Đại hội bất thường Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam

Ngày 17/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức Đại hội bất thường đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA).

Đại hội đổi tên VPA thành VSPA.

Việc đổi Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam không chỉ đơn thuần là đổi tên gọi mà thực chất là đánh dấu bước chuyển biến mới trong chiến lược phát triển sản xuất và xuất khẩu các loại gia vị của Việt Nam, vươn ra thị trường quốc tế để xây dựng hình ảnh và uy tín, giá trị cho thương hiệu gia vị Việt Nam nói chung.

Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPA, cho biết Việt Nam đã khẳng định vị thế về sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới, hiện đứng thứ 3 về sản xuất và số 1 thế giới về xuất khẩu quế; đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu hoa hồi. Ngoài ra các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu, nhục đậu khấu… Tổng giá trị xuất khẩu hồ tiêu và gia vị của Việt Nam năm 2022 đạt hơn 1,4 tỷ USD, tổng khối lượng các loại giá vị khoảng 360 ngàn tấn. Từ rất lâu, cây hồ tiêu và gia vị đã trở thành nguồn thu nhập chính của đại bộ phận nông dân Tây Nguyên (trồng hồ tiêu) và đồng bào vùng núi phía Bắc (trồng các loại gia vị khác như quế, hồi, ớt, đinh hương, nghệ, gừng…).

Bà Hoàng Thị Liên, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch VPSA

Hiện nay, trong tất cả các loại cây gia vị, chỉ có Hồ tiêu có sự hỗ trợ của Hiệp hội là tổ chức ngành hàng trung gian, làm cầu nối giữa sản xuất và thị trường, xây dựng thương hiệu quốc gia… Trong khi đó, các loại gia vị khác của Việt Nam vẫn chưa được định vị rõ nét trên bản đồ gia vị thế giới. Giá trị thu về từ cây gia vị của nông dân chỉ ở mức thấp do chủ yếu bán ở dạng nguyên liệu và qua trung gian. Theo bà Hoàng Thị Liên, vì thiếu vai trò dẫn dắt, điều phối cho cả ngành hàng gia vị nên hiện ngành này vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phát triển tự phát dựa trên nguồn lực của từng cá thể, ở mức độ riêng lẻ từng doanh nghiệp. Việc phát triển rời rạc, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và địa phương, giữa sản xuất và tiêu thụ chưa đủ sức tạo ra hiệu ứng lan tỏa cho cả ngành hàng phát triển xứng tầm với tiềm năng cũng như cơ hội.

Do đó, việc đổi tên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam VPA thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam VPSA sẽ giao thêm nhiệm vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu gia vị, cộng đồng sản xuất gia vị. Điều đó cũng có nghĩa hàng trăm ngàn người nông dân gắn bó với các loại cây gia vị sẽ có cơ hội được hỗ trợ trong quá trình sản xuất và kinh doanh thông qua việc tổ chức liên kết sản xuất với các doanh nghiệp mà VPSA sẽ là đầu mối khuyến khích tổ chức thực hiện, có cơ hội được tiếp cận thông tin thị trường, định hướng sản xuất canh tác bền vững… Về mặt kinh tế, cây tiêu hiện là cây tỷ USD, việc đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị trên cơ sở nền móng là Hiệp hội Hồ tiêu sẽ là bệ đỡ cho các cây gia vị Viêt Nam tăng tốc phát triển. “Việc đổi tên sẽ giúp quy tụ thêm rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành gia vị thấm gia. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu các loại mặt hàng gia vị Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD với khối lượng xuất khẩu các loại giá vị khoảng 500 ngàn tấn”, bà Liên cho biết.

Việc mở rộng nhiệm vụ và chức năng hoạt động VPSA sẽ có đầy đủ hơn tư cách và vị thế đại diện cho ngành hàng gia vị thúc đẩy thu hút đầu tư và hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ nhiều tổ chức, đặc biệt là các tổ chức quốc tế để phát triển bền vững, góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, tận dụng những lợi ích từ việc hội nhập quốc tế để thúc đẩy đưa sản phẩm gia vị Việt Nam ra thị trường thế giới và định vị thương hiệu gia vị Việt Nam trong chuỗi cung cấp gia vị thế giới.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết bên cạnh Hồ tiêu thì các sản phẩm gia vị khác hiện cũng đang phát triển và vươn ra thị trường quốc tế do gia vị đã trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong bữa ăn của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là quốc gia Hồi giáo (chiếm 1/4 dân số thế giới).

Theo đánh giá sơ bộ, thực tế phát triển của hồ tiêu và các loại cây gia vị của Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 50% tiềm năng. Điều đó có nghĩa là nếu được quan tâm phát triển, hỗ trợ kết nối hơn với thị trường và định hướng sản xuất quy hoạch ngành hàng bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường thì kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và các loại gia vị có thể đạt đến 2-3 tỷ USD/năm.

Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, việc đổi tên này sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành gia vị được đánh giá một cách đầy đủ về tình trạng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thông qua Hiệp hội đại diện cho tiếng nói thống nhất của ngành hàng để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chia sẻ thông tin nhu cầu, kết nối thị trường nhằm nâng cao giá trị, vị thế cho các loại gia vị Việt Nam.

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam VPSA cần phát huy tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa người sản xuất-doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm xây dựng chuỗi liên kết bền vững, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho nông dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cần chủ động tham gia đề xuất cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, phản biện chính sách phát triển của toàn ngành. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành cũng như mong muốn Hiệp hội hồ tiêu đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của một hiệp hội ngành hàng, làm cầu nối hiệu quả giữa nông dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Ông Lê Hoàng Tài – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, dư địa phát triển ngành gia vị Việt Nam còn rất lớn trong giai đoạn 10 năm tới, nếu ngành gia vị có được tiếng nói thống nhất, có một Hiệp hội ngành hàng thực hiện vai trò dẫn dắt hiệu quả. Sự có mặt của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị sẽ giúp giải quyết đươc những khó khăn trên. Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới những năm qua.

Đại diện Bộ Nội vụ – Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Chuyên viên cao cấp Vụ Tổ chức Phi Chính phủ cũng đã chia sẻ thẳng thắn về sự cần thiết đổi tên Hiệp hội được các lãnh đạo của Bộ quan tâm và được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình kiểm tra hồ sơ chuẩn bị của Hiệp hội. Việc Bộ Nội vụ có công văn đồng ý cho phép Hiệp hội đổi tên điều đó cũng cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Bộ và đề nghị Hiệp hội thực hiện đúng theo các Nghị định, Thông tư cũng như điều lệ của Hiệp hội.

BCH VPSA ra mắt đại hội

Đại hội đã biểu quyết thông qua việc đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam; đồng thời bầu ra Ban chấp hành Hiệp hội mới gồm 21 thành viên. Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPA được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch VPSA, 03 Phó Chủ tịch gồm các ông Vũ Văn Hải, ông Nguyễn Tấn Hiên và ông Nguyễn Văn Hùng; ông Ngô Xuân Nam được bầu làm Trưởng ban Kiểm tra và ông Lê Việt Anh được bầu làm Tổng Thư ký VPSA.

 

Nguồn VPA tổng hợp

4 phản hồi cho bài "Đại hội bất thường Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam"

Haphat

Kính thưa mấy Bác! Nếu mấy Bác có đổi tên A, B, C, D….gì chăng nữa mà không thể giúp nâng cao giá trị xuất khẩu giá tiêu nói riêng và các loại cây gia vị nói chung…thì hội của các BÁC chỉ là hình thức, tôi xin nói thẳng mặc dù biết là rất dễ mất lòng. Điều người nông dân trông mong nhất lúc này là GIÁ TIÊU TỐT để bù đắp các chi phí đầu tư… Cường Quốc Cây Gia Vị nhưng giá thì luôn thấp hơn láng giềng CPC… thì nhà nông khó lòng sản xuất bền vững. Kỳ vọng các bác không phụ lòng tầng lớp bán mặt cho đất bán lưng cho trời !

Tiêu Cay

@Haphat
Giá cả là do cung cầu quyết định chứ hiệp hội có tác động được gì?
Dư cung thì 100 cái hội xúm vào bơm cũng chẳng lên mà thiếu cung thì 100 cái hội ấy đè cũng không xuống.

Giả sử như hội ấy kêu gọi mọi người cưa tiêu bỏ bớt cho thiếu cung, giá tăng thì có ai nghe không? Nếu không ai nghe thì giá hạ cũng đâu liên quan gì đến họ?

Bùi Hồ

Các bác nếu có tâm với có tầm thì hãy nghĩ cách để đưa các mặt hàng trong nhóm hàng Gia vị có giá trị gia tăng cao trước khi mang xuất khẩu hơn là chỉ lo cái tên. Bở vì có đổi tên gì đi chăng nữa thì Hồ tiêu vẫn cứ phụ thuộc thì trường nước ngoài và nó được xuất thô là chủ yếu !

Ngok

Bình mới, rượu cũ. Đâu lại vào đấy !
Nhà nông chẳng trông mong được gì…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *