Cuộc tranh cãi về sản lượng hồ tiêu 2021 vẫn chưa đến hồi kết
Mặc dù sau hai lần khảo sát, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự báo sản lượng hồ tiêu năm 2021 có thể giảm 25-30% nhưng con số này vẫn đang gây tranh cãi giữa các bên.
Tranh cãi nảy lửa buộc VPA phải khảo sát sản lượng hai lần
Cuối năm 2020, sau đợt khảo sát các vùng trồng hồ tiêu, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định sản lượng tiêu năm 2021 có thể giảm 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168 – 180 nghìn tấn.
VPA cho biết tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước ghi nhận sự sụt giảm mạnh khi số lượng vườn tiêu tiêu già chiếm phần lớn diện tích. Tại Đắk Nông, nơi được xem là khu vực có diện tích tiêu lớn nhất cả nước cũng ghi nhận năng suất giảm 15 – 20%.
Đặc biệt tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), tỷ lệ tiêu chết không dưới 50%. Diện tích tiêu chết đã và đang dần được thay thế bởi cà phê và một số loại cây trồng khác.
Đây là lần khảo sát thứ hai sau kết quả đầy tranh cãi của đợt khảo sát đầu tiên. Trước đó, trong cuộc khảo sát lần 1 diễn ra vào tháng 6/2020, VPA đưa ra dự báo sản lượng hồ tiêu năm 2021 tiếp tục giảm mạnh 20.000 tấn, tương đương 8,3% so với năm 2019 xuống còn 220.000 tấn.
Thế nhưng con số này vấp phải nhiều ý kiến phản đối dẫn đến VPA phải khảo sát lại lần 2.
Đại diện VPA cho biết cho biết thực chất đoàn khảo sát vừa qua chỉ đi một số vùng sát đường lộ. Tình hình tiêu chết hoặc người dân chuyển đổi sang cây trồng khác ở các vùng còn lại thế nào thì VPA chưa nắm được hết.
Cuộc tranh cãi vẫn chưa đến hồi kết
Tưởng chừng cuộc tranh cãi kết thúc ở đây nhưng bản thân lãnh đạo của VPA phản đối kết quả này.
Tại cuộc họp ban chấp hành VPA diễn ra trong quý I/2021, ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó Chủ tịch VPA cho rằng sản lượng năm 2021 giảm nhưng không đến mức 30% như các dự báo khác.
Theo tính toán, số lượng hồ tiêu năm 2020 đã dùng hết và hiện tại chỉ còn tồn kho của năm 2019.
Theo các nguồn thông tin khác, hiện tại tồn kho năm 2019 còn khá lớn, thêm vào đó, các vấn đề về cước tàu cao, hoãn giao, nhận hàng, do đó giá giảm trong thời gian ngắn hạn là hoàn toàn có khả năng.
Ông Hiên dự đoán tháng 4 giá tiêu có thể thay đổi.
“Đợt khảo sát hồ tiêu của VPA vừa qua tập trung quá nhiều vào các vùng tiêu chết, thậm chí có vườn chết cách đây nhiều năm.
Do đó, Hiệp hội cần lên kế hoạch khảo sát riêng, không nên quá phụ thuộc vào người địa phương để kết quả mang tính khách quan hơn”, ông Hiên cho biết.
Trao đổi với người viết ông Hiên chia sẻ: “Nhiều tin đồn cho rằng năm nay cung sẽ thiếu hụt so với nhu cầu do sản lượng giảm.
Thế nhưng, nhìn chung cung vẫn cao hơn so với nhu cầu. Nhu cầu hồ tiêu của thế giới hiện nay khoảng 500.000 tấn trong khi đó nguồn cung năm 2021 cộng thêm tồn kho của những năm trước khoảng 600.000 tấn”.
Ông Hiên cho biết đơn hàng như mọi năm, thậm chí có lúc ít hơn năm ngoái vì một số khách hàng vẫn còn tồn kho.
Ở chiều ngược lại, vẫn có ý kiến cho rằng sản lượng thậm chí có thể giảm nhiều hơn con số mà VPA đưa ra trong báo cáo khảo sát đợt hai.
Chia sẻ với người viết, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho rằng năm 2021, sản lượng giảm 30 – 40% xuống 150.000 tấn do người dân bỏ bê vườn tiêu.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng và khô hạn của hai tháng 4 âm lịch năm ngoái nên cây không đậu trái dẫn đến năm nay sản lượng giảm mạnh.
“Những năm qua người dân trồng tiêu do thua lỗ quá nhiều và nợ ngân hàng”, ông Bính nói.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho hay hiệp hội đã hỏi Sở NN&PTNT một số tỉnh xác định diện tích tiêu chết ở địa phương nhưng các cơ quan này vẫn chưa công bố.
“Việc dự báo phải dựa trên số liệu dựa diện tích của các Sở NN&PTNT mới chính xác được. Nếu dựa vào cuộc đi khảo sát thì không được chuẩn. Nếu thuê đơn vị độc lập khảo sát thì chi phí cao, Hiệp hội không đáp ứng được”, ông Hải nói.
Phản hồi lại các ý kiến cho rằng khảo sát có sự dẫn dắt, Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng VPA khẳng định Hiệp hội đã lên chương trình và có kế hoạch từ trước, hoàn toàn không có sự phụ thuộc và đều nhờ các doanh nghiệp Hội viên VPA hoặc HTX địa phương dẫn đoàn.
Các đề xuất khảo sát sâu từng địa phương khó có thể thực hiện nếu đi xe lớn trong khi hệ thống giao thông vùng sâu nhỏ và không đảm bảo.
Đồng thời, nếu đi dài ngày thì các doanh nghiệp khó có thể sắp xếp nhân sự tham gia. Việc thuê cộng tác viên thực hiện khảo sát theo đề xuất một số hội viên thì cần phải có thêm kinh phí.
47 phản hồi cho bài "Cuộc tranh cãi về sản lượng hồ tiêu 2021 vẫn chưa đến hồi kết"
Tôi ở 312 Đăk Mil. Sản lượng giảm 60% so với năm 2020.
Của một mình thì chưa đủ để nói thay cho sản lượng cả huyện hay cả vùng.
Mà sao bỏ bê vậy, chuyển qua trồng thứ khác đi, khỏi lãng phí đất đai.
Nhà tôi ở Đắk Song quanh nhà tôi đa số giảm 2/3 sản lượng, chỉ một số ít người giảm 25-30% như dự báo.
Tranh cãi vấn đề sản lượng tôi thấy có lẽ khó mà dự kiến con số chính xác bởi đoàn khảo sát không đủ thời gian để đi hết các vùng có trồng tiêu. Dù anh có đi 5, 7 tỉnh nhưng không thể đi sâu vào trong các bản làng thôn ấp hẻo lánh với phương tiện 4 bánh, nên chỉ đi những địa phương tiêu biểu có nhiều hồ tiêu như Châu Đức BRVT, nhưng chắc gì là nhiều tiêu hơn Xuyên Mộc (xã Hoà Hội, Hoà Hiệp) nhiều hộ có từ 2 đến 3 ha tiêu phủ xanh và đang cho năng suất cao. Các nhà chuyên môn đi khảo sát như “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi, chỉ có người trồng tiêu ở địa phương mới có thể dự đoán được con số tương đối.
Bản thân tôi cũng từ nông dân và tôi đã thấy chu kỳ tăng hình như khoảng 8 đến 10 năm 1 lần, như vậy chú kỳ tăng cao có lẽ chưa vào lúc này. Thời gian giá tăng bất thường đợt vừa qua làm tôi nhớ lại đầu năm 2015 từ 160k lên 180k chỉ trong 3 tuần và tiếp tục tăng đến đỉnh 210k/đầu giá rồi sau đó quay đầu. Có nhiều người vẫn ôm tiêu từ giá đó, khoảng 2 vụ đảo kho 1 lần, không dám để lâu hơn.
Tôi thiết nghĩ giá tiêu cao thấp không phải do những nhà xuất khẩu hay đại lý hoặc người thu gom ép giá, đó là 1 cách hiểu sai lệch. Giá tăng giảm là do cung cầu thị trường. Khi cũng vượt cầu, các nhà nhập khẩu họ làm giá. Nhà xuất khẩu muốn bán giá cao nhưng đối tác lại thích giá thấp, trong khi nông dân cần bán số lượng lớn thì làm sao giá không tiếp tục giảm.
Vừa qua tôi có xem các bài viết về tiêu, có nhiều Ông Lớn cho răng tiêu có thể đạt ngưỡng 100k vì năm nay mất mùa. Theo tôi, đó là dự kiến thiếu cơ sở vì thực tế quý vị không biết lượng tồn kho trong dân, các đại lý ôm hàng lúc giá dưới 40k ng và các nguồn đầu cơ là bao nhiêu không? Nông dân chúng ta cần phải Văn Tư Tin (nghe rồi tư duy tìm hiểu và tin sau) để lúc nào cần bán và lúc nào kg bán đừng để mất cơ hội đáng tiếc như mới đây nhiều anh chị bán được đầu giá 81-82k. Nhiều bác còn trông đến 100k nhưng hôm nay chỉ còn 70-72k và những ngày tới chưa biết sẽ như thế nào nữa đây ? Rất khó để đưa ra câu trả lời.
Tôi có vài dòng cùng diễn đàn, nếu có chi nghịch lời trái ý kính mong quý vị hoan hỷ.
Có nhà kho để trữ tiêu thì như sắm vàng, 2 năm đảo kho 1 lần cũng tốt. Lợi nhuận có khi còn hơn vàng nữa đó !
Các đại gia gốc người Tàu ở vùng Đông Nam Bộ trữ tiêu chứ không ai trữ vàng đâu.
Mình dân cà phê Đak Mil đây.
Trước quanh nhà đâu thấy ai trồng, giờ nhà nào cũng có tiêu…
Tôi thấy tiêu vùng Cư Kuin rất xanh tốt. Tuy có chết rải rác nhưng nhìn chung sản lượng có thể tăng hơn 20% so với năm ngoái !
Theo tôi về tổng sản lượng vụ mùa này giảm ít nhất 30% so với năm ngoái. Nguyên nhân là giá rẻ kéo dài, bà con không mặn mà để đầu tư, chăm sóc. Số cây chết vì bệnh cũng khá nhiều. Có vùng chủ vườn để hái lai rai, chứ không dám thuê vì bán không đủ trả công.
Quanh chỗ tôi mùa này nhà nào cũng giảm sản nặng. Của tôi giảm 50℅ so với mùa trước !
Sản lượng tăng hay giảm hãy để ý người trồng tiêu. Nếu họ ôm hàng thì ắt sản mùa đó giảm. Còn thu hoạch đến đâu bán đến đó thì chắc năm đó được mùa.
Tháng lễ Ramadan sắp tới, giá tiêu thế giới tăng, giá trong nước thì èo uột. Được biết Hồi giáo có gần 2 tỷ tín đồ. Vào những ngày của tháng lễ Ramadan, lượng thức ăn tiêu thụ gấp 2 lần so với ngày thường. Ban ngày, toàn bộ người dân không ăn, uống gì nhưng khi mặt trời lặn họ tổ chức lễ tiệc linh đình.
Bà con ai cần đâu thì bán đó, XK chắc không kìm giá được lâu đâu.
Tôi lại nghĩ tháng Ramadan nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu các nước Hồi giáo sẽ ít đi, vì người ta lo làm lễ, hành lễ. Cán bộ công nhân viên nghỉ phép, làm ít giờ để hành lễ nên sẽ không có người để làm việc.
@Tiêu Vina đó là nghỉ việc ban ngày. Chỉ có phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, quân đội, cảnh sát làm nhiệm vụ được miễn ăn chay, còn người khác không thuộc diện ưu tiên, họ không được ăn uống gì trong thời gian lúc bình minh tới mặt trời lặn. Buổi tối họ làm tiệc thiết đãi, lượng thức ăn tiêu thụ trong tháng Ramadan gấp 2 lần tháng bình thường. Bù lại cả ngày nhịn đói.
Giá tiêu tăng hay giảm tùy vào lực bán của nhà nông lúc này.
Thị trường đang đứng giá vì hai phía đang nhìn nhau.
Chỉ cần bên nào ra tay trước thì giá sẽ đi theo hướng của bên đó.
Giữ giá đứng vững qua tuần Lễ Phục Sinh là nhà nông sẽ thắng…
Mọi con số thống kê được đưa ra đều chỉ mang tính tương đối.
Ngay cả ban nông nghiệp thôn xã đi kiểm kê cũng không chính xác nữa là…
Cuối cùng ông Hải chủ tịch VPA cũng đã thừa nhận đi khảo sát là phải như thế này, như thế nọ, nếu không cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”, không được chuẩn ?! Đáng tiếc thật.
Bao nhiêu cuộc khảo sát đã qua y như họ rủ nhau đi picnic dã ngoại vui vẻ.
Tin hay không tùy mọi người, chẳng chết ông tây nào…
Nhìn các đại lý mua được nhiều hay ít tiêu là có thể biết được sản lượng của năm này
Phản hồi không hợp lệ !
Vui lòng kiểm tra sự chính xác của tên (nickname) hay địa chỉ email của bạn khi phản hồi.
VN đang nắm gần 60% sản lượng tiêu thế giới chắc chắn sẽ làm chủ cuộc chơi, không cần phải bàn cãi nhiều.
Tiêu Brazil đang treo bán ở mức 4000 Usd/tấn chưa có cước tàu biển, qua mua về đợi 3 tháng nữa sẽ có hàng mà giao cho khách. Đừng tưởng người dân không biết gì…
Quá chuẩn luôn bạn, hở cái hù nông dân. Bảo nhập tiêu Brazil về, thử nhập xem lời lỗ biết liền.
Phải chăng các ông lớn ngành tiêu VN đang ghìm giá và ém hàng trong nước làm bước đệm cho giá tiêu thế giới tăng lên? Nếu vậy các ngài ấy thật có tâm và có tầm!
Tôi nghĩ thế này, giá như hiện nay, người dân đã có lãi rồi. Ai cần thì đã bán rồi, chứ chẳng vì thấp mà họ không bán đâu. Mấy ngày này giá liên tiếp xuống, làm cho tất cả người dân, đại lý không ai dám tung hàng ra. Suy kỹ lại thì, các bác XK đang giữ hàng cho dân ta sẽ bán được giá cao trong vài tháng tới.
Cuộc chơi nào cũng vậy, ai lì hơn người đó thắng. Các doanh nghiệp XK có tiền nhưng không có thời gian. Người dân thì ngược lại, họ không có tiền nhưng cũng không sợ bể hợp đồng. Các doanh nghiệp thuê cả báo viết rằng họ đang nhập khẩu từ nước ngoài về, nhưng người dân cũng không thiếu thông tin như họ nghĩ, giá tiêu thế giới không rẻ hơn VN (chưa tính phí vận chuyển).
Vì vậy nói gì thì nói nếu không chịu giá cao, các doanh nghiệp có thể đền hợp đồng hoặc nhập tiêu từ nước ngoài về là quyền của họ. Làm ăn phải có lúc lời lúc lỗ, lúc lời không thấy chia cho dân, lúc lỗ muốn dân chia sẻ. Các anh khôn ghê nhỉ !
VPA lập ra để làm gì, có lợi ích gì cho nông dân trồng tiêu không…
Bạn vào trang web của VPA để tìm hiểu, không khó lắm đâu !
Theo link: >> http://peppervietnam.com/
Theo mình nghĩ là những người đầu ngành hồ tiêu của 1 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới thì nên điều tiết giá cả sao cho bà con nông dân đỡ khổ. Còn thực tế tiêu năm nay giảm mạnh khắp nơi cái đó là đương nhiên, làm ra được hạt tiêu chi phí đầu tư rất cao và rủi ro giá cả như thế này mới là bình thưòng thôi chưa cao tới mức như lời đồn.
Ý kiến của bạn không hợp lý, bởi lẻ giá cả là do quan hệ mua bán của thị trường mà có, không phải do ai muốn là được. Theo mình biết, các vị lãnh đạo ngành đều trực tiếp kinh doanh hoặc có cổ phần trong các cty XK hồ tiêu nên họ cũng rất muốn giá tăng “cho đỡ khổ” như bạn…
Thử hỏi @trung việt, nếu bạn là sếp ngành hồ tiêu Việt thì bạn sẽ điều tiết như thế nào?
Xin được nghe cao kiến !
@Senca nếu là lãnh đạo ngành hồ tiêu chủ lực của thế giới thì mình phải tìm cách giữ được vị thế chủ lực. Nói theo kiểu nông dân thì nhiều thì mình bán rẻ hơn, ít thì mình bán đắt hơn chút. Người này không mua thì có người khác mua, bí quá thì mình bán ít. Làm sao điều tiết được giá cả cho người nông dân cùng được nhờ và mình làm chủ cuộc chơi.
Nắm trên 50% sản lượng tiêu thế giới mà không điều tiết được giá cả.
Tôi cho rằng VPA làm việc vì lợi ích nhóm chứ không vì lợi ích đất nước.
Nếu tôi là sếp ngành hồ tiêu, tôi chỉ nói như vầy:
“Giá đã đảo chiều và chu kỳ giá mới đã bắt đầu. Hội viên hãy giải quyết dứt điểm, gọn gàng nợ nần cũ để đồng hành cùng nông dân trong chu kỳ giá mới để tất cả cùng hưởng lợi từ hạt tiêu”
Đúng là chất giọng của người làm sếp biết quan tâm lợi ích của nông dân sản xuất có khác !
Xin nhắc lại mục tiêu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) để cộng đồng suy ngẫm và không nên tranh luận gì nhiều ngoài mục tiêu:
Mục tiêu của Hiệp hội là tổ chức và tập hợp các Doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất – kinh doanh – xuất khẩu, các tổ chức khác có hoạt động liên quan đến ngành Hồ tiêu Việt Nam nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Em nghe đồn các DN-FDI nhập tiêu các nước về nhiều lắm.
Có phải vì vậy mà giá tiêu trong nước giảm mấy bữa nay ?
Nội dung bạn hỏi khá dài dòng, phức tạp. Tôi chỉ trao đổi ngắn gọn, nếu có chỗ nào chưa hiểu rõ bạn và bà con vui lòng trao đổi thêm.
Hầu hết DNXK hồ tiêu, cả VN lẫn FDI, đều có nhập hồ tiêu từ các nước sản xuất khác. Đặc biệt, các FDI đều đặt cơ sở chế biến tại VN nên họ mua tiêu xô các nước đưa vào để gia công và cho ra hàng theo quy chuẩn đã hợp đồng với khách mua.
Tuy nhiên, số liệu nhập khẩu chỉ có ở VPA do họ hoặc nhà môi giới báo cáo. Ngành Hải Quan chỉ theo dõi dưới dạng tạm nhập tái xuất. Nghĩa là họ đưa vào bao nhiêu thì sẽ xuất bấy nhiêu.
Vấn đề là, họ có thể bán số hàng này ra thị trường VN khi giá ở mức có lợi, sau đó giá hạ họ lại mua vào, miễn sao phải thể hiện đã xuất đủ số tạm nhập. Ngoại trừ họ mở cty XK tiêu tại VN mà không xuất tiêu VN, nói nghe mắc cười nhưng hợp lý.
Ví dụ: 1 Cty nhập 10.000 tấn tiêu trong năm nay, nhưng cả năm họ xuất 25.000 tấn thì chắc chắn họ đã xuất đủ số tạm nhập chứ. Luật VN hiện nay nó thế !
Như vậy, họ có thể dùng 10.000 tấn tạm nhập để làm giá trong ngắn hạn hay gây sức ép lên thị trường nội địa VN không? Điều này bà con tự suy gẫm…
Đôi dòng xin chia sẻ.
Thân
Cháu nghe nói lượng tiêu các nước nhập về VN trong 3 tháng đầu năm đã đạt 50% so với lượng tiêu DN-FDI nhập khẩu cả năm ngoái sẽ gây áp lực với giá tiêu trong nước. Họ cũng cho rằng giá tiêu VN hiện tại đắt hơn thế giới, nên các DN-FDI sẽ bán tiêu ra thị trường nội địa VN hơn là bán cho thế giới… vậy là sao? Có vẻ mâu thuẩn, khó hiểu. Mong được bác chia sẻ.
Cháu xin cám ơn và chúc bác sức khỏe !
Dân gian hay nói “mạnh nhờ gạo, bạo nhờ tiền”.
Họ không chỉ có nhiều gạo (tiêu) mà còn có vốn to thì họ muốn nói muốn làm gì chẳng được.
Quan trọng là bà con phải tỉnh táo để suy xét họ nói vậy là có ý gì? để làm gì?…
@Dong Tam
Bạn cứ tuân thủ 3 nguyên tắc bán hàng được trang Giatieu.com và các báo khuyến cáo là được.
Tôi nhấn mạnh tí nữa, bạn chỉ cần nhớ điều này là được: “Đừng bao giờ bán vì sợ”.
Những người cần mua hàng sẽ làm đủ mọi cách kể cả dùng truyền thông, báo chí để dọa những người giữ hàng sợ mà bán ra nhiều hơn mức cần thiết, thế là dính bẫy. Sau khi mua đủ mức cần thiết họ sẽ đẩy giá lên để bán lại. Những ai đã bán vì sợ chỉ còn ngồi nhìn tiếc nuối và chỉ có thể tự trách mình mà thôi.
Thị trường tiêu VN vẫn tồn tại những điều bất hợp có tính riêng lẻ, khó lòng giải quyết cho rốt ráo nên tôi hiểu những điều anh Huy Simexco chia sẻ trên Fb được bạn @Dong Tam ghi lại qua phản hồi ở trên. (Cũng xin nhắc bạn, điều này là vi phạm nguyên tắc phản hồi của giatieu.com đấy nhé !)
Ấn Độ là quốc gia đánh thuế nhập khẩu hồ tiêu lên tới 60%, cao nhất thế giới, nhằm bảo hộ nông tiêu của mình. Hơn nữa, hạt tiêu Malabar Ấn Độ đã nổi tiếng, có giá mắc nhất thế giới nên họ hạn chế nhập tiêu vào Ấn Độ là cũng có lý.
Còn VN, cần mở rộng cửa để bán nông sản thuộc top thế giới như tiêu, cà phê, điều,… Trong bối cảnh giao thương mở rộng, nhiều công ty FDI vào làm ăn và “nhờ” họ đưa hàng VN ra thị trường thế giới thì không lý nào “nâng” thuế quan để bảo hộ mà còn phải cám ơn họ. Họ vào để ta học họ và nếu giỏi thì ta cạnh tranh với họ, ai cấm?
Hầu hết FDI ngành tiêu đều xây dựng nhà máy chế biến sâu đặt tại VN thì không lý gì lại không cho họ nhập. Tôi ví dụ, Olam có đại lý mua tiêu xô ở Indo, Mã lai… rồi đưa vào nhà máy chế biến sâu tại VN để cho ra sản phẩm chất lượng (tiệt trùng hơi nước/nghiền) và tái xuất cho khách Âu Mỹ. Tôi chưa bàn về giá cả nhưng thử hỏi, tạm thời Olam dùng số tiêu tạm nhập bán ra thị trường nội địa VN đang có giá cao để hưởng lợi (hay dùng tiêu nhập để đè giá?) và sẽ mua lại khi giá hạ để tái chế và xuất đủ số tạm nhập… ai ngăn cản được? Tôi hiểu tiếng “thở dài” của anh Huy Simexco ở khía cạnh này !
Tôi không bàn chuyện làm ăn của riêng ai nhưng vì bạn @Dong Tam cảm thấy mâu thuẩn, khó hiểu nên tôi muốn chia sẻ với cộng đồng nên đã có ví dụ. Mong sự cảm thông.
Thân
Cháu hiểu ý bác. Nhưng nếu giá tiêu không hạ thì sẽ như thế nào ?
Theo cháu biết, họ mua tiêu xô ở Indonesia khoảng 3500$/tấn, chưa tính cước tàu về VN, thì họ bán ra với giá nào ? Mong bác chia sẻ thêm.
Tiêu xô tại Indonesia giá 3500 USD, chi phí chứng từ XK 200 USD+ Cước tàu 100 USD về đến Việt Nam giá 3800 USD
Tỷ giá 23000 VND/1 USD
Vậy một tấn tiêu xô Indonesia về đến Việt Nam có giá là:
3800 X 23.000= 87.400.000 VND
Về đến Việt Nam một tấn tiêu xô (500 g/l) giá 87,4 triệu.
Tin đồn nhập tiêu nước ngoài về bán tại Việt Nam xem ra không khả thi cho lắm
Nhập về theo giá tháng 3 thì lời khoảng 700-800$/tấn.
Dùng số tiêu này để gìm giá nội địa hiện nay cũng được chứ nhỉ !
Thả con tép để bắt con tôm là quá ngon rồi…
Thương trường mà, toàn cao thủ nói dzậy mà không phải dzậy…
Nếu tính mua giá thấp (trước đây) bán giá cao (hiện nay) thì đâu cần quan tâm nguồn gốc làm gì cho mệt. Những ai mua tiêu Việt Nam trước tết giá 52-53k giờ bán chốt lời cũng được vậy. Cần gì quan tâm Việt Nam hay Indonesia làm cái giề?
Tóm lại: ai chốt lời thì đã chốt rồi. Ai chưa chốt là do họ kỳ vọng giá cao hơn.
Ở đây tôi cần làm rõ một điều:
Chênh lệch giá do khác thời điểm (mua trước giá thấp, bán sau giá cao) không liên quan gì đến nguồn gốc (Việt Nam hay Indonesia gì cũng đều như nhau, trước thấp, bây giờ cao)
Ai nói hiện nay tiêu Indonesia đang thấp hơn tiêu Việt Nam là không đúng sự thật
Tôi cũng nghe có tin đồn tiêu nước ngoài được các cty FDI nhập về nhiều hơn năm ngoái và có ý kiến cho biết họ đang bán ra thị trường trong nước do giá tiêu VN hiện nay cao hơn giá tiêu thế giới !
Các đại ca cứ ép xem ép được bao lâu nữa khi mà sản lượng tiêu VN thực sự sụt giảm khá mạnh. Tiêu dự trữ lôi ra ăn rồi cũng hết, tiêu trồng ra thì không được nhiều… Chỉ khổ nông dân thôi !
Có thông tin sẽ nhập tiêu từ các nước khác về, theo tôi sẽ không khả thi lắm đâu. Chỉ là tung hỏa mù thôi các bạn nhé.