Đăk Lăk: Nông dân Ea Lai có nguy cơ trắng tay vì tiêu chết úng

Nhiều nông hộ trồng tiêu có nguy cơ trắng tay…

Nông dân xã Ea Lai (huyện M’Đrắk) hiện đang lo lắng, đứng ngồi không yên vì hàng trăm trụ tiêu sắp đến kỳ thu hoạch bị úng nước chết hàng loạt. Tiêu chết đồng nghĩa với việc nhiều hộ nông dân có nguy cơ trắng tay…

Đọc thêm: >>  Ea Lai phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững

>> Đăk Lăk: Trồng tiêu bằng mọi giá – Nông dân nhận trái đắng

Gần 1 ha tiêu của gia đình anh Trần Văn Hiền (thôn 6) được trồng từ năm 2012, trên diện tích trước đây là cà phê già cỗi. Bỏ vốn hàng trăm triệu đồng trồng và chăm sóc, đến nay vườn tiêu của gia đình anh đang bước vào thời kỳ cho thu hoạch. Chưa kịp mừng với thành quả bao năm chăm bón, đợt mưa kéo dài cuối năm 2016 đã khiến vườn tiêu của gia đình anh Hiền chuyển màu vàng, héo dần, lá quả rụng kín gốc. Đứng trước những trụ tiêu trụi lá, anh Hiền xót xa, lo lắng vì bao nhiêu vốn liếng đã đổ hết vào vườn tiêu, không biết sắp tới đây cuộc sống của gia đình sẽ ra sao.

Tương tự, vườn tiêu 1.300 trụ, trong đó có 600 trụ kinh doanh năm thứ 2 của anh Bùi Văn Giang (thôn 4) cũng chết hàng loạt vì úng nước. Lặng nhìn vườn tiêu xơ xác, anh Giang nhớ đến kết quả của vụ trước vườn tiêu cho thu hoạch 4,5 tấn khô/ha, sau khi trừ chi phí gia đình thu về gần 500 triệu đồng. Vụ này, thấy tiêu tốt hơn, năng suất chắc chắn vượt trên 5 tấn khô/ha nên gia đình anh mạnh dạn khởi công xây nhà đợi đến ngày thu hoạch tiêu bán lấy tiền để trả nhân công, vật liệu. Vì vậy, nhìn vườn tiêu chết, gia đình anh nóng hết ruột gan, không biết sắp tới lấy đâu ra tiền để chi phí cho ngôi nhà đang xây dở. Để cứu vườn tiêu, gia đình anh Giang đã bỏ ra gần 10 triệu đồng thuê máy múc đào mương thoát nước nhưng vẫn không cứu vãn được, đành nhìn vườn tiêu tàn lụi dần. Hiện cả 600 trụ tiêu đang kinh doanh của gia đình anh Giang đã chết, 700 trụ tiêu trồng mới nhiều trụ cũng đang lụi dần.

Tình trạng tiêu chết úng còn xảy ra ở rất nhiều các thôn khác như thôn 3 (với 9.153 trụ), thôn 5 (27.081 trụ), thôn 8 (6.348 trụ)… Ở thôn 9, nhiều hộ cũng đang xót xa nhìn vườn tiêu tàn lụi, như gia đình ông Hà Song Mão có 1,5 ha tiêu, trong đó có 600 trụ tiêu kinh doanh năm thứ 4 chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch thì 500 trụ đã lụi gốc, gây thiệt hại cho gia đình gần 300 triệu đồng. Trông chờ vào 100 trụ tiêu còn lại nhưng hy vọng cũng đang lụi dần khi tiêu tiếp tục héo rụng, năng suất chỉ đạt chưa đầy 1 kg/trụ.

Ông Trương Công Sanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chủ động làm mương thoát nước, thường xuyên kiểm tra, thăm vườn tiêu để phát hiện bệnh kịp thời; khi có dấu hiệu bệnh, nên cắt bỏ phần tiêu nhiễm bệnh để cách ly và tiêu hủy.

Theo thống kê của UBND xã Ea Lai, toàn xã hiện có 332,2 ha tiêu; trong đó có 136 ha tiêu kinh doanh, 79,8 ha tiêu trồng mới, 116,4 ha tiêu chăm sóc. Đến nay, toàn xã có đến 97.090 trụ hồ tiêu bị chết do úng nước (tương đương với 74,68 ha).

Nguồn Tiến Đức - Thúy Điệp (Đăk Lăk điện tử)

23 phản hồi cho bài "Đăk Lăk: Nông dân Ea Lai có nguy cơ trắng tay vì tiêu chết úng"

ngocmai

Mấy bác nhà báo viết hay thật đó !
Mới nói Ea Lai bền vững nhưng chưa được bao lâu mà tiêu đã chết toi hết rồi thì bền cái nỗi gì…
Coi 2 con số thống kê tiêu của Ea Lai trên hai bài báo thì biết ngay.

Ngok

Chưa tới 1 năm mà diện tích trồng tiêu tăng 1/3. khiếp !
Chắc họ trồng cả dưới ruộng lúa, gặp năm mưa nhiều nên bị ngập là đúng rồi.

Giahuy

Nói người ta đi rồi tới lúc tiêu nhà mình chết rồi coi có còn nói nữa ko.

trịnh thông

Trồng tiêu như đánh bạc. Dù lường trước nhưng vẫn không tránh hết những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Cây tiêu lại quá nhạy cảm, lại quá kỳ dị. Nhiều vườn ít chăm bón lại không sao, nhiều vườn chăm khá kĩ lại mắc bệnh.

Long Hoàng

Ít chăm bón thì năng suất thấp. Cây tiêu sống theo tự nhiên nên ít dịch bệnh. Làm gì cũng phá bỏ quy luật tự nhiên ắt dịch bệnh bùng phát.

Fusarium

@trịnh hiếu thông và @Long Hoàng !
Tôi không bác bỏ ý kiến của 2 bạn nhưng với kinh nghiệm hơn 35 năm cầm cuốc cào xới, tôi có ý kiến chủ quan như vầy:
– Trồng trọt là làm kinh tế, mà đã là làm kinh tế thì đầu tiên cần phải có kiến thức, ít nhất là về lĩnh vực mình làm. Thứ 2 là cần phải có vốn để kiến thiết, xây dựng và phát triển doanh nghiệp, ở đây là khu vườn của mình. Thiếu 2 yếu tố đấy chắc chắc là bạn sẽ đứng trước vô vàn rủi ro.
Bạn THT bảo “Nhiều vườn ít chăm bón lại không sao, nhiều vườn chăm khá kĩ lại mắc bệnh”. Tôi không đồng ý. Đã chăm sóc kỹ, có kiến thức, có dự liệu cộng với biện pháp phòng ngừa thì rủi ro thấp lắm. Cái vườn ít chăm sóc, bỏ bê thì 10 cây chết hết 8,9. Bạn thấy được những cây còn sống đấy thôi.
Còn bạn LH, “Cây tiêu sống theo tự nhiên nên ít dịch bệnh”. Với tình hình biến đổi thời tiết như hiện giờ tôi đố bạn trồng được 1 dây tiêu nào để “tự nhiên” mà “thọ” được đến SN lần thứ 1.
Đôi điều trao đổi cùng 2 bạn ! Có gì mong thứ lỗi. Tôi-ông già lẫm cẩm.

Ngok

Sẽ rất khó để tư vấn cho bà con chăm sóc, sử dụng phân thuốc gì vào lúc này vì thị trường quá nhiều loại, chất lượng không đều. Cùng 1 nhà sản xuất nhưng hô hàng này đảm bảo thì lô sau lại kém chất lượng, hiệu quả thấp. Trong khi mình không có bằng chứng để kết luận như thế nào. Báo chí nhiều lần cũng muốn làm nhưng cuối cùng lại huề… Chỉ nông dân chịu thiệt !

Thanh Hà

Điều ai cũng thấy nhưng ít ai muốn hiểu. Chăm ít mà không sao là nhờ đất đai còn phì nhiêu. Khi môi trường đã thoái hóa, đất đai bị bạc màu, vsv có hại nhiều vsv có ích, các bạn thử không chăm mà xem… chết chắc ! Không thể trái với “tự nhiên” mà phải biết cách nương theo “tự nhiên” để trồng trọt sản xuất, khoa học là đấy các bạn ơi !

Phạm Bá Khương

Trồng tiêu để tự nhiên mà không sao chỉ là (may mắn) khi cây tiêu đang còn thời kỳ kiến thiết và kinh doanh những năm đầu đất đai còn phì nhiêu, còn nhiều chất dinh dưỡng trong đất cũng như bộ rễ đã ăn sâu nên cây chưa có biểu hiện nhiều, nhưng khi kinh doanh nhiều năm đát đai cạn kiệt do cây đã lấy đi một lượng dinh dưỡng trong đất khá lớn mà chúng ta không chăm sóc hay nói cách khác không bổ sung các dinh dưỡng cần thiết một cách cân đối liệu cây tiêu có tồn tại hay không? cây bắt đầu còi cọc, khả năng cho trái không còn như vậy có nên không? ta so sánh thế này nhé. trồng tiêu có sự chăm sóc tốt, có đầu tư sẽ cho ta thu hoạch ổn định 15-20 năm, ngược lại trồng tiêu để tự nhiên không có chăm sóc tốt, không có sự đầu tư cho ta thu khoảng 5-7 năm rồi lại trồng lại.

Long Hoàng

Vườn tiêu nhà 15 năm. Chỉ tưới nước và đổ phân dê với nấm tricho. Xịt thuốc nấm năm hai lần có bệnh gì đâu. Năm nào củng thu nhưng năng suất ko bằng vườn khác thật. Chẳng chăm sóc bao nhiêu. Cứ thế ổn định.

Ngok

Khi xịt thuốc nấm thì thấy nấm tricho có gì không, hay là không chịu nổi thuốc nên nó tự cắn lưỡi chết ?

Thanh Hà

Bỏ tiền mua tricho rồi lại phun thuốc diệt chết toi hết là sao hở mọi người ?

Long Hoàng

Dưới đất thì không dùng thuốc gì. Chứ ở trên dây thì phải xịt thuốc nấm khi rửa vườn. Thuốc sâu khi tiêu ra lá non và hoa chứ. Côn trùng hút chít làm sao được

Long Hoàng

Nhà trồng tiêu từ năm 1990 đến giờ. Trồng tiêu trên cây keo, cây sầu đâu. Lấy lá cho dê ăn, lấy phân đỗ ra vườn đất tơi xốp. Trùng ùn đất lên rất tốt, lâu lâu bón phân NPK. Cứ 5 hàng đánh con mương. Chẳng bệnh tật gì.

Senca

Không bệnh tật gì sao lại xịt thuốc năm 2 lần ? Đầu tư vậy có lãng phí không ?

trung hiếuvđ4

Tôi nghĩ cộng đồng trao đổi là rất đúng, không có lý nào mà chăm sóc kĩ mà lại để bị bệnh được. Chỉ có chăm sóc quá kĩ theo hướng hóa học không bền vững. Thấy xấu thì mang phân bón cho tốt, thấy tốt thì bón cho đẹp nữa cho hơn người ta làm cây mất sức đề kháng. Đến khi bị bệnh lại bảo không biết lý do.

Nguyễn hoàng

Chào mọi người cho mình hỏi hoạt chất Cypermethrin có trị được tuyến trùng không?

Hoàng

Theo trang mạng baovecaytrong.com , không có công ty sản xuất thuốc BVTV nào đăng ký Cypermethrin trị tuyến trùng.

Long Hoàng

Theo tôi, muốn trồng cây tiêu ổn định năng suất thì chỉ cần chú ý các điều sau:
Thứ nhất chọn giống phát triển mạnh ít sâu bệnh. Năng suất ổn định. Cây tiêu không sâu bệnh, năng suất không cao tôi nhổ luôn.
Thứ hai đất có tầng canh tác dày, rút nước tốt. Làm mương rảnh thoát nước. Tốt nhất đất đỏ sỏi cơm hoặc đen đỏ rút nước tốt. Cây trụ sống như cây gòn, keo, sầu đâu, núc nác rừng…
Thứ ba chỉ nên bón phân chuồng, phân hữu cơ ủ hoai với nấm tricho như phân dê, phân gà, phân bò… sẽ tăng vi sinh vật có lợi, giảm tuyến trùng và rệp sáp, bón ít NPK thôi.
Dưới đất không nên dùng thuốc Hóa học. Trên dây tiêu phải xịt thuốc phòng nấm mỗi năm 2 lần. Xịt thuốc trừ các loại côn trùng chích hút khi thấy côn trùng tấn công. Cắt tỉa dây lươn và bấm đọt sau thu hoạch.

Nguyễn văn chương

Mình 3 năm không chết trụ nào nhưng năm này mất 30 trụ các bạn ạ. Nên động viên những người trong hoàn cảnh trắng tay, không ai tải giỏi với thời tiết được đâu. Chúc các bạn thành công.

Nguyễn Đình Anh

Buồn quá, nhà mình cung ở Ea Kar đây chết mất 400 trụ. Cũng do hai đợt mua vừa qua giờ đang đi hái những trụ vàng lá với yếu để chăm cho lại sức. Chấp nhận bán tiêu lép vậy…

lê vạn tùng

Năm này mưa nhiều nên chấp nhận thôi, nhất là loại tiêu vào thu chính năm đầu. Khi tiêu chết thì người nông dân lãnh đủ rũi ro nhưng khi vụ mùa tiêu thắng lợi thì nhiều cấp được tiếng là không công bằng lắm. Làm thế nào để hỗ trợ cho những người thiệt hại lớn mới hay…

Trần Thị Thu Thủy

Tiêu mình mới trồng được 1 năm. Mình vừa đôn xong cách đây 1 tháng nhưng giờ thấy có hiện tượng lạ trên dây tiêu. Lá tiêu tự nhiên bị khô đen như mình đốt lửa vậy. Anh chị nào có kinh nghiệm thì giúp mình với cần phun loại thuốc nào hoặc có biện pháp gì không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *