Đăk Lăk: Trồng tiêu bằng mọi giá – Nông dân nhận trái đắng
Sau 2 đợt mưa riêng ở Đăk Lăk có ít nhất 700 ha tiêu thiệt hại, 60% diện tích tiêu bị mất trắng khiến nhiều hộ dân có nguy cơ vỡ nợ.
Hồ tiêu Tây Nguyên phát triển quá nóng là lo ngại đặt ra đã gần chục năm nay. Tuy nhiên, các rủi ro tiên đoán của nhà quản lý và nhà khoa học không được người dân quan tâm. Thời điểm này, loại cây cho thu nhập bạc tỷ này đã đạt diện tích gấp đôi mục tiêu năm 2020.
Sau 2 đợt mưa tháng 11 và 12 vừa qua, rủi ro thật sự đã xảy ra trên diện rộng, với cả nghìn ha chết vì ngập úng, thối rễ. Riêng ở Đăk Lăk, có ít nhất 700 ha thiệt hại, 60% diện tích này bị mất trắng. Nhiều nông hộ đang hái trái đắng, có nguy cơ vỡ nợ vì đầu tư vào hồ tiêu bằng mọi giá.
Lũ đã rút từ lâu nhưng vườn tiêu hơn 700 trụ đang chuẩn bị thu hoạch của gia đình anh Đào Xuân Hùng, ở thôn 2A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar tan hoang, nhếch nhác. Khoảng 300 trụ đã chết héo khô dây, lá và chùm quả non thâm đen rụng tơi tả xung quanh gốc, trộn lẫn với bùn lầy.
Hơn 400 trụ còn lại vẫn đang tiếp tục rụng lá, héo rũ ngọn tiếp tục chết dần, chết mòn. Anh Hùng cho biết, hy vọng của gia đình về việc có sản phẩm bán để trả nợ đầu tư vườn tiêu này, đã hoàn toàn tan thành mây khói.
“Thời tiết vừa mưa, vừa nắng khiến tiêu chết hết. Nếu năm nay không bị lũ lụt như các năm trước, đợt thu hoạch tới này gia đình sẽ thu được khoảng từ 200-300 triệu đồng. Nhưng giờ lũ tràn vào tiêu chết hết khiến tổng thiệt hại lên tới gần 500 triệu đồng”, anh Hùng cho biết.
Cũng chịu thiên tai do đợt mưa lụt kéo dài vừa qua, gia đình bà Phan Thị Sim ở cuối thôn 2A, xã Ea Ô, huyện Ea Kar bị mất trắng toàn bộ 300 trụ hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh, ước tính thiệt hại lên đến trên 200 triệu đồng. Bà Sim cho biết, trước đây thấy bà con trong xã ồ ạt trồng tiêu nên gia đình cũng vay mượn trồng dù diện tích đất này nằm ở vùng trũng, tiếp giáp khu vực bờ sông.
“Gia đình trồng mấy sào tiêu để tăng thu nhập nhưng năm nay mưa nhiều quá nên lụt, khiến tiêu chết hết giờ không biết tính sao. Nếu trồng tiêu lại cũng sợ gần thu hoạch tiêu lại bị chết, trồng cà giá cả bấp bênh, làm hoa màu không đủ tiền phân, tiền nhân công”, bà Sim lo lắng.
Theo phòng NN&PTNT huyện Ea Kar, thời gian qua, các xã phía Đông Nam huyện như Cư Bông, Cư Yang, Ea K’mút, Ea Păl và Cư Elang bị ngập úng cục bộ do mưa lớn kéo dài khiến đời sống của bà con hết sức khó khăn. Riêng diện tích cây hồ tiêu, đợt mưa lụt vừa qua đã phá hủy khoảng 200 ha, thiệt hại cả trăm tỷ đồng.
Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Kar cho biết, mưa kéo dài như thời gian vừa qua, thiệt hại lớn ở những vườn tiêu trồng đất thấp là điều khó tránh khỏi.
“Cây hồ tiêu rất sợ nước, sợ úng nhưng không thể thiếu nước. Trong quy hoạch trồng cây hồ tiêu, huyện có định hướng khuyến cáo cho một số xã ở vùng trũng là bà con không nên trồng tiêu. Tuy nhiên, một bộ phận dân cư thấy lợi nhuận cao họ vẫn trồng, qua đợt lũ này, người dân họ mới được tầm quan trọng khuyến cáo của ngành chức năng”, ông Cư cho hay.
Theo rà soát của Sở NN&PTNT Đăk Lăk, toàn tỉnh có ít nhất 700 ha hồ tiêu bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ hồi tháng 11 và tháng 12 vừa qua. 409 ha trong đó bị mất trắng, thiệt hại trên 210 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Lăk nhận định, diện tích hồ tiêu bị bệnh, chết do mưa kéo dài sẽ chưa dừng lại. Nông dân cần lắng nghe khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chuyển đổi diện tích bị chết sang các loại cây khác, hoặc phương thức kinh doanh khác ít rủi ro hơn.
“Bà con nào đã trồng tiêu cần xem xét lại khả năng đào rãnh thoát nước để chăm sóc cho tốt. Những vùng đất thấp thì cần chuyển sang cây hàng năm sẽ an toàn hơn, có thể trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi bò, trồng các loại ngô lúa phục vụ thức ăn cho chăn nuôi. Bởi vì hiện nay, nhu cầu về thức ăn cho gia súc đang cần nguồn rất cao”, ông Thích nói./.
29 phản hồi cho bài "Đăk Lăk: Trồng tiêu bằng mọi giá – Nông dân nhận trái đắng"
Tiêu bị ngập úng chết không đáng kể nếu phòng bệnh đầy đủ, tích cực và chăm sóc theo hướng hữu cơ, sinh học để tiêu tăng sức đề kháng, chống chịu. Bệnh héo chết nhanh khi đã bùng phát thì tiêu sẽ ra đi hàng loạt nhất là thời tiết nóng ấm trở lại sau mùa mưa dầm.
Vấn đề nữa là, cứu tiêu thì phải tốn kém nhưng hiệu quả không cao do chất lượng nhiều loại thuốc không được như ý. Phần lớn nguyên liệu thuốc BVTV nhập từ TQ với giá rẻ…
Đáng buồn !
Không am hiểu về cây tiêu thì đừng nên mạo hiểm vào nó để rồi phải tán gia bại sản
Thấy người ta ăn khoai cũng vát mai đi đào.
Trồng tiêu trên chân ruộng một vụ, làm cách gì để tránh khỏi ngập úng ?
Gặp năm mưa nhiều nữa thì có mà khóc thét…
Có trời mới cứu được !
Chuyên gia cũng bó tay khi hồ tiêu đã bị ngập úng.
700 Ha, con số nghe có vẻ nhiều. Đem chia cho tổng diện tích trồng 2015
700 : 97.600 = 0,717 %.
Em có thói quen là luôn luôn tính ra con số cụ thể….
– Thói quen tính ra con số cụ thể không là vấn đề.
Vấn đề là tính đủ, tính đúng mới quan trong.
– 97.600 ha là tổng dt của cả nước, trong khi hư hại 700 ha là riêng của DakLak.
Tính tỷ lệ hư hại chung cả nước tối thiểu x 6 tỉnh trọng điểm = 4.200 ha
4.200 : 97.600 = 4,30%
Em ở thị trấn huyện vào chơi nhà bạn trong vùng này, hỏi thăm bà con trồng tiêu bị chết có sử dụng nấm đối kháng trichoderma để phòng bệnh cho tiêu ko ?
Mọi người nhìn em như kiểu người ở hành tinh nào khác mới tới…
Không phải do chưa nhận thức hay thiếu thông tin đâu bạn ơi. Mà do bà con mình cực kỳ bảo thủ, chủ quan, có thói quen ỷ lại vào phân thuốc hóa học.
Tiêu chết chủ yếu do sử dụng phân hóa học và chất kích thích sinh trưởng làm bông đậu trái quá nhiều, gặp thời tiết khắc nghiệt mưa dầm nhiều ngày, nhiều đợt, phòng bệnh ko theo định kỳ làm cho cây mất tính đề kháng. Đây cũng là giá bà con nông dân chúng ta phải trả. Đắt quá !
Có nhiều hộ chỉ còn hy vọng thu đủ trả chi phí đã đầu tư và trang trải cuộc sống. Nhân cơ hội này người trục lợi chỉ đủ thứ thuốc để cứu bà con hãy tỉnh táo, nếu vườn đã bị dịch bà con có cứu được cũng què quặt ko phát triển. Chúng ta nên dứt khoát cải tạo lại trồng mới và thực hiện theo các hộ áp dụng theo hướng hữu cơ sinh học để phát triển bền vững. Chúc nông dân chúng ta có cuộc sống tốt đẹp và tràn đầy hy vọng.
Vì tương lai con em chúng ta, mong bà con canh tác bền vững.
Nếu ai cũng lạm dụng hoá học thì ngày mà Việt Nam hết đất canh tác, chúng ta phải nhập thực phẩm để ăn không còn xa, chừng vài chục năm nữa thôi.
Với lượng mưa và thời gian mưa kéo dài như vừa rồi ở Ea Kar thì khó chống lắm. Nhiều bà con có những vườn tiêu mương rãnh rất tốt địa thế cũng cao không bị ngập mà vẫn bị úng đó, mà nhất là vùng đất sét, đất ụ mối, đất đôn đổ đất mới lên vùng thấp là hầu như chết hết. Theo như tôi nhận thấy thì những nơi đất pha sỏi, địa hình hơi dốc một xíu khoảng ~ 5° thì hầu như tiêu ít chết hơn. Những nền đất kể trên mà có tiêu chết thì bà con nên chuyển hướng trồng cây khác thì hơn. Không ít năm trời lại mưa kéo dài một lần tiêu lên phủ trụ chưa kịp thu thì lại nếm trái đắng. Mong bà con ta sớm phục hồi được vườn tiêu nhà mình.
Hiện giờ Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thuốc từ nước ngoài về phân phối, sản xuất ra các loại thuốc BVTV hiệu quả kém. Hết hiệu lực thuốc bệnh lại tái phát không phát huy hiệu quả, càng đổ càng tốn tiền. Cây đã nhiểm bệnh hầu như chết hoặc yếu.
Tôi thấy những công ty quảng cáo càng mạnh, bán càng mắc lại là những công ty sản xuất thuốc BVTV kém hiệu quả !
Chào bác Nguyễn Vịnh và cộng đồng giatieu.
Cháu ở Chư Sê, Gia Lai. Tiêu cháu trồng trên trụ sống (cây xoan) năm nay là được 3 năm. Tiêu đã cắt dây và phủ trụ rồi ạ. Cháu dùng phân bánh dầu + NPK và không có bệnh gì cho đến thời điểm này. Nhưng cách đây vài ngày cháu phát hiện có hai bụi bị vàng lá, tìm hiểu và bới lên thì thấy tuyến trùng, với các vết thâm ở rể non. Mùa mưa cháu phòng ngừa hai lần rồi, giờ cháu định trị bệnh bằng thuốc hoá học, nhưng cháu có nhờ 1 bác xem, bác có khuyên là hiệu quả không được lâu khả năng sẽ bị lại ạ. Cháu đang rất hoang mang, mong mọ người và bác có cách nào hay chỉ giúp cháu. Chúc mọi người luôn mạnh khoẻ và thành công.
Chào cháu @ Nguyễn thắng
Nội dung cháu phản hồi không rõ ràng nên bác cũng chưa biết góp ý gì đây. Ví dụ, đã phòng ngừa cái gì 2 lần, bằng gì…? Nhưng bỏ qua đi… Cách tốt nhất là cháu chụp vài tấm hình thật rõ gửi qua email cho bác quan sát cụ thể nhé.
Thân
Xin kính chào đại gia đình giatieu.com
Tiêu cháu trồng bằng dây ác (300 trụ, được 1 năm rưỡi) ra trái khá nhiều. Cháu chỉ sử dụng phân bò ủ tricho, phân nước bio-K và Biogel…Tổng quan thì dây tiêu xanh, khỏe. Cách đây 10 ngày cháu phát hiện có 1 trụ vàng lá, quả bị teo lại, lá héo rủ từ trên đọt trụ như dấu hiệu của bệnh chết nhanh. Cháu đã khoanh vùng đổ gốc kết hợp phun thuốc 80wb xung quanh cây bệnh, nhác lại sau 7 ngày nhưng không khỏi mà giờ nó lại lan ra xung quanh cây bệnh trước đó, và rải rác trong vườn cũng có cây có dấu hiệu héo rũ trên đọt trụ như vậy. Những cây bệnh cháu đã cắt, gom đốt và đào lấy rễ thấy rễ thối nhũn hơn phân nửa vị trí cách mặt đất khoảng 20cm…
Kính mong mọi người chỉ bảo cho cháu phải dùng phương thuốc gì hiệu quả lúc này. Cháu cảm ơn.
Sử dụng phân sinh học biogel kết hợp với các loại khác không hợp lý sẽ làm giảm ưu thế.
Với bệnh chết nhanh, rất cần thuốc BVTV có chất lượng mới cứu được. Cũng cần lưu ý, lúc này tiêu đang yếu nếu dùng thuốc hóa học tùm lum thì cây nào chịu nổi.
-Chụp vài tấm hình bao bì thuốc 80wb và hình tiêu bị bệnh gửi qua email bác Nguyễn Vịnh để kiểm tra và góp ý được cụ thể, chính xác hơn.
Chú Vịnh ơi. Tiêu nhà cháu bị đốm lá rất nhiều. Một số cây bị nổi mốc màu trắng trên gốc và mặt đất. Nên dùng thuốc gì ạ? Cháu cảm ơn chú
Nếu là tiêu tơ (không nuôi trái), phun Aliete hoặc Coc 85 liên tiếp 2 lần cách nhau 6-7 ngày.
Chú @Hoàng ạ. Có cả tiêu nuôi trái chú ạ. Nhà cháu mới trồng nên ít kinh nghiệm. Cảm ơn chú
Xin chân thành cảm ơn anh/chú Hoàng !
Giờ này chưa ngủ là vì đi thu gom tàn dư mấy trụ bệnh và nhặt nhạnh những quả tiêu. Thân cô có 1 mình với mấy cây tiêu làm bạn. Ai ở hoàn cảnh như em mới hiểu. Đau xót quá!
Nhân tiện em ở xã Eatar, Cư’Mgar, ĐăkLăk. Có cô chú, anh chị nào cùng khu vực cho em làm quen với để em đến trực tiếp giao lưu và học hỏi thêm cách chăm sóc cây tiêu. Em xin chân thành cảm ơn! Kính chúc mọi người sức khỏe,chúc diễn đàn giatieu.com ngày 1 lớn mạnh !…
Dạ chào mọi người
Có ai biết email bác Nguyễn Vịnh cho cháu xin được không ạ.
Chắc chắn là không. Vì email bác Nguyễn Vịnh có sẵn ở phía dưới trang chính rồi.
Thế mới biết nhiều bạn lên trang đọc qua loa, sơ lược…
Nói đúng lắm bạn !
Tôi cũng thấy như vậy.
Xin chào anh PQ!
Đầu tiên xin chia buồn vì những thiệt hại vườn tiêu của anh. Nhưng tôi cũng mừng vì tin rằng qua giai đoạn này anh sẽ tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm và am hiểu hơn về cây tiêu. “Chỉ có vấp ngã, thất bại mới có thành công thật sự”! Tôi khâm phục anh vì sự khiêm tốn, dám chia sẻ thật, chân tình và tinh thần ham học của anh. Tôi tên Tú, 30 tuổi. Ở CưSê, CưMgar. Cũng mới tập tành trồng tiêu. mail: hoangtu209@gmail.com.
Rất hân hạnh được gặp anh. Trân trọng !
Em chỉ biết tricho có dòng đối kháng các loại nấm bệnh, có dòng phân hũy hữu cơ. Nhưng trên nhiều giới thiệu, quảng cáo em thấy có nói tricho tiết ra chất kháng sinh nữa. Có phải vậy không mọi người ?
Hiện giờ rất nhiều sản phẩm nấm đối kháng của nhiều công ty, khi sử dụng cũng đem lại hiệu qủa phòng trừ các loại bệnh trên cây trồng, làm cho cây phát triển tốt và kháng nấm bệnh làm giảm chi phí cho nông dân. Giảm ô nhiểm môi trường do sử dụng thuốc hóa học.
Cháu chào bác Nguyễn Vịnh !
Từ đầu mùa mưa tới giờ, tiêu nhà cháu cứ héo chết dần, gia đinh đang rất hoang mang lo lắng. Qua mùa nắng mà tiêu vẫn cứ chết. Cháu có diệt trừ nấm trong mùa mưa rồi nhưng tới giờ vẫn cứ héo rũ rồi chết dần. Bác cho cháu hỏi mùa nắng này, giờ cháu mua thuốc nấm về xịt nữa thì có hiệu quả không.
Cháu cảm ơn diễn đàn giatieu và bác Vịnh.
Dùng thuốc nấm rồi mà tiêu vẫn chết là do bạn dùng thuốc không theo “4 đúng”, quan trọng nhất là phải dùng thuốc đúng chất lượng. Thị trường nhiều hàng giả, hàng nhái cơ quan chức năng có vẻ bất lực. Diễn đàn chỉ nêu hoạt chất thuốc, còn thương hiệu do bạn tự chọn.
Theo mình, thương hiệu càng nổi tiếng thì bị thuốc nhái, thuốc giả càng nhiều…
Vấn đề nữa là do các biện pháp phòng bệnh của bạn đã làm ntn ?