phẩm hữu cơ có giá cao gấp đôi, gấp ba thực phẩm thông thường?

Việc áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ đòi hỏi sự quản lý nghiêm ngặt, năng suất làm ra thấp. Những yếu tố này dẫn đến sản phẩm làm ra có giá thành cao. Đây cũng là một hạn chế, nhưng về mặt sức khỏe thì tuyệt đối an toàn.

Sản phẩm khi lưu thông trên thị trường phải có Logo, nhãn mác chứng nhận để giúp người tiêu dùng phân biệt nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng.

Theo thông lệ quốc tế, các sản phẩm thực phẩm hữu cơ sẽ được gắn nhãn “Certified Organic Foods” – “Chứng nhận thực phẩm hữu cơ”.

Chứng nhận này chỉ được gắn trên sản phẩm khi và chỉ khi sản phẩm không chứa các loại hormon, các loại thuốc kháng sinh, thuốc diệt côn trùng, sâu bọ, thuốc trừ cỏ, không chứa phân bón hóa học, không bị biến đổi gen, không bị chiếu xạ tiệt trùng và không có hương liệu, phẩm màu, chất bảo quản…

Tại Mỹ, đạo luật Organic Food Production Act ra đời năm 1998 đưa ra những tiêu chuẩn hết sức gắt gao đối với dòng sản phẩm này. Còn tại châu Âu, tất cả các sản phẩm siêu sạch đều chịu sự kiểm soát liên tục, gắt gao từ khâu đầu đến khâu cuối, tổng cộng 260 lần và thường xuyên được kiểm tra bởi các cơ quan giám sát, kiểm định độc lập nghiêm túc theo Nghị định số 2092/91 về thực phẩm siêu sạch của Liên minh Châu Âu (EU Organic Directive No. 2092/91).

Giatieu.com(St)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *