Đăk Lăk: Nông dân Ea Riêng lo lắng vì tiêu chết hàng loạt
Thời gian gần đây, tại xã Ea Riêng (huyện M’Đrăk) xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt không rõ nguyên nhân khiến nông dân lo lắng, hoang mang…
Đọc thêm: >> Đăk Lăk: Người dân khóc ròng vì tiêu rụng trái hàng loạt sau khi phun thuốc BVTV
>> Đăk Lăk: Ea Lai phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững
Gia đình các ông Nguyễn Văn Hoan, ông Nguyễn Văn Hùng (thôn 11, xã Ea Riêng) có hơn 200 trụ tiêu đã cho thu hoạch. Giá hồ tiêu ổn định ở mức cao đã giúp gia đình có nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, cách đây không lâu, vườn tiêu bỗng dưng chết hàng loạt với diễn biến bệnh phát triển nhanh: buổi sáng cây vẫn còn tươi xanh nhưng đến trưa nắng lên thì bắt đầu vàng héo rồi chết.
Tình trạng tiêu chết không chỉ xảy ra ở vườn tiêu nhà ông Hoan, ông Hùng mà đã lan đến rất nhiều gia đình trồng tiêu ở thôn 11. Tại thôn 18, một số hộ trồng tiêu cũng đứng ngồi không yên khi vườn tiêu vẫn chết hàng loạt dù đã áp dụng nhiều cách chữa trị. Gia đình ông Phan Bá Kình có 200 trụ tiêu năm thứ 3 chuẩn bị bước vào thời kỳ kinh doanh thì bị bệnh chết dần, chết mòn, đến nay có gần 50% trụ tiêu đã tàn gốc, gây thiệt hại cho gia đình hàng chục triệu đồng.
Từ thực tế cây tiêu chết hàng loạt tại xã Ea Riêng đã làm nổi lên nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước hết là cách người trồng tiêu đối mặt với rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Hầu hết diện tích hồ tiêu ở đây được trồng rải rác với số lượng từ 100 – 300 trụ nên khi phát hiện bệnh bà con chưa tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh, chỉ tự xử lý theo kinh nghiệm truyền miệng, không có cơ sở khoa học hoặc theo sự tư vấn “phỏng đoán” của các đại lý bán thuốc BVTV. Mặt khác, những năm gần đây, do hiệu quả kinh tế từ cây hồ tiêu mang lại, nông dân chạy đua theo thị trường, phát triển diện tích một cách ồ ạt trong khi lượng cây giống sản xuất ra không đủ cung ứng, bà con đã mua cây giống trôi nổi, kém chất lượng hoặc chuyển đổi trồng tiêu trên những diện tích đất không phù hợp.
Theo kế hoạch sản xuất nông nghiệp, đến năm 2016, xã Ea Riêng chỉ có 40 ha hồ tiêu song trên thực tế, chỉ tính riêng thôn 11, đã có gần 35/40 ha cà phê được nông dân nhổ bỏ chuyển đổi sang trồng hồ tiêu. Trong khi đó, bà con vẫn giữ thói quen áp dụng kỹ thuật canh tác của cây cà phê đối với cây tiêu, chú trọng vào việc giữ nước chống hạn nhưng chưa kịp thời chống úng khi mùa mưa đến; thậm chí một số vườn tiêu mới chết xong, chưa xử lý đất và trụ đã tiếp tục trồng lại cây mới.
Trước thực trạng tiêu chết hàng loạt tại xã Ea Riêng, thiết nghĩ, bên cạnh việc tìm ra nguyên nhân tiêu chết và triển khai các biện pháp xử lý, chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý diện tích hồ tiêu, khuyến cáo và hướng dẫn bà con cụ thể về giống, chất đất phù hợp với cây tiêu cũng như các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, tránh tình trạng ồ ạt trồng theo phong trào…
39 phản hồi cho bài "Đăk Lăk: Nông dân Ea Riêng lo lắng vì tiêu chết hàng loạt"
Nói bà con chưa biết kĩ thuật hay chưa hiểu về cây tiêu theo mình nghĩ không đúng, mà là không chịu thay đổi. Bà con luôn cho rằng mình lúc nào cũng đúng, thông tin, báo, truyền hình, hội thảo, các chuyên gia… đều tư vấn rất rất nhiều. Nhưng bà con mình còn quá chủ quan và cố chấp về tư duy thì đừng than làm gì mà hãy trách bản thân mình thôi. Nếu cây tiêu chăm dễ như cây cà thì làm gì tiêu có giá cao vậy chứ. Vài dòng chia sẻ với diễn đàn.
Cái này ko đáng sợ bằng vườn tiêu nhà mình ko bị nhưng hàng xóm cạnh bên bị , ngày ngày lo sợ toát cả mồ hôi !
Tiêu nhà tôi năm nay chet nhanh chết chậm nhiều lắm, năm nay không có tiêu hái rồi
Mọi người ơi giúp mình với. Tiêu nhà mình trồng dược 3 thảng rồi đang lên rất đẹp thì bị một số trụ rụng ngọn mà khi ra ngọn mới là có hiện tượng xoăn lá đấy ạ. Từ khi trồng đến nay mình chỉ bón lót phân chuồng đã ủ hoai và rắc thêm 3 lạng lân đồng thời đố 2 lượt tricodercma nữa mà tiêu vẫn bị vậy. Xin mọi người cho ý kiến giúp đỡ với ạ.
Vì không thấy cụ thể nên mình suy đoán lá non đang bị côn trùng (nhện đỏ) chích hút làm xoăn lại. Phun thuốc diệt côn trùng sẽ khỏi. Nên phun 2 lần liên tiếp cách 1 tuần và phun vào lúc chiều muộn mới hiệu quả.
Tiêu của bạn bị vi rút rồi, bạn tước ngọn ra sẽ thấy mạch dẫn bị thâm đen. Bạn nên xịt thuốc trị vi rút cho toàn bộ vườn tiêu đồng thời nhổ bỏ những cây bị bệnh. Vì những cây mắc vi rút rồi ko thể chữa khỏi, để lại chỉ làm nguồn lây cho các cây khỏe mạnh. Xịt thuốc rầy để tránh lây lan theo đường chích hút.
Tiêu – Nó đỏng đảnh quá thể !
Nó bị như thế này – trước hết phải tính là do phân hay nước. Các nguyên nhân khác không thể có kết cục tiêu chết thảm như vậy ! Với những loại vườn tiêu thiết kế như trên hình ; cái kết sẽ như vậy !
Thế nhưng vẫn còn nhiều vườn như thế, kể cả mơi trồng về sau nữa chứ.
Trồng lên đẵ khó rồi mà để tiêu ra đi dễ quá !
Bà con ở đây đầu tư phân thuốc hóa học nhiều lắm.
Tiêu hầu như không còn sức đề kháng nữa…
Trồng tiêu càng ngày càng khó, tiêu mình trồng được 2 năm rồi vừa rồi mới cắt dây lên rất đẹp. Nhưng không hiểu sao có một số cây bị thối đọt từ trên xuống chết cả dây, nhờ mọi người tư vấn giúp .
Chủ yếu là do tiêu bị nhiễm bệnh trừ trước nay mới bùng phát. Nhưng cũng không loại trừ khả năng bị nhiễm do không sát trùng dụng cụ cẩn thận khi cắt giống.
Chưa xong đâu ! Bệnh sẽ bùng phát khi tiêu bắt đầu nuôi hạt…
Tôi thấy trồng tiêu năm đầu lên rất nhanh, nhưng năm thứ hai trở đi thường hay bị bệnh. Vì cho đủ thứ phân nhiều quá làm cho cây bị thừa chất, giống con người bị béo phì thì sự đề kháng sẽ bị kém đi. Nếu ai nhận biết được cây đang mắc bênh gì hay thừa thiếu chất gì thì mới trị đúng bệnh và hiệu quả.
Ở chỗ mình năm nay tiêu chết nhiều lắm. Nếu nói về nguyên nhân thì mỗi nhà làm một kiểu mà nhà ai tiêu cũng chết nguyên nhân là ở đâu. Chỗ mình cây chủ lực là cây tiêu mấy chục năm rồi người ta có kinh nghiệm mà làm còn chết.
Chào các cháu.
Bà con có kinh nghiệm khi chỉ trồng xen canh, rải rác, khoảng vài ngàn ha, dịch bệnh cũng khó lây nhiễm. Nay bà con đã chuyên canh hơn cả trăm ngàn ha thì kinh nghiệm đó có còn phù hợp nữa không? Với lại trước đây bà con chưa biết gì về thế giới vi sinh vật, thị trường không có phân thuốc hóa học tùm lum như hiện nay…
Đây là những vấn đề khác nhau rất cơ bản. Cần phải biết chắt lọc, kế thừa và phát triển những cái cũ, kinh nghiệm, cũng như đón nhận những cái mới, tiến bộ…
Thân
Bác không nói còn thêm vấn nạn phân đểu, phân giả, thuốc dỏm, thuốc kém chất lượng, tràn lan như hiện nay làm bà con không biết đường nào để chăm bón à..
Dạ ngày trước 1 ha chỉ vài trăm trụ xen với cà phê tiêu rất đẹp mà chăm sóc không nhiều. Do thời gian qua giá tiêu cao nhiều gia đình giàu lên nhờ cây tiêu. Ở Cư Kuin chỗ cháu người ta còn đổ đất lấp ao, phá bỏ các loại cây trồng… thay vì trồng trụ sống người ta đổ trụ xi măng cho nhanh ăn. Có nhiều người chỉ thấy tiêu vàng một cây là đổ thuốc này phân nọ. Tiêu đẹp họ cũng tìm cách làm cho đẹp hơn, hậu quả là nhiều nơi xuất hiện những thứ bệnh mà lâu nay rất ít. Ngày trước tiêu 4 năm tuổi mới mắc bệnh chết nhanh nay tiêu 2 năm cũng chết nhanh nhiều. Không hiểu lí do tại sao chứ năm nay mưa ít mà chỗ cháu nhiều nhà không dám ra vườn tiêu vì tiêu bị bệnh chết nhiều quá.
Để canh tác hồ tiêu bền vững cần tăng cường khả năng phòng bệnh bằng phân hữu cơ, sinh học và đổ nấm đối kháng trichoderma. Giảm bớt việc sử dụng phân thuốc hóa học mới cải thiện được môi trường sống cho cây hồ tiêu.
Ở những năm của cuối thế kỷ trước, ở vùng tôi tiêu trồng dễ lắm ! Cứ trồng xuống sẽ có thu, không cần áp dụng KHKT gì hết, giống như Dak Song bây giờ.
Vậy mà giờ đây – Càng nói nhiều đến biến đổi khí hậu càng khó !
Chưa nói đến chuyện phân hay thuốc, nếu bà con làm hệ thống thoát nước tốt, không để đọng nước ở góc tiêu, làm đất tơi xốp, bón bổ sung nấm tricho thì việc trồng tiêu rất đơn giản.
Chú Vịnh ơi! Nay cháu nhổ những cây bị rụng ngọn lên thì thấy bị thối đen rễ chú ạ mà đất nhà cháu thì là đất pha sỏi không có hiện tượng úng nước. Bây giờ cháu phải làm sao chú giúp cháu với.
Có thể do khâu xử lý đất để trồng tiêu chưa tốt hoặc bị nhiễm từ khâu lấy giống đến nay mới bùng phát bệnh vàng lá, thối rễ, tháo khớp, rụng đốt do nhiều loại nấm bệnh kết hợp.
Dùng thuốc diệt nấm có hoạt chất Mancozeb+Melataxyl 72WP phun và đổ gốc, xử lý kép.
Khi có dấu hiệu hồi phục mới phun lá đổ gốc các loại phân hữu cơ, sinh học, humic, trung vi lượng, để tăng sức cho tiêu…
Chào anh Trịnh văn Ba !
Tôi cũng nghĩ như anh vậy, nói đâu cho xa hồi năm tiêu giá từ 25 đến 35 ngàn 1kg chẳng thấy chết nhanh chết chậm gì cả. Hồi trước trồng tiêu đâu có chăm như bây giờ, thậm chí người ta còn đốn bỏ tiêu trồng cây khác vì không đủ sở hụi. Còn bây giờ trồng cây gì cũng khó cả chứ không phải riêng cây tiêu. Vùng tôi đất đá lộ đầu, độ dốc 10% nước không đọng ở gốc vậy mà cũng trầy da tróc dãy mới níu kéo em nó ở lại được với mình. Nhiều đêm trăn trở tôi tự hỏi tiêu chết vì đâu?
Rất hân hạnh gặp anh !
Chào @ nôngdânchânđất!
Giới “Giải trí” gọi chúng ta là : “chân đất mắt toét”.
Mong được chóng gặp anh cùng đàm đạo, chia sẻ !
Năm ni thời tiết thất thường lúc nắng hạn lúc mưa nhiều ngập úng không chủ động trong việc phòng trừ dễ bị chết hàng loạt
Thời tiết bây giờ biến đổi khí hậu. Ngày trước khí hậu rất hợp với cây tiêu thì dễ làm. Năm nay hầu như tiêu già có nhiều vườn năm ngoái cành rất đẹp mà năm nay cũng mất mùa không có quả hoặc có quả mà một chuỗi được vài hạt. Có lẽ do đợt hạn hán vừa rồi. Thời tiết thất thường cây tiêu cũng dễ nhiễm bệnh nữa.
Chào chú Vịnh ! Chào cộng đồng !
Cháu theo giá tiêu bao lâu nay cũng đã tích luỹ được một số kinh nghiệm, chỉ dùng phân chuồng ủ hoai, vi sinh, phân sinh học. Cách đây khoản 10 ngày cháu co bón phân vi sinh trộn trichoderma để phòng bệnh cho tiêu luôn. Cách đây hai hôm cháu phát hiện có một bụi bị nấm phitopthora tấn công trên lá và qua ngay sau bị thêm 3 bụi nữa. Cháu đã phun alitte, giờ không biết có nên sục gốc không, nếu sục gốc thì bao nhiêu vi sinh vật lâu nay coi như chết hết. Tiếc quá mà không sục thì sợ nấm tấn công xuống dưới nguy hiểm. Theo mọi người thi cháu nên sử lý như thế nào. Cháu xin cám ơn !
Phát hiện thấy vườn bùng phát bệnh là đã bị nhiễm ít nhất 3 tháng trước hoặc từ năm ngoái, năm kia nay mới phát. Tricho phòng bệnh phải bón trước khi nhiễm bệnh để ngăn chặn. Khi đã nhiễm bệnh rồi thì phải chữa sạch rồi mới bón để phòng lại. Bón ngay đầu mùa mưa và bổ sung vài lần trong năm khi có mưa nhiều, độ ẩm cao hay trong vùng đang có bệnh lây lan. Khi có dấu hiệu bệnh cần phải đổ gốc và phun thuốc lưu dẫn mới diệt hết được. Sau đó mới bổ sung EM lại cho đất.
Cám ơn @ Hoàng! Khi thu hoạch xong mình đã phun rửa cây, và vào đầu mùa mưa cũng đã xử lý rồi mới bón phân và trico, mỗi lần bón phân nước mình đều cung cấp trico nên trong hố trùn rất nhiều và tơi xốp. Mình nghĩ nhiễm bệnh từ lâu thì từ gốc và thân đã bị thúi hết rồi nhưng của mình chỉ thấy từ ngoài đầu lá, đầu lá đen như thán thư vậy ăn từ ngoài vào trong, chuỗi cũng bị. Một bụi chỉ bị một phía còn xung quanh vẫn tươi xanh, mình phun thuốc và qua ngày sau thấy đứng lại rồi, bươi lên thấy rễ tơ văn bình thường. Vậy mình cũng phải sục gốc hả bạn !
Chào cháu @ Lethanhtuan
Chu kỳ của Bệnh học chia làm 3 giai đoạn: nhiễm bệnh, ủ bệnh, phát bệnh. Nếu phòng ngừa tốt thì bệnh sẽ được ngăn chặn và loại bỏ ngay khi mới bị nhiễm. Trái lại ta chỉ biết được khi bệnh đã bùng phát. Phun và đổ thuốc chỉ mới làm giảm bớt bệnh nhưng hay bị nhầm là đã hết bệnh nên dừng lại, không chữa trị triệt để vì ngại tốn kém mà còn làm lờn thuốc trong khi bệnh vẫn âm ỉ, mầm bệnh vẫn còn. Bệnh sẽ dễ dàng bùng phát trở lại khi gặp điều kiện thuận lợi. Mong các cháu nhận thức ván đề này sâu sắc hơn.
Thân
Chú Vịnh nói chính xác, vấn đề là ở chỗ làm sao tiêu diệt hết mần bệnh. Chúng ta thường chỉ đổ gốc, mà đổ được bao nhiêu, cách gốc tiêu bao nhiêu, trong khi đó nấm chỗ nào cũng có thể ẩn nấp chờ chực tấn công. Theo quan điểm của mình thì phòng từ khâu làm đất, vùng đất, khâu chọn giống, và phòng ngừa từ lúc mới trồng, như vậy sẽ tốt nhất.
Chào mọi người ! những người trồng tiêu nói riêng, bây giờ phải đối mặt với biết bao vấn nạn khó khăn như : thời tiết cực đoan, phân thuốc BVTV giả, kém chất lượng, mật độ canh tác tăng thêm diện tích … đã vậy còn phải hứng chịu môi trường càng ngày càng ô nhiểm nặng. Tôi thiết nghĩ : những cơn mưa bây giờ không còn trong lành như hồi xưa mà thay vào đó là những cơn mưa axit thì thử hỏi nó ảnh hương tới cây trồng mức nào.
Con chào chú Vịnh!
Hôm nay được chú trực tiếp góp ý, thực sự con cảm thấy rất vui, con sẽ ghi nhớ và làm theo lời chú.
Ngày mai con sẽ mua thuốc đổ gốc và tuần sau sẽ làm lại một lần nữa cho sạch mầm bệnh.
Con xin chúc gia đình chú luôn mạnh khỏe và hạnh phúc.
Trước đây mới trồng tiêu còn hoang dã nên đề kháng cao. Bữa nay phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật đủ loại, dân dùng không kiểm soát nên cây yếu đi, kháng bệnh kém, khó trồng hơn.
Năm nay mưa nhiều và rất nhiều ! Theo đó, tiêu chết cũng rất nhiều. Nhiều nhà vườn trồng tiêu đang “Ngọng”. Còn các cửa hàng bán thuốc BVTV cười tươi như Địa chủ được mùa !
Bà con ở dưới chú có đổ nấm tricho để phòng bệnh cho tiêu không chú? Cháu vừa về hỏi, bà con ở quê cháu cứ ngẩn ra, như cháu vừa từ trên trời rơi xuống !
Chào cháu @ Ngok !
Sản phẩm Trichoderma chú dùng là của ĐHCT, bây giờ đã có hàng trăm thương hiệu.
Đúng hay không trời cũng không biết, vì trời không quản lý thứ đó !
Ở vùng chú cũng vậy thôi cháu à ! Từ quốc lộ vô nhà chú, tiêu chết lủ khủ. Khi gặp gỡ trao đổi, họ thông thái hơn cả mình. “Tế nhị”…
Thân chào cháu !
Bác Ba ơi, bác mua tricho về có nhân sinh khối ko bác, hay hòa ra phuy tưới luôn ạ. Bác có tưới chung với phân sinh học ko.
Chào mọi người.
Cháu rất thích câu nói của chú Nguyễn Vịnh. Kế thừa và tiếp thu cái cũ là nền tảng cho cái mới.
Thưa chú, cháu mới vào trang giatieu thấy có nhiều bài viết rất có ý nghĩa đối với người trồng tiêu và đây là bước đầu của người trồng cây tiêu phải biết và hiểu về nó mới có thể thành công được.
Giờ cháu thấy trồng tiêu theo phong trào là thất bại rất nhiều. Những năm cuối thế kỷ trước cháu cũng đã biết đến cây tiêu qua người cậu của cháu. Ông trồng cạn và không làm bồn và bón nhiều phân chuồng hoai mục nên cây khỏe. Hồi đó chưa có thuốc như bây giờ.
Chúc chú và mọi người sức khỏe.