Cùng lý giải việc thương lái đổ xô đi mua… rễ tiêu

Cảnh giác sự phá hoại kinh tế bằng phương pháp mua – bán tam giác

Trong thời gian qua chúng ta đã từng nghe tin tức về một số thương lái khi thì mua móng trâu, lúc mua đỉa, mua râu ngô non, mua rễ hồi, mua mèo con cho đến mèo mẹ…để đem bán cho Trung Quốc và mới nhất chúng ta đã có thông tin về việc mua rễ và gốc tiêu.

Thực chất đây là một phương pháp mua bán tạm gọi là theo mô hình tam giác, mô hình này lúc đầu do những tay giỏi lừa đảo nghĩ ra và có vẻ ngón nghề này đang được áp dụng ở cấp độ cao hơn và có tổ chức. Xin mời quý độc giả cùng tham khảo “chúng đã làm như thế nào?”

Xem thêm: >>> Những ‘Ngón đòn hiểm ác’ của thương lái Trung Quốc

Mức độ đầu tiên – lừa đảo cấp thôn làng

Trước khi đi vào vấn đề chính, tôi xin kể câu chuyện ngoài lề một chút nhưng không trật chủ đề.

Ở quê tôi sau ngày giải phóng, một thời bỗng nhiên rộ lên chuyện người ta đi săn lùng mua muỗng Mỹ, đó là một loại muỗng được trang bị cho quân đội Mỹ, thường dùng trong thời chiến tranh, trên muỗng có đóng chữ US. Có lẽ để giải thích cho sự mua bán cái thứ bất thường này, người mua đầu tiên đã nghĩ ra một lý do rất chính đáng, đó là mua để bán lại cho người sưu tầm vì rồi đây nó sẽ trở thành của hiếm.

Tuy là nói muỗng sử dụng trong quân đội Mỹ, nhưng hầu hết trong nhà dân dạo ấy ai ai cũng có, ít thì dăm cái, nhiều có khi vài chục cái, cho nên khi thấy phong trào người người mua muỗng giá cao thì nhà nhà cũng bán muỗng, vì giá một cái muỗng ấy có khi mua được vài chục cái muỗng bình thường, có nhà không chịu bán thì đám con nít cũng rình mò ăn cắp bán lấy tiền mua kem.

Chỉ trong một thời gian ngắn, giá muỗng đã lên tới trời, ở mức không ai có thể tin được đó là giá cho một cái muỗng, cả xã rồi đến cả huyện của tôi như sôi lên vì cái muỗng, nhiều người trước đã lỡ bán sớm với giá rẻ thì hít hà tiếc rẻ, có người bán ra rồi nhưng sau đó thấy giá tăng lên gấp hai cũng cố mua vào với hy vọng nó sẽ tăng gấp ba, nhiều người khoe họ chỉ mua vài trăm cái vào buổi sáng, bán ra buổi chiều mà cũng vớ bẫm. Không thiếu kẻ có đầu óc kinh doanh hơn người đã nhanh chóng trở thành đại lý thu mua để bán lại và họ cũng nhanh chóng là những nhà đầu cơ quyết định giá bán, rất nhiều người trữ được lượng lớn muỗng và lúc ấy chỉ ngồi đếm muỗng mà quy ra giá vàng cây… và… rồi… đùng một cái không thấy ai mua muỗng nữa.

Thực chất đây là một hệ thống trong khối tam giác ma quỷ A – B – C, A khuấy động phong trào, bỏ ra một khoản tiền lúc đầu để mua muỗng giá ví dụ 10đ/cái, B sau đó tuyên bố mua muỗng với giá 20đ/cái, từ đó sẽ tạo một luồng mua bán, lưu thông phân phối diễn ra trong cạnh A-B, rồi C cũng bắt đầu mua với giá cao hơn B và tương tự như thế tạo ra một hiệu ứng mua hàng từ chỗ giá thấp bán hàng chỗ giá cao mà A chính là người tuồn hàng cho B bán ra và B tuồn hàng cho hệ thống lưu thông phân phối tự nguyện để mang đến cho C.

Trong quá trình mua bán, do sự tăng giá hàng ngày đã kích thích tạo nên sự đầu cơ (giữ hàng lại) trong các cạnh trung gian A-B-C, lẽ dĩ nhiên giá mua cái muỗng tích trữ cao hơn rất nhiều lần so với giá mà ABC đã từng mua vào, nhờ vốn của những người bị cuốn theo cuộc chơi mà mình không hiểu rõ, sau đó ABC sẽ xả hết hàng, rồi ngưng mua đột ngột, phần lớn tiền chênh lệch dễ dàng  chảy vào túi A-B-C. Toàn bộ những cái muỗng còn tồn đọng trong hệ thống lưu thông phân phối đáng thương kia bây giờ có lẽ chỉ còn giá trị để ăn cháo để nhớ về một bài học khó nuốt trôi.

… Cho đến cố tình phá hoại có tổ chức cấp Quốc gia

Tuy nhiên, sự phá hoại của việc mua cái muỗng ở ví dụ trên dẫu sao vẫn còn là nhẹ nhàng nếu như thay vào đó là việc mua móng trâu để triệt phá sức kéo ở những vùng nông thôn, mua mèo để triệt đi giống bắt chuột để gây ra đại dịch chuột phá hoại mùa màng đã từng xảy ra vào năm 1997-1998 ở miền Bắc.

Chúng ta hãy hình dung rằng, hiện nay người ta không mua cái muỗng nữa mà được thay vào đó là đỉa hay ốc bươu vàng, khi mà mỗi cái cạnh của hình tam giác không đơn thuần là một cái gạch thẳng trong hình học, mà là một con đường dọc dài theo đất nước, khi mà lượng ốc bươu vàng và đỉa khô khi bị ngưng mua đột ngột thì chỉ có đem đổ sông đổ suối thì sức phá hoại của nó mới khủng khiếp đến dường nào.

Gần đây nhất nhiều vùng trồng tiêu bà con đang lo lắng đến hiện tượng mua gốc và rễ tiêu, là nông dân thì ai cũng biết sự khó khăn thế nào cộng với số vốn đầu tư và ít nhất 3 năm vất vả để hình thành một vườn tiêu cho trái, nông dân Việt nam đã phấn đấu rất nhiều để vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu tiêu, điều đó dường như càng kích thích kẻ muốn phá hoại, phá hoại mà không cần bỏ vốn ra, phá hoại mà còn có lãi. Vì vậy chúng ta cần phải hết sức đề cao cảnh giác, chỉ vì một điều lợi nhỏ trước mắt khi lấy lý do phải bán đi rễ của vườn tiêu già mà tạo tác nhân góp phần thúc đẩy để kẻ hiểm ác quay lại tấn công chính mình và cộng đồng. Nguyên tắc mua bán tam giác vừa nêu ở trên sẽ khó mà thực hiện được khi chúng ta không tham gia vào quá trình mua bán bất thường đó.

Kinh Vu (Giacaphe.com)

4 phản hồi cho bài "Cùng lý giải việc thương lái đổ xô đi mua… rễ tiêu"

trung_tin_727

Em sẽ bán cả gốc cả rễ nếu thương lái trả tiền triệu 1 Kg. Tội gì mà không đào mấy trụ sắp chết lên bán kiếm tiền xài chứ. Nếu mua cành lá thì em cũng bán luôn không nghĩ ngợi

huong

Bạn nghĩ đi. Nếu bán hết những cây bệnh rồi, những cây lành có còn cơ hội sống sót ko? Lúc đó sẽ có bọn chuyên đi đào trộm rễ tiêu để bán đấy bạn.

loan đak-ơ

Mọi người thử nghĩ ngày trước Trung Quốc mua đĩa thì ngày nay trong quần áo, bánh kẹo… có đĩa. Ngày nay chúng mua rễ, gốc tiêu đến một lúc nào đó có một lọai thuốc bảo vệ thực vật của Trung Quốc mà trong đó là những mầm bệnh trong rễ, gốc tiêu chúng ta bán ngày hôm nay. Đến lúc đó VN sẽ không còn là nước đứng đầu thế giới về tiêu nữa… ! Đừng bao giờ tin bọn Trung Quốc!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *