Đăk Nông: Trăn trở ở làng “tỷ phú” hồ tiêu

Vài năm nay, cây tiêu trúng mùa, được giá, giúp nhiều hộ dân ở xã Nâm N’Jang (Đăk Song) thành tỷ phú sau một hai vụ thu hoạch. Cây hồ tiêu đã giúp nông dân nơi đây “hái ra vàng”, nhưng ẩn chứa đằng sau niềm vui ấy, bà con vẫn còn nhiều điều trăn trở.

Nông dân thôn 10, xã Nâm N'Jang (Đắk Song) xây dựng mô hình VAC khép kín, mỗi năm có thu nhập hàng chục tỷ đồng
Nông dân thôn 10, xã Nâm N’Jang (Đăk Song) xây dựng mô hình VAC khép kín, mỗi năm có thu nhập hàng chục tỷ đồng

Trồng tiêu như  “ăn cơm đứng”

Chúng tôi có mặt tại xã Nâm N’Jang khi bà con nơi đây đang tập trung chăm sóc những vườn tiêu. Gia đình anh Phan Văn Quyền ở thôn 4  có 2 ha hồ tiêu. Hàng ngày, dù trời mưa hay nắng, anh đều thường trực ngoài vườn tiêu.

Anh Quyền cho biết: “Cây tiêu là loại cây trồng “khó tính”, mẫn cảm với sự thay đổi thất thường của thời tiết nên dễ bị tổn thương bởi các tác động từ bên ngoài. Khi bộ rễ đã tổn thương thì cây không hút được nước, và các chất dinh dưỡng, các loại sâu bệnh hại thừa cơ xâm nhập để tàn phá”. Do vậy, đòi hỏi phải có vốn kiến thức căn bản về kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu mới giữ được vườn cây lâu bền.

Còn anh Nguyễn Quốc Thanh ở thôn 2 cho hay: “Từ khi xuống giống đến khi vườn tiêu đi vào kinh doanh, người trồng tiêu không được phép lơ là chăm sóc. Chỉ phát hiện thấy vài chiếc lá vàng, lá héo rũ là cũng đủ khiến họ thót tim. Còn nếu vườn tiêu có dấu hiệu của dịch bệnh hay bệnh “chết nhanh, chết chậm” xuất hiện thì cả gia đình mất ăn, mất ngủ”. Lúc này, để cứu vườn tiêu, cả nhà phải dốc hết vốn liếng ra mua thuốc trừ bệnh.

Mặc dù chỉ cần một vài năm thu hoạch là có trong tay tiền tỷ, nhưng để một vườn tiêu có tuổi thọ và đạt năng suất, người trồng tiêu ở Nâm N’Jang phải trải qua những ngày lo toan, lao động cực nhọc. Do đặc tính của cây tiêu dễ biến đổi theo môi trường, thời tiết lẫn sự rủi ro thường trực do dịch bệnh nên nhiều người ví von trồng tiêu như “ăn cơm đứng” là thế.

Cần tránh “vết xe đổ”

Theo các chuyên gia, tuy có nhiều lợi thế để phát triển nhưng thực tế trong những năm qua, cây hồ tiêu vẫn chưa thực sự đứng vững trên vùng đất Nâm N’Jang. Thậm chí, nhiều thời điểm có không ít hộ “mất ăn, mất ngủ” do cây tiêu bị nhiễm bệnh.

Nhiều người phát triển cây tiêu không theo quy hoạch, không chú trọng đến việc cải tạo đất, không xử lý mầm bệnh, rồi mua giống tiêu không rõ nguồn gốc… khiến dịch bệnh phát sinh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm do nấm Phytophthora capsici và Pythium sp, Fusarium sp gây ra. Do đó, việc áp dụng biện pháp kỹ thuật như: bón chủ yếu bằng phân hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để hướng đến phát triển cây trồng bền vững là hết sức quan trọng. Việc áp dụng sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững cũng được bà con ở Nâm N’Jang triển khai và mang lại hiệu quả đáng kể.

Đơn cử, gia đình anh Võ Văn Thái ở thôn 2 có 4 ha hồ tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh, hàng năm đạt khoảng 15-17 tấn.

Anh Thái chia sẻ: “Việc phát triển hồ tiêu phải theo hướng đa dạng sinh học, không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà phải làm từng bước, thận trọng trong khâu bón phân, nhất là đối với phân hóa học”.

Tuy nhiên, hiện nay ngoài những mô hình do ngành Nông nghiệp địa phương triển khai thì còn có nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối “bao sân” cả việc làm mô hình khảo nghiệm, vừa hướng dẫn kỹ thuật, vừa bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với nhiều sản phẩm được giới thiệu nhập khẩu từ Úc, Mỹ và các nước châu Âu… đã trở thành “ma trận” với nông dân.

Theo ông Nguyễn Hữu Tầm, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang thì toàn xã hiện có hơn 3.000 ha hồ tiêu, trong đó có khoảng 2.000 ha đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Năng suất bình quân khoảng 3 – 5 tấn/ha/năm. Tổng sản lượng tiêu hàng năm đạt từ 6.500 – 7.000 tấn. Mặc dù năng suất hồ tiêu của xã đạt khá cao so với nhiều địa phương khác trong tỉnh nhưng không vì vậy mà bà con không thận trọng, bỏ qua những khuyến cáo của ngành chuyên môn. Thực tế tại các vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh trước đây như: xã Đăk Sin (Đăk R’lấp), Chư K’nia (Chư Jút), Thuận An, Đức Minh (Đăk Mil), cây hồ tiêu cũng một thời chiếm vị thế độc tôn.

Thế nhưng không bao lâu, dịch bệnh tấn công làm hàng ngàn ha hồ tiêu chết khô. Ông Huỳnh Chí Thanh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT Đăk Song cho biết: “Để tránh “vết xe đổ” từ các địa phương có phong trào phát triển cây hồ tiêu trước đó, bà con nên bám sát chủ trương của huyện về định hướng phát triển cây hồ tiêu bền vững. Người dân cũng không nên phát triển hồ tiêu ồ ạt mà chỉ trồng ở những vùng được quy hoạch, tập trung áp dụng chăm sóc diện tích hồ tiêu hiện có theo quy trình kỹ thuật bền vững”.

Nguồn Đăk Nông Online

2 phản hồi cho bài "Đăk Nông: Trăn trở ở làng “tỷ phú” hồ tiêu"

do hung

Nhìn mấy trụ tiêu trên hình mới có mét rưỡi mà thu nhập hàng chục tỉ đồng?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *