Chia sẻ kinh nghiệm ươm tiêu lươn
Bạn Đỗ Trường Sơn ở Bù Đăng, Bình Phước viết lại kinh nghiệm ươm tiêu lươn của mình để chia sẻ với cộng đồng. Nhận thấy cách làm của bạn khá đơn giản nhưng lại rất hiệu quả nên Giatieu.com mong bà con trồng tiêu tham khảo.
Thân chào bà con và các bạn !
Thời gian qua giatieu.com đã chuyển đến bà con một số cách nhân giống cây hồ tiêu rất hiệu quả, sáng tạo. Nhưng khi trồng đại trà bà con thường chọn cách trồng tiêu ác trực tiếp hoặc ươm tiêu lươn trong bầu đất. Riêng tôi muốn chia sẻ cùng bà con phương pháp ươm tiêu lươn trong bầu đất mà tôi đã thực hiện nhiều năm qua.
Bản thân tôi không dám nhận mình là người ươm tiêu chuyên nghiệp, nhưng tôi đã tự tay ươm tiêu để trồng trong vườn nhà từ rất lâu. Tôi cũng biết đây là việc làm không mới, nhưng tôi muốn chia sẻ cùng bà con chưa biết ươm hoặc đã ươm nhưng tỉ lệ bầu sống chưa cao. Tôi vừa làm, vừa chụp ảnh và ghi chép tỷ mỷ để bà con cùng làm . Chúc bà con thành công !
I .Làm vườn ươm :
Bà con chọn mảnh đất bằng phẳng, gần nguồn nước, tiện đường vận chuyển, dùng vật liệu tre, nứa, gỗ… làm vườn ươm. Chiều cao khoảng 2,2 m, dài, rộng tùy theo nhu cầu cần ươm. Mua lưới chuyên dùng (loại 1 kg đo được khoảng 20 m2), che hướng đông nam. Trên mái 2 lớp, các hướng còn lại che 1 lớp,( che nắng và gió ). Nên làm cửa ra vào. Nếu làm với diện tích lớn nên thiết kế giàn phun nước tự động để tiết kiệm công tưới sau này.
2. Bầu ươm :
Túi nilon dùng để làm bầu ươm tiêu là loại cở 12cm x 22cm, lấy đinh 10 đục 4 lỗ dưới đáy, 4 lỗ giữa bịch (đục xuyên qua), bầu ươm sẽ có 16 lỗ, đảm bảo đủ để thoát nước tốt. Nếu không làm kỹ khâu này tiêu sẽ bị thối hom vì úng, cho dù có thể đã ra rễ và ra đọt có được vài lá non.
3. Làm đất :
Đất dùng để vào bầu ươm là loại đất mặt giàu chất dinh dưỡng. Tuyệt đối không lấy đất ở gần các trụ tiêu hay các cây trồng khác đã chết, không lẫn lộn xác bả hữu cơ chưa phân hũy, nhất là lá, rễ tiêu.
Có điều kiện thì trộn thêm xơ dừa, tro trấu … với tỷ lệ 30-50%. Bình thường như tôi đã làm thì chỉ cần 4 xe rùa đất + 15 kg lân vi sinh + nấm Trichoderma + 10% xác bã thực vật + phân sinh học Amino. Trộn đều và ủ trước ít nhất 15 -20 ngày trước khi vào bầu ươm.
4. Chọn giống :
Chọn hom từ những trụ tiêu tơ xanh tốt, lấy lươn thòng hoặc lươn gốc 1 năm tuổi. Nếu của nhà không có thì mua ở vùng tiêu chưa bị bệnh (ngày trước tôi về Gia Lào, Long Khánh mua 30.000 đ/kg tiêu lươn). Chọn những dây lươn mập, không chứa mầm bệnh (để xác định tiêu không nhiễm bệnh thì áp dụng phương pháp làm bẫy bào tử, vô Google : “dịch hại trên cây hồ tiêu” –video, để tham khảo thêm).
5. Ươm hom tiêu :
Tiêu lươn khi mang về dùng tay vặt ngược bỏ lá, bỏ cuống lá (vì khi ươm cuống sẽ bị thối và dễ lây qua bầu tiêu) dùng kéo bén cắt lấy 3-4 mắt (nên quay lưỡi kéo bén về phần ngọn, làm thế để phần hom được cắm xuống đất không bị dập ),. Nếu mắt nào dài thì ta cắt xích lên gần mắt ngọn, đảm bảo có hai mắt hom nằm chìm trong bầu đất. Không lấy hom quá non. Bà con phân hom tiêu già và hom non riêng ra, nhúng cả hai vào thuốc siêu ra rễ trong 10 phút rồi lấy ra chuẩn bị vô bầu hoặc đem giâm.
–Cách I :
Cho đất đã trộn vô 1/3 bầu, cắm 2 hom già và 1 hom non vào. Không để cho các hom chạm vào nhau, hom non tỉ lệ sống không cao nhưng bỏ thì tiếc, làm như vậy để bầu ươm lên tối thiểu được 2 dây). Rồi cho đất vô đầy bầu, nén nhẹ (không được chặt quá), xếp vào luống , hàng ngang 6-8 bầu, chiều dài tùy theo vườn ươm (để thoát nước tốt bà con nên xếp thưa). Nên chừa lối đi rộng rãi để sau này còn ngồi nhổ cỏ không bị vướng vào luống tiêu. Tưới cho bầu tiêu vừa đủ ướt. Dùng lưới che mái gấp làm hai rồi phủ lên mặt luống, đến khi tiêu non nhú đọt được 1-2 cm thì mới gỡ ra. Vì mùa này là mùa nắng, ngày nóng đêm lạnh, trời khô và nhiều gió nên cách làm này nhằm để giữ ấm, giữ ẩm và chống nóng cho tiêu non. Theo tôi, bước này là bước quan trọng nhất, cần chu ý.
-Cách II :
Chuẩn bị vườn giâm hom là một mảnh đất trống cuốc thành liếp rộng 2m, dài tùy theo số lượng cần giâm. Tưới nước sơ qua, xới đất sâu khoản 20cm thật tơi. San đất thật bằng phẳng. Bắt đầu từ đầu liếp xẻ một rãnh ngang sâu 15cm, rồi rải hom đã chuẩn bị vào rãnh. Để hom nghiêng 45o, không cho hom chồng lên nhau, lấp đất lại, cách 20cm xẻ một rãnh. Sau khi rải hết hom, dùng lưới làm vườn ươm gấp đôi rồi phủ lên liếp. Dùng cọc tre cắm 4 góc (nhiều hơn càng tốt) để giữ chặt lưới sát với hom, khỏi bị gió thổi bay. Tưới nước ngày 1 lần giữ ẩm, không tưới nhiều để tránh bị úng. Khoảng 1 tháng sau, những hom tiêu đã có chồi non lên được 1-2cm, nhổ lên để cấy vào bầu. Lấy 2 hom có rễ và 1 hom chưa rễ cấy vô một bầu như trên, cách này tỉ lệ sống và phát triển rất cao, trên 95%.
6. Chăm sóc :
-Tưới nước ngày hai lần sáng và chiều, tưới vừa đủ, không tưới tràn.
-Nhổ khi cỏ còn nhỏ, chú ý cẩn thận vì dễ làm gãy đọt tiêu non.
-Không di dời làm động bầu tiêu vì cây và rễ tiêu còn non nên dễ bị ảnh hưởng. Khi vận chuyển đưa đi trồng thì cũng cần phải nhẹ nhàng.
-Khi tiêu được 2 – 3 lá, dùng phân bón lá phun 10 ngày một lần (loại có hàm lượng lân cao nhằm kích thích rễ).
-Trong thời gian nuôi tiêu trong bầu đất, nếu cảm thấy tiêu con thiếu dinh dưỡng thì có thể bổ sung thêm phân bón gốc NPK (ngâm, hòa nước tưới gốc) hoặc tưới phân sinh học và phân bón lá xen kẻ nhau càng tốt.
-Khoảng 20 ngày trước khi trồng, ngưng phun phân bón lá, gỡ bớt một lớp lưới ở trên mái và hướng đông nam ra nhằm tập cho tiêu quen dần với nắng gắt.
Tôi là một nông dân chân lấm tay bùn, ngày ngày lên nương rẫy bới đất nhặt cỏ mưu cầu cuộc sống cho bản thân và gia đình nên không có thời gian nghiên cứu sâu, chỉ có thể chia sẻ cùng bà con những gì tôi đã làm theo kinh nghiệm của một nông dân cần cù quen làm.
Kính chúc cộng đồng giatieu.com sức khỏe, thành công và hạnh phúc !
* Đỗ Trường Sơn, Thọ Sơn – Bù Đăng – BP
183 phản hồi cho bài "Chia sẻ kinh nghiệm ươm tiêu lươn"
Xin cảm ơn bạn Trường Sơn đã có bài viết, hình ảnh minh họa rất rõ ràng để giúp bà con tự ươm tiêu.
Tôi chỉ là người trồng tiêu nghiệp dư nên mong bạn thông cảm và tư vấn giùm:
Khi ươm theo cách II, chọn hai hom có rễ và một hom chưa có rễ cho chung một bầu? Điều này có ảnh hưởng gì đến chất lượng bầu tiêu sau khi đem trồng không? Liệu những hom chưa có rễ đó chắc chắn sẽ ra rễ không? Bởi nếu cây ươm không có rễ trồng một thời gian ngắn rồi cũng chết thôi.
Mong bạn hết lòng giúp đỡ. Thân!
Bạn Nam Giao thân mến !
I. Về việc cắt hom quan trọng là không được dập đầu hom, còn làm thế nào thấy nhanh gọn là tốt.
II.Tiêu lươn thòng vốn lâu ra rễ hơn các loại lươn khác, trong một tháng số hom giâm chỉ ra đọt được 30% trong số này có rễ chỉ 40%. Nhưng bạn đừng lo nếu, bạn chịu khó phun phân bón lá có hàm lượng lân cao thì tỉ lệ sống vẫn rất cao, ý mình nói là tối thiểu cũng còn được 2 dây. Thân chào, chúc bạn thành công.
Cảm ơn bạn Đỗ Trường Sơn vì một bài viết rất hữu ích nhé. Và cũng xin làm phiền cho mình hỏi thêm là nếu mình ươm hom từ tiêu lươn (ở trong bầu nilon) thì khoảng bao nhiêu lâu là có thể đem trồng được vậy. Nếu mình trồng vào khoảng tháng 7, tháng 8 thì khoảng tháng mấy mình bắt đầu giâm tiêu lươn vào bầu hom là vừa ? Xin cảm ơn.
Chào bạn!
Tiêu ươm bằng lươn thòng thì khoảng 4-5 tháng là trồng tốt. Còn ươm bằng lươn thân hay lươn gốc thì nhanh hơn 1 chút. Bạn cần trồng tháng nào thì canh sao cho hợp lý nhé. Thân.
Để lâu hơn cũng không sao, nhưng cây sẽ chững lại do bộ rễ không phát triển được vì bị bầu đất hạn chế.
Theo mình, bạn canh thời gian ở trong bầu khoảng 90-100 ngày là vừa.
Theo kinh nghiệm mười mấy năm trồng tiêu của tôi thì bài viết trên là tốt rồi, có điều tỉ lệ tiêu sống phụ thuộc vào thời tiết, cách dâm, và xử lý đất trong bầu.
– Nếu bạn ươm tiêu để bán thì tháng 11-1 là thích hợp, nhưng phải dày công chăm sóc vì điều kiện thời tiết ko thuận lợi
– Nếu bạn ươm tiêu để trồng thì chẳng việc gì phải vội vàng, cứ canh cách mùa mưa khoảng 15 ngày đến 1 tháng, thường từ giữa tháng 4 dương lịch. Bạn làm như hướng dẫn trên, đảm bảo tỉ lệ sống 99% cho tiêu lươn và 95% cho tiêu ác
– Các bạn cần chú ý là xử lý đất tuyệt đối ko dùng phân hóa học, phân chuồng (đã ủ) trộn với đất + tí mùn đất là tốt rồi, khi dâm cành tiêu xuống bầu thì lấy cái cây nhỏ đâm vào bầu sau đó cắm dây tiêu vào, ko cắm mạnh dây tiêu xuống vì sẽ làm xước cành nên khó ra rễ, nhớ sử dụng thuốc kích thích ra rễ nhưng không được ngâm thuốc quá lâu. 10 – 15 phút là được.
– Còn nếu trồng luôn ngoài vườn mà ko cần ươm thì cứ đợi sau vài cây mưa đầu mùa cho đất ướt đều rồi thì cứ cắt tiêu xuống, ngâm thuốc ra rễ và trồng thẳng xuống đất. Chú ý phải lấy mấy cành cây che nắng cho nó, khi trồng ko trồng quá sâu vì dễ úng nước nếu trời mưa nhiều. Cách trồng này tỉ lệ sống 95% nếu chăm sóc tốt. 5% còn lại chịu khó cây nào chết thì dặm cây đó thôi
* Chú ý chọn giống: chọn dây to mập, ưu tiên mấy dây lươn mọc từ gốc và có mắc (đốt) ngắn. Tốt nhất là có 5 đốt, dăm xuống đất 3 còn trên 2 đốt. Các đốt mà cắm xuống đất thì phải có rễ bám, tức là chọn cái đốt nào có mấy cái rễ để bám vào cọc đấy, mấy dây tiêu có rễ như thế thì tỉ lệ ra rễ lá 99,99%, các bác nào dăm tiêu mà lấy mấy cái đốt trơn tru ấy cắm vào đất thì tỉ lệ ra rễ rất thấp
Vài dòng chia sẻ.
Bài viết chi tiết, cụ thể, đọc bài này có thể làm được. Chúc mừng anh Sơn. Hy vọng anh sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn nữa để chia sẻ với bà con nông dân trồng tiêu.
Bạn NHAT NAM thân mến !
Mình xin cảm ơn bạn rất nhiều. Như mình đã nói minh chỉ là một người nông dân nên có một tình yêu, yêu người, yêu đất, yêu cây, yêu lao động, và một khát khao chia sẻ với cộng đồng. Bài viết này khi soạn xong mình đã cẩn thận nhờ một anh có kinh nghiệm kiểm tra giùm, anh ấy OK thì mình mới dám gởi đăng.
Vài hàng gởi bạn, chúc bạn luôn hạnh phúc và thành công. Thân.
Chào bạn Trường Sơn! Tôi là một giáo viên nhưng rất thích làm vườn. Tôi có ý định trồng tiêu vào gốc cây điều. Vậy, nhờ anh cho cho ý kiến.
Chào bạn Nguyễn Văn Thọ!
Trồng tiêu trên cây điều là làm theo cách tiết kiệm tận dụng để vươn lên theo kiểu con nhà khó. Dùng cây điều làm trụ không tốt bằng nhiều loại trụ sống khác, và cây điều phải có một chiều cao nhất định. Tùy điều kiện của mình mà anh tính sao cho phù hợp là được. Anh đọc bài này nhé http://www.giatieu.com/kinh-nghiem-trong-tieu-tren-than-cay-dieu/3034/. Rất vui được làm quen với anh . Có gì chưa rõ anh phản hồi trong bài này nhé. Thân mến.
Chào anh Đỗ Trường Sơn.
Bài viết của anh rất hay và chi tiết, em ươm dây lươn thòng 1 tháng rưỡi rồi mà ra rễ rất ít mà mầm được 50 phần trăm, mười dây ra mầm mới có một dây ra rễ. Theo kinh nghiệm của anh thì khi ra mầm rồi mà chưa ra rễ thì vào bịch 1 thời gian sau nó có ra rễ không?
Bạn Nguyễn Văn Xuân !
Tiêu giâm trên liếp tỷ lệ ra rễ nhanh hay chậm phụ thuộc vào chất lượng thuốc ra rễ, cách nhúng và nhiệt độ của liếp ươm. Nếu liếp ươm ngoài trời được đậy kỹ như trên ảnh, đất ấm tiêu mau ra rễ hơn ươm trong bóng râm, liếp ươm bằng cát hay đất mịn thì hiệu quả như nhau, nhưng làm bằng cát thì tốn kém hơn. Tôi chưa xé nhiều bầu tiêu ra để kiểm tra nên không xác định được tỉ lệ ra rễ là bao nhiêu phần trăm, nhưng khi bán thì bầu tiêu thấy rễ ra trắng và mọc cả ra ngoài bầu.
Nhưng dù nuôi con gì, trồng cây gì thì chuyện thất thoát là không thể tránh khỏi. Xin được trao đổi với bạn và bà con, ví dụ khi muốn trồng 500 trụ tiêu = 1000 bầu = 3000 hom thì bà con nên giâm 5000 hom vô 1500 bầu. Khi trồng thì lựa 1000 bầu đẹp nhất mang trồng. Cách làm này sẽ giúp vườn tiêu nhà bà con đều đẹp phát triển tốt, có sức đề kháng cao.
Anh Trường Sơn ạ, theo anh thì vào tháng mấy dương lịch ta bắt đầu ươm giống thì đảm bảo tỉ lệ sống cao? Xin anh hướng dẫn giúp với! Thân chào anh.
Bạn Nguyễn Trung Quân thân !
Thời điểm trồng tiêu tơ mới là quan trọng, sau khi đào hố, trộn phân, khi có những cơn mưa đầu mùa là thời điểm trồng tiêu thích hợp nhất, vì lúc này đất còn ấm rất tốt cho sự phát triển của tiêu tuy nhiên cần giữ ẩm và che nắng cho tiêu non. Tôi thường ươm vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 và trồng vào tháng 5 đến tháng 6 dương lịch. bây giờ bạn ươm vẫn còn kịp nên làm theo cách 2. Thân
Trên đây la cách ươm tiêu lươn trong bầu, còn nhà mình không trồng tiêu lươn mà trồng tiêu khác thì ươm như thế nào? Liệu ươm trong cát có được không? Bởi vì ở đây họ thường ươm theo cách này.
Bạn Chất thân !
Tiêu khác mà bạn nói chắc là tiêu ác, tôi không có kinh nghiệm ươm loại này. Bạn nên đọc bài “Quy trình trồng tiêu ở Chư Sê” hoặc bài “kỹ thuật nhân giống cây hồ tiêu” của anh Minh Vịnh để tham khảo thêm. Thân
Chào nguyễn sỹ chất!
Với tiêu ác quan trọng nhất là phải chọn được mắt gốc phải là mắt có nhiều rễ bám. Có thể ươm từ 2 đến 4 mắt thậm chí trên 5 mắt tùy vào cái thế của dây tiêu. Cắt bỏ tay ác nuôi trái chừa lá phía trên. Khi cắt về nếu chưa có điều kiện trồng liền ta có thể gởi trong đất tơi xốp giữ ẩm tránh khô gốc. Hoặc có thể vô bầu ươm ngay lập tức. Tốt nhất là nên trộn giá thể đất ( 50% đất + 25 % tro trấu màu đen + 25% xơ dừa) sau đó tưới ướt để qua đêm mới ươm thì tỉ lệ sống gần như là 100%. Vào bầu đất 1/3 bịch sau đó mới để dây ác, sau cùng đổ đất lên đầy bịch. Vào bầu xong dùng bạt đậy kín lại để trong vườn ươm 15 ngày sau mới bỏ bạt ra. Để che phủ trong vòng gần 2 tháng mới cho ra ánh sáng từ từ. Trồng loại tiêu này lên rất nhanh. Gần bằng tiêu chiết.
Ngày trước, khi tuổi tôi còn lên 5 lên 3 được bố mẹ dạy đi dạy lại “khi nhận gì của ai thì phải gật đầu cảm ơn, khi nhận gì của cô, dì, chú, bác, thì phải vòng tay cúi đầu cảm ơn”. Một số ít bạn trẻ ngày nay không được dạy bảo điều này. Tiếc lắm thay, tiếc lắm lắm thay.
Chào anh sơn!
Nhà em năm ngoái có trồng tiêu lươn nhưng giờ cây phát triển rất yếu! Hay bị bệnh. Lúc trồng vào trụ thì lên 90% nhưng được thời gian cây chết rất nhanh, còn số sống sót lại xấu. Chậm phát triển! Mặc dù chăm bón rất kỹ, tưới nước 1 tuần 1 lần, phân bón thì là phân chuồng đã ủ men 3 tháng! Và các loại phân hữu cơ sinh học khác. Vừa rồi có bón thêm phân lân địa long… Nhưng tình hình cũng không mấy khả thi! Số tiêu chết phải trồng lại phát triển tốt hơn nhưng cũng chậm ra đọt non lắm! Tiêu hay bệnh quăn lá và vàng … Chẳng biết phải chăm thế nào cho nó phát triển lại… Mong anh chia sẻ chút kinh nghiệm !
Trân trọng cảm ơn!
Tiêu lươn rất hay bị con sùng đất cắn phần thân tiêu nằm dưới mặt đất mà ta cứ tưởng là bệnh chết nhanh. Bạn thử nhổ thử cây mới chết lên xem. Tiêu nhà tôi mới trồng cũng bị con sùng cắn phá mất 10 trụ đấy.
Chào bạn!
Hiện tượng vườn tiêu nhà bạn bị như vậy chủ yếu là do bị tổn thương hệ rễ do nhiều nguyên nhân gây ra đặc biệt là do nấm và tuyến trùng hại rễ. Bạn có thể dùng các phương pháp chẩn đoán này để biết cây đang bị gì, đối với tuyến trùng bạn chỉ cần xới nhẹ đất là quan sát rễ tiêu nếu trên rễ có các nốt sần như nốt sần cây họ đậu thì tròn đất vườn tiêu nhà bạn đã bị tuyến trùng. Còn nếu đầu chóp rễ bị thối đen thì phần lớn do nấm gây ra. Nếu bạn muốn biết có bị nấm Phytophthora có trong đất gây bệnh chết nhanh hay không thì bạn nên lấy 1 ít đất tại gốc tiêu bị bệnh, rễ và thân tiểu đối với rễ và thân tiêu rửa sạch bằng nước cất rồi cho vào ly nước (mẫu đất riêng, mẫu rễ + thân riêng) sau đó bạn dùng cánh hoa hồng cho vào ly nước có chứa đất trồng tiêu và rễ + thân tiêu, quan sát cánh hoa hồng sau 2-3 ngày, nếu cánh hoa hồng bị mất màu thì đất đã bị nhiễm nấm Phytophthora.
Nếu như trog đất bị tuyến trùng thì bạn nên trị tuyến trùng bằng các loại thuốc BVTV đặc trị tuyến trùng có hoạt chất Carbosulfan…
Nếu như trong đất bị các loại nấm hại rễ gây hại thì bạn nên sử dụng các loại thuốc đặc trị nấm có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Carbendazim …
Đặc biệt đối với cây hồ tiêu bạn nên sử dụng phân hữu cơ và phân có hàm lương các nguyên tố trung vi lượng cao. Và hàng năm bắt đầu vào đầu mùa mưa bạn nên bón cho tiêu các chế phẩm sinh học Trichoderma và Pseudomonas để phòng và trừ bệnh do nấm gây ra (bệnh chết nhanh, chết chậm). Thông thường bạn nên bón vào đầu – giữa – cuối mùa mưa.
Chúc bạn thành công!
Bạn Linna thân!
Thú thật về trị bệnh cho tiêu mình còn kém lắm. Nhưng theo kinh nghiệm của mình tiêu tơ bị chết dây thường do bị úng dẫn đến thối rễ, vì thế ta nên khai mương thoát nước thì tình hình sẽ khả quan hơn. Tiêu bị quăn và vàng lá nguyên nhân thường là bị tuyến trùng và rầy trắng tấn công vào bộ rễ, lúc này ta phải dùng hóa học, bạn nên dùng thuốc đặc trị tuyến trùng dạng nước chế gốc cách 1 tuần sau chế nhắc lại, tuần sau tiến hành trị rầy trắng cũng chế 2 lần như trên kết hợp phun phân bón lá siêu lân để phục hồi bộ rễ. Trên đây là chút kiến thức hạn hẹp của tôi nếu còn thiếu sót gì mong các chú các anh góp ý bổ sung thêm.
Chúc bạn thành công. Thân.
Bác Vịnh, bác Sơn và các bác cho hỏi nếu ươm bằng giống ác (cắt của tiêu trồng giống ác năm ngoái) thì mình ươm luôn bây giờ được không hay là chờ vô mùa mưa ra 1 đợt rễ rồi ươm sẽ tốt hơn? Mong các bác giúp đỡ .
Chào bạn!
Tôi ươm từ trước tết một mớ. Vừa mới ươm xong một mớ nữa cách đây 2 tuần. Giờ lên rất đẹp chỉ đợi mưa là xuống. Nếu ươm quá muộn chăm sóc trong mùa khô rất cực.
Thân!
Anh Cua thân mến !
Thời điểm này anh ươm tiêu ác là rất phù hợp. Tiêu ác bà con thường trồng trực tiếp, trồng vào lúc đã có mưa đều. Bây giờ anh ươm, đầu mưa anh trồng, tiêu phát triển hơn cách cũ khoảnh 3-4 tháng. Tiêu lươn mà tôi còn ươm ra rễ rất nhiều, tiêu ác thì anh khỏi lo. Tuy nhiên bịch để ươm tiêu ác thì anh phải mua bịch lớn loai người ta hay dùng để ươm sầu riêng và mội bầu chỉ ươm 1 hom thôi, điều quan trọng là cần phải giữ ẩm, che nắng cho gốc tiêu mẹ nếu không nó bị chột chết luôn là buồn lắm.
Chúc anh thành công, có rảnh ghé tôi chơi anh em mình cùng trao đổi. Thân.
Cảm ơn các bác nhiều, Có thời gian xin ghé bác Sơn trao đổi học hỏi thêm, Có điều xa quá. Đã định vi hành 1 chuyến mà công việc cơ quan, việc nhà bù đầu. Lúc nào có điều kiện xin làm phiền bác nhé. Chúc bác Sơn, bác Vịnh và đại gia đình sức khỏe, bội thu.
Cảm ơn bài viết rất tỉ mỉ, cảm ơn anh đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu. Không dễ gì có thể nghiệm ra được. Bằng thời gian và kiến thức tích lũy đã đúc kết ra kinh nghiệm.
Với bài viết trên áp dụng cho giống tiêu lươn, cũng nhân đây xin hỏi anh thêm có thể áp dụng cho hom tiêu lấy từ thân dây chính không? Ý là như thế này:
Thực tế nhà em toàn trồng tiêu lấy từ thân dây chính. (Vì tiêu nhà em ít buộc nên chủ yếu lấy hom tiêu thân chính mà không có rễ khí, nên khi trồng trực tiếp, hoặc giâm rồi đem trồng tỷ lệ sống rất kém). Một lưu ý nữa là nhà em không bón phân bón lá trong giai đoạn phát mầm thành lá mà chỉ bỏ phân vi sinh lúc trồng thôi.
Vậy em xin hỏi là:
Đối với hom tiêu lấy từ thân dây chính không có rễ bám vào thân (không có rễ khi). Áp dụng kỹ thuật như anh đã trình bày (bằng cách tăng cường phân bón lá như trên). Anh nghĩ làm như vậy thì tỷ lệ sống, ra rễ như tiêu lương không anh?
Mong sự hồi đáp của anh Trường Sơn, cũng như mọi người. Chân thành cảm ơn bài viết và tất cả mọi người đã chia sẻ !
Bạn Cư Kuin thân mến !
Tiêu mà bạn nói là tiêu ác, mình có trả lời trên phần phản hồi cho anh Cua rồi, bạn đọc kĩ lại và bạn tham khảo thêm ở phần trả lời của anh M Vịnh, các quy trình còn lại vẫn làm như bình thường. Bạn nên ươm sớm kẻo trễ khi trồng tiêu tơ còn bé qua khó chăm sóc. Thân
Chào bạn Cư Kuin!
Làm như bạn nói thì không đạt, khi tiêu vô kinh doanh ko được đều vì bộ rể ko đủ mạnh. Nên chọn giông thật kỹ, bà con vùng mình trồng tiêu ác thường trồng trực tiếp. Canh lúc mưa đều mùa, rễ vừa nhú trắng thì cắt trồng. Bộ rễ đầu tiên thường mạnh nhiều rễ lớn nên về sau tiêu lên đều. Những bộ rễ tiếp theo yếu hơn thường là rễ cám cũng như dây giống ko đạt, chỉ phát triển khi thuận lợi vv…
Vài dòng góp ý, thân chào.
Chào Anh Minh Vịnh. Anh cho em hỏi bên anh có bán giống tiêu Vĩnh Linh không vậy, hay có bà con nào bên đó có bán không, giá bán là bao nhiêu tiền 1 dây vậy ? Anh giới thiệu cho em mua vài trăm dây được không?
Chào Thịnh!
Nhà tôi có ươm nhưng chỉ để trồng mới, với để khôi phục những cây tiêu già cỗi. Còn tôi xin kiếu Thịnh chuyện giới thiệu tiêu giống. Nhưng theo tôi được biết tiêu lươn khoảng 7-10 ngàn 1 bịch. Tiêu ác 1 dây tầm 15-20 ngàn. Tiêu ghép gốc Braxin 25 ngàn. Tiêu chiết 30-40 ngàn.
Thân!
Gửi bác Nguyễn Minh Vịnh!
Tình hình là nhà cháu năm nay mở rộng thêm diện tích tiêu của gia đình nhưng khác với mọi năm là năm nay nhà cháu trồng dây lươn chứ không phải trồng dây ác như trước đây nữa, kinh nghiệm về canh tác tiêu lươn hầu như là chưa có, nên cháu mong nhận được những chia sẽ quý báu từ bác và mọi người về các giai đoạn trồng và chăm sóc về tiêu lươn. Như giai đoạn trồng xuống, cách đôn gốc và các chăm sóc để đạt hiệu quả cao. Cháu xin cảm ơn mọi người.
Chào Văn Tiệp!
Trồng tiêu lươn cũng như trồng tiêu ác. Chẳng khác gì lắm. Chủ yếu là chịu khó buộc tiêu cho nó mau ra ác để đôn. Nếu lên tới ngang lưng quần mà chưa thấy có ác thì ta bấm đọt 1 lần cho tiêu mau ra ác. Thời điểm trồng là đầu mùa mưa, đào hố sâu, bón lót kỹ, nhưng trồng cạn trên mặt, hơi đứng 1 tí, và càng sát gốc càng tốt, để tránh cháy dây trong mùa nắng, nếu không sát gốc thì trồng đứng cho leo lên trụ giả. Tới đầu mùa mưa sang năm tiến hành đôn hàng loạt. Chăm sóc tiêu con chẳng có gì khó. Tiêu con rất khoái tưới mùa khô cứ 1 tuần tưới cho nó 1 lần là nó lớn ào ào . 1-2 tháng cho nó 1 nhúm phân nhứ cho nó phát là được.
Khi đôn bón lót phân chuồng hoai mục ủ Trichoderma, lót thuốc ngừa rầy trắng tuyến trùng. Trên điễn đàn có nhiều comment về đôn tiêu rồi. Bạn nên tìm đọc lại. Kỹ thuật trồng tiêu nhà tôi là không có bồn.
Vì thế khi đôn cũng khác với nhiều người đấy. Tôi sẽ mô tả sơ để bạn tham khảo. Đầu tiên đào hố sâu, bón lót kỹ càng, sau đó tiền hành tháo dây đôn lấp nó xuống cách đất mặt tầm 10 cm, rắc thuốc ngừa rầy trắng, sau đó lấp đất lại cao hơn đất mặt tầm 5cm, làm thế nào cho đất vùng đó thật là xốp, lỡ đạp phải vùng đất đó là xụp cả chân là duyệt. Đất xốp nó giữ ẩm rất tốt. Phía xa ngoài gốc làm bồn xung quanh. Dạng như là đắp mô trồng rau vậy. Phía trong tán là mô đất bên ngoài tán là rãnh bồn. Ngoài xa hơn là hố rút nước. Bồn bên ngoài mô đất và hố tút nước bên ngoài bồn. Khi tưới ta tưới lên trên phần mô đất đó, nếu cây nào cần nhiều nước thì tưới cái phần rãnh bồn. Nước sẽ từ từ ngấm vào. Nếu dư nước thì nó lại ngấm ra hố rút nước phía sau cùng. Đảm bảo cây không bị ngập úng mà vẫn đủ nước cho cây trồng. Nhiều người trồng tiêu thắc mắc là trồng tiêu không bồn làm sao tưới đủ nước. Kỹ thuật trồng tiêu không bồn là nghệ thuật đấy.
Thân!
Chào anh Trường Sơn! Nhà em ở Thống Nhất – Bù Đăng sắp tới em dự định trồng 1 số tiêu nhưng em nghe nói đất trên mình trồng tiêu khó và nhiều sâu bệnh. Vậy mong anh tư vấn giùm em là nên chọn giống tiêu nào là phù hợp với thổ nhưỡng ở mình và chọn loại cây nào làm trụ sống là tốt nhất.
Chào Xuân Mạnh !
Trong Thống Nhất đa phần là đất đỏ, bằng, đẹp, khí hậu rất phù hợp với cây hồ tiêu, nhưng bà con đa số trồng điều. Bạn vô goole “Kinh nghiệm trồng tiêu trên thân cây điều” tham khảo. Nếu rảnh ra nhà tôi tìm hiểu thêm. Thân.
Cảm ơn anh Trường Sơn! Nhất định vào 1 ngày gần nhất em sẽ ra thăm quan vườn nhà anh! Ko biết anh rảnh vào những ngày nào trong tuần?
Xin hỏi anh Trường Sơn, nhà em bắt đầu ươm tiêu lươn như kinh nghiệm của anh. Em xin hỏi anh năng suất của trụ tiêu lươn sau này có bằng năng suất của trụ tiêu ác không? Hai loại tiêu này cùng trồng một thời điểm và chăm sóc như nhau. Em cảm ơn anh rất nhiều, mong anh trả lời giúp.
Chào Mai !
Theo kinh nghiệm của tôi, cộng với ý kiến của bà con trên diễn đàn, thì trồng bằng lươn hay ác thời gian từ ngày trồng đến khi cho trái bói bằng nhau, năng suất như nhau. Tuổi thọ của tiêu lươn cao hơn, tuy nhiên cũng còn phụ thuộc nhiều vào khí hậu, thổ nhưỡng của mỗi nơi và kỹ thuật chăm sóc của mỗi người.
Bây giờ bạn ươm tôi sợ bị trễ vì tiêu bà con ươm đã được 5-6 lá và mang trồng được rồi. Tiêu lươn ươm bầu năm nay cung vượt cầu nên giá rất rẻ. Bạn chọn cơ sở nào gần nhà, uy tín, chất lượng thì mua về trồng cho kịp thời vụ.
Còn nếu bạn muốn tự ươm thì nên làm theo cách 1 vì thời gian này đã có mưa, độ ẩm không khí cao nên tỉ lệ hom sống rất cao. Không cần phải ươm trên liếp nữa. Thân.
Chào bác Sơn. Rất cảm ơn bác vì những gì em đã học hỏi được từ bác. Em xin nhờ bác tư vấn thêm cho cách hảm ngọn tiêu trồng từ lươn (không đôn).
Một trụ như trụ bê tông nên trồng bao nhiêu dây, thời điểm bấm ngọn, bấm bao nhiêu lần, chế độ phân… tới tầm bao nhiêu thì tiêu lươn trổ ác (tương đối). Em đã được 1 bạn chỉ về kỹ thuật này nhưng em muốn bà con tin tưởng hơn vì có những người có tiếng nói uy tín trong diễn đàn nói ra (Riêng em thì k còn phân vân). Bà con nhiều người rất bảo thủ. ý em thì chỉ mong rằng : qua câu hỏi của mình – Nhờ các bác trả lời – phần nào giúp đỡ những người còn phân vân như em. Những câu hỏi em nêu là trăn trở của bản thân – Sự phản hồi của mấy bác qua kinh nghiệm thực tiễn là điều ai cũng muốn có. Sự tư vấn của các bác là điều mà nhiều người a b c như em muốn học hỏi. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học. Mong được trực tiếp học hỏi nhiều từ bác Nguyễn Minh Vịnh, Bác Phát Tiêu Phong…
Xin cảm ơn.
Chào anh Cua !
Tôi làm tiêu kỹ thuật tạo tán không được kỹ lắm. Năm 2000 tôi trồng đợt tiêu đầu tiên trên trụ điều, như anh và bà con cũng biết, thời điểm đó dân trồng cà phê đang lao đao “cà phê thua cà pháo”. Tôi phải bương chải ngược xuôi để kiếm con khô lít gạo nên không có nhiều thời gian để chăm sóc cho tiêu. Một số trụ được đôn còn lại thì để tự nhiên luôn. Thấm thoát đã 13 năm rồi, những trụ tiêu được đôn và không đôn đều phát triển như nhau, những trụ không đôn thời gian đầu có bị trống gốc nhưng 1-2 năm sau khi lươn gốc có ác mọc và bám lên thì trụ không còn bị trống gốc nữa.
Đến nay tôi không còn lo cái bụng đói nữa nhưng công việc lại quá nhiều, ngoài tiêu ra tôi còn có caphe, điều và sầu riêng nên khâu chăm sóc cũng chỉ tương đối thôi.
Theo kinh nghiệm của tôi tiêu trồng bằng lươn thì trồng 2 bầu 5-6 hom/gốc tròn 1 năm không đôn thì đợi đến khi có mưa đều cắt ngang gốc cách mặt đất 40 cm phần ngọn mình làm giống hay bỏ đi, phần gốc 1 dây lên được 2-3 dây nữa, dây nào mập thì chừa lại, dây nào ốm thì tỉa bỏ, đọt lên khoảng 20 cm là ra ác thôi. Khi đã ra ác mà bỏ mắt thì mình bấm đọt chỗ mắt đó để nó tức ra ác lại, nhưng theo tôi thì chỉ tương đối thôi, không cần cầu toàn quá.
Về bón phân thì tôi vẫn xài hóa học + phân chuồng, nhưng năm nay nhờ học hỏi anh em trên diễn đàn nên tôi đang chuyển qua xài sinh học + phân chuồng ủ với vỏ caphe.
Chúc anh thành công, có gì thì trao đổi qua mail nha. Thân.
Chào cua!
Việc trồng tiêu lươn không cần đôn nhà tôi thường xuyên áp dụng. Muốn trồng tiêu không đôn thì trồng xa gốc ít nhất là 20-30 cm. Áp dụng cho những bụi tiêu trồng thêm dây cho cây ở truồng. Khi trồng cứ để nó bò dưới đất như rau lang, sau đó mới bó lên trụ giả, cắt đọt đi, cây trụ giả tầm nửa mét là ok. Cây leo trụ giả sẽ mau ra ác hơn là trồng trực tiếp lên trụ sống. Tiếp đến là bấm đọt thường xuyên, cứ ra 3-4 mắt mà chưa thấy ác ta lại bấm vứt đi 2-3 mắt. bấm tới khi nào thấy nứt ác, thì cứ ra 2-3 mắt ác tiếp tục bấm mắt lươn. Khi thấy dây cứng cáp thì ta bỏ cái cây giả ra làm 1 rãnh nhỏ từ gốc cây giả sang gốc cây chính. Như vậy ta lấy thêm được 5-6 mắt rễ, mà không cần phải đôn vòng vòng dưới đất cho cây dể bị nhiễm rầy trắng, tuyến trùng. Hoặc có thể trồng trực tiếp lên trụ chính mà bấm thường xuyên không cần đôn. Gặp là bấm. bấm mệt mỏi không thương tiếc cho tới khi nào nó đủ già tự khắc ra ác. Tuy nhiên kỹ thuật bấm đọt chỉ hỗ trợ cho cây ra ác dưới thấp, để ta dể quản lý bộ rễ khi đôn. Chứ trồng tiêu không đôn cây rất mau cỗi.
Trường hợp trồng tiêu ác áp dụng kỹ thuật này không cần đôn, nhưng khi cây ra lươn gốc hoặc ác gốc thì ta lấp lên lươn lấy thêm bộ rễ.
Thân!
Cảm ơn anh Minh Vịnh, vườn tiêu của tôi cũng có mấy cây trống gốc “mặc quần đùi”. Năm ngoái tôi có trồng thêm trực tiếp vào trụ chính, nhưng đang chưa biết cách gì làm cho nó có cành ác từ dưới thấp, nay lên diễn đàn gặp anh trao đổi kinh nghiệm tuyệt hay.
Chào cộng đồng, nhà em mới cắt 1000 dây tiêu ác, cắt về mà bận nên chưa vào bịch được nên giâm vào đất, biết bây giờ mà ươm thì hơi trễ, mà trồng luôn thì chưa có điều kiện, thôi thì ươm bây giờ tới tháng 8 trồng cũng được, hôm nay đem ra vào bịch mà đã 9 ngày rồi mà chưa ra rễ, cây nào mạnh thì ra nhu nhú không biết có sao không, sợ sau rễ ra yếu nên bây giờ muốn nhờ mọi người xem có cách gì ươm cho ra rễ nhiều không, (khi giâm em có ngâm thuốc siêu ra rễ).
Cám ơn cộng đồng.
Nếu bạn chưa trồng ngay được, mà muốn đến tháng 8 mới trồng bạn ươm vào bịch để trồng muộn tý cũng được, nhưng trước khi cắm vào bịch bạn giâm vào đất là được rồi đó, nếu lúc đó bạn giâm bằng cát tô (mịn) thì tốt hơn, bạn giâm mới 9 ngày thì chưa ra rễ cũng chẳng sao, nhưng khi cắm vào bịch bạn nên dùng một cây thẳng và to hơn cành tiêu một tý, dùi lỗ trước rồi cắm dây tiêu vào lỗ tránh làm dây tiêu bị tổn thương, vài ý cùng bạn, chúc bạn thành công.
Theo tôi thì 9 ngày chưa ra rễ cũng ko sao bác Toàn. Bác giâm xuống đất rồi lại dưa vô bầu trong thời gian quá ngắn. Tôi nghĩ cần thời gian để nó thích nghi lại và sẽ ra rễ, nãy mầm thôi. Mới 9 ngày làm đã nhú mầm chứng tỏ giống đã mạnh và bác chăm sóc tốt. Theo tôi được biết khi giâm tạm thì chỉ giâm đất tơi xốp, đủ ẩm và không có phân. Trồng tốt nhất trong khoảng trước sau 15 ngày. Còn bác đã đưa vô bầu thù buộc phải tuân thủ giá thể ươm phải đảm bảo tơi xốp, có than trấu hút ẩm và lượng đất trong bầu phải đủ dinh dưỡng để cây phát triển thích ứng với thời gian trong vườn ươm. Nhưng tốt nhất là bác nên điều tiết ánh sáng, chuẩn bị che chắn để đưa cây ra vườn càng sớm càng tốt (trong điều kiện đất, đọ ẩm không khí đã đủ, trời còn ấm).
Còn nay bác đã dưa vô bầu thì cứ chăm sóc bình thường – tùy vào cách làm đất bầu ươm, thể tích bầu để quyết định đưa ra vườn lúc nào phù hợp. Bác nên đưa thêm thông tin về cách ươm, làm đất đi nhé.
Tôi ko có kinh nghiệm nhưng mạnh dạn đưa ra suy nghĩ của mình qua những điều đã học hỏi – Mong các bác đóng góp nhiệt tình. Giống quá tốt cũng lo, lỡ cắt sớm cũng lo, giống ươm muộn cũng lo – Cái lo này chính là lo cho bản thân, gia đình, là cái tâm cho nghề nghiệp đã theo đuổi. Mong được học hỏi nhiều qua thắc mắc của mọi người .
Chào anh Minh Vịnh!
Không biết tại sao mà em gửi mail cho anh mà ko được. Tiện đây anh cho em hỏi 1 số điều sau:
1. Khi mua dây hom ác ở rất xa, mình phhải mất vài tiếng mới về tới nhà để ươm trồng, như vậy thì mình nhúng dây tiêu vô dd siêu ra rễ và khử trùng ngay tại chỗ hay là về nhà mới thực hiện điều này. Và giữa 2 cách trên thì cách nào hiệu quả hơn?
2. Tại sao khi cắt hom xong lại nhúng vô dd 2,4D để kích thích ra rễ, vì theo như em biết thì đó là thuốc trừ cỏ mà anh?
3. Em phân biệt được tiêu Vĩnh Linh với 1 số tiêu khác, chỉ là em chưa nhận biết được giữa tiêu Vĩnh Linh lá nhỏ với tiêu Vĩnh Linh lá to khi mới 1, 2 nãm tuổi thôi anh à. Nên nếu anh biết thì nhờ anh chỉ giúp và tư vấn cho em giống tiêu phù hợp(cả về năng suất và khả năng kháng bệnh) với vùng đất mỡ gà có pha sỏi đỏ.
4. Cho em hỏi là Phân hữu cơ sinh học NPK+TE mà anh hay sử dụng để thúc tiêu ra bông có phải là Humix không anh? Còn phân phục hồi rễ ĐH là của nhà sản xuất nào và có mấy loại? Về Amino thì chỗ em chỉ có Aminofit.Xtra của cty Nam Việt nhập khẩu từ Bỉ, và Amino Đồng Xanh thôi anh à, chứ ko tìm được Amino Datnong, cho em hỏi là công dụng của nó có giống nhau ko anh? Và giá của Amino Datnong anh hay mua là bao nhiêu?
5. Cho em hỏi, em mới thúc phân Humix để thúc ra bông xong, vườn nhà em khi xới đất lên để bón phân thì thấy lộ ra rất nhiều nấm trắng màng nhỏ, giờ em dùng Agrifos 400 để xử lý thì có ảnh hưởng gì đến bông tiêu ko anh? Hoặc có thể sd Đồng đỏ hay thuốc gốc đồng ko ạ?
6. Khi xử lý đất để trồng mới, em có thể dùng Vimoca 10H để thay thế cho Basudin hoặc Vifuran ko anh? Nên xử lý đất trước khi bón lót hay là sau khi bón lót?
Em rất ngại khi chưa gì đã làm phiền anh bằng những câu hỏi dồn dập như vậy, nhưng vì còn thiếu sót kinh nghiệm nên mong anh chỉ giúp.
Em xin chân thành cảm ơn anh, chúc anh và gia đình thật nhiều sức khỏe, thành công và 1năm bội thu.
PS: mail của em là laithanhliu@hatien1.com.vn , anh có hình về lá tiêu hãy gửi cho em với nhé, cảm ơn anh nhiều!
Chào Liu.bp!
Tôi không nhận được email chứ nhận được là trả lời ngay cho bạn khỏi phải chờ. Do khả năng đánh máy của tôi cũng thuộc dạng siêu nên cũng không mất nhiều thời gian.
1. Trước đây tôi ươm hay nhúng dung dịch ra rễ cực mạnh để kích thích ra rễ. Nhưng năm nay tôi ươm không nhúng 1 tí gì thấy lên cũng chẳng có gì khác biệt lắm. Tôi chỉ có 1 bí quyết nho nhỏ là cắt tới đâu tôi gởi ngay vào trong đất ẩm tới đó là xong. Là khi cắt hom giống trong vòng vài tiếng nếu như chưa trồng kịp thì chịu khó lấy đất ẩm tấp lên phần gốc như rau lang. Miễn sao cây chưa khô mủ mà đã được tấp gốc là nó lên rất mạnh. Còn mua hom giống ở xa thì chỉ việc bỏ hom vào bịch nilon sau đó cho đất ẩm vào là bạn đem sang Mỹ cũng được. Còn nếu chỉ vài tiếng thì bó trong lá chuối sau đó tưới sơ lên. Về tới nhà gởi trong đất ẩm liền thì vài ngày sau bạn vô bịch còn kịp.
2. Tôi chưa bao giờ chỉ ai dùng dd 2,4 D để kích thích ra rễ. Kiến thức này theo tôi được biết đó là @tieu sau nói. Tôi cũng đã cảnh báo đây là kiến thức rất nguy hiểm. Không phải cái gì cũng đưa được lên cho bà con nông dân.
3. Hiện nay có nhiều giống năng suất rất cao khả năng kháng bệnh tốt như : sẻ Phú Quốc, trâu đất đỏ, Vĩnh Linh, Lộc Ninh, sẻ đất đỏ BRVT, Ấn Độ ba chia,… Bạn có thể chọn giống nào đó là tùy vào thổ nhưỡng vùng bạn. Theo tôi được biết là giống Vĩnh Linh phù hợp với nhiều vùng đất. Riêng tôi rất chuộng 2 giống là Vĩnh Linh và trâu đất đỏ. Khả năng kháng bệnh tốt mà năng suất rất cao. Về phần giống Vĩnh Linh có rất nhiều loại. Cách phân biệt có lẽ gặp trực tiếp tôi nói dể hơn là viết ra thế này. Do có mô tả thì bạn cũng thấy hao hao thứ khác. Nhưng chỉ trực tiếp sơ 1 cái là phân biệt được liền.
4. Về phân bón quan trọng là cách dùng, thời điểm dùng. Dùng đúng thời điểm, nhu cầu dinh dưỡng cây cần gì thì mới phát huy được tối đa hiệu quả của phân bón. Mỗi vùng nó có một loại phân bón khác nhau. Bạn hỏi thế tôi cũng bó tay. Ưu tiên dùng phân hữu cơ chuyên dùng cho hồ tiêu. Dùng thêm phân vô cơ khi cây cần lượng nhu cầu dinh dưỡng lớn. Như lúc làm bông và to hạt chắc trái. Xịt phân bón lá định kỳ. Phân chuồng hoai mục ủ nấm đối kháng cũng là thành phần không thể thiếu.
5. Nấm đó là nấm mạng nhện, không làm chết cây ngay nhưng làm giảm năng suất cây trồng. Thường đất quá ẩm hoặc không vệ sinh vườn mới có nấm này. Vùng đó nên làm hệ thống thoát nước chứ mùa mưa rất dể bị ngập úng làm thối rễ. Dùng Agrifos 400 xịt phần dưới đất thì được. Còn xịt lên tán lá thì không nên. Cây đậu hạt mới sử dụng được. Đang lá non mà dùng thuốc trừ nấm sẽ làm cháy lá non, còn nếu dùng cho bông sẽ làm chai bông, chuỗi ngắn, hạt không thể mẩy được. Tốt nhất nên ngừa nấm lá bằng cách rửa cây sau khi thu hoạch. Còn thời điểm đang nuôi lá non, cựa bông nếu lá bị nấm nặng thì mua bào từ nấm Trichoderma xịt trực tiếp lên sẽ an toàn hơn. Tôi thường xịt vào chiều mát.
6. Xử lý đất trồng mới nếu ngừa tuyến trùng, rầy trắng hay mối sùng thì có thể dùng các loại thuốc dạng hạt đều được. Khi bạn trồng tới đâu lót tới đó.
Thân!
Chào cộng đồng,
Chào @nông văn dân, @cua
Cám ơn 2 bác đã góp ý
@ cua, giá thể em làm thế này,
4bao đất, 1bao xơ dừa, nửa bao vỏ cà phê hoai mục trichodrema 15kg, nửa bao tro mía, trộn đều, ủ trước nửa tháng, em nhờ mọi người xem như vậy đã đủ dinh dưỡng chưa,
Xin cám ơn!.
Đồng đỏ có phải là gốc đồng hay ko?
Vậy thuốc Eddy 72WP có thể dùng chữa bệnh chết nhanh ko?
Xin cảm ơn!
Đã là đồng thì phải có gì đó thuộc về đồng chứ bạn.
Thuốc bạn hỏi theo nhà sản xuất là đặc trị bệnh thối cổ rễ do nấm Phytophthora gây ra, tức là cùng dòng nấm gây bệnh chết nhanh cho tiêu. Hiệu quả sử dụng thì tôi chưa được rõ.
Mong bà con nào đã sử dụng xin chia sẻ tác dụng, hiệu quả cụ thể với cộng đồng.
Gửi anh Minh Vịnh.
Tình hình là nhà em có mua 300 bầu tiêu nhưng em ko hiểu tại sao tiêu nó cứ bị vàng lá, có những lá gần như trắng luôn, còn có những bầu lá vàng nhưng gân lại xanh, đọt non ra rất chậm ko có mơn mởn như của người ta. Nhìn tiêu em thấy rất cằn ko chịu lên mặc dù em đã xịt phân bón lá (…), em thử nhổ vài cây thấy cũng khá nhiều rễ có những bầu lòi rễ ra ngoài bầu luôn. Anh cho em vài lời khuyên để tiêu nhà em có thế vọt đọt nha.
Em xin cám ơn Anh. chúc Anh và gia đình sức khỏe.
Chào Duy!
Trước tiên nên xem xét lại giống mình mua. Nếu họ lấy từ vườn nhiễm bệnh thì nó không phát nổi là đúng.
Lá non trắng nổi gân xanh là bị thiếu dưỡng chất trầm trọng.
Giá thể để vô đất là đất thiếu dưỡng chất hoặc đất bị nhiễm nấm bệnh.
Lá vàng gân lại xanh là biểu hiện của thiếu Mg. Hoặc giống đó là giống sẻ đất đỏ đặc tính giống này ra lá non nó thế.
Kiểm tra xem thử đáy bầu có rút nước tốt hay không. Rễ chạm đáy mà ko rút nước được nó sẽ vàng lá, có cây rụng và thối đọt.
Xem lại chế độ ánh sáng. Quá nắng hoặc quá rợp cây đều phát triển chậm.
Nếu rễ chạm đáy bầu khả năng bắt đầu úng là rất cao. Kiểm tra xem có bị thối rễ hay không? Nếu không thì khả năng thiếu dưỡng chất là rất cao.
Mua loại phân sinh học nào mà vừa phun lá vừa đổ gốc được pha với nồng độ phun lá. Hòa nước tưới có kết hợp Trichoderma ngừa nấm phát sinh do độ ẩm vườn ươm cao rất dể sinh nấm bệnh. Như thế cây sẽ phát lại. Do tiêu con trong bầu khó có thể bón từng gốc. Loại phân dùng cho gốc mà pha nồng độ đổ gốc bón lên nếu trúng lá có thể cháy. Vì thế ta tìm loại đó dùng với nồng độ trên lá mà mật độ dày lên thì cũng như bón gốc.
Nên đưa ra đất trồng càng sớm càng tốt. Cây nào phát lại thì ta tiếp tục chăm. Cây nào chậm phát nhổ đi đừng tiếc.
Khi đưa ra đất vùi cho nó 1 nhúm phân hữu cơ chuyên dùng cho hồ tiêu. Cây bị đói lâu lắm rồi. Thấy thế chứ ra đất chăm đạt nó lên vẫn như thường.
Thân!
Chào bà con và các bạn!
Sau một năm ươm tiêu tôi lại có thêm chút kinh nghiệm mới, nay xin chia sẻ cùng bà con.
1. Tiêu lươn thân, lươn gốc, mau ra rễ hơn. Lươn thân, lươn thòng mau ra tay ác hơn.
2. Ươm theo cách 2 thì bà con nên giâm sâu để mắt trên cùng bằng mặt đất, làm như thế thì trong 1 tháng thì số hom giâm đã ra đọt được 70-80% Khi hom vừa lú mắt 0,5-1cm là nhổ lên vô bầu được rồi, bảo đảm tỉ lệ ra rễ trên 90%.
3. Nền đất để xếp bầu theo luống nên cuốc tơi sâu khoảng 20cm, làm thế để đất bên dưới bầu luôn thoát nước, và khi rễ ra ngoài bầu có chỗ để kiếm ăn, (làm tốt khâu này sẽ hạn chế được tình trạng thối rễ tiêu tơ)
4. Khi tiêu giâm trên liếp thì có thể bị nhiễm một loại nấm hạt hạt màu trắng làm thối hom, khi gặp hiện tượng trên thì bà con nên nhổ bỏ số hom bị bệnh đi rồi chế bằng đồng đỏ vào chỗ bị nhiễm nấm và những chỗ chung quanh. Khi tiêu tơ đã ra 3-4 lá mà bị héo là do thối rễ lúc này thì bà con nên phun ridomil, tuần 1 lần trong 2-3 tuần.
5. Chăm sóc, phun và chế gốc bằng phân sinh học hữu cơ dạng nước với liều phun và kết hợp với trichodema.
Chào bạn Minh Vịnh, lúc trước mình ở Châu Đức thấy người ta trồng tiêu ko có bồn họ để bằng thoáng vậy. Còn ở chổ mình giờ ai cũng có bồn hết, mình ở Daknong đất hơi dốc, ko làm bồn cũng khó tưới nước thật. Theo cách nói làm bồn của bạn thì mình cũng hiểu.
Chúc bạn luôn vui khỏe, lúc nào có gì vui cho diễn đàn hay để chúc mừng nha…
chào các anh ! các anh ơi cho em hỏi, em định ươm tiêu lươn nhưng em vào bầu có kích thước bì là 10×18 vậy có đc không các anh? em cảm ơn !
Chào Mỹ Tiên!
Bầu đất 10×18 tạm được, nhưng nếu 10×20 hay12x22 thì giúp cho bộ rễ phát triển tốt hơn, lỡ mình trồng chậm 1 tí cũng ko sao.
Nếu có rầy, cháu có thể dùng các loại thuốc như Diaphos, Pyrinex, Marshal,… hay loại thuốc diệt côn trùng là được. Nhưng pha theo hướng dẫn thôi nhé, không được pha đậm vì lá còn non. Thân
Thân chào anh Sơn !
Anh cho em hỏi là trồng tiêu mở và trồng tiêu Vĩnh linh thì tiêu nào cho năng suất cao hơn, điểm khác biệt giữa 2 loại. Em muốn hỏi là trồng tiêu lươn nha anh.
Cảm ơn anh rất nhiều …
Tiêu Vĩnh Linh năng suất cao hơn.
Điểm khác biệt chỉ là 1 thứ chín chính vụ. Một thứ luôn luôn chín muộn. Sẻ mỡ không cần biết nhiều kỹ thuật. Nó là giống kháng bệnh rất mạnh, dể làm bông. Nhược điểm chỉ là thu hoạch gần mùa mưa, dung trọng thấp, hay bị xoắn lá khi già cỗi.
Thân!
Chào các anh chị,
Tôi trồng tiêu giữa mùa mưa 2013, do trồng trên trụ sống, mà trụ sống đã trồng trước đó 1 năm nên thân cây trụ sống đã to, phát triển mạnh. Chính vì vậy cây tiêu phát triển rất kém! Xin cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, chân thành cảm ơn!
Đoán
Tiêu phát triển kém thì bạn cần xem lại là do chế độ bón phân chăm sóc của mình không đầy đủ, hợp lý, chứ không phải vì trồng trên trụ sống.
Chú Trường Sơn cho cháu hỏi. Cháu ươm tiêu lươn nhưng cháu cắt có 2 mắt thôi, 1 mắt ở trên và 1 mắt ở dưới. Như vậy liệu có dươc không chú
Chào hienpham!
Rễ cọc của tiêu mọc ra từ vết cắt nên việc cắt 2 hay 3 mắt cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Nếu mắt hom dài thì mình cắt 2 mắt , còn mắt ngắn thì cắt 3 mắt. Thân.
Chào Danh Xuân Bảo!
Theo kinh nghiệm của tôi thì khi thu hoạch xong cần phun đồng đỏ để rửa cây. Cắt bỏ những tay ác mọc sát đất cao 50cm. Bón mỗi gốc tiêu 1kg lân nung chảy. Tưới nước bình thường, canh trước mùa mưa 30-40 ngày thì ngưng tưới hãm cây. Thân.
Anh Sơn cho hỏi.
– Phun đồng đỏ tỷ lệ nước và đồng đỏ bao nhiêu
– Mình dùng hệ thống tưới tự động. Vậy bó lân nung chảy trực tiếp vào gốc tiêu hay pha nước rồi tưới theo hệ thống. Lân nung chảy có dễ tan trong nước ko.
Cảm ơn anh
Chào Bảo!
Đồng đỏ trên bao bì có ghi cụ thể, bạn phun theo hướng dẫn nhé.
Lân nung chảy không tan trong nước mà tan trên 90% trong dung dịch axít yếu của rễ tiêu, vì thế khi bón cần xới nhẹ để lân lẫn vào trong đất sâu 5 cm. Hoặc bón trên mặt rồi phủ 1 lớp đất mỏng lên trên. À tiêu bạn mới 1 năm tuổi thì cứ tưới nước và bón phân đều không cần ép nước đâu nhé. Thân .
Chào thế hải !
Tôi hay tò mò, nên tôi đã trồng khoảng 300m2 Tiêu cành dưới tán Táo giống như trồng khoai lang từ năm 2000 đến nay vẫn còn duy trì. Mỗi năm được khoảng 70kg tiêu khô loại này không thể leo trụ bạn cứ thử.
Thân chào
Chào Trọng Đoán !
Trồng tiêu trong mùa mưa là 1 sự bất lợi lớn nhất cần tránh. Trụ đã lớn bạn hãy thường xuyên rong cành, chỉ để cành rất hạn chế, cách chăm sóc thì trên diễn đàn đã nói rất nhiều.
Thân !
Mình đã ươm tiêu lần 2, dự tính sẽ áp dụng phương pháp “nhân giống nhanh” như đã làm vừa dễ, vừa giảm được giá thành và như vậy sẽ không còn lo thiếu giống. Hiện nay trồng tiêu như một phong trào, liệu giá sản phẩm có hạ dưới giá thành như cao su (9000 đ/kg mủ đông) hay không? đây là điều đáng lo ngại!
Chào chú @hien chau!
Khi trao đổi với chú cháu thấy tâm hồn bay bổng, xin được trao đổi thế này.
Nông dân chúng ta thường bị bệnh chạy theo đuôi, khi cây trồng nào có giá cao thì “Này là cà phê rất già, này điều thu rất bèo, này là cacao tối tăm. Này là caosu rớt đài, rồi xoài cam bất tài, nay ta đã có TIÊU làm giàu…. ”
Cháu chế theo bài Hoa Cỏ Mùa Xuân đấy, vì cháu đã là người chạy theo giá và hút chết đó chú. Khi nhìn lên trời có hai vầng sáng lớn, một vầng sáng lớn làm chủ ban ngày, đó là mặt trời. Vầng sáng nhỏ hơn làm chủ ban đêm, là mặt trăng. Nhưng mặt trời thì cũng có lúc bình minh, lúc chói chang và có lúc chiều tà. Mặt trăng thì khi tròn khi khuyết. Nhìn đất thì có xuân hạ thu đông. Người thì có sinh lão bệnh tử… Trời cao như thế… Đất rộng như thế… Con người như thế… thì giá nông sản lẽ nào chẳng thế…
Em chào anh!
Cám ơn anh đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu
Em đang làm đề tài về bệnh đen gốc hom tiêu lúc ươm. Anh có thể cho em biết các tác nhân gây ra hiện tượng này không ak!.
Em còn 1 câu hỏi nũa: ẩm độ và nhiệt độ ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của hom tiêu lúc ươm.
Em xin chân thành cảm ơn và mong sớm nhận được phản hồi từ anh.
Hom tiêu quá già (di truyền tế bào chất) và môi trường không thuận lợi thì hom tiêu chết. Hom chết ở đoạn nào thì có màu đen ở đoạn đó. Các yếu tố của môi trường là: lý, hóa, sinh, cơ có ảnh hưởng lớn dến sự sống chết của hom tiêu. Bạn làm luận văn đề tài này là đo lường lại 4 yếu tốn trên và nêu ra cụ thể những con số bằng đối chứng, thí nghiệm, hoặc các tài liệu tham khảo, để có một công trình ứng dụng được. Bạn bắt đầu từ quan sát, ý tưởng, kiểm chứng, để đưa đến kết luận … Phải thật khách quan để tránh nhận định vội vã và kết luận sai lầm đang phổ biến như hiện nay… Nên tìm hiểu lại những gì người đi trước đã làm có liên quan đến đề tài để có số liệu dẫn chứng, và biết những gì chưa làm, chưa giải quyết, tập trung vào lĩnh vực đó, để nối dài hơn một đoạn đường KHOA HỌC.
Mình đang rất hy vọng ở bạn.
Thân chào Lâm Hải Sơn !
Bệnh đen gốc hom tiêu lúc ươm tôi chưa từng gặp nên chưa biết gì về bệnh này, bạn thông cảm nhé. Rất mong chú hien chau và bà con ai biết xin chỉ giúp.
Độ ẩm và nhiệt độ có ảnh hưởng lớn đến quá trình nảy nầm và mọc rễ của hom tiêu. Độ ẩm cần thiết khoảng 50-60 %, nếu thấp quá hom sẽ bị mất nước, gây hiện tượng héo khô. Nếu cao quá sẽ dẫn đến úng, gây hiện tượng thối hom. Nhiệt độ cũng rất quan trọng. Nhiệt độ lạnh như thời gian vừa qua, thì nhiều vườn ươm tiêu tỉ lệ nảy mầm rất kém. Nhiệt độ thích hợp theo tôi là khoảng 22-32 0c. Trên đây là chút kinh nghiệm của tôi trong quá trình ươm tiêu, chứ không tham khảo trên tài liệu nào, nếu bạn làm luận án tốt nghiệp thì vào tài liệu. com tìm hiểu thêm. Vài hàng gởi bạn chúc bạn thành công.
Chào anh Trường Sơn và mọi người, tiêu con tôi ươm đúng như trên đã 30 ngày mà tỉ lệ ra mầm chỉ khoảng 20 phần trăm, không biết tại sao. Tôi ở Đak Lak, mấy tuần vừa qua ở đây thời tiết hơi lạnh. Không biết đó có phải là nguyên nhân không? Cảm ơn anh và mọi người. Đây là lần đầu tôi lên diễn đàn, có gì không biết mong mọi người chỉ giáo.
Chào anh Sơn !
Em ươm tiêu được 4 tháng, mà chỉ ra được 1 lá mà không có thấy đọt, trên mặt bầu thì có nhiều rong và riêu thế em nên phun thuốc gì, mong anh chỉ giúp. Cảm ơn anh.
Có nhiều lý do làm cây giống phát triển kém:
1/Hom tiêu quá già, tế bào chất đã cỗi, nên hom tiêu khó nẩy mầm non, hay quá non nên không chịu nổi sự mất nước, và cường độ ánh sáng… hay bạn đã để hom tiêu lâu ngày không vùi vào đất ẩm, nên bị suy yếu tổng quát. Hom tốt là đoạn bánh tẻ (trung niên), cắt đâu là vùi vào đất ẩm đó.
2/Môi trường: đất vào bì bạn nên làm như bạn Đỗ Tr Sơn hướng dẫn, đo lại độ pH, che nắng còn lại 20%, gió, giữ độ ẩm càng cao càng tốt (90% hay bảo hòa), vì tiêu lúc này chưa có rễ nên chỉ hút nước và chất dinh dưỡng qua thân… Mình đang đối chứng là thắp đèn (bóng tròn, hay bóng chuyên dùng,) để kéo dài thời gian chiếu sáng, và sưởi ấm vườn ươm.
Trường hợp tiêu của bạn là quá kém nên khi đưa ra trồng sẽ không sống nổi, eo sèo… tốt hơn (có lợi hơn) là ươm lại … Mong bạn cân nhắc để tránh lãng phí.
Chào Trương Văn Hùng!
Tiêu ươm đã 4 tháng rồi mà yếu như thế theo tôi bạn nên bỏ đi và ươm lại, vì tiêu tơ mà ốm yếu thế thì sau này mang trồng kém lắm.
Chào nguyen xuan son!
Từ lúc ươm đến khi đem trồng khoảng 4,5 tháng là vừa. Ươm đợt đầu trước tết thì tôi ươm theo cách 2 (ươm trên liếp), còn đợt 2 sau tết thì tôi ươm theo cách 1. Cứ khoảng 10 ngày tôi tưới trên lá và gốc bằng phân hữu cơ sinh học dạng nước với liều phun, thường xuyên kiểm tra và phun thuốc trừ sâu khi có sâu rầy gây hại. Vỏ trấu mà để nguyên trộn với đất thì phí quá, bạn có thể đốt cho cháy lem nhem, được nửa tro đen nửa trấu thì hay hơn.
Vài hàng trau đổi, chúc hai bạn thành công.
Cho tôi hỏi cách cắm vào ngập đất mấy mắt tiêu? Lúc tiêu ra rễ thì ra ở phần mắt hay phần cắt tiêu? Khi cắm vào bầu thì trừ lại trên bầu mấy mắt là tốt nhất?
Tùy mục đích, cắt hom 02 mắt ươm cho tiết kiệm và tạo được bộ rễ tốt cũng được, ươm 6 tháng cho nó ra dài nữa mét khi trồng thì trồng thêm 4,5 mắt khỏi đôn tiêu sau này. Tiêu ra rễ ngay mắt cắt đầu tiên, đây là rễ chính của hom tiêu. Ươm 3 hom 1 bầu là được, như hướng dẫn của bài viết là tốt rồi
Chào anh @Lê Vĩnh Thạch!
Ươm tiêu lươn chỉ cần cắt 01 lóng 02 mắt ươm là tốt rồi. Nên mua kéo mới để cắt thì vết cắt sẽ ngọt hơn, vết cắt phần dưới nên cắt cách mắt dưới từ 1,5 đến 2cm, vết cắt nghiên từ 45 đến 60 độ để lấy được nhiều tễ từ vết cắt, rễ hom tiêu lươn khi ươm ra nhiều nhất là ở vết cắt, nên cắm vào bầu khoản 04 hom thì xác suất tiêu lươn sống được nhiều hơn, cắm hom tiêu vào bầu ươm 1 mắt là được, tùy vào bầu 0,5kg hay 1kg để tránh thối rễ tơ, khi cắm hom vào bầu mắt trên của hom cách mặt bầu khoản 1-2cm là ok.
Thân!
Chào bạn Sơn.
Mình năm nay mới tập làm vườn. Mình đọc bài viết của bạn thấy rất cụ thể nhưng có một vấn đề mình muốn nhờ bạn chỉ dẫn thêm. Bạn nói là cho đất vào bầu 1/3 sau đó cắm dây vào rồi mới đổ đất đầy bầu, vậy với một người đóng thì sẽ rất chậm. Theo bạn có cách nào để nhanh hơn không?
Chân thành cám ơn bạn.
Chào @mai văn chí!
Với tiêu lươn ươm theo cách một thì có thể tưới cho ướt bầu rồi dùng cây cắm lỗ trước rồi cắm lươn vô sau cũng được. Còn theo cách hai nhất thiết phải làm như thế, tuy chậm mà chắc, được bầu nào chắc bầu đó.
Vài dòng chia sẻ , chúc bạn thành công.
Mình một năm trồng 1 it, cách của mình rất đơn giản, nhưng tỉ lệ sống rất cao: mình chọn cách 2 , nhưng chỉ ươm trong cát, ngày tưới 2 lần sáng chiều, tưới ít thôi, che lưới 1 tháng đầu, hom cắt 2 mắt, không vào bầu mà đem trồng thẳng luôn.
Thân.
Anh có thể chỉ cho em cách khoanh tiêu lươn đc không khoanh như thế nào, khi nào thì khoanh đc, khoanh vào thời điểm nào thì thích hợp nhất?
Mình đã cắt hom tiêu 1 mắt, 2 mắt, và 3 mắc trở lên thấy chúng vẫn sống được , và tốt nhất là 2 mắc. Nên năm 2014 mình có khả năng thừa giống.
Chào anh.
Tôi cũng vừa ươm thử 2 mắt, hy vọng sẽ khả quan.
Anh đã trồng 2 mắc chưa? hay cũng chỉ mới ươm.
Thân
Cháu cũng ươm 02 mắt, điểm lợi là tiết kiệm giống, bộ rễ tốt do không cấm sát đáy bầu đất như khi ươm 3 mắt. Ươm 6 tháng nó dài gần 1 mét nếu chăm sóc tốt. Khi trồng thì lặt bỏ 4,5 lá trồng luôn phần đó thì đủ bộ rễ (1 dây được 7,8 mắt rễ, 1 trụ cũng dc 25 đến 28 mắt rễ trong phạm vi 02 lòng bàn tay), khỏi phải đôn, quản lý rễ cũng dễ hơn đôn.
Mùa rồi, cháu trồng theo cách đó, quan sát thấy các mắt đó ra rễ cũng khá tốt. Đó là cách làm của cháu
Mình nghĩ cấy mô, cũng như giâm hom,… ươm lần 1: 100 bầu 2 mắt, một lóng, thấy tỷ lệ sống cao, đem trồng thấy phát triển tốt, hiện tựợng này được suy diễn và giải thích như sau:
1/. Hom cho vào bầu chính xác, mắt 1 đúng vị trí ra rễ, mắt 2 vừa chạm mặt bầu, toàn hom tiêu ngập trong đất ẩm (chống mất nước) nên hom tiêu dễ sống,
2/. Khi đem trồng lại có ưu thế hơn (như bạn NTT đã trình bày). Hom tiêu là thế hệ mẹ, những mắt chôn tiếp theo là thế hệ sau, có tế bào chất trẻ hơn, như vậy ta đã có 1 dây tiêu trọn vẹn ở thế hệ mới, hoạt động hiệu quả hơn (vì ít ành hưởng di truyền tế bào chất già cõi),… đây là hiệu quả lớn nhất.
Một vài lời giải bày. Thân chào bạn.
Chào @phạm trương quyết !
Từ khoanh bạn dùng tôi không hiểu, có phải bạn muốn hỏi cách đôn tiêu không ?
Thôi tôi trả lời đôn tiêu nhé.
Khi tiêu lên được 1,5-2m lúc này hầu hết các dây tiêu đã ra nhánh ác, bạn đào 1 hố 50x50x50 cm cách gốc tiêu mẹ khoảng 30cm (ví dụ gốc tiêu mẹ nằm ở hướng đông thì bạn đào ở hướng tây nam hoặc tây bắc) để phơi ải khoảng 1 tháng, rồi trộn với 5kg phân chuồng ủ hoai + 1 kg lân nung chảy. Bạn lấp xuống khoảng 2/3 hố, để 1 tuần sau tiến hành đôn tiêu.
1) Dùng tay vặt ngược bỏ lá và cuống lá từ gốc lên đến tay ác, chừa lại 3 nhánh ác rồi cắt bỏ ngọn đi đem lá và đọt tiêu đi đốt bỏ.
2) Dùng đồng đỏ phun ướt đẫm đoạn thân vừa được vặt bỏ lá (làm vậy để phòng nấm bệnh cho dây tiêu).
3) Cẩn thận gỡ dây tiêu từ gốc đến ngọn ra khỏi trụ, gỡ từng dây và để riêng ra từng dây.
4) Cẩn thận khoanh từng dây tiêu nhẹ nhàng để xuống hố, phần ngọn cột vào trụ, cao khoảng 40 cm.
– Bạn làm từng dây một cho đến dây cuối, canh sao cho phần ngọn tiêu ôm đều trụ, lấp đất lại, vun cao hơn mặt đất 5-10 cm, như mu rùa.
– Đôn tiêu vào mùa nào trong năm cũng được nhưng nếu là mùa nắng thì bạn nhớ che nắng và giữ ẩm thật tốt.
– Chú ý không được làm dập dây tiêu, không để rác, lá lẫn lộn trong đất khi độn tiêu, đặc biệt là lá tiêu.
– Đôn tiêu sẽ tránh được tình trạng trống gốc (quần đùi) ngoài ra, đôn tiêu còn giúp cho cây có thêm một bộ rễ mới nữa. Tuổi thọ và năng suất khi trồng tiêu lươn chính là nhờ điểm này.
Lưu ý khi dùng dao kéo cắt tỉa phải sát trùng dụng cụ từng cây một (có thể hòa một ít Carbenzim vào hủ nhưa, cắt hết cây lại ngâm kéo vào đó. Hoặc dùng cồn y tế cũng được để ngâm kéo cũng được).
Mình nghĩ khi trồng tiêu thì nên lập vườn giống (trồng nhỏ lẻ thì liên kết nhiều người), để được yên tâm về chất lượng, và đáp ứng kịp thời khi cần thiết, tuy giá thành có thể cao hon người chuyên nghiệp. Nếu có mua thì đến những địa chỉ tin cậy. Cây giống khỏe giảm nhẹ công chăm sóc khi trồng. Chọn giống tốt sẽ bào đãm cho thành công sau này. Giống là yếu tố đầu tiên và quan trọng số 1 cho vườn tiêu
Cây trồng, vật nuôi khỏe mạnh, thì tự nó kháng được nhiều bệnh, và chịu nổi những yếu tố môi trường không thuận lợi. Khi có bệnh xảy ra, thì việc đầu tiên là định bệnh (tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh), định bệnh chính xác thì chữa trị hiệu quả hơn, ít tốn kém. Chữa bệnh bằng cách tiến hành các giải pháp đồng bộ như dùng thuốc đặc trị, thuốc hổ trợ, và cải thiện môi trường cho tốt hơn. Tuy nhiên còn có nhiều bệnh nan y, không chữa đựoc, lây lan nhanh, chữa trị tốn kém thì nên bỏ đi, khử trùng và nuôi trồng, mới. Thà rằng không có, chứ không phải “có còn hơn không”. Định bệnh chính xác, cân nhắc giài pháp tối ưu, giúp bạn tiết kiệm được nhiều thứ.
Cho cháu hỏi ở cái đoạn “Khi tiêu được 2 – 3 lá, dùng phân bón lá phun 10 ngày một lần (loại có hàm lượng lân cao nhằm kích thích rễ).” vậy cháu nên dùng phân bón lá nào ạ? Mọi người cho cháu cái tên được không?
Nên dùng phân sinh học thế hệ mới, loại đổ gốc như Biogel giúp tiêu con vườn ươm phát triển toàn diện cả chồi, lá, rễ… Phân bón lá chỉ nên dùng sau khi trồng ra hố.
Gia đình cho em hỏi?
Tiêu lươn ra đươc 2 lá non nhưng lá hơi nhỏ. Em chỉ bỏ đúng có một lần phân amino lúc tiêu mới nhú mầm, giờ không biết bỏ phân gì cho lá to đẹp. Bio thì em chưa tìm mua đươc. Tính bỏ phân amino nữa. Không biết được không. Mong mọi người chỉ giáo thêm.
Chúc sức khỏe !
Theo mình tiêu con mới trồng các bạn không nên bón và phun phân hóa học mà nên bón và phun sinh học thì tốt hơn. Nếu có bánh dầu (xác đậu phụng) thì càng tốt. Thân chào các bạn.
Sao mà ở ĐakLăk mình ươm tiêu lươn từ tháng 9 tháng mười luôn các bác ạ. Không biết là ươm lâu quá có ảnh hưởng gì đến bộ rễ và sự phát triển của cây tiêu không các bác? Thân.
Một số vườn ươm tiêu giống sử dụng quá nhiều phân bón lá để kích thích lá ra xanh mướt, bà con trông thấy rất thích mắt. Nhưng với người trồng thì hệ rễ mới quan trọng, rễ phát triển rất kém do họ không chú ý phân bón gốc. Loại này mua về trồng mau suy, chăm sóc cũng rất vất vả, tốn kém.
Cháu chào bác Vịnh và cộng đồng giatieu.com
Mới vào trang web này, nhưng cháu cũng đã học hỏi thêm không ít kinh nghiệm. Thành thực cảm ơn trang web đã tạo nên 1 diễn dàn để nông dân có thêm kiến thức về cây trồng, học hỏi, trao đổi và phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Cháu cũng mong không chỉ người trồng tiêu mà tất cả nông dân VN sản xuất theo hướng sinh học, an toàn, thân thiện với môi trường.
Thân!
Cháu cũng có câu hỏi muốn hỏi bác Vịnh và diễn dàn là muốn lấy giống tiêu lươn làm giống mà dùng cách bẩy để biết bệnh chết nhanh thì ta có thể lấy giống ở tiêu năm thứ 2-3 được ko? Và nếu được thì có thể phát hiện được trước bệnh chết chậm trước khi ươm giống hay ko?
Trồng tiêu lượn sẽ chậm 1 năm so với trồng thân ác, mất rất nhiều công, chưa kể những phiền phức về sau này. Hàng năm, nó sinh ra cả một thảm lươn dưới gốc, phải thường xuyên cắt dọn, những vết cắt sẽ là nơi dễ bị nhiễm trùng cơ hội. Tôi không muốn luận về vấn đề này vì nhiều lẽ nhưng với những gì đã xảy ra ở vườn nhà mình, tôi khuyên cháu là không nên, cái được trước mắt không thể bù cho những cái mất về sau. Nó sống lâu hay không, năng suất đạt hay không thì còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và cách chăm sóc. Cháu chịu khó đi thực tế rồi hay làm vẫn chưa muộn. Chúc cháu được như ý.
Chào chú Trịnh Văn Ba !
Theo như chú nói trồng tiêu lươn bất tiện hơn là do phần gốc tiêu lươn đó năm nào cũng ra 1 thảm lươn dưới gốc. Cháu xin được chia sẻ cách đôn tiêu để không còn tình trạng mọc lươn đầy gốc như chú nói,
Khi tiến hành đôn tiên ta lấp phần gốc lươn luôn, như vậy sẽ không có lươn mọc ra ở đó nữa, sẽ không gặp rắc rối như chú nói, trồng tiêu lươn đôn trực tiếp là tốt nhất theo kinh nghiệm của cháu.
Trong diễn đàn về cây tiêu cháu có nghe mọi người nói là nên trồng tiêu ác trực tiếp với lý do là dây tiêu ác ít rễ hơn sẽ phần nào hạn chế được các bệnh về rễ, vậy nếu có 1 dây tiêu nhiều rễ và 1 dây tiêu ít rễ bà con chọn cây nào đây. Hạn chế bộ rễ của nó để tránh tình trạng sâu bệnh như vậy có hợp lý lắm không. Cứ cho nó ra rễ nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Trồng tiêu lươn cho ra ác rồi đôn cũng là tạo cho cây thật nhiều rễ đó cũng là lý do vì sao ta trồng tiêu lươn. Vậy để cây tiêu lên mạnh thì theo mọi người ta nên chọn phương án nào ?
Chào tất cả mọi người trên diễn đàn! Thấy mọi người bàn về cách ươm tiêu lươn, tôi cũng có 1 kinh nghiệm nho nhỏ muốn chia sẻ cùng mọi người.
Khi cắt hom cắm vào bì ươm xong, tưới thật đẫm nước. Sau đó dùng nilon (loại khổ rộng) loại ánh sáng có thể xuyên qua, tủ thật kín luống ươm (càng kín càng tôt) giai đoạn này không cần tưới nước nữa. Sau khoảng 15 đến 20 ngày tất cả các dây tiêu đã ra mầm (1 là mầm) thì dỡ hổng chân luống ươm và tiến hành che mát bên trên (nếu che mát sớm, không đủ nóng tiêu sẽ rất lâu ra mầm). Khi cảm thấy mầm tiêu đã cứng, tiến hành dỡ bỏ toàn bộ tấm nilon và tưới đủ ẩm. Tôi đã làm theo cách này khi ươm 1000 bì và chỉ bị hỏng có 10 bì. Thân ái chào mọi người!
Chào @Thành Chung.
Anh nói tủ nilon thật kín, có nghĩa không cho không khí vào luôn ạ. Mong anh giải đáp.
chào Nguyen Huu nghi!
Đúng vậy! tủ nilon thật kín ko để không khí vào, làm sao nhiệt độ trong luống ươm thật nóng (khoảng 35-40độ). Nghĩa là nếu chui vào trong luống ươm 1 luc sẽ toát mồ hôi (quan trọng vì sẽ kích thich hom tiêu ra mầm nhanh).
thân chào bạn!
Chào các anh, các chị, tôi muốn ươm tiêu lươn trong khoảng giữa tháng 11 và trồng tiêu trong mùa nắng để khi đầu mưa tiêu của tôi có thể bắt kịp với tiêu ác trồng đầu mùa mưa, tôi làm như vậy có đc ko vậy mọi người?
Có thể trồng tiêu quanh năm nếu bạn chủ động che nắng gió và cung cấp nước phân đầy đủ. Tuy nhiên làm vậy chỉ thêm phần vất vả cho mình. Theo tôi để ra tết ươm giống là vừa. Bạn canh làm sao để đầu mùa mưa trồng là tốt nhất.
Chào tất cả mọi người trên diễn đàn mình cũng vừa ươm tiêu xong mình cũng có chút kinh nghiệm là khi cắt lươn tiêu mình chừa lại lá thì lươn đó lên rất mạnh mấy bạn có ươm thì thử để lá xem
Cho cháu hỏi nhà cháu mới bón sản phẩm tricodema cách đây 2 tháng, giờ cháu muốn dùng thuốc để trị tuyến trùng có được không, mong bác cho ý kiến.
Cháu xin cảm ơn.
Nếu phát hiện trong đất có nhiều tuyến trùng thì không thể không diệt, cần đổ thuốc liên tiếp 2 lần cách nhau khoảng 3 tuần và phun phân bón lá trợ sức cho cây hồi phục nhanh. Sau khi diệt tuyến trùng khoảng 2 tuần sẽ bổ sung nấm tricho lại cho tiêu.
Cho cháu hỏi là bệnh mạng trắng ở vườn ươm tiêu lươn phun thuốc gì thì trị được loại nấm này?
Cháu đã phun COC85 nhưng không hiệu quả.
Xin hướng dẫn cho cháu xem phun thuốc gì hiệu quả nhất.
Chào cháu @đỗ thanh bình.
Nấm mạng trắng không khó diệt, cháu phun Coc 85 không hết làm chú ngạc nhiên.
Cháu có thể phun thuốc Eddy, 7 ngày sau phun thuốc Aliette nhắc lại. Liều lượng theo bao bì.
Thân
Cho cháu hỏi uơm tiêu giữa tháng 11, uơm để tới tháng 7 được không. Để vậy bộ rễ có sao không chú.
Bạn ươm lâu quá phải mất công chăm chi cho cực. Canh thời gian trước khi trồng khoảng 4 tháng ươm là vừa đẹp.
Chào lê văn danh!
Đúng như @Châu phong nói, nhưng nếu vì lý do nào đó (như khan hiếm nguồn giống chẳng hạn) khiến bạn phải ươm ngay từ bây giờ. Nếu ươm lâu, bạn phải dùng bầu ươm càng lớn càng tốt, đất dùng ươm cũng pha trộn cho tơi xốp hơn. Nên làm trụ giả cho tiêu leo, dùng lưới laghim cũng được nhưng dùng trụ gỗ tốt hơn. Khi đem trồng, có thể gỡ cả dây trồng khoanh xuống như kiểu đôn tiêu, hoặc cũng có thể cắt xuống chừa lại khoảng 5 măt cũng được. Thân!
Cho cháu hỏi là dây tiêu lươn ở mặt đất dài 1,5m lấy làm giống đươc không. Vì cháu thấy dây dưới đất non hơn dây từ ngọn mọc ra rất nhiều. Không biết có anh chị nào ở huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có dây tiêu Vĩnh Linh bán không, nếu có thì liên hệ em Danh, 01698619456.
Vì nhiều người trồng tiêu quá nên giờ không tìm được dây tiêu giống luôn.
Thưa các bác cháu muốn hỏi một chút ạ! Tiêu nhà cháu ươm đã được một tháng, hiện nay lá tiêu đang biểu hiện bệnh thán thư, nhiều cây đang lên thì bị rụng đốt. Nhà cháu tưới tiêu không quá ẩm, khi ươm có trộn đất với tricoderma, cháu không biết phải làm sao mong các bác giúp đỡ!
Cháu xin cảm ơn.
Do bạn chọn giống không sạch mầm bệnh nên mới ươm 1 tháng mà đã sinh chuyện.
Nếu bạn giữ lại số giống này tôi e sẽ còn phải vất vả, tốn kém để xử lý bệnh, mà có sống thì tiêu cũng èo uột, chậm phát triển…
Chân thành khuyên bạn đốt bỏ, tìm giống sạch mầm bệnh để ươm, không cần vội vàng.
Bạn phải xem chọn giống là yếu tố đầu tiên quyết định sự hành bại của việc trồng tiêu
Khi ươm giống cần phải xử lý đất, chọn đất để vào bầu ươm cẩn thận hơn nữa.
Vườn nhà em cũng hơn 10 năm nay trồng tiêu rồi nhưng cách đây 3 năm vườn bị tràn nước ngoài đường vô và cây tiêu cũng từ đó bắt đầu *tiêu* luôn. Bây giờ nó vẫn còn chết. Làm theo nhiều cách nhưng giờ vẫn không được. Trồng cây mới lên rất đẹp rồi nhưng thời gian cũng chết luôn. Buồn lắm nhưng hết cách bác nào có thể cho em lời khuyên đc không. Đất nhà em là đất đất đỏ. Giờ có nên trồng nữa không hay trồng mới nữa không?
Tiêu của em ươm không chết cây nào mà cứ được 2,3 lá rụng đốt. Mong các anh em nào biết bệnh gì, cách xử lý làm sao? Em cám ơn rất nhiều
Cháu chào chú và cộng đồng! Cháu mới phun biosol trong vườn ươm được 5 ngày (tiêu ươm trong bầu đã được 2 tháng). Nếu thời tiết thuận lợi cháu mang đi trồng luôn được không, hay đợi thêm 1 thời gian nữa tiêu sau khi phun phân cứng cáp hơn rồi mới mang đi trồng? Cháu cảm ơn!
Bạn không nên dùng các loại phân bón lá cho tiêu giống trong thời gian vườn ươm vì sẽ rất khó chăm cho người trồng khi xuống giống sau này. Tiêu giống rất cần bộ rễ phát triển nên bạn sử dụng phân biogel+tricho đổ gốc là thích hợp hơn.
Chú ý: Tiêu giống cần có thời gian “làm quen” với nắng trước khi trồng.
Xin kính chào các anh chị! Tôi đã tiến hành đôn tiêu khoảng 1 tháng rồi, đến nay chồi tiêu và rễ dưới gốc đâm ra rất nhiều. Cho tôi xin hỏi có phải tỉa bỏ những chồi này được không, hay vẫn tiếp tục nuôi, những chồi này sau này sẽ lên dây ác hay là dây lươn? Xin trân trọng cảm ơn!
Cho tôi hỏi khi cắt dây tiêu lươn và tiêu ác thì cắt vào tháng nào thì dây đạt tiêu chuẩn nhất và không rơi vào thời điểm bón phân của nhiều nhà vườn, tôi mới làm vườn ươm nên chưa có kinh nghiệm chọn giống. Kính mong mọi người cho ý kiến!
Năm nay mình dự tính xuống 2000 trụ tiêu bằng dây lươn giống (trồng sớm khoảng tháng 11,12) bây giờ mình dự tính ươm tiêu nhưng chỗ mình dây lươn ít nên ko đủ số lượng giống để trồng. Mình muốn hỏi diễn đàn có nhà bạn nào ở khu vực Dak Lak và Gia Lai có dây lươn có thể cho mình xin được ko, nếu được các bạn cho mình xin số điện thoại.
Các anh các bác cho cháu hỏi, tiêu lươn cháu trồng đầu mua mưa tới giờ, có một thời gian tiêu bi úng nước. Giờ tiêu bị thối rễ cây sinh trưởng kém, vậy khắc phục làm sao. Tiêu lươn đổ thuốc nấm với tuyến trùng một gốc đổ bao nhiêu lít nước. Cháu xin cám ơn.
Phải đào mương rãnh để thoát nước, chống úng tốt.
Tăng cường bón các loại phân hữu cơ, amino sinh học… và các chế phẩm giàu lân để kích thích ra rễ.
Cây đang tổn thương rễ, cần hồi phục. Lúc này bón phân hóa học coi chừng “tiêu” luôn đó.
Đổ thuốc nấm với tuyến trùng tùy theo gốc tiêu lớn hay nhỏ, mỗi gốc khoảng 4 đến 8 lít nước thuốc, chứ không phải tùy theo tiêu lươn hay tiêu ác.
Dạ bác Thanh Hà. Cho cháu hỏi thêm.
Tiêu lươn bị nấm thay vì tưới gốc cháu có thể phun qua lá nó có hiệu quả không?
Và tiêu lươn cháu trồng đầu mùa mưa tới giờ khi bón phân hưu cơ với phân hóa học có cần lấp đất lại rồi mới tưới không? Và phân hữu cơ cháu muốn trộn thêm nấm trichoderma thì 50k phân hữu cơ thì bao nhiêu ký nấm. Cháu xin chân thành cảm ơn rất nhiều.
Chào diễn đàn cho tôi hỏi, nhà tôi ươm tiêu lươn lên mầm thì bi khô mầm cây thân ko chết rồi lại mọc mầm khác. Ai biết bị bệnh gì vui lòng chỉ giúp và nên phun thuốc gì. Xin cảm ơn…!
Tiêu chẳng có bệnh gì hết, do phun phân thuốc hóa học kích thích quá liều làm cháy đọt non…!
Chào diễn đàn cho tôi hỏi, tôi mới tưới tiêu và bỏ phân xong có lấy được dây lươn để ươm không. Nhờ diễn đàn hướng dẫn giúp tôi xin cảm ơn.
Ngoài việc chọn những cây để lấy giống phải sung, sạch bệnh, ở những vùng chưa có dấu hiệu lây nhiễm dịch bệnh, dây đừng non quá. Bạn cần chú ý thêm khi cắt giống:
-Phải ngưng tưới nước trước 48 giờ.
-Ngưng phun+bón các loại phân hữu cơ, sinh học ít nhất 48 giờ ; phân hữu cơ khoáng hay sinh học có bổ sung hóa học ít nhất 2 tuần ; riêng phân hóa học phải 3 tuần…
-Ngưng phun+đổ các loại thuốc BVTV ít nhất 2 tuần…
Con số thời gian cách ly mang tính ước lệ do rất khó chứng minh. Chỉ khuyên bà con nên tránh cho nó lành.
Chào Chi Mai, cho em hỏi. Ở chỗ em họ có bán phân vi sinh Eco Hydro và Eco Nereo của Mỹ, bón gốc và phun lá. Nghe giới thiệu phân này tốt lắm, dùng phân này thì không cần dùng phân hóa học nữa phải không Chi Mai ?
Hai loại phân Eco bạn hỏi, 1 loại được làm từ cá biển và các xác bã của ngành công nghiệp thủy sản, có tỷ lệ khoảng 17-20% đạm, dùng đổ gốc. Phân này giàu đạm cá, dùng với liều lượng hợp lý theo từng giai đoạn cây cần, tránh lạm dụng. Còn loại kia làm từ tảo biển lên men hữu cơ, dùng phun lá.
Khi sử dụng phân bón, quan trọng là phải biết rõ loại phân mình muốn dùng cung cấp những dưỡng chất gì hay có tác dụng gì cho tiêu theo từng lúc cây cần, tránh chung chung…
Cần phải kết hợp với các loại phân đa-trung-vi lượng nữa, nếu không thì cây sẽ thừa đạm, thấy lá là chính..! Sử dụng để sản xuất rau an toàn là ok.
Dạo trước mình có ông cậu cho chai phân cá dùng thử mình thấy mùi giống mắm tôm. Đổ thử một gốc tiêu con chó nó bới đứt mất 3 dây. Minh chưa dùng phân cá lần nào. Xin hỏi diễn đàn có ai dùng rồi chỉ giúp phân này nó bị hư hay kiểu nó vậy mình xin cảm ơn. Mà phân này đặc quánh khó tan trong nước.
Bạn có nhầm chai phân cá với chai mắm không vậy?
Quá trình thủy phân có mùi hôi hay để lâu bị hôi thối nên bỏ đi vì bị nhiễm tạp khuẩn, không còn chất đạm. Đem thứ này bón cho tiêu “lợi bất cập hại”, khác gì rước bệnh tới cho tiêu…
Đã bị thối thì đem đổ ngay chứ tiếc gì nữa hả trời !
Lâu tan là không có sự phân giải hữu cơ triệt để do ủ mà chỉ là phân hũy tự nhiên
Chỉ có mắm mới không tan còn phân có chất lượng thì phải tan chứ bạn.
Cảm ơn 2 bạn đã giúp mình nhé. Tiện thể giúp mình tiêu lươn mới cắt vê mình giâm vào cát nhưng sơ sơ thôi ko kín 2 mắt giờ mình muôn vô bịch nhúng thuốc ra rễ còn đươc ko. Rất mong được cộng đồng giúp đỡ. Mình xin cảm ơn nhiều.
Bạn nên hòa tricho+biogel để tưới vào bịch đã vô hom, vừa kích rễ vừa phòng các bệnh nấm cho tiêu luôn.
Cám ơn bạn Trung Anh nhé. Năm ngoái mình chỉ tưới 1 lần nhưng tiêu cũng khá đẹp.
Chào các anh chị cho em hỏi phương pháp dùng đất cát để ươm theo luống sau đó phủ kín bạt ni lông trong suốt khoảng 10 ngày không tưới thì tỉ lệ ra rễ cao không ạ… trong thời gian phủ bạt thì không tưới
chào các anh chị cho em hỏi giống tiêu lươn , tiêu ác là như thế nào? và nên trồng loại nào thì tốc độ sinh trưởng tốt hơn ạ?
Tiêu ác là tiêu ngọn đã có tay vươn ra để sẵn sàng có bông – còn tiêu lươn ngọn bò ra từ gốc hay loại từ trong thân trên cao vươn lòng thòng thả xuống. Tiêu ác có thể cho bông trái ngay – và tương đối dễ sống, nhưng tuổi thọ không cao – còn lươn từ gốc hơi khó ương hơn và chậm ra ác (chậm cho trái), lươn lòng thòng dễ ương nhưng cũng chậm cho trái và cả 2 loại lươn đêu có tuổi thọ cao.
Em đọc bài của bác Vịnh về trồng tiêu không cần đôn, em hiểu như thế này có đúng không mong bác và mọi người tư vấn vì chưa được thông suốt cho lắm: Sau khi dây lươn lên cao khoảng một mét mình bắt đầu bấm đọt, cứ lên khoảng hai ba mắt thấy chưa ra ác mình lại bấm tiếp đến khi ra ác thì thôi. Sau khi dây bát đầu ra ác mình tiến hành đôn, làm như vậy để dây không dài lòng thòng mà khi đôn cũng dễ hơn. Không biết làm như vậy có đúng không, mong bác Vịnh và mọi người chỉ rõ hơn.
Bạn xử lý theo cách như vậy là đúng rồi.
Nhưng không đôn vội, chỉ đôn khi khi đã ra 4-5 tay ác để dây đủ già.
Em chào anh, vừa rồi em có cắt 1 ôm lươn tại 1 vườn tiêu đẹp, sau khi cắt xong mang về thì được biết vừơn đó mới bón phân tưới nc khoảng 5-6 ngày, nghe mọi người bảo tiêu mới bỏ phân lươn tốt nhưng trồng dễ chết hoặc bị đứng không phát triển. Xin anh cho ý kiến thêm và biện pháp khắc phục để em có thể ươm được tiêu đó chứ bỏ thì phí lắm, mà mùa này em cắt trễ nên không còn lươn nhiều, cảm ơn anh và mong anh giúp đỡ.
Không có gì để lo lắng quá ! Bạn cứ chăm sóc theo hướng lấy hữu cơ làm chủ đạo là được.
Nên nhúng hom vào phân sinh học biosol pha loãng để kích thích mau ra rễ và giải độc hom trước khi đem đi giâm.
Chào mọi người. Tiêu nhà em trồng lươn, em đôn trong năm nhưng ít dây. Giờ dưới gốc ra nhiều lươn, em buột vô trụ hay bấm bỏ. Xin cho em ý kiến, em cảm ơn.
Chào cộng đồng.
Em có ươm được mấy trăm bầu tiêu ác, em định khoảng 2 tuần nữa mới đem trồng. Hiện tiêu bị một ít rầy trắng và khá nhiều trứng nhện đỏ. Em định phun thuốc hóa học nhưng sợ tiêu còn non ko biết cháy lá ko. Ai biết loại thuốc nào nhẹ tí mà có tính mát mát cho em ý kiến với ạ.
Cảm ơn mọi người.
Mình rất ngạc nhiên khi thấy ý bạn hỏi. Bạn chỉ nên pha thuốc BVTV đúng theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Vì không NSX nào khuyến cáo pha thuốc quá liều để gây hư hại cây trồng và phải bồi thường khi bị khiếu kiện… ngoại trừ thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ ban nhé !
Cảm ơn bạn đã trả lời.
Tất nhiên là ko phun quá liều của nsx, ý mình là liều lượng trên bao bì thì thường ko ghi dành cho tiêu đã lớn hay tiêu con mà chỉ ghi chung chung….mà tiêu ươm còn non nên mình nghĩ nó nhạy cảm hơn tiêu gìa…phun với liều lượng đó ko biết có ảnh hưởng ko thôi.
Thuốc BVTV chỉ ghi đối tượng sử dụng mà ít khi ghi dùng trên cây gì vì có thể chỉ 1 đối tượng nhưng gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau. Bạn nên dùng thuốc có hoạt chất sinh học tổng hợp Buprofezin 25 WP hay Abamectin 1.8 EC sẽ ko hại tiêu con đang còn ươm.
Có lẽ bạn muốn dùng thuốc đặc trị chăng? Đơn giản thôi, cũng là thuốc đó, hoạt chất đó nhưng có ghi thêm đặc trị này nọ thì bạn chịu khó trả thêm tiền nhé !
Ý kiến của bạn rất chính xác ! Bà con cam chịu mất tiền hết sức vô lý.
Chào các bác trồng tiêu, em có thắc mắc là tại sao tiêu phải trồng trụ mà không trồng thành giàn như hàng rào dâm bụt cho tiết kiện diện tích và công chăm sóc? Tại sao chúng ta ko trồng tiêu trên luống (liếp) để dễ chăm sóc bón phân và tránh ngập úng? Giống như Đài Loan trồng thanh long.
Chào tu ki !
Cách đây 16 năm, khi đang tập tễnh trồng tiêu – Bác cũng đã có câu hỏi này. Thời đó – công nghệ thông tin, đường sá, phương tiện không sẵn như bây giờ nên bác phải tự thử.
Cây hồ tiêu ngoài những yếu tố như : Nước – phân – cần – giống; nó còn khác với những cây trồng khác đó là nhu cầu về cương độ ánh sáng cao; nhiệt độ cũng lớn. Do vậy nó chỉ sống và có hiệu quả ở vùng xích đạo và cận xích đạo ! Soi trên bản đồ địa cầu ; đất ở những vùng địa lý phù hợp để trồng tiêu không nhiều.
Bác đã thử trồng tiêu giống như trông khoai lang; trồng bằng cành và hom thân ác. DT vài trăm m2. Qua 15 năm bây giờ vẫn còn. Bông tiêu ở đỉnh trụ nó như thế nào thì tiêu luống nó vậy. Năng suất vẫn thấp so với tiêu trụ vì lẽ – diện tích không gian làm sao sánh nổi với tiêu trụ … Đề tài này còn dài, hẹn cháu dịp khác !
Chào bác Vịnh và tất cả mọi người trên diễn đàn. Cháu là một người mới bắt đầu trồng tiêu, cách đây nửa tháng cháu có mua 700 hôm giống về trồng. Nhưng do chưa có thời gian trồng nên cháu đã để ở ngoài sân bê tông, cách đây 1 tuần tiêu giống có biểu hiện mếp lá bị cháy. Cháu đã lên mạng tìm hiểu và xác định tiêu giống bị bệnh thán thư. Cháu đã mua thuốc đặc trị thán thư về phun cho tiêu giống nhưng đến nay các lá bị cháy một nửa rồi rụng càng nhiều. Cháu đã lên mạng tìm hiểu và biết giống tiêu nhà mình không phải bị thán thư mà bị bệnh chết nhanh. Vậy cho cháu hỏi, bây giờ cháu lên mua thuốc về điều trị cho tiêu giống hay bỏ chúng đi và mua giống tiêu khác về trồng. Cháu xin cảm ơn bác và cảm ơn tất cả mọi người trên diễn đàn.
Tìm hiểu kỹ, chọn giống sạch mua về trồng lại. Thà xấu một tí rồi mình chăm nó sẽ phát còn hơn ôm giống bệnh, tiền thuốc gấp 3 lần tiền giống mà bệnh tật vẫn dai dẳng…
Tiêu giống lá đang còn non bạn mang về để chỗ nắng nóng thì nó cháy lá chứ thán thư gì, giờ còn bị chết nhanh nữa, những lá bị cháy đó bạn đã xịt thuốc thán thư nên nó rụng đi thôi chứ chết nhanh chậm gì. Có thể bạn đang chẩn đoán sai. Thử mang ra chỗ bãi đất rồi dùng lưới che lại tưới ẩm sẽ phục hồi thôi vì sân bê tông làm sao nó chịu nổi.
Điều trị người – trước khi điều trị tiêu – chú nói vậy chớ buồn !!!
Cho em hỏi. Em trồng cây tiêu lươn được 3 tháng mà bị vàng xoắn lá, có cách nào trị ko a?
Bạn xem lại thật kỹ vì có nhiều nguyên nhân, trong đó 2 nguyên nhân chính là:
-Bị côn trùng chích hút lá non làm xoắn lá, mất diệp lục. Phun thuốc diệt côn trùng.
-Thiếu các chất trung vi lượng, chủ yếu thiếu magie + kẽm. Bón bổ sung trung vi lượng.
Chào cộng đồng giatieu.com !
Khi cháu ươm tiêu ác vào bịch được khoảng 10 ngày, cháu nhổ 1 số dây bị chết lên thì thấy có các đốm trắng bám vào dây tiêu phần dưới.
Cộng đồng cho cháu hỏi đó là hiện tượng bình thường hay là tiêu giống đã nhiễm bệnh. Và biện pháp khắc phục.
Cháu cảm ơn và chúc sức khỏe đến cộng đồng
Có thể do đất trong bầu không được tơi xốp nên hom úng nước bị thối lên nấm trắng. Hom đã chết rồi sao gọi là bình thường? Cũng có thể do nhúng hom vào hóa chất để kích rễ làm cháy hom… Kiểm tra lại các vấn đề trên.
Kiểm tra lại cụ thể đi, bầu ươm bị úng nước rồi !
Dạ vâng, cháu cảm ơn.
Cháu cũng nghĩ bị úng nước vì cháu vô bầu trước trúng mấy trận mưa lớn.
Cám ơn anh về bài viết này ! Mình năm nay mới được nhà cho mấy sào đất đỏ đang phân vân không biết có nên trông tiêu hay không? Vì mình nghe chăm sóc tiêu rất khó! Nhưng khi đọc bài viết của anh thì mình lại có thêm động lực để mạnh dạn hơn. Tháng 11 âm lịch mình tính làm vườn ươm tiêu. Vì vậy có kinh nghiệm gì hay xin anh chỉ giáo nha! Hiện giờ mình cũng chưa hình dung ra vươn tiêu nó sẽ đươc thiết kế như thế nào? Mong anh và cộng đồng chỉ giáo nha !
Nhà em cũng trồng tiêu mười mấy năm rồi đọc bài viết thì thấy rất ổn nhưng còn thiếu 1 chi tiết nha cái này cũng khá quan trọng
Chỗ đoạn chọn giống, mọi người không nên chọn giống khi mới bỏ phân hóa học cho tiêu nha. Nếu lấy ươm là nó chết giây rất nhiều đấy. Còn nhà em thường bỏ phân xong 3,4 tuần là cắt giống, nói chug là khi cây tiêu ấy nó ăn hết phân là được. Thân
Xin chào diễn đàn, chào bà con !
Năm vừa rồi em có ương ít tiêu lương để trồng nhưng tỷ lệ sống rất thấp. Năm nay em dự định ương vài nghìn bầu cho mấy anh em xung quanh. Em nghe nói những vườn ươm chuyên nghiệp trước khi cắm vào bầu người ta nhúng vào một loại dung dịch gì đó nên tỷ lệ hom sống rất cao. Trên diễn đàn bà con nào có kinh nghiệm xin chia sẻ cho em với. Em xin cám ơn và chúc bà con luôn mạnh khỏe.
Mình pha 5ml sinh học biosol vào 1 lít nước, nhúng gốc hom tiêu khoảng 3 phút rồi cấy vào bầu… Mình không nhúng thuốc kích thích hóa học, vì nó đâm chồi nhanh nhưng rễ kém phát triển.
Chào @thanh Điền ! Làm cách như vậy tỷ lệ sống cao không bạn? Bạn có dùng lưới hay rơm rạ tủ hôm giống lại không hay chỉ làm mái che thôi ?
Mình xin phép được xưng hô như bạn bè nhé!
Cho mình hỏi giai đoạn nào thì dỡ lưới đen sát mặt hom ra được ạ?
Khi thấy hom nhú cựa nhiều là dở lưới…
Xin chào các bác. Các bác cho em hỏi dùng nước đỗ tương ngâm tưới cho tiêu kinh doanh một tháng một lần có thay thế hoàn toàn phân hh được không ạ
Chào cà nhà. Cả nhà giúp em với. Vườn tiêu nhà em mới ươm nhưng không phát triển. Ươm từ tháng 12 dl nhưng giờ mới chỉ có 1 lá và rất vàng. Em nhổ thử vài cây thấy không có rễ. Giờ em phải làm sao để cải thiện vườn ươm của mình. Rất mong các anh chị giúp đỡ.
Thân!
Chào anh…! Cho em hỏi với. Mình ươm hom tiêu ra cát rồi đợi ra rễ rồi trồng thẳng ra đất vào trụ luôn, có hiệu quả ko. Anh có thể chia sẻ và chỉ cách làm giúp em với…
Mình làm theo cách này thấy tỉ lệ tiêu nhú mầm rất đều và tỉ lệ sống gần như 100%
1. Cho đất vào bầu rồi tưới ướt cho nước ngấm tới đáy bầu.
2. Cắt dây sáng cắt chiều vô bầu, mình lấy que cắm lỗ rồi cho dây vô xong lấy đất mịn rải cho lấp kín chỗ cắm tiêu vì cắm cây to hơn dây tiêu xong cắm dây tiêu nó bị hở. Xong tưới sơ nước
3. Xong 1 luống tưới 1 ít nấm trichoderma rồi tưới nước ướt đẫm.
4. Lấy tre hoặc nứa trẻ ra cắm hình vòng cung rồi lấy nilon màu trắng loại rộng 2m – 2,4m che kín hết. Cứ để như vậy ko cần tưới nước khoảng 25 ngày mở ra chăm sóc bình thường.
Mình ươm 500 bịch tiêu ác bịch 3 dây, dây 4 mắt 2 trên 2 dưới hiện giờ được 37 ngày tỉ lệ nảy mầm khoảng 97%. Tỉ lệ sống 100%. Còn sau này thì ko biết thê nào. Lưu ý là dùng lưới đen che kín 2 lớp hết ko nắng nó soi khác gì luộc tiêu đấy. Đôi điều chia sẻ cùng bà con.
Cảm ơn bạn Lý Hiếu đã chia sẻ. Em cũng có câu hỏi mong các anh chị giúp đỡ. Bây giờ vườn tiêu em bị vàng như vậy có nên tưới phân hóa học không Hay là tưới phân bón lá. Bây giờ tiêu rất ít rễ. Nên bón gì cho tiêu xanh lại. Rất mong được các anh chị chia sẻ kinh nghiệm.
Thân
Bạn phải xử lý các nguyên nhân gây vàng lá trước đã. Có thể do tuyến trùng, nấm bệnh, đất chua (pH thấp), thiếu trung vi lượng… Dừng ngay việc bón phân hóa học để tránh những bất lợi không lường trước.
Tạm thời phun 1-2 lượt sinh học biosol để trợ sức cho tiêu, bón sinh học biogel để kích rễ mới.
Cảm ơn anh Hoàng đã chia sẻ.
Chào các Anh/Chị diễn đàn.
Cho em hỏi là tiêu trồng từ hom tiêu ác, 3 dưới 2 trên, thì bộ rễ của cây tiêu này là rễ chùm hay rễ cái không ạh ? làm sao để ươm tiêu ác mà cho nó ra rễ ngay chỗ vết cắt ấy ạh ? Mong mọi người chỉ bảo giúp, em cảm ơn ạh
Cách bón phân và xịt thuốc làm cho dây tiêu mới trồng to và nhiều rễ hơn?
Bón các loại phân gốc như biogel+tricho là tốt nhất, không cần xịt !
Cho mình hỏi chút khi cho hom tiêu vô bịch xong chúng ta có phải dùng ni lông che phủ thật kín trong vòng 20 ngày không?
Chào cả nhà. Em có ươm một luống tiêu. Nhưng cứ thấy hom thối đen rồi chết dần, ngay cả những hom đã lên 2 lá vẫn bị chết. Em có phun thuốc phòng khi mới vào bầu và phun thuốc khi thấy lá tiêu bị đen đầu lá. Nhưng các hom tiêu cứ chết dần.
Mọi người chỉ cách chữa trị giúp em với.
Trân trọng.