Chuyển cà phê sang trồng tiêu ?
Phần lớn diện tích cà phê ở Tây Nguyên đã bước vào thời kỳ “lão hóa” nên năng suất và sản lượng thấp, trong khi đó, giá hồ tiêu ngày một tăng cao. Điều này khiến hồ tiêu trở thành cây được bà con lựa chọn để trồng thay thế cà phê. Thực tế này một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về vòng luẩn quẩn “chặt – trồng, trồng – chặt” trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
“Chuyện cũ như mới”!
Ông Nguyễn Bá Khẩn ở xã Tân Tiến (Buôn Đôn – Đăk Lăk) cho biết, gia đình ông có 5 sào cà phê canh tác được 17 năm, đến nay, hầu hết đã già cỗi nên sản lượng thu về chẳng được bao nhiêu. Hiện hồ tiêu đang có giá nên ông chặt bỏ cà phê để trồng tiêu.
Cũng chung “chí hướng” trồng tiêu thay cà phê, ông Nguyễn Văn Hải ở xã Ea Nhôn (Buôn Đôn) đang đưa trên 400 trụ tiêu vào trồng dày đặc trong 4 sào càphê “lão hóa”. Ông Hải cho biết: “Tôi chưa phá cà phê vội vì để che bóng mát cho tiêu. Chờ năm sau, tiêu bén xanh tôi mới chặt bỏ hoàn toàn cà phê, ở đây người ta toàn làm vậy. Khó khăn lớn nhất của việc trồng tiêu là giá trụ hơi đắt, trên 200.000 đồng/trụ, trước đây rừng còn nhiều nên dễ kiếm, giờ phải mua lại nên chi phí đội lên đáng kể”.
Tại huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) cũng xảy ra tình trạng tương tự, năm trước, toàn huyện mới có trên 1.200ha tiêu, nay tăng lên 1.500ha, tập trung ở các xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Hu… Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đăk Lăk, diện tích tiêu của tỉnh không dừng lại ở con số 5.700-5.800ha mà sẽ tăng gấp đôi so với quy hoạch, khoảng 10.000ha. Các vùng trồng tiêu ngoài quy hoạch ở địa bàn Ea H’Leo, Krông Buk, Buôn Hồ, Krông Pak, Krông Năng,… hiện đã lên đến 300-400ha. Đây là mối lo của ngành nông nghiệp vốn đã bấp bênh và thiếu bền vững như hiện nay.
Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ hai cả nước (sau Đăk Lăk) về diện tích càp hê với gần 145.000ha, chiếm khoảng 26% tổng diện tích và 28% sản lượng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mặc dù chưa có số liệu thống kê về diện tích cà phê bị chặt bỏ nhưng diện tích tiêu đã tăng lên gần 1.000ha, tập trung tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Đáng chú ý, là trong số này có một số diện tích không nhỏ từ việc chuyển đổi cây trồng, chủ yếu là phá cà phê chuyển sang trồng hồ tiêu.
Hệ lụy khôn lường
Việc mở rộng diện tích hồ tiêu sẽ không có gì đáng bàn nếu thực hiện đúng quy hoạch, đằng này người dân lại bất chấp thổ nhưỡng, khí hậu có phù hợp hay không, ồ ạt phá bỏ vườn cà phê, cây ăn trái để trồng tiêu mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt.
Bà Lê Thị Tám ở xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk) cho biết: “Gia đình có hơn 600 trụ tiêu mới trồng cuối năm 2013, đến nay không hiểu sao vườn tiêu có biểu hiện chững lại rồi vàng lá và chết rất nhanh, hiện đã chết trên 300 trụ, nhiều trụ khác đang tiếp tục vàng lá”.
Theo phỏng đoán của bà Tám, có lẽ tiêu chết là do thời gian qua bị ngập úng vì mưa nhiều. Bà Tám cho biết thêm, do cà phê già cỗi, sản lượng chẳng được bao nhiêu nên bà chuyển sang trồng tiêu.
Cũng chung số phận với những vườn tiêu khác, vườn tiêu của gia đình anh Bùi Văn Nghĩa ở xã Quảng Phú (Cư M’gar) đã chết trên 100/300 trụ với những triệu chứng tương tự. Theo anh Nghĩa, từ khi phát hiện vườn tiêu nhiễm bệnh, gia đình đã tìm mua thuốc chữa trị nhưng vẫn không hiệu quả.
Việc ồ ạt chặt phá cà phê để trồng tiêu ở Tây Nguyên còn là mối đe dọa lớn đối với định hướng phát triển cà phê bền vững. Được biết, tỉnh Đăk Lăk đã và đang thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tổng số vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng với một số chỉ tiêu cụ thể: duy trì diện tích ổn định 150.000ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ… Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này cũng không hề đơn giản bởi 85% diện tích cà phê là do người dân tự trồng và quản lý, do vậy quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lại còn bị tác động bởi việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tự phát như hiện nay.
Ngoài ra, tình trạng người dân đổ xô trồng tiêu còn gây hệ lụy khác là xâm hại tài nguyên rừng, phá rừng trái phép khi bà con săn lùng trụ tiêu về bán.
Câu chuyện về việc ồ ạt trồng sắn không theo quy hoạch của nông dân đã và đang để lại nhiều bài học cay đắng khi diện tích tăng nhanh, phá vỡ quy hoạch, xâm hại đến rừng, giờ lại đến cây tiêu. Không biết sẽ còn bao nhiêu diện tích cà phê bị phá, tương ứng với bao nhiêu cây tiêu mọc lên nhưng hệ lụy cả trước mắt và lâu dài đã nhìn thấy rõ. Nếu không kiểm soát tốt diện tích trồng và chất lượng, rất có khả năng, danh hiệu “thủ phủ” hồ tiêu của Việt Nam sẽ bị chính chúng ta hủy hoại.
15 phản hồi cho bài "Chuyển cà phê sang trồng tiêu ?"
Thật ra cái điều này ai cũng có thể dự báo được trước, nhưng hiện nay cái bà con nông dân cần là một loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, gia tiêu đang cao lên điều người dân chuyển hướng là không lạ. Mọi thứ muốn làm tốt phải có định hướng, kỹ thuật, và phương pháp mà điều này thì nông dân đều yếu, một điều nữa là khi được mùa thì bán cho ai, bán ở đâu? ko có câu trả lời, luôn có một nghịch cảnh được mùa mất giá. Bà con giờ biết bám vào ai, ai là niềm tin cho họ?
Câu chuyện phá cà phê trồng tiêu ở Tây nguyên là chuyên ko có gì mới. Cà phê tuy hiện nay giá ko cao nhưng do diện tích cà phê già cỗi và phá chuyển đổi sang trồng tiêu, chắc chắn sau 5 năm nữa giá cà phê sẽ tăng và nguồn cung dồi dào làm giá tiêu sẽ giảm. Vì thế bà con nên xen cà phê với tiêu là hiệu quả nhất. Muốn duy trì giá tiêu ổn định chúng ta phải tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, canh tác theo hướng hữu cơ vừa thân thiện với môi trường vừa cân bằng hệ vi sinh vật, tránh lạm dụng phân thuốc hoá học thì mặt hàng nômg sản Việt Nam mơí có cơ hội bơi ra biển lớn đc.
Hồ tiêu Việt Nam thật sự đang đối mặt với nguy cơ rơi vào chu kỳ giảm giá do mất thị trường vì lạm dụng thuốc BVTV.
Nếu nói giá tiêu giảm là do lạm dụng thuốc BVTV thì điều này cũng không quá khó để khắc phục.
Ông bà mình có câu: mua danh ba lạng, bán danh ba đồng.
Uy tín, một khi đã mất thì lấy lại không dễ bạn nhé!
Tôi đã từng thất vọng cay đắng khi dùng tiền Cty để mua tiêu (giá cao hơn thị trường một cách đáng kể), vốn được các hộ nông dân thề sống thề chết là không dùng chút thuốc BVTV nào. Mang về gửi đi phòng lab ở châu Âu test, kết quả là Carbendazim nhiễm quá MRL (mức dư lượng tối đa cho phép của châu Âu) gấp cỡ 11-12 LẦN.
Cái khó của các Cty XNK là chi phí test khá cao, 250 EU, nên phải gom đủ lô ít nhất 10 tấn thì mới test được. Để gom đủ số đó cần mua từ 10-30 hộ (xét theo lô trung bình nhé, số hộ có đủ 10 tấn tiêu để bán một lần rất ít nhé).
Việc đảm bảo 10-30 hộ TUYÊN BỐ MỘT CÁCH TRUNG THỰC mình không dùng thuốc BVTV cùng lô hàng là chuyện chưa bao giờ xãy ra nhé! Lúc nào cũng có ai đó trong nhóm này nói dối về việc mình không lạm dụng thuốc BVTV (để bán được giá cao hơn thị trường). Khi cầm kết quả test fail trong tay, các Cty XNK đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Chỉ cần MỘT HỘ nói dối trong số 10-30 hộ này, tiêu nhiễm sẽ bị trộn chung với tiêu không nhiễm và nguyên lô hàng đi bụi.
Để giải quyết được vấn đề trên, cần có 2 điều từ những nhóm nông hộ gom lại với nhau để bán hàng chung:
1. Sự trung thực, tự giác.
2. Sự đoàn kết.
Dan Viet nói thật là mình chưa bao giờ thành công ở VN khi thực hiện bất cứ điều gì cần đến hai đức tính này.
Đừng trông chờ vào sự tự giác của người khác bạn à, chưa được đâu. Nếu anh đã có đủ vốn để thu mua như vậy thì nên khống chế người trồng việc sử dụng thuốc BVTV ngay từ đầu vụ.
Hiện nay đã có nhiều loại thuốc BVTV theo xu hướng sinh học có hiệu quả dành cho tiêu. Có thể giúp tránh được hậu quả mà anh đã nêu.
Bạn đã bị mất lòng tin quá nhiều, ít ra cũng còn một bộ phận nông dân không nhỏ đang làm ăn trung thực.
Hiện nay tại Vĩnh Linh Quảng Trị, người nông dân dang trồng tiêu một cách bền vững.
Vấn đề cà phê già cỗi cũng là mối quan tâm lớn của nông dân ta, khi nguồn thu ít đi thì họ phải chuyển đổi cây trồng để có thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Cà phê nhà tôi cũng đang đi vào giai đoạn già cỗi, mọi người trong gia đình bảo phá đi để trồng tiêu nhưng tôi nhất quyết không làm thế. Cà phê nhà tôi trồng khoảng cách 3×3 nên tôi phá một hàng thay bằng 2 hàng tiêu, thế là tiêu vừa xanh mà cà phê cũng đẹp nữa. Mong mọi người áp dụng xem như thế nào nhé. Chứ nếu trồng độc canh cây tiêu thì hậu quả thật khôn lường. Chúc mọi người sức khỏe.
Thích và ủng hộ cách nghĩ này của bác.
Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án xen canh đa dạng cây trồng.
Nhưng cà phê trồng theo mật độ 3×3 mà nay phá đi 1 hàng để thay bằng 2 hàng tiêu ! Vậy có quá dày không? Coi chừng khả năng cả cà phê lẫn tiêu sẽ thất thu vì thiếu không gian sống !
Tôi không nghĩ là dày, chỉ có điều là phải tốn công tỉa cành cà phê thôi. Đây mới chỉ là năm đầu nhưng tôi thấy cả cà phê và tiêu đều phát triển rất tốt. cà phê trái rất nhiều mọi người ạ
Của mình đã trồng xen nhhư vậy từ lâu rồi. Mật độ cà 3,2*3,2m hai hàng cà phê một hàng tiêu. Tiêu trồng ngay giữa ngã tư của cà. Quanh vườn là hàng tiêu chắn gió, nắng. Chăm sóc thì không khó nhưng khi thu hoạch tiêu thì hơi vất vả. Phải nhớ bấm bớt ngọn những cành cà phát về phía trụ tiêu. Năng suất cả hai không đạt cao chỉ ở mức trung bình nhưng luôn ổn định!
Bạn làm tuyệt vời quá, 2 loại cây này có thể tác động qua lại lẩn nhau về dinh dưỡng và ánh sáng.
Một lưu ý là rệp sáp trên cây cà phê rất nhiều nên nó thường lây lan và di chuyển sang rể cây tiêu rất khó trị. rể cà phê cũng tranh chấp dinh dưỡng với cây tiêu cũng khá nhiều, để khắc phục tình trạng này yêu cầu trong những giai đoạn quan trọng cần bổ sung phân bón lá
Với giá cà phê bấp bênh dưới giá thành hoặc huề vốn thì nông dân chuyển sang trồng tiêu là lẻ đương nhiên rồi! Cần hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân lúc này là chính thôi!
Bà con chỗ tôi quay lại xen cây cà phê vào vườn tiêu nhiều rồi.