Đăk Sin, vẫn xanh tốt những vườn tiêu
Mấy năm trước đây, xã Ðăk Sin (Ðăk R’lấp-Đăk Nông) có gần 1400 ha hồ tiêu, nhưng do dịch bệnh tàn phá, nên đa số gia đình đã phá bỏ cây tiêu để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Thế nhưng, hiện có 20 hộ gia đình vẫn giữ được vườn tiêu đã trồng từ 15 năm trở lên xanh tốt, cho thu nhập cao.
Ðiển hình như hộ ông Phạm Ngọc Thiếp ở thôn 4 hiện vẫn giữ được vườn tiêu 1,6 ha, khoảng 2000 gốc, năm nay thu được hơn 7 tấn tiêu khô, trị giá gần 900 triệu đồng. Theo ông Thức, sở dĩ vườn tiêu của gia đình vẫn “trụ” lại được thì một phần lớn là nhờ ông nắm vững kỹ thuật chăm sóc, biết cách phòng, chống sâu bệnh hiệu quả…
Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn, đọc sách báo, tài liệu tham khảo về cây tiêu thì ông còn học hỏi kinh nghiệm của các hộ nông dân trồng tiêu ở quanh vùng. Cây hồ tiêu hay bị nấm tấn công ở bộ rễ, nên phải cắt tỉa gốc tiêu cho thông thoáng; nếu gốc nào nhiễm bệnh thì phải xử lý bằng vôi sau đó tiêu hủy.
Việc làm cỏ cho tiêu cũng phải hết sức tỉ mỉ vì nếu không cẩn thận sẽ tạo điều kiện cho sâu bệnh xâm nhập vào bộ rễ. Trong vườn tiêu, ông còn trồng xen thêm các loại cây cao ít cạnh tranh phân bón, có tán rộng để che mát cho cây tiêu và trồng các loại cây họ đậu để giữ đất khỏi xói mòn và cải tạo nguồn đất. Nhờ đó, suốt 15 năm nay, vườn tiêu của ông luôn phát triển tốt, đạt năng suất cao.
Sau vụ thu hoạch được 6 tấn khô, trị giá khoảng 800 triệu đồng, vườn tiêu rộng 1,5 ha, với 1.600 gốc tiêu của ông Nguyễn Ngọc Thức ở thôn 11 cũng đang chuẩn bị ra hoa cho một vụ mùa mới.
Ông Thức phấn khởi nói: “Muốn chăm sóc tốt vườn tiêu thì mình phải bón phân, tưới nước kịp thời, đúng thời vụ, nhất là chú ý đến chất lượng phân bón, chỉ nên mua ở những nơi tin cậy. Tốt nhất là nên sử dụng nguồn phân chuồng đã hoại mục được ủ kỹ để bón cho cây tiêu. Trong quá trình chăm sóc, tôi luôn theo sát quá trình sinh trưởng của cây tiêu để sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sao cho hài hòa, hợp lí, nên tránh được sâu bệnh hại cây” …
Nhìn vườn tiêu rộng gần 2 ha đang xanh tốt của anh Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn 13 ít ai biết rằng, cách đây mấy năm cũng đã bị dịch bệnh khá nặng. Nhiều lúc anh đã có ý định từ bỏ, nhưng nhận thấy khó có loại cây trồng nào đem lại nguồn thu nhập cao như tiêu, nên quyết tâm khôi phục lại vườn tiêu. Thế rồi, anh tìm đọc đủ loại tài liệu, rồi tập trung đầu tư vào việc xử lý bệnh hại tiêu một cách triệt để bằng việc sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm tăng sức đề kháng, phòng ngừa bệnh cho tiêu.
Anh Thức tâm sự: “Không chỉ cây tiêu mà với bất cứ cây trồng nào khi đã chọn thì mình phải dốc sức, tâm huyết với nó. Vụ tiêu năm nay, gia đình đã thu được 6 tấn tiêu khô và tôi vẫn đang dự định sẽ trồng thêm nữa, chứ không dừng lại ở đây”.
Theo ông Phạm Văn Quyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ðăk Sin thì những gia đình giữ được vườn tiêu phát triển tốt năm nay rất phấn khởi vì tiêu được mùa, giá cao. Vì vậy, hiện tại một số hộ gia đình đã tiến hành xử lý những vườn tiêu chết vì mắc bệnh để chuẩn bị trồng lại. Rút kinh nghiệm qua đợt dịch bệnh, xã đã phối hợp với cơ quan chức năng mở các lớp tập huấn về chăm sóc cây tiêu để giúp nông dân nắm vững kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh hại tiêu. Bà con cũng tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ những vườn tiêu đang phát triển xanh tốt để áp dụng cho phù hợp với thực tế vườn cây của gia đình mình.
3 phản hồi cho bài "Đăk Sin, vẫn xanh tốt những vườn tiêu"
Em cũng ở xã Đăk Sin nhưng lại không biết mấy anh này!
Đăk Sin có khoảng 20 hộ còn trồng tiêu à!
Anh thông! Đăk Sin còn trồng nhiều lắm anh à! Gần nhà em có gia đình trồng tiêu đẹp nhất khu luôn.