Đăk Lăk: “Nóng” tình trạng tiêu chết hàng loạt
Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, toàn tỉnh hiện có 150 ha tiêu bị chết, hơn 1.000 ha bị nhiễm bệnh rải rác ở mức 5 – 7%, tập trung ở các huyện: Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Buk, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ…
Báo động… đỏ!
Gần một tháng nay, ông Nguyễn Văn Tình, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ đứng ngồi không yên, cũng không buồn ra rẫy bởi hơn 400 trụ tiêu 3 năm tuổi, bắt đầu cho thu hoạch của ông đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Ông Tình chia sẻ, thấy tiêu được giá, nên ông đã dồn vốn liếng mua thêm trụ bê tông về trồng. Qua 3 năm chăm sóc, đến thời kỳ thu hoạch, tiêu lại bị bệnh chết dần chết mòn hơn 100 trụ, đến nay vẫn chưa kiểm soát được.
Tương tự, gia đình ông Lê Viết Luận (ở cùng phường) cũng đang trong cảnh bỏ thì xót mà mua thuốc trị bệnh lại không có tiền bởi toàn bộ vốn tích lũy ông đã đầu tư hết vào 600 trụ tiêu. Ông Luận cho biết, tiêu còn xanh lá, quả sai trĩu cành, nhưng chỉ vài ngày sau thì lá đổi màu vàng úa, gió nhẹ là rụng. Theo tính toán của ông, bình thường một trụ ước thu 1 triệu đồng/năm, như vậy, năm nay gia đình đã mất đứt hơn 100 triệu, chưa kể tiền công, giống, phân bón…
Trong khi đó, đầu năm 2014, thấy tiêu được giá, anh Nguyễn Viết Song đã vay vốn ngân hàng hàng trăm triệu đồng để trồng hơn 700 trụ tiêu. Giá tiêu giống tăng cao, lại khan hiếm nên khi có người giới thiệu anh đã tìm mua ở một cơ sở sản xuất cây giống tại xã Ea Kiết (Cư M’gar) với giá 6.000 đồng/cây về trồng. Do giống kém chất lượng nên toàn bộ 700 trụ trồng lượt đầu chết sạch, trồng dặm lần thứ 2 chỉ được 200 trụ còn sống. “Đâm lao phải theo lao”, khi mua cây giống không có cam kết về chất lượng đành chịu. “Vốn trụ, cây giống cả trăm triệu rồi, chết thì trồng dặm, vớt được cây nào hay cây, chứ nhổ trụ để trồng cây khác lại càng lỗ”, anh Song than thở.
Còn tại Cư Kuin, vùng trọng điểm của cây hồ tiêu, người nông dân lại càng khốn đốn hơn khi hồ tiêu là cây trồng chính, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nay lại bó tay ngồi nhìn tiêu chết. Anh Nguyễn Văn Ninh, thôn 25, xã Ea Ning cho biết, gia đình có hơn 100 trụ tiêu trên đồi cao, hơn 20 năm tuổi bị bệnh chết sạch, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Tiêu bắt đầu bị bệnh từ tháng 7, ban đầu chỉ một vài trụ rồi dần lây lan nhanh, chết cả vườn. Một số hộ mới trồng tiêu được 5 năm, có chút vốn liếng, vay vốn ngân hàng để xây nhà, chờ mùa tiêu tới trả nợ, nhưng tiêu chết, nhà làm giữa chừng lại phải dừng lại, dồn tiền cứu tiêu nhưng không cứu được, hàng trăm trụ bị bệnh chết sạch nên rơi vào cảnh không có nhà để ở! Một số hộ không có tiêu cũng gắng chạy vạy khắp nơi để đầu tư trồng, khi tiêu chết, lãi mẹ chồng lãi con, không còn thu nhập để trả tiền lãi…
Không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
Theo Chi cục BVTV Tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tiêu chết hàng loạt thời gian gần đây là do người nông dân chạy đua theo thị trường, thấy tiêu có giá thì ồ ạt trồng, trong khi đó, lượng cây giống sản xuất ra không đủ cung ứng, phải mua giống trôi nổi, kém chất lượng; trồng tiêu trên những diện tích đất không phù hợp, đất trũng bị ngập úng, chua phèn, nghèo dinh dưỡng nên phải sử dụng phân bón hóa học, chất kích thích nhiều khiến đất chai, rễ cây không phát triển được bị thối, trở thành cửa ngõ cho nấm bệnh xâm nhập, gây hại. Bên cạnh đó, việc áp dụng kỹ thuật canh tác của cây cà phê lên cây tiêu, tạo hố trồng sâu để giữ nước vào mùa khô nhưng mưa xuống chỉ cần 1 – 2 ngày ngập nước là rễ tiêu bị thối nhũng… Thậm chí, một số gia đình thấy tiêu được giá, liền nhổ bỏ cà phê già cỗi, mua trụ về trồng tiêu mà chưa qua thời gian xử lý mầm bệnh, cải tạo đất nên chỉ một thời gian ngắn, cây bị nhiễm bệnh chết.
Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Tỉnh cho biết, những năm trước vào mùa mưa, cây tiêu cũng bị bệnh chết nhanh chết chậm, nhưng năm nay, mức độ cao hơn, tiêu bị chết nhiều hơn, không chỉ tiêu mới trồng 1 – 3 năm mà có những diện tích hơn 20 năm tuổi, trên vùng đất cao, thoát nước tốt vẫn bị bệnh. Trồng cây thì phải phòng, trừ bệnh, tuy nhiên khi sử dụng thuốc phải tuân thủ bốn đúng: đúng lúc, thuốc, phương pháp, liều lượng…
26 phản hồi cho bài "Đăk Lăk: “Nóng” tình trạng tiêu chết hàng loạt"
Ôi thật sự chia buồn cùng với mọi người. Thực tế mà nói làm tiêu đã khổ nay tiêu chết nông dân còn khổ hơn, từ nay lấy gì mưu sinh đây… Bà con phải thêm vất vả lao tâm tinh thần nữa rồi… Thật là xót xa cho nông dân chúng ta!
Mình thấy bà con trồng tiêu ở thị xã Buôn Hồ chủ quan lắm, không thấy dùng nấm đối kháng tricho để phòng ngừa bao giờ mà chỉ thích mua thuốc BVTV thi nhau phun, đổ tùm lum thôi.
Quen rồi ! Phải sửa đổi thói quen, sửa đổi thêm cả nhận thức nữa thì vô cùng khó.
Tiêu không chết mới là lạ !
Lượng nước mưa nhiều không kịp thấm xuống đất, chảy từ nhà này qua nhà khác mang theo mầm mống bệnh, tàn dư thuốc BVTV và thuốc cỏ, nước chảy tới đâu tiêu chết tới đó. Vườn nhà cũng vậy qua 1 trận mưa quá lớn nước mương đường thoát không kịp tràn vào vườn, 1 tuần sau tiêu chết hết, chỉ còn biết lượm tiêu lép mà nước mắt chảy ròng ròng. Làm vườn không nghĩ tới hệ sinh thái, không cải đạo đất, làm cỏ thì phun thuốc trừ cỏ cho đỡ cực, sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học thì thiếu kiến thức căn bản, cho nên mới dẫn tới những sự việc không mong muốn như vậy…
Không thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, thiếu hiểu biết, thì cũng khó lòng trồng được hồ tiêu bền vững, năng suất.
Làm chơi ăn thiệt, không phân thuốc hóa học, ấy vậy mà hay…
Làm tiêu mà ko có chút hiểu biết gì về cây tiêu thì trắng tay là phải. Cây tiêu là phải chăm sóc từ đầu, như chăm em bé vậy. Không phải thấy tiêu bị bệnh mới mua thuốc về đổ đâu. Muốn thành công với cây tiêu theo tôi có 3 yêu tố quan trọng, đó là Đất, Giống và Kỹ thuật chăm sóc. Trong đó thì kỹ thuật chăm sóc là quan trọng nhất.
Làm tiêu mà để những hố “tử thần” như hình trên tiêu không chết mới là lạ.
Theo tôi năm nay tiêu nhiều bệnh là do những nguyên nhân sau:
1/-Thời tiết : Năm nay có 2 đợt mưa dầm kéo dài trên 30 ngày. Những vườn tiêu có nền đất thoát nước kém (đất sét, pha sét, đất trũng, đất gần lầy…) hoặc hệ thống thoát nước kém (làm bồn sâu, xử lý hố trồng không có độ sâu, tơi xốp…) đều bị nhiễm bệnh. Do rễ bị úng, thối 1 phần hoặc toàn bộ rễ và từ các vết thối đó nấm bệnh tấn công vào.
2/-Kỹ thuật canh tác kém :
-Hố trồng : xử lí khá sơ sài, quy trình chuẩn cho việc này là : Khoan hoặc đào hố sâu trên 1m, cho trấu đốt cháy dở, xác bã thực vật, phân chuồng hoai mục + men vi sinh + chế phẩm sinh học để 1-2 tháng trước khi trồng.
-Làm bồn : phần lớn các vườn đều có bồn quá to và quá sâu. Lợi: tưới dễ dàng hơn. Hại: khi mưa thành ao nước → úng → thối rễ + nhiễm nấm = CHẾT. Mùa mưa sang năm khi mưa đã đều, mưa to mọi người hãy đi 1 vòng trong vườn tiêu để quyết định xem mình nên làm bồn thế nào nhé.
3/-Kỹ thuật chăm sóc kém : Cây cối phải khỏe mạnh thì mới có sức đề kháng.
-Bón phân: Bón nhiều phân/1 lần, bón phân hóa học khi cây đang bệnh, mưa dầm… Chỉ nên bón hóa học vào mùa khô hoặc khi mưa còn ít (đầu và cuối mùa mưa) còn trong những ngày mưa nhiều, mưa dầm chỉ bón phân cho cây bằng cách: phun phân bón lá, vi lượng, đổ phân nước, chế phẩm sinh học….
Tốt nhất là phải có chế độ bón phân hợp lí, cân bằng các yếu tố đa, trung, vi lượng + Phân chuồng hoai mục.
-Quản lí dịch bệnh: cây tiêu thường chỉ phòng bệnh là chính chứ còn chữa thì hơi khó.
Những nguyên nhân khi cây bệnh mà chữa mãi không khỏi :
+Không xác định đúng nguyên nhân gây bệnh → Sử dụng thuốc không đúng → Không hết bệnh → Cây chết hoặc sống còi cọc. Ví dụ: tiêu bị NẤM mà lại đổ thuốc TUYẾN TRÙNG, RẦY RỆP. Vì vậy quan trọng nhất là phải tìm biết đúng nguyên nhân gây bệnh, từ đó mua đúng thuốc để điều trị mới có hiệu quả.
+Sử dụng thuốc theo 4 đúng: đúng nồng độ, liều lượng (bao nhiêu thuốc + bao nhiêu lít nước, phun bao nhiêu lít/đổ gốc bao nhiêu lít) đúng cách (pha chung được không? cái nào pha trước cái nào pha sau?…) đúng đối tượng (ví dụ : Tiêu bị tuyến trùng thì phải đổ thuốc 2 lần cách nhau 20-25 ngày, nếu chỉ đổ 1 lần thi mới diệt được bố mẹ thôi, 20-25 ngày sau trứng sẽ nở ra 1 lứa mới. Còn bị nấm thì phải xem chính xác là bị nấm gì, bị 1 loại hay nhiều loại nấm → mua thuốc ĐẶC TRỊ hoặc kết hợp các loại thuốc đặc trị (tại sao phải là thuốc đặc trị? Vì nếu tiêu bạn bị chết nhanh mà bạn lại mua thuốc nấm chung chung hay mua thuốc trị thán thư thì hiệu quả chữa bệnh sẽ rất kém) đúng lúc (phun và đổ gốc ít nhất là 2 lần tốt nhất là 3 lần cách nhau 7 ngày). Đây không phải là LẠM DỤNG mà phải ĐỦ LIỀU.
+Phải chú ý thuốc giả…
Tóm lại: để thành công với nghề trồng tiêu bạn phải có 1 quy trình rõ ràng : +Chọn giống (sạch bệnh, phù hợp với đất đai, khí hậu…) +Chọn đất (thoát nước tốt…) +Áp dụng khoa hoc kỹ thuật vào quá trình chăm sóc… bạn sẽ thành công.
Chúc mọi người sức khỏe và thành công !
Chú ơi, tiêu nhà cháu lá non xoăn tít lại mà kém sắc tố nữa. Mấy chú cạnh nhà bảo là tiêu bị điên rồi. Chú có cách nào chữa xin chú tư vấn cho nhà cháu với. Cháu phải làm sao hả chú? cháu mong chờ ý kiến của chú, cháu cảm ơn.
Thông tin của bạn quá sơ sài, chi tiết cũng không cụ thể nên rất khó để cho bà con kết luận được điều gì. Bạn chụp vài tấm hình tiêu bị bệnh thật rõ gửi email nhờ bác Vịnh tư vấn giúp cho bạn.
Theo tôi nên bổ sung thêm trichoderma 1 năm 3 lần thì hiệu quả mới cao. Chúc bà con thành công.
Xin cho cháu biết tiêu nhà cháu bị bệnh gì, chỉ giúp cho cháu cách khắc phục ạ.
Trồng tiêu kiểu gì vậy trời ! Chăm bón kém cỏi, đủ thứ sâu bệnh…
Không có nền hữu cơ mà cũng trồng tiêu… thua luôn !
-Nhỗ bỏ, xử lý đất cơ bản, chuẩn bị đầy đủ phân hữu cơ ủ hoai, sang năm trồng lại là lựa chọn đúng đắn nhất.
Chăm bón thêm chỉ tốn tiền, mất công…
Tiêu như trên hình có quá nhiều việc phải làm ngay !
-Có dấu hiệu của bệnh chết nhanh và côn trùng chích hút phải xử lý khẩn cấp, sau đó đổ thuốc diệt tuyến trùng gốc…
-Phun phân bón lá để bổ sung trung vi lượng, đo độ pH đất để điều chỉnh, tăng cường phân chuồng ủ hoai…
-Đổ gốc phân amino các loại, che bóng mùa nắng, tưới nước đầy đủ…
Bạn cần phải tích cực chăm bón, đầu tư hơn nữa.
Bạn @Trọng GL nói đúng, trồng tiêu như bạn chỉ tốn kém mà hiệu quả rất thấp.
Theo tôi tiêu nhà bạn bộ rễ bị tổn thương do úng nước, sau đó tuyến trùng xâm nhập vào gây hại bộ rễ. Bạn thử xới đất xung quanh bộ rễ lên, sẽ thấy rễ có những nốt u sần. Bạn nên sử dụng thuốc trị tuyến trùng, đồng thời bỏ phân, tưới nước đầy đủ cho tiêu. Tốt nhất bỏ cho mỗi trụ vài kg phân bò, chăm sóc kĩ thì khả năng hồi phục là rất cao.
Hình dưới cùng theo tôi tiêu bạn bị thiếu trung vi lượng trầm trọng rồi.
Câu trả lời nằm dưới gốc tiêu. Cành thân lá không phát triễn được là do bộ rễ không phát triễn . Đào gốc tiêu lên bạn sẽ tìm được nguyên nhân là đâu. Nếu vẫn đào lên vẫn chưa tìm ra thì gửi hình cho mọi người phân tích nguyên nhân. Quy trình từ lúc trồng tới lúc bi như vậy chắc bạn còn nhớ chứ hả .
@hữu giá. Bạn quên nhắc vài ký phân bò nhưng đã phải ủ với tricho – đồng thời bỏ phân : phân gì? hóa học hay sinh học tiêu đang bệnh, coi chừng phân hóa học !
Cảm ơn ý kiến của anh Hoàng Quốc Việt, anh nói rất đúng. Đối với cây hồ tiêu phòng bệnh là chủ yếu, đã có bệnh thì rất khó chữa, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm. Đối với cây hồ tiêu không nên làm bồn, cách khoảng 3 đến 4 hàng nên đào 1 rảnh thoát nước ( đào vào mùa khô). Chú trọng bón phân vi sinh, phân chuồng không nên lạm dụng phân hóa học. Chúc bà con trồng tiêu bền vững và năng suất cao.
Chú ơi. Cháu đã phun Romil 2 lần và đổ gốc Romil+Agri-fos 400, rồi sau đó cháu đã dùng biosl+biogel để hồi phục đúng như chú dặn. Nay tiêu đã xanh lại, có đâm đọt non mới nữa. Mẹ cháu bảo cháu báo cho chú biết, cám ơn chú nhiều. Vùng cháu năm nay chết nhanh chết chậm nhiều lắm, hiện nay vẫn đang chết. Tiêu nhà cháu có bị lây bệnh lại không chú, mẹ cháu lo lắm, muốn chú tư vấn cần phải làm gì thêm không chú? Mẹ cháu trông chú góp ý. Cháu Hải.
Chào Hồ Hải, tiêu đã hồi phục thì rất tốt rồi bây giờ nên đổ biogel kết hợp với trichoderma để phòng bệnh tái nhiễm cho tiêu. Bây giờ có phân chuồng ủ hoai nữa thì bệnh sẽ không bị lại.
Thân.
Căn cứ vào đâu để cho rằng bón phân chuồng ủ hoai thì bệnh sẽ không bị lại?
Xin một lời giải thích, cám ơn
Chào cháu @Hồ Hải .
Chú đợi mail của cháu mà nay mới thấy. Cháu báo tin tiêu đang hồi phục làm chú rất vui.
Nếu chung quanh còn tiêu chết bệnh thì vườn nhà cháu vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Đặc biệt, khi những trụ tiêu chết không được bà con kéo dây xuống tiêu hũy và xử lý cho sạch mầm bệnh thì vẫn còn khả năng lây lan. Chỉ cần vài cơn gió mạnh sẽ đưa bào tử nấm bay khắp nơi kể cả vườn nhà cháu. Và chỉ cần một đợt mưa bão kéo dài vài ngày thì khả năng tiêu nhà cháu tái phát bệnh là khó tránh khỏi…
Theo chú, lúc này nhà cháu không có cách nào hơn ngoài bổ sung nấm đối kháng trichoderma + pseudomonas cấp thời cho tiêu.
Thân
Siu Phum à ! Phân chuồng không phải là thuốc, cây trồng thích thì các loại nấm cũng thích ! Hiểu đúng ; sử dụng đúng ; hiệu quả sẽ cao !
Cháu mới ra thăm vườn thì thấy tiêu nhà cháu có một vài cây bị héo, lá hơi vàng và rụng như trong hình ảnh. Cháu đã đào rãnh thoát nước vun cao bồn để không bị úng cũng chưa sử dụng thuốc hóa học nào từ đầu mùa cho vườn mà chỉ bỏ phân chuồng ủ men vi sinh cách đây khoảng 1 tháng. Lượng phân cháu ủ khoảng 3 tháng khi ủ xong đem bỏ luôn không cung cấp thêm men nên không biết còn tác dụng gì không? Hiện cháu rất hoang mang không biết phải làm gì để cứu vườn tiêu nhà mình.
Cháu mới trồng tiêu chưa có kinh nghiệm gì, hỏi mấy anh hàng xóm anh nói bị bệnh chết nhanh do nấm và không trị được nên rất hoang mang. Mọi người giúp cháu với. Cháu ở Ea Kar.
>> http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2015/10/dong-lai1.jpg
>> http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2015/10/dong-lai2.jpg
>> http://www.giatieu.com/wp-content/uploads/2015/10/dong-lai3.jpg
Tiêu bị bệnh nấm thối thân, chết chậm. Tối thiểu phải xử lý khoanh vùng, bao gồm những cây đã có biểu hiện bệnh như rụng lá xanh, cây có vết đốm bệnh trên lá và những cây gần kề.
Sử dụng thuốc trừ nấm có 2 hoạt chất Mancozeb + Metalaxyl phun và đổ gốc, xử lý kép theo dúng liều lượng trên bao bì. Nên pha Coc 85 hay Đồng đỏ đậm gấp 4-5 lần để quét kỹ lên đoạn thân sát gốc tiêu. Sau đó bón phân hữu cơ vi sinh, các loại amino, đạm cá, bánh dầu hay sinh học biogel+biosol kết hợp nấm tricho để hồi phục tiêu…
Vệ sinh vườn sạch sẽ, gom các thân lá bị bệnh đem đi tiêu hũy, tránh lây nhiễm…
Cảm ơn Chi Mai đã quan tâm chia sẻ và giúp đỡ.
Mình đã xịt thuốc và đổ gốc thuốc có hoạt chất mancozeb và metalaxyl. Chỉ là không biết khi nào dùng Coc85 và có thể bón phân vi sinh lại sau khi dùng thuốc.
Vừa phun mancozeb + metalaxyl vừa quét Coc 85 lên thân gốc để tiêu diệt các loại nấm bệnh sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Sau vài ngày có thể phun biosol và cách ly khoảng 2 tuần mới bón, đổ gốc các loại phân sinh học, phân vi sinh. Tuyệt đối không bón phân hóa học vào lúc này, bón là “tiêu” luôn.