Đăk Nông: Dịch bệnh lan rộng, nông dân thiệt hại nặng

Hàng trăm nông hộ tại Đăk Nông đang lâm vào cảnh khó khăn do vườn tiêu đổ bệnh và chết dần chết mòn. Đáng chú ý hơn, theo nhận định của ngành chức năng, diện tích tiêu bị nhiễm bệnh đang có khả năng lan rộng.

Vườn tiêu của gia đình anh La Văn Thành đã chết gần 1.000 gốc.

Tiêu chết hàng loạt, nông dân lo lắng

Anh La Văn Thành, ngụ xã Quảng Sơn, huyện Đăk G’Long có hơn 1.500 trụ tiêu được trồng từ năm 2012. Mấy năm nay, vườn tiêu của anh rất xanh tốt, đồng đều, hứa hẹn những vụ mùa bội thu.

Anh Thành kể, theo kế hoạch, năm nay là năm đầu tiên vườn tiêu bước vào thời kỳ kinh doanh, tức là cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, từ cuối mùa mưa năm 2016, hàng loạt gốc tiêu trong vườn bỗng dưng bị vàng lá, héo rũ rồi chết hàng loạt. Trong vòng hơn 3 tháng, gần 1.000 gốc tiêu đã chết trụi. Mặc dù gia đình anh đã sử dụng nhiều loại thuốc phun cây nhưng không hiệu quả.

Anh Thành cho biết để trồng được 1.500 trụ tiêu, vợ chồng anh không chỉ dốc hết công sức, vốn liếng mà còn vay mượn hàng trăm triệu đồng mới đủ để đầu tư. Không ngờ tới lúc tưởng sắp trả được nợ thì tiêu bắt đầu… chết.

Số tiêu còn lại, khoảng 500 trụ, cũng bị suy giảm năng suất. Hiện giờ, để trả nợ anh chỉ còn cách bán bớt đất. Còn phương hướng xử lý số tiêu đã chết thì chưa biết thế nào vì chưa có vốn, cũng như tâm trí làm việc.

Cũng theo anh Thành, cho tới giờ, sau hơn nhiều tháng xảy ra sự việc, anh vẫn chưa biết nguyên nhân do đâu vườn tiêu lại chết hàng loạt. Điều này càng khiến gia đình anh, và một số hộ dân lân cận hoang mang, lo lắng.

Theo Hội nông dân Quảng Sơn, toàn xã hiện có hơn 80ha tiêu bị chết do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là tình trạng chưa từng xảy ra từ trước đến nay. Hiện UBND xã Quảng Sơn đang tiến hành thống kê toàn diện về vấn đề này để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền vào cuộc xử lý, hỗ trợ nông dân.

Tương tự như vườn tiêu của anh Thành, vườn tiêu hơn 500 trụ của gia đình anh Võ Minh Bình tại xã Thuận An, huyện Đăk Mil cũng bị nhiễm bệnh và chết khô dần từ cuối mùa mưa năm ngoái đến nay. Anh Bình cho biết mặc dù tiêu chết gần hết đã mấy tháng nhưng tới giờ anh vẫn chưa biết nguyên nhân. Anh nghi ngờ vườn tiêu bị nhiễm bệnh do nước tràn qua giữa mùa mưa, nhưng cũng không biết cụ thể thế nào.

Cũng theo anh Bình, thấy tiêu vàng lá, héo dây anh vội ra đại lý thuốc bảo vệ thực vật nhờ họ vào kiểm tra, đo độ pH của đất để bón thuốc và phân bón phù hợp để chữa trị nhưng không hiệu quả, tiêu vẫn tiếp tục chết. Anh Bình mong muốn cơ quan chức năng sớm xác định rõ nguyên nhân tiêu chết cũng như có các khuyến cáo phù hợp, hạn chế rủi ro, thiệt hại cho nông dân.

Hiện nay, hàng trăm vườn tiêu trên địa bàn Đăk Nông cũng đang xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt, khiến các hộ dân lao đao, điêu đứng. Vấn đề tiêu chết do dịch bệnh đang trở thành đề tài nóng, không chỉ đối với nông dân trồng tiêu mà còn đối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp. Tình trạng này xảy ra khi giá tiêu chỉ còn khoảng 95.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây càng khiến người dân gặp nhiều khó khăn hơn.

Tình trạng tiêu chết vẫn chưa rõ nguyên nhân.

Nông dân cần cẩn trọng

Ông Lê Văn Điệp, Trưởng phòng NN&PTNT Đăk Mil cho rằng nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tiêu chết hàng loạt là do người dân lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học khiến cây tiêu bị “rối loạn”, “ngộ độc” dẫn tới hiện tượng chết dần chết mòn. Ông Điệp khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để giúp cây tiêu phát triển ổn định, bền vững hơn.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Trồng trọt và BVTV Đăk Nông, toàn tỉnh hiện có gần 500 ha tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Hiện nay, do thời tiết diễn biến bất thường, tình trạng dịch bệnh trên cây tiêu có khả năng sẽ tăng mạnh.

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đăk Nông, chia sẻ có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu chết trên địa bàn tỉnh. Thứ nhất là nông dân trồng tiêu tại một số khu vực chưa phù hợp về đất đai, thổ nhưỡng; thứ hai là do chất lượng cây giống chưa đảm bảo và cuối cùng là quy trình canh tác chưa đảm bảo an toàn, từ việc xử lý đất đai để phòng trừ bệnh hại cho đến việc sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV không phù hợp về chủng loại, liều lượng.

Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Nông, trước mắt Sở chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung điều tra, thống kê diện tích tiêu chết và xác định nguyên nhân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp nông dân hạn chế thiệt hại, nhất là đối với những diện tích mới nhiễm bệnh.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp đang xúc tiến, đẩy nhanh việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng tiêu để tăng cường sự kết nối giữa nông dân trồng tiêu với các nhà khoa học, các chuyên gia kỹ thuật, doanh nghiệp… tạo thuận lợi hơn cho việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Nguồn Hưng Thịnh (TTXVN)

20 phản hồi cho bài "Đăk Nông: Dịch bệnh lan rộng, nông dân thiệt hại nặng"

Dung

Chuyện gì đã cảnh báo cũng đã đến…, hậu quả của việc canh tác theo kiểu phong trào, cây nào thu bạc tỉ thì trồng dẫn đến những hệ lụy cung vượt cầu, dịch bệnh bùng phát. Bây giờ nghe đâu cây sầu riêng và cây bơ cũng đang là cây bạc tỉ nên không biết tương của nó lại sẽ ra sao đây… Chỉ thấy trại cây giống là ăn nên làm ra nhất.

Trần Khải

Tiêu chết đã xót rồi còn thêm tốn tiền mua đủ loại thuốc vừa phun vừa đổ liên tục mấy tháng trời. Kết quả thì sao ? Tiền hết, tiêu vẫn chết. Hết kỹ sư này tới bác sĩ cây trồng khác tiêu vẫn cứ chết… Làm cách nào đây bà con ơi !

Trịnh Văn Ba

Có bao giờ ta tự hỏi – nông dân Ấn Độ quá kém cỏi so với nông dân chúng ta không ? tại sao năng suất, sản lượng kém – mặc dù họ có nhiều lợi thế :
– Tiêu là cây trồng bản địa, nông dân đã trồng và canh tác hồ tiêu hàng ngàn đời. Có thể nói không ngoa rằng : Nông dân trồng tiêu Ấn độ hiểu cây tiêu như lòng bàn tay mình.
– Đất đai rộng lớn ở các bang miền nam có khí hậu tương đồng với những vùng trồng tiêu Việt Nam.
– Giá tiêu của họ vẫn thuận lợi trong nhiều thập kỷ qua.
– Việc ứng dụng KHKT vào nông nghiệp thì khỏi chê – Những năm 60 của thế kỷ trước trong khi ta đang gồng mình với chiến tranh thì họ đã thành công trong cuộc cách mạng xanh. Theo tôi được biết – có những thời tiêu Ấn Độ có năng suất giống như ta bây giờ.
Vậy nguyên nhân do đâu ? Có phải một phần như ta bây giờ ?

Nguyễn Vịnh

Người dân Ấn Độ rất chuộng sử dụng các loại hạt, củ, quả. Cách mạng xanh những năm 60 nổi tiếng nhờ cải tạo giống cây lương thực, kiểm soát và cung cấp tưới tiêu chứ không lạm dụng phân thuốc hóa học như ta và năng suất tiêu của họ vẫn chưa hề cao.
Thân

Nguyễn Thanh Vinh

Tôi có một số thắc mắc nhờ các anh chị giúp:
1- Thời kỳ kinh doanh của cây tiêu là khoảng bao nhiêu năm?
2- Tỉ lệ phân hóa học và các loại phân quảng cáo trên mây vẫn được người trồng tiêu dùng rất nhiều thì có làm thoái hóa đất không?
3-Các loại “siêu phân”, “siêu thuốc” bán tràn lan trên thị trường có bao nhiêu % là tác dụng thiệt hay toàn lừa đảo?

Hoàng

Có cầu mới có cung !
Không ghi siêu thì không bán được hàng vì người mua thích như vậy… Mua hay không là do mình chứ không vì hội thảo, quảng cáo. Bao nhiêu % rất khó trả lời, nhưng nói toàn lừa đảo là không đúng. Loại nào chưa tìm hiểu kỹ hay chưa qua dùng thử thì mình không dùng… kệ họ. Quảng cáo trên mây thì càng tránh xa. Lạm dụng hóa học làm vsv có lợi (EM) bị tiêu diệt tất yếu dẫn tới thoái hóa đất đai.
Thời kỳ kinh doanh tùy thuộc vào việc chăm bón nữa. Dùng hóa học cường canh không quá 10-12 năm, thậm chí ít hơn. Chăm theo hữu cơ bền vững tới 28-30 năm và nhiều hơn nữa.

ducquangtri

Vùng em hồ tiêu trồng bằng trụ sống là chính, bón phân chuồng là chủ yếu. Rất nhiều vườn cây già cỗi, hơn 30 năm rồi mà vẫn còn cho thu hoạch đấy. Nhưng lúc già quá thì cây đề kháng yếu, dễ nhiễm sâu bệnh.

Ngok

Bà con ngoài này chú ý thêm qui trình ủ phân chuồng hợp lý, tăng cường nấm đối kháng trichoderma phòng nấm bệnh. Thỉnh thoảng phun lá phân sinh học tổng hợp nữa là được.

Nguyễn ngọc lập

Nhà mình cũng bị 1 số ít bụi chết hẳn, còn 1 số ít bị nhẹ mình bới gốc ra xem thì thấy gốc thối hết nhưng lại có rễ ở thân mọc đâm xuống thành bộ rễ khác. Loại nấm này chỉ bị từ mặt đất trở xuống. Nếu có bộ rễ khác bên trên ăn xuống sẽ không sao. Các bạn cứ làm thử xem sao

Thanh Hà

Nhờ tiêu còn khỏe, có đủ kháng thể để chống chịu, bệnh không tấn công lên cây được. Bào tử nấm bệnh vẫn còn nằm đó chờ cơ hội, 2-3 năm sau mới bùng phát. Chủ quan không phòng bệnh lúc này là bó tay !

Dan Viet

Dan Viet xác nhận những con số bác Hoàng nói là chuẩn xác.
Những vườn tiêu cường canh, thường thấy (xin nhấn mạnh chữ thường thấy để mọi người đừng nói Dan Viet quơ đũa cả nắm) ở Chư Sê, Chư Puh – Viet Nam hay đảo Bangka – Indonesia trong tuổi khai thác thì năng suất rất khủng 5-7 tấn/ha, có khi lên đến 8-10 tấn/ha, tuy nhiên thì có tuổi đời 8-10 năm, hơn 10 năm tuổi cây xác xơ, còi cọc như chết đến nơi. Đất cũng chai cứng nhiễm độc và đầy mâm bệnh không thể tái canh.
Những nơi canh tác xanh (thường là những vùng đất đã từng trả giá cho việc cường canh như Bình Phước – Việt Nam, Lampung – Indonesia hay Ấn Độ) năng suất không cao 2,5 – 3,5 tấn/ha nhưng cây bền vững, có thể thọ hơn 30 năm.
Năng suất Ấn Độ không hề thấp, họ trồng xen canh với cà phê, trà, ca cao, bơ, chanh dây… nên không thể thống kê diện tích canh tác thuần tiêu được, mỗi trụ trồng trên cây sống (cao 10-15 mét) có năng suất từ 4-10 kg khô/trụ tùy năm được mùa hay mất mùa.
Ấn Độ là cái nôi của cây tiêu (500 năm trước, người Hà Lan dong thuyền đến Ấn Độ để buôn bán và họ phát hiện ra cây tiêu, từ đó thế giới mới biết đến hạt tiêu), họ đã trải qua nhiều đợt biến động về giá tiêu nên rút ra kinh nghiệm trồng xen canh để đảm bảo lợi ích về kinh tế lẫn đa dạng sinh học trong canh tác bền vững.

Văn Nguyễn

Đây là do cường canh, lạm dụng phân thuốc hóa học nay đến lúc phải trả giá.
Bà con nông dân trồng tiêu các vùng khác cần bỏ ngay lối canh tác này chuyển sang hữu cơ mới bền vững !

Dan Viet

Cái không được của Ấn Độ là XH. XH có nhiều giai cấp cao thấp khác nhau.
Giai cấp cao làm chủ XH và hình thức địa chủ-tá điền vẫn còn tồn tại cho đến nay. Nhìn cảnh người tá điền leo lên cây 15-20 mét để hái tiêu đầy nguy hiểm, Dan Viet không khỏi ớn lạnh, ái náy cho sự an toàn của họ.

Thắng Lợi

Tôi thấy bình thường ! Việt Nam vẫn có nhiều nông hộ nắm trong tay 10-20 ha tiêu đã thu hoạch nên việc thuê công lao động trong nông nghiệp hiện nay là rất phổ biến (cafe, điều, cao su… gì cũng vậy). Chính sách của nhà nước gần như khuyến khích việc thâu tóm đất đai. Bạn xem chính sách hỗ trợ dự án mắcca sẽ rõ hơn (nhà nước chỉ hỗ trợ từ 50 ha trở lên).
Vấn đề bạn áy náy thuộc về ATLĐ chứ không phải quan hệ giữa địa chủ-tá điền…

Dan Viet

Khác nhau ở chỗ này: Nông dân VN (người đang có quyền sử dung đất trong tay) sẵn sàng leo lên cây hái tiêu y chang như nhân công mà họ thuê. Điều đó không bao giờ có ở Ấn Độ.

Dan Viet

Nhiều bà con Chư Sê di cư đến các huyện/tỉnh khác để mua đất làm rẫy, VD như Mang Yang, Đak Đoa, Chư Prong (Gia Lai), Dak Sông, Đak R’ Lấp (Dak Nông), Ea H’Leo (Đak Lak). Mang theo tập quán canh tác…cùng bà con đi khắp nẻo đường…

trần

Cây bị chết không phải do thuốc bvtv đâu, mà phần lớn do tác động của những cơn mưa trái mùa lúc gần Tết khiến cho sâu bệnh bùng phát làm nhiều loại cây đều chết hàng loạt, trong đó có tiêu điều sầu riêng…

Ngok

Ai bảo cây chết do thuốc BVTV ?
Nhưng phun thuốc BVTV không có hiệu quả là vì thuốc nhái, thuốc kém chất lượng nên không trị được bệnh chứ còn gì nữa…!

Thuỷ le

Xem chừng trong thuốc trị sâu bệnh của cây tiêu đã bị pha thuốc diệt cỏ … Việt Nam và Trung cộng không việc gì là không thể …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *