Đăk Nông: Làm rõ nguyên nhân hồ tiêu bị chết sau khi bón phân

Nhiều hộ trồng tiêu ở xã Quảng Sơn, huyện Đăk G’Long, phản ánh, vườn tiêu của họ sau khi bón phân xảy ra hiện tượng vàng lá, rụng đốt rồi chết hàng loạt. Nghi tiêu chết là do phân bón “có vấn đề” nên người dân đã giữ lại một số bao phân bón rồi báo với chính quyền địa phương.

Nhiều vườn tiêu ở Quảng Sơn bị chết bất thường sau khi bón phân.

Tuy nhiên, đến nay đã nhiều tháng trôi qua, vẫn không có cơ quan nào vào cuộc điều tra nguyên nhân, trong khi đó diện tích tiêu chết ngày càng tăng nhanh khiến nhân dân vô cùng lo lắng.

Từ phản ánh của nhân dân, chúng tôi đã đi thực tế tại một số vườn trồng tiêu trên địa bàn xã Quảng Sơn, chứng kiến nhiều diện tích hồ tiêu bị chết rụi hàng loạt. Ông La Văn Thành, bon N’Tinh có 1.500 trụ tiêu kinh doanh năm thứ tư, hiện tại đã chết khoảng hơn một nghìn trụ, ước thiệt hại khoảng 900 triệu đồng. Mặc dù đã bỏ rất nhiều tiền mua thuốc cứu vườn nhưng vẫn không hiệu quả, số tiêu còn lại vẫn đang tiếp tục chết khiến gia đình đứng ngồi không yên. Ông Thành cho biết, trong một lần tham dự hội thảo về phân bón được tổ chức tại UBND xã Quảng Sơn. Do được giới thiệu loại phân bón hữu cơ HB3 Mai Nở bón cho hồ tiêu rất tốt, mặt khác lại được khuyến mãi rất cao; cụ thể là mua 10 bao được tặng một bao, nên khi kết thúc mùa mưa gia đình mua loại phân này về bón cho vườn tiêu. Lúc đầu, thấy cây phát triển bình thường, nhưng được khoảng một tháng, cây tiêu bắt đầu ngã bệnh. Biểu hiện đầu tiên là lá tiêu ngả sang màu vàng, sau đó rụng đốt rồi chết rụi hàng loạt. Khi đào lên chỉ phát hiện gốc tiêu bị thối tại vị trí bón phân, ở vòng dây tiêu đôn gốc, phần gốc và rễ tiêu không bị chết thối… Cho rằng nguyên nhân tiêu chết có liên quan đến phân bón nên ông Thành đã giữ lại một số bao phân và báo sự việc này với chính quyền địa phương nhưng chưa thấy cơ quan nào đến tìm hiểu nguyên nhân.

Dùng phân bón cùng loại như ông Thành, cũng với các biểu hiện tương tự, vườn tiêu hơn một nghìn trụ của ông Đinh Văn Độ, ở thôn 3 xã Quảng Sơn cũng lăn ra chết hàng loạt với gần một nửa vườn, thiệt hại ước khoảng 400 triệu đồng. Ông Độ cho biết, sau khi bón phân được khoảng một tháng nhận thấy vườn tiêu có biểu hiện bất thường nên đã giọi điện đến công ty phân bón theo thông tin được ghi trên bao bì để thông báo tình hình. Nhân viên công ty trả lời là nguyên nhân có thể do bón phân quá nhiều chứ phân hữu cơ thì không có vấn đề gì với cây trồng cả, và sau đó không thấy công ty cử người đến. Hiện nguyên nhân vẫn chưa được xác định, trong khi đó số tiêu còn lại vẫn đang tiếp tục chết, nên ông đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ nguyên nhân để bà con trồng tiêu an tâm sản xuất.

Theo thống kê, xã Quảng Sơn hiện có hơn 420 ha hồ tiêu. Chỉ tính trong ba tháng đầu năm 2017 đã có khoảng 80 ha tiêu bị chết, trong đó có hàng chục hộ dân có tiêu chết với diện tích lớn nghi nguyên nhân có liên quan đến phân bón. Trong khi tiêu chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, người dân đứng ngồi không yên thì chính quyền địa phương lại tỏ ra rất chậm trễ vào cuộc hoặc lúng túng trong việc xử lý khiến tiêu chết ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn cho người trồng tiêu.

Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Sơn K’Siêng cho biết: “Chúng tôi có nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng nhiều diện tích tiêu bị chết sau khi bón phân. Hiện đã kiểm tra một số vườn nhưng chưa xác định được nguyên nhân tiêu chết là do phân bón hay bị bệnh. Do ít người, địa bàn lại rộng nên chưa có thời gian để thống kê hết được số diện tích tiêu chết nghi liên quan đến phân bón. Khi thống kê xong chúng tôi mới báo lên cơ quan chuyên môn để họ kiểm tra, xác định nguyên nhân”.

Một số bao phân bón được giữ lại để các cơ quan chức năng kiểm tra xác định nguyên nhân.

Người dân như ngồi trên đống lửa vì diện tích tiêu chết ngày càng tăng; chính quyền địa phương lại rất chậm trễ, lúng túng và trông chờ vào cơ quan chuyên môn. Còn các cơ quan chuyên môn lại viện nhiều lý do để không nhận trách nhiệm về phía mình.

Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đăk Nông Nguyễn Tuấn Khải cho rằng: “Do lực lượng mỏng, trong khi đó người dân lại sản xuất không tập trung, kể cả nơi vùng sâu, vùng xa nên khi có dịch bệnh xảy ra mà bà con không báo thì rất khó phát hiện. Mặt khác, hiện nay ở địa phương cấp xã có hệ thống khuyến nông viên, cộng tác viên, cán bộ xã phụ trách về nông nghiệp và khi họ có thông tin báo cáo chính thức thì chúng tôi mới tiếp nhận thông tin và xử lý. Thế còn nếu như chỉ có nghe nói hoặc có những thông tin phản hồi bằng miệng thì chúng tôi không thể có nhân lực cũng như thời gian để đi xác minh những tin này. Từ trước đến nay, khi có việc xảy ra khi sử dụng phân bón, thuốc BVTV thì người dân thường làm đơn gửi cơ quan chức năng, khi nhận được đơn thì chúng tôi xử lý rất nhanh. Còn thông tin bằng miệng thì chúng tôi không có điều kiện để xử lý”.

Không xử lý thông tin báo cáo bằng miệng, lực lượng mỏng không đủ điều kiện để xác minh, xử lý… đó là những nguyên tắc làm việc được đặt ra, và là lý do của các cơ quan chức năng. Còn trên thực tế, rất nhiều hộ dân đang lâm cảnh nợ nần, trắng tay do diện tích hồ tiêu bị chết vẫn đang tăng lên hàng ngày. Nếu không sớm được điều tra, ngăn chặn kịp thời, diện tích hồ tiêu thiệt hại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với hiện nay.

Nguồn Nguyễn Văn Yên (NhanDandientu))

22 phản hồi cho bài "Đăk Nông: Làm rõ nguyên nhân hồ tiêu bị chết sau khi bón phân"

Nguyễn Tiến

-“Nếu không sớm được điều tra, ngăn chặn kịp thời, diện tích hồ tiêu thiệt hại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với hiện nay.”
Vậy thì tại sao không cảnh báo khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng tạm thời bà con không mua loại phân này nữa ?

Phi Trinh

Bà con nông dân tự xoay xở thôi, trông mong gì mấy vị cán bộ quản lí nông nghiệp cho mệt…
Mật ngọt thì ruồi nào chả chết !

Trần Văn Thảo

Theo tôi được biết, một vài loại phân hữu cơ vi sinh khi bón phải tưới đẫm và giữ ẩm iên tục trong 10 ngày hoạc hơn thì hiệu quả của phân mới tích cực. Bà con bón những loại đó mà cứ nghĩ phân vi sinh nguồn gốc hữu cơ không sợ gì nên không cần phải giữ ẩm mà cứ 7 ngày hoặc 10 ngày mới tưới một lần. Mà loại phân đó rất nóng, dưới cái nắng mùa khô Tây Nguyên và tác dụng của phân mà tiêu ko đảm bảo được lượng nước theo yêu cầu khi bón loại phân đó thì bón phân sẽ bị phản tác dụng. Điều đó vô cùng nguy hiểm. Khi phát hiện thấy bất thường mà tưới cho ướt đẫm và giữ ẩm kịp có lẽ sẽ không xảy ra đáng tiếc như trên. Thân !

Thanh Hà

Khi tổ chức hội thảo bán hàng, phía công ty phải có trách nhiệm hướng dẫn cặn kẽ cách sử dụng cho bà con nông dân. Mình lại nghĩ là nguyên nhân khác… nhưng nên để cơ quan chức năng kết luận cho khách quan.

Dương tôn

Các phân bón của công ty không tiếng tăm trên thị trường tốt nhất là không nên mua.

Hưng hoà

Không hiểu mấy công ty phân bón tư nhân quy mô nhỏ vẫn sản xuất được NPK theo công nghệ gì và mấy phân hữu cơ sinh học của họ. Cơ sở khoa học nào đã kiểm chứng chưa, ai là người kiểm nghiệm chất lượng. Hầu hết khi tung ra thị trường thì hội thảo rầm rầm nổ như bom nguyên tử…

Thắng Lợi

Khi đăng ký, kiểm nghiệm họ dùng nguyên liệu hữu cơ khác, khi sản xuất thực tế là nguồn nguyên liệu khác nữa. Không loại trừ có những đống ủ không đạt chất lượng, nguyên liệu hữu cơ ẩn chứa nhiều nấm bệnh… thế là cây tiêu lãnh đủ. Nói chung công ty nhỏ, mới khởi nghiệp, chưa xây dựng được thương hiệu uy tín mà còn chạy đua theo lợi nhuận thì bà con nông dân chết chắc !

phạm hùng

Tại sao tiêu chết nhiều như thế mà cơ quan chức năng lại vô cảm. Có bổng lộc thì ko thiếu vắng ông nào, khi dân cần các ông đùn đẩy nhau. Nhà nước VN cần gắn trách nhiệm cụ thể cho cơ quan chức năng thì may ra nguời dân mới bớt khổ…

Q bình

Chắc chắn là do phân bón, vì phân vi sinh có chứa lượng lưu huỳnh nên rát nóng, cây tiêu rất nhạy cảm nên chịu ko nổi chết, ko tin mọi người cứ lấy bón thử cho rau xem có chết ko

Hoàng Hùng

Theo mình nghĩ thì phân bón không phải nguyên nhân mà do canh tác, cách bón phân và liều lượng bón.
– Bón phân đất phải đủ ẩm và duy trì độ ẩm liên tục để rễ cây hấp thụ.
– Bón phân nên bón lấp để đạt hiệu quả tối đa.
– Bón xa gốc, không phạm rễ (thường vi sinh được trộn thêm đạm nồng độ cao). Bón ko cẩn thận sẽ cháy rễ, thối gốc nếu bón trúng gốc.
Đôi điều hiểu biết cá nhân góp ý cùng bà con.

Nguyễn Văn Thụ

Mình cũng đồng ý kiến của bạn, trước hết mình phải xem cách bón có đúng kĩ thuật không? liều lượng thế nào? tiêu của mình thì bón ít, chia nhiều lần… Mình lắp đặt tưới phun nên rất tiện lợi cho việc bón phân, không phụ thuộc vào thời tiết.

Nguyễn Văn Chinh

Có thể do 2 nguyên nhân
1) Phân chất lượng không đảm bảo.
2) Do vùng đã nhiễm bệnh, chỉ chờ cơ hội bùng phát. Phân bón chỉ làm tăng hay cơ hội cho dịch bệnh bùng phát.
Khi vườn vùng đã nhiễm bệnh quy trình chăm chăm sóc không thể giống ở vườn, vùng sạch bệnh.
Tôi đi hội thảo cũng nhiều nhưng phần lớn các nhân viên công ty chủ yếu hướng dẫn cách dùng phân, dùng thuốc của họ, chứ ít khi hướng dẫn quy trình chăm sóc tổng quát (phòng tổng hợp). Nên đôi khi theo đúng hướng dẫn vẫn cứ bị chết.
Vì vây nếu phân thuốc có tốt thật đi chăng nữa nhưng mỗi việc làm đúng chỉ phòng được 1 phần bệnh.

An lac

Phòng bệnh tùy theo đất đai, vùng miền… để áp dụng linh hoạt, phù hợp, chứ không thể rập khuôn máy móc. Cho đến giờ hỏi nông dân trồng tiêu nhiều nơi vẫn chưa biết nấm đối kháng trichoderma là gì …

Hữu Thành

Bà con mình vẫn còn chưa phân biệt được bón phân và bỏ phân nên mới xảy ra tình trạng trên… (hầu hết các vườn chết do phân thì bà con đều bỏ phân). Cứ chia nhỏ lượng phân ra mà bón thì sẽ tránh được tình trạng phân giả, phân kém chất lượng (vì khi bón nếu thấy tiêu không có phản ứng tích cực thì kịp thời đổi phân khác) và tránh được tình trạng thất thoát và dư thừa phân trong đất tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển …

Nguyễn hoàng

Tiêu chết còn rất nhiều nguyên nhân, phân bón hữu cơ không thể làm tiêu chết. Còn phân hóa học chỉ làm tiêu chết khi bón gần góc hoặc tiêu bệnh mà tiếp tục bón phân.

Ngok

Nguồn chất hữu cơ lẫn nhiều mầm bệnh, ủ không kỹ càng, tiêu có chết không hay không thể ?

Thiếu Sơn

Làm không khó mà khó vì không muốn làm… Ai làm mà rõ ?!
Hồi còn bé tôi đã nghe chuyện phân giả thuốc dỏm…
Giờ tôi đã có gia đình, vẫn còn nghe chuyện thuốc dỏm phân giả ngày càng nhiều hơn !
Như vậy có phải là các cơ quan chức năng nhà nước đã không muốn làm mà còn “nuôi” cho nó ngày càng phát triển thêm.
Tôi nói có điều gì không đúng ?! Xin cộng đồng trao đổi.

Châu Phong

Thói xấu của người Việt đã trở thành “thâm căn cố đế” rồi.
Chỉ mong vào thế hệ cháu chắt sau này thì may ra !

Ðàm Ánh

Khó trách Nông nghiệp Việt Nam không phát triển được !
Dù sao cơ quan chức năng phải vào cuộc…

lê văn thái

Hãy cho tôi làm Bộ trưởng BNN 5 tháng, Bộ trưởng BCT 5 tháng tôi sẽ cho thị trường phân bón và thuốc BVTV chất lượng quốc tế, còn những đề nghị bổ sung luật hình sự cho những kẻ làm phân bón và thuốc BVTV kém chất lượng, khung nhỏ nhất ở tù 10 năm trở lên, nếu làm không được tôi sẽ ăn hối lộ rồi phóng thẳng ra nước ngoài tôi tiêu xài trước khi vào tù.

Ngok

Bạn có thể đề nghị nhưng QH không thông qua thì sao ?
Nếu là tôi, việc đầu tiên phải làm là rà soát lại những Thông tư, Qui chế, Quyết định của Bộ mình để loại bỏ ngay những sự bất hợp lý, bổ sung những chỗ còn kẻ hở nhưng không phải chặt quá mức hay cứng nhắc không cần thiết !

Nguyễn Tuấn Kiệt

Chung qui cũng một chữ THAM, giá rẻ + chất lượng + khuyến mãi cao… ở đâu ra vậy mọi người ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *