Đăk Lăk: Nông dân Ea Lai “mất ăn mất ngủ” vì hồ tiêu chết hàng loạt
Hồ tiêu đang bước vào thu hoạch chính vụ. Tuy nhiên, ở xã Ea Lai (huyện M’Đrăk), tiêu bị bệnh chết hàng loạt, giá tiêu lại giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua khiến hàng trăm hộ dân khốn đốn.
Gia đình ông Trần Bá Tiếp (thôn 6) có 700 trụ hồ tiêu, trong đó 250 trụ năm thứ tư, 450 trụ kinh doanh từ năm thứ năm trở lên. Niên vụ hồ tiêu 2016 – 2017, gia đình ông Tiếp thu được 2 tấn tiêu khô, bán với giá 70.000 đồng/kg, gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng (sau khi trừ chi phí).
Tuy nhiên, từ tháng 2 vừa qua, vườn tiêu của gia đình ông Tiếp bắt đầu có hiện tượng chết hàng loạt. Bệnh lây lan rất nhanh, có trụ tiêu chết nhanh chỉ trong vòng 3 ngày, chậm thì không quá 2 tuần. Hiện nay, 300 trụ tiêu trong vườn ông Tiếp đã héo rũ, lá đổ kín chân trụ, gốc rễ thối mục không thể cứu chữa, các trụ còn lại bắt đầu vàng úa, thiếu sức sống.
Nếu như thời điểm này năm ngoái, vườn tiêu đang cho thu hoạch rầm rộ thì năm nay, ông mới chỉ thu hoạch chưa đến 5 tạ tiêu hạt; cây bệnh, năng suất thấp, giá bán thấp, thu không đủ chi phí khiến cả gia đình ông Tiếp đứng ngồi không yên.
Tại gia đình anh Đoàn Thủy (thôn 8), vườn tiêu khô cháy, chỉ còn những trụ bê tông trơ trọi khiến ai cũng xót xa. Nhắc đến vườn tiêu, anh Thủy lại rưng rưng muốn khóc bởi chưa bao giờ anh nghĩ đến một kết quả đau xót như thế! Gia đình anh có 1.500 gốc hồ tiêu trên diện tích gần 1,7 ha. Cách đây 4 năm, khi tiêu có giá cao, là niềm hy vọng đổi đời cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã, gia đình anh Thủy cũng vay mượn ngân hàng, anh em đầu tư trên 1,5 tỷ đồng trồng hồ tiêu.
Cuối năm 2017, vườn tiêu hứng chịu đợt mưa bão nặng nề, bắt đầu chết dần và đến nay thì chết trắng vườn. Sau bao năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ngày đêm ăn ngủ giữa vườn tiêu với mong muốn cải thiện cuộc sống, nhưng đến nay gia đình anh Thủy lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải lo từng bữa ăn qua ngày. Vườn hồ tiêu đã chết trơ trụ bê tông mà không có tiền phá bỏ để trồng cây khác.
Không riêng gia đình ông Tiếp, anh Thủy mà hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn xã Ea Lai cũng lâm vào cảnh tương tự. Theo tính toán của người dân, mỗi héc-ta hồ tiêu đầu tư trồng mới khoảng 400 triệu đồng; đầu tư chăm sóc trong 3 năm đầu mỗi năm 100 triệu đồng, đến năm thứ tư mới bắt đầu cho thu hoạch để thu hồi vốn.
Thế nhưng, hầu hết diện tích hồ tiêu bị chết là hồ tiêu kinh doanh và bắt đầu cho thu hoạch, điều này đồng nghĩa với việc người dân chưa kịp thu hồi vốn thì đã mất trắng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, không có khả năng trả lãi.
Theo ông Võ Đức Nhân, Chủ tịch UBND xã Ea Lai cho biết, tiêu chết đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân tại địa phương. Thống kê đến cuối tháng 3, xã Ea Lai đã có 58,6 ha hồ tiêu bị chết, chiếm 13,5% diện tích toàn xã; tập trung chủ yếu tại thôn 4 với 16 ha, thôn 6: 7,8 ha, thôn 8: 6 ha, các thôn còn lại từ 2 – 5 ha.
Hầu hết diện tích tiêu còn lại cũng bị ảnh hưởng bệnh, giảm năng suất. Điều đáng lo ngại hơn là con số này đang tăng lên từng ngày bởi diễn biến bệnh khó lường và lây lan rất nhanh. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tình hình thời tiết biến đổi phức tạp, mưa kéo dài từ cuối năm 2017, cùng với thiệt hại từ cơn bão số 12 đã làm các trụ tiêu bị lỏng gốc, ngập úng, mất sức đề kháng, bị các loại nấm bệnh tấn công.
Bên cạnh đó, một số người trồng chưa áp dụng đúng các biện pháp khoa học kỹ thuật, thâm canh quá mức, sử dụng các loại phân bón hóa học quá liều, không cân đối tỷ lệ và canh tác ở những diện tích không phù hợp, địa hình trũng không theo quy hoạch.
36 phản hồi cho bài "Đăk Lăk: Nông dân Ea Lai “mất ăn mất ngủ” vì hồ tiêu chết hàng loạt"
Ối trời ! Không có cây che bóng, nắng chang chang vậy tiêu nào mà sống cho nổi…
Sức đề kháng của Cỏ tốt hơn Tiêu nhiều mà chẳng sống nổi thì nói gì đến Tiêu !
Canh tác kiểu gì đây ?
Khổ nông dân mình quá. Theo giá bây giờ sao dám đầu tư đây, mùa này bắt đầu rửa vườn phun thuốc côn trùng,… tiền thì đi vay mượn. Nếu không bỏ phân hữu cơ hay phân chuồng thì cây tiêu sẽ yếu đi, nếu đầu tư thì lỗ vốn. Nản hết chịu nỗi rồi…
Trồng cây trụ chết tôi chưa làm nhưng cây trụ sống tôi thấy tiêu phát triển bền vững hơn. Tiêu bu vào cây trụ sống tôi thấy rất có sức sống. Tôi đang kêu gọi bà con dùng tiêu sạch tại vườn nhà, mặc dù giá cao hơn nhưng người dân vẫn chịu bỏ ra để mua. Nếu tất cả đều bán tiêu sạch thì giá sẽ gấp 5 lần giá hiện tại thôi.
Cách tốt nhất là trồng nhiều loại cây. Mỗi cây 1 ít thì sẽ an toàn hơn. Chứ dốc hết vào tiêu thì cũng nguy hiểm lắm…
Mình nhận định theo trên hình, trụ tiêu nhà ông Tiếp bị bệnh ít nhất 3 tuần rồi chứ không phải mới chớm và lây lan nhanh như báo viết. Trong thời gian đó ông đã làm gì để ngăn chặn bệnh không cho phát triển cây lan thêm ? hay phó mặc ?
Hầu như bị bệnh vàng lá, thối thân là chính…!
Rất đồng tình với ý kiến của @ ho nam, @ Thắng Lợi. Môi trường như vậy thì tiêu nào sống nổi…
Khí hậu ở vùng đất này thực sự không thích hợp để trồng tiêu. Muốn thu lợi nhuận từ cây tiêu là vô cùng bấp bênh, bà con cần chủ động chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn…
Thực tế bà con mình hầu như trồng theo phong trào, khi cây giá cao cứ tính phần thắng, ít ai tính đến khó khăn và phức tạp của cây trồng này. Trong tay chưa có kinh nghiệm, gặp bệnh không xử lý kịp thời để bùng phát lớn thì bó tay. Những người có kinh nghiệm gắn bó với cây hồ tiêu lâu năm vẫn rất cẩn trọng khi phát triển cây trồng này trên diện rộng.
Áp dụng các biện pháp canh tác không phù hợp, để cho cây suy giảm khả năng đề kháng thì bệnh tật ập tới chỉ là sớm hay chiều chắc chắn cũng xảy ra, huống chi hồ tiêu là loại cây trồng khá mẫn cảm với môi trường, với dịch bệnh. Vừa thiếu kiến thức canh tác khoa học, vừa chủ quan với cây trồng này thì… thua lỗ là điều không thể tránh khỏi !
Các bạn thấy trồng cà phê có dễ không ? Thế mà 50 năm trước Sri Lanka đã phải tuyên bố đầu hàng cây cà phê đấy. Huống gì là cây hồ tiêu vốn chỉ ưa sống dưới tán rừng.
Mình không phun thuốc, không bỏ phân khoa học, chỉ bỏ vi sinh với hữu cơ, mà bán cũng giá như nhau, chẳng biết chỗ nào bán người ta gọi là tiêu sạch cả.
Mùa này tiêu bà con chết nhiều lắm bác Vịnh ơi, bác tư vấn giúp bà con với… Khổ lắm bác ạ !
Dạo này cháu cũng thấy bác ít tham gia chia sẻ với bà con trên diễn đàn.
Ai cũng cho rằng mình sản xuất tiêu sạch.
Còn công ty XNK thì kêu ca rằng đi mua tiêu sạch để giao cho khách hàng mà kiếm không ra.
Vậy là sao ?
Tiêu sạch thì sản lượng ít. Mỗi hộ một vài tấn mà công ty đòi hỏi phải được 5-10 tấn mới thu mua thì làm sao mà bán được. Kẻ thừa người thiếu, hàng xóm mỗi người làm một kiểu không dám rủ bán chung. Đành phải bán xô…
Chào cháu @ Viet Anh.
Bác vẫn thường xuyên lên đọc tin chứ. Với lại yêu cầu của bà con đã được cộng đồng trao đổi rồi nên bác không phản hồi nữa. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bác vẫn nêu một số định hướng chung với bà con, có lẽ cháu chưa đọc hết.
Về chuyện tiêu Ea Lai hay ở M’Đrăk nói chung, không ai trải qua nhiều gian khổ như chú Trịnh Văn Ba ở thị trấn Ea K’Nốp. Các bạn có thể lên đó gặp chú ấy để trao đổi và chia sẻ cùng.
Có một bạn ở M’Đrăk cho biết đã nhờ bác tư vấn khi tiêu của bạn bị bệnh vàng lá. Nhưng đại lý bán thuốc BVTV ở trong xã lại nói, đại khái là: Tau bán thuốc cho cả xã mua mà nói mày không nghe, lại đi nghe cái ông ở tận đẩu tận đâu trên mạng là sao? Bạn ấy nghe… cũng có lý, nên mua thuốc của đại lý tư vấn đem về đổ. Đến nay, sau gần 3 tháng, 450 trụ tiêu bắt đầu vào kinh doanh nghe đâu chỉ còn hơn 30 trụ. Bạn ấy cũng không dám lên than thở nữa…
Tư vấn trên diễn đàn còn có vấn đề tế nhị mà bác thường nói, 1 loại thuốc có cả chục công ty sản xuất, thế thì tại sao bác tư vấn dùng thuốc của công ty A mà không phải của công ty B, C, D, E,…. trong khi công ty nào cũng được nhà nước cấp phép, cũng được kiểm định …
Vì vậy, bác thường nói bạn nào thực sự cần bác tư vấn thì cứ email về cho bác.
Đôi lời chia sẻ cùng cháu và bà con. Mong mọi người thực sự hiểu cho bác khi quản lý 1 trang mạng có tính cộng đồng như giatieu.com.
Thân
Hic.
Nói không có tiêu sạch thì không đúng, nói bẩn hết thì cũng sai.
Ở mình thì người sạch lẫn với người không sạch.
Người không sạch thì nói láo để bán được giá cao.
Người sạch thì xem việc mình làm sạch là tốt rồi, ngay cả khi biết rõ là ông hàng xóm tiêu bẩn nhưng lừa bán cho “bọn XNK” giá tiêu sạch thì cũng mặc kệ bọn nó, tụi nó ở đâu đâu dưới Sài Gòn trong khi ông hàng xóm thì ở kế bên, mất lòng thì phiền lắm.
“Cái bọn XNK” ấy bị lừa vài cú thì khôn ra, “bọn nó” thấy là mua tiêu nhập (Cam/Indo/Brazil) khoẻ hơn nhiều: rẻ, sạch, lô lớn đỡ mắc công test từng hộ nhỏ lẻ lắc nhắc.
Giờ ra nông nổi này, “bọn XNK” vẫn nhập tiêu về bán và “bọn nó” vẫn không hề hấn gì.
Điểm yếu nhất của nông dân ta là thiếu đoàn kết và không có tinh thần đấu tranh để “gạn đục khơi trong” vì quyền lợi lâu dài của chính mình, có xu hướng dĩ hoà vi quý ngắn hạn nhưng gây hậu quả (mất lòng tin) dài hạn, người sạch chấp nhận (một câch thụ động) việc mình bị đánh đồng với người bẩn.
Các bác nghĩ xem có đúng vậy không?
Nếu đúng thì có câch nào để chữa không? Bệnh này không chữa thì sẽ không bao giờ thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn : mất niềm tin=>bán giá thấp=> vì giá thấp nên càng phải ăn gian để bù=> vì ăn gian nên mất niềm tin.
Nhắn tin:
Email của chú Nguyễn Vịnh để sẵn ở cuối trang chính !
Giá tiêu hạ nhưng giá đất lên trên trời. Bây giờ đam mê làm vườn khó quá.
Tôi ở Đồng Nai đất giờ cao quá. Diện tích đất ít chỉ trồng hồ tiêu chăm sóc là thích hợp.
Giá tiêu hạ mà còn mất mùa, giờ tiêu bịnh tiêu chết nữa thì người trồng tiêu khổ rồi…
Mấy cây chết trên hình có lẽ là cách trồng Tiêu ban đầu cho leo từ các loại trụ tạm . Sau một vài mùa thấy tiêu phát triển tốt thì khoan lỗ chôn trụ bê tông vào . Việc khoan lỗ ngay gần gốc Tiêu đã làm đứt rễ tạo điều kiện cho nấm bệnh tấn công khi thời tiết bất lợi ! Cạnh nhà tôi có ba nhà chết mấy trụ sau một mùa vì khoan hố chôn trụ bê tông thay vào các cây trụ sống bị chết, gãy còn những trụ khoan xa ra thì đến nay chưa việc gì !Việc khoan hố sát gốc Tiêu là mạo hiểm lắm đó bà con cần lưu ý !
Tôi nhớ năm trước hình như cũng đã có bài viết về cây Tiêu ở xã Ea Lai này rồi !
Cây tiêu chỉ sống trong bóng râm mới bền vững được 30-40 năm.
Dân ta đưa cây tiêu ra nắng thì chỉ được 10-15 năm là đã già cỗi, năng suất sụt giảm rất thấp.
Nếu thay trụ bê tông vào trụ sống thì phải dùng vòi xịt nước ko dùng khoan, đứt rễ ngay. Vùng quanh nhà tôi dịch bệnh đã tàn phá hết hồ tiêu, nhưng riêng tôi thì chưa, ít nhất là đến thời điểm này.
Tôi có 5 nguyên tắc canh tác hồ tiêu: ko xạc – ko phân hóa học – ko thuốc bvtv hóa học (có chọn lựa khi cần thiết) – ko nước – ko bồn. Tôi đã cứu một số bà con khỏi dịch bệnh chết nhanh, nếu phòng thì đảm bảo luôn. Xin có đôi lời tham gia bà con.
Chào bạn @ Hung.
Những cách bạn đã làm để phòng dịch bệnh cho tiêu nhà nình đến nay bảo đảm thành công, rất mong bạn có thể chia sẻ với cộng đồng để giúp bà con tham khảo và vận dụng.
Xin cám ơn bạn nhiều !
Chào @ Hung. Bạn 5 ko, tôi thấy bạn nói ko nước nghĩa là sao.
Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống mà bạn.
Năm không có nghĩa là
1.không dùng phân hóa học.
2.không thuốc bvtv hóa học.
3.không để vườn đọng nước.
4.không làm bồn.
5.không xạc cỏ.
Đây là cách tôi hiểu ý của bạn @ Hung.
Có đúng vậy không bà con…
Bạn @ Phucdo nói đúng rồi. Nhưng một tiêu chí nữa mà bà con ta thiếu là: tiêu lên giá cứ biết trồng mà không tìm hiểu xem đất đai vùng mình có hợp với cây này không ? 5 không trên sẽ đảm bảo cho bạn sức khỏe (cái vốn quý nhất) và sự bền vững…
Theo tôi không dùng hóa học là không hợp lý, vấn đề là mình sử dụng phân thuốc đúng lúc, đúng liều, không lạm dụng. Khi canh tác sinh học dùng nấm đối kháng phòng bệnh, có khi chúng ta sẽ chủ quan ít thăm vườn. Khi gặp thời tiết vào lúc mưa nhiều thích hợp cho nấm có hại phát triển mạnh, việc phòng không hiệu quả nếu không xử lý kịp thời sẽ bùng phát dịch. Nhiều người chủ quan vấn đề này, để vườn xuất hiện bệnh nhiều mới cứu cây thì lại tiền mất cây chết lại đổi cho thuốc dổm. Tôi có ông bạn gần tôi cũng năm ko, cây còn như ko vì sao ăn ít đẻ ít tính kinh tế rẻ ko có lợi nhuận. Hai năm đầu cây vẩn phát triển, hai năm trở lại đây cây suy dinh dưỡng nhìn trụ tiêu có cây như không. Nên hợp lý phân thuốc sẻ hiệu quả hơn không lạm dụng, hữu cơ nhiều cây vẫn ngộ độc…
Mình thấy bạn suy nghĩ vẫn còn chủ quan, lệch lạc. Mỗi kiểu canh tác đều có những tiêu chí khác nhau. Kiểu canh tác sạch vẫn sử dụng hóa học nhưng vừa phải, đúng lúc như bạn nói. Còn canh tác hữu cơ thì không sử dụng hóa học hoặc chỉ dùng những lúc “thật cấp thiết” nhưng thời gian cách ly phải dài hơn nhiều lần. Dùng nấm đối kháng sinh ra chủ quan không thăm vườn hoặc khi mưa nhiều, việc phòng không hiệu quả là do mình. Không bón phân thì cây nào chẳng yếu, mất sức đề kháng, sâu bệnh cơ hội tấn công. Cây nào sống khỏe khi không được cho ăn để đợi giá ? Hữu cơ nhiều vẫn ngộ độc là do … đồ dỏm !
@Hung nói đúng, lúc tiêu đang đẹp tôi hay làm cỏ lắm, giờ thấy tiêu vàng nên không làm cỏ nữa, không bỏ phân hóa học, chỉ bỏ phân vi sinh thôi, tiêu không đẹp nhưng giờ nó không chết, năm nay muốn bỏ phân chuồng nhưng sợ năm sau lại xuống giá, sợ không về vốn.
@ blo ktla. Nếu tiêu lên giá thì phải mất bao lâu để phục hồi vườn cây, có chắc sẽ phục hồi được không ?
Cứ xài phân chuồng ủ hoai với nấm tricho là được rồi. Tôi vẫn làm như vậy tiêu có sức đề kháng tốt lắm, đất xốp là tiêu đỡ bệnh. Thân chào
*Nhắn tin:
Để tránh bị hệ thống loại bỏ phản hồi, vui lòng sử dụng thông tin (email+nickname) chính xác !
Có cảm giác bạn sử dụng nấm tricho có gì nhầm lẫn, chưa đúng chỗ nào đó…!
Đọc thêm bài này và phần cộng đồng thảo luận:
http://www.giatieu.com/mot-so-hieu-biet-khi-su-dung-nam-trichoderma-va-nam-ky-sinh/3612/
Nhưng cỏ tốt quá thì phải dùng máy phát đi nhé, phát sơ thôi không phải ủi tung đất lên đâu. Một sự sống bền vững là sự chung sống, giao hòa giữa mọi sinh vật… Tôi thì vừa yêu vừa ghét cỏ… Chúc bạn thành công.
Các chú cho cháu hỏi. Phân đậu nành cháu ngâm ủ với EM 2 tháng rồi mà nó có mùi thối, nước có màu hơi nâu vàng. Vậy có bón cho tiêu được không ạh. Có bị nấm có hại xâm nhập không ?
Hỏng rồi ! Không được bón cho tiêu hay bất kỳ cây trồng nào, sẽ gây bệnh…
Nếu ủ thành đạm hữu cơ, sẽ có mùi thơm nhờ các lợi khuẩn (EM). Nhưng đã bị các vi sinh có hại xâm nhập trước và phân hũy hết đạm nên có mùi thối, đồng nghĩa là chẳng còn chất gì, có thể gây ngộ độc hữu cơ cho cây trồng nữa.
Cũng có thể do chất lượng EM đã dùng có vấn đề gì chăng? hay cách ủ sai? cần xem xét kỹ.
Nội dung khá dài, đọc thêm phần thảo luận ở bài này có thể giúp rõ hơn. http://www.giatieu.com/tu-san-xuat-phan-ca-gia-thanh-re/4846/
Không nước nghĩa là không để đọng nước vào mùa mưa.
Nhất nước theo bạn @ nhàn đắc nghĩ lại là khác rồi…
Bạn nói đúng nhưng cần nói rõ để khỏi suy luận, gây hiểu nhầm. Tôi trồng tiêu 20 mươi năm rồi cũng không làm bồn, tới nay cây vẫn xanh tốt. Nước cũng là vấn đề người trồng tiêu cần quan tâm… để mưa lớn đọng nước trong gốc tiêu thì càng nguy hiểm hơn nữa.