“Đệ nhất tiêu” miền Đông

Ông Lập chăm sóc vườn tiêu sạch

Là một trong những hộ trồng tiêu sớm nhất trên địa bàn tỉnh, có thời điểm tiêu bị thất mùa te tua nhưng vườn nhà ông Hoàng Văn Lập, ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vẫn bình an vô sự, thậm chí còn cho năng suất cao… Hiện mỗi vụ tiêu ông thu lợi nhuận nửa tỷ đồng.

Tưới tự động

Vượt qua đoạn đường dài hun hút, băng qua nhiều địa bàn xã vùng sâu chúng tôi tìm tới khu vực giáp ranh lòng hồ Trị An, một trong những vùng chuyên canh tiêu của tỉnh. Lúc đầu, ghé hỏi thăm đến nhà ông Sầu trồng giống tiêu kháng bệnh thì chúng tôi được mách, ông Hoàng Văn Lập mới là nổi tiếng trồng tiêu sạch. Nghe vậy, chúng tôi quyết định chuyển hướng đi tìm nhà ông.

Chủ vườn Hoàng Văn Lập hào hứng kể về cơ duyên ông đến với “nghiệp vườn” cũng thật tình cờ: “Sau giải phóng gia đình ông chuyển từ Nam Định vào miền Tây sinh sống, từ đó ông bắt đầu được tiếp cận với nghề vườn. Năm 1983, gia đình chuyển về khu vực lòng hồ Trị An lập nghiệp, sau ít năm được nhà nước chuyển đổi đất canh tác bố trí cho các hộ dân lên khu vực này định cư.

Về đây, thời đó hầu hết xung quanh chỉ toàn là vườn tạp, tìm hiểu thấy thị trường tiêu đang rất “ngon”, giá cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trái khác nên tôi quyết định đầu tư vào trồng loại cây này. Lúc đầu, nhiều người quanh xóm cứ lắc đầu bảo đất này trồng mía thì mía chết, trồng mì thì mì hư, trồng tiêu chỉ có… tiêu tiền của, công sức chứ mấy đời có được hạt”.

Ấy vậy mà ông vẫn bỏ ngoài tai quyết tâm dọn vườn để xuống giống tiêu (giống Vĩnh Linh) trồng xen với cà phê trên diện tích 1.500 m2. Tuy nhiên, sau khi thấy thị trường cà phê không ổn định, tính toán giá bán không đủ tiền vốn đầu tư nên ông quyết định đốn hết cà phê chỉ để trồng chuyên canh tiêu. Sau một năm, vườn tiêu nhà ông đã bắt đầu cho trái, nhưng do mới bước vào “nghiệp tiêu” nên còn non kinh nghiệm khiến vụ đầu tiên thu hoạch cả vườn chỉ được chưa đầy 100 kg hạt.

Năm 2008, khi được đi tham quan học hỏi kỹ thuật từ các mô hình trồng tiêu ở nhiều nơi, ông Lập về quyết định đầu tư cải tạo nâng cấp vườn, lắp đặt thêm hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn. Và ông chính là nhà vườn đi tiên phong trong toàn xã về áp dụng TBKT vào canh tác nên được xã khuyến khích hỗ trợ 20% kinh phí đầu tư.

Từ đó ông tự nghiên cứu, rồi ra chợ tìm mua các vật dụng về thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới tự động khép kín đến từng gốc tiêu. “Lúc đó, nhiều loại “linh kiện” tìm mua cũng không dễ, tôi vừa phải mày mò làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh được các khâu lắp đặt hệ thống tưới sao cho vừa tiết kiệm mà đạt hiệu quả tối ưu nhất”, ông Lập tâm sự.

Dẫn chúng tôi ra vườn tiêu, thời điểm này các trụ đang ra trĩu trịt trái, mặt vườn được trồng kín cây hoa cúc như một tấm thảm cỏ xanh mướt. Ông Lập hào hứng khoe: “Những vòi phun nước rất nhỏ gọn, tôi thiết kế chạy ngầm khắp trong vườn, kể cả việc bón phân cũng đều qua đường ống này dẫn đến từng gốc tiêu rất hiệu quả và không gây lãng phí”.

Trước đây ông phải tốn rất nhiều công kéo dây tưới mất 3 ngày mới xong toàn bộ vườn tiêu, nhưng nay có hệ thống tưới thì mỗi ngày chỉ mất chừng 10 tiếng chạy điện cho vòi tự động phun là “Ok”. Còn việc bón phân qua đường ống cũng tiết kiệm được hơn phân nửa lượng phân so với SX thủ công.

Trồng tiêu siêu lợi nhuận

Theo ông Lập, trước đây ông thường quen chăm sóc vườn tiêu theo phương pháp cũ, vào mùa mưa cây hay bị bệnh nên ông phải thường xuyên phun xịt như… đổ thuốc sâu xuống vườn. Mỗi năm phải tốn trên 30 triệu đồng tiền thuốc BVTV nhưng cũng chẳng mấy hiệu quả. Nhiều đêm trăn trở với vườn tiêu bệnh, ông chẳng yên giấc và quyết định sẽ thử làm theo cách riêng của mình.

Đó là thời điểm khi cây tiêu vừa thu hoạch xong, ông cho xiết nước, cũng không cần bón phân ngay để cây tiêu sẽ “buồn” (khát nguồn dinh dưỡng), rồi thỉnh thoảng chỉ phun mớm cho ít nước. Theo ông, việc hãm phân nước như vậy sẽ khiến cây tiêu càng “tức” và chỉ đợi đến đầu mùa mưa mới bón thúc vào gốc tiêu để giúp bộ rễ phát triển mạnh; đồng thời đem thuốc khử tuyến trùng xử lý trên toàn vườn rẫy.

Khi cây tiêu được bồi bổ nguồn dinh dưỡng sẽ hồi tỉnh lại và bắt đầu bung đọt non rất mạnh. Vậy nhưng, thêm lần nữa ông lại mạnh dạn cắt bỏ toàn bộ những đọt tiêu non này để khoảng 2 tuần sau các chồi đọt non mới lại tua tủa bung ra và cho nhiều bông hơn.

Ông Lập cười bảo: “Với cách này được xem như “bí quyết” mà chỉ riêng tôi mới dám thử cách làm không giống ai. Thậm chí, không chỉ riêng vợ con tôi khóc ròng quyết liệt ngăn cản mà nhiều chủ vườn tiêu trong xã cũng bảo tôi khùng mới làm thế, vì cây tiêu vừa nhú đọt non ra thấy tôi lại cắt trụi”.

Tuy nhiên, vườn tiêu vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh, cuối vụ năng suất trung bình đạt 7 tấn/ha; thậm chí có thời điểm đạt tới 7,5 – 8 tấn/ha (trong khi năng suất tiêu trong tỉnh cao nhất cũng chỉ đạt 5 tấn/ha) khiến nhiều người không tin là sự thật.

Thực tế, chỉ sau năm đầu ông Lập chứng minh được cách làm khác người của mình đã giúp vườn tiêu có siêu lợi nhuận với khoảng 500 triệu đồng/năm. Từ những vụ tiêu thành công cho năng suất sản lượng cao khiến các hộ khác luôn xem đây là mô hình vườn mẫu. Không ít lần ông đã được mời lên xã, huyện báo cáo thành tích và chia sẻ kinh nghiệm cho người dân quanh vùng học hỏi nhân rộng mô hình.

Nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam

54 phản hồi cho bài "“Đệ nhất tiêu” miền Đông"

Cafe Chim

Cà phê mất mùa, sản lượng lại càng thêm ít ỏi, vì vườn cây nay đã già cỗi. Đang băn khoăn suy tính thì rất may đọc được bài báo này. Trồng tiêu siêu lợi nhuận thì tại sao mình lại không trồng?
Thu hái xong tôi quyết thanh lý cây cà phê để chuyển sang trồng tiêu. Chắc chắn là như vậy bà con nhỉ?

namBRVT

Bài viết cũng khá hay, nhưng để tựa đề như vậy thì không công bằng. “Đệ nhất tiêu miền đông” miền đông rộng lắm, gồm nhiều tỉnh thành. Cách trồng, chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang tiêu, tưới phun tự động,… khu vực tôi cũng khá nhiều người làm, năng suất cũng cao hơn,… Tôi nghĩ đệ nhất tiêu miền đông thì không thuộc về người này và càng không thuộc về Đồng Nai,…

NguyenVinhBRVT

Nghĩ sao mà 1500m2 theo nông dân là có một sào rưỡi thôi, mà mỗi năm thu lãi nửa tỉ đồng.
Viết bậy quá! Yêu cầu đính chính lại.

Nguyễn Minh Vịnh

Trước tiên phải xem xét vùng đất mình có phù hợp với trồng hồ tiêu hay không? Trồng rồi chặt đó là thực trạng đáng buồn của nông dân Việt Nam.
Anh Cafe Chim có thực hiện mô hình độc canh cho phù hợp với điều kiện nhà mình thì cũng không nên khuyến khích bà con làm theo. Có thể nó phù hợp với anh nhưng với người khác không phù hợp.
Chưa nắm chắc được kỹ thuật thì không nên khẳng định điều gì. Những chia sẻ với cộng đồng chỉ là một cách làm để bà con tham khảo.
Còn chữ “đệ nhất tiêu miền đông” thì chỉ có người làm báo mới dám viết.

Nguyễn Trung Thành

Thân gửi các chú, các anh trên diễn đàn!
Chúc các chú, các anh và mọi người sức khỏe, thịnh vượng!
Em mới biết và tham gia diễn đàn chưa lâu nhưng em rất vui khi có một chuyên trang về cây Tiêu làm nơi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho những người trồng Tiêu và tâm huyết với loại cây trồng này. Bản thân em là một sinh viên mới ra trường và cũng đang có dự định làm kinh tế trang trại lấy cây Tiêu làm chủ đạo. Nhưng do mới tiếp xúc với loại cây này nên em rất thiếu kinh nghiệm và thực tế, rất mong các chú, các anh và mọi người trên diễn đàn tận tình giúp đỡ.
Hiện tại em có dự định xuống Tiêu lươn cho vườn Tiêu nhà mình nhưng em chưa biết cách phân biệt chính xác các giống Tiêu hiện đang được trồng, chọn giống cũng như cách cắt cành và ươm giống. Kính mong các chú, các anh và mọi người cho em lời khuyên.
Em xin chân thành cảm ơn!
Kính chúc các chú, các anh và toàn thể mọi người sức khỏe, vụ Tiêu thắng lợi!
Nguyễn Trung Thành/Chư Pưh – Gia Lai.

Đỗ Trường Sơn

Chào bạn Nguyễn Trung Thành !
Thời điểm này chưa phải lúc ươm tiêu. Bạn cứ theo dõi trên giatieu.com. Khi nào mình ươm, mình sẽ ghi chép cẩn thận rồi chụp ảnh và chia sẻ cùng bạn và bà con.
Chúc bạn thành công. Thân.

Nguyễn Trung Thành

Rất cảm ơn bạn Tri Thắm và bạn Trường Sơn đã có nhã ý giúp đỡ mình!
Qua tìm hiểu trên mạng, diễn đàn và thực tế mình thấy rằng trồng Tiêu lươn có tính bền vững và chống chịu sâu bệnh tốt hơn.
Tuy nhiên tại Chư Pưh hiện nay còn rất ít hộ trồng tiêu lươn, hiện nay đa phần các hộ đều trồng tiêu ác, nhanh cho thu hoach nhưng đầu tư rất lớn và mang nhiều mầm bệnh. Mình đã hỏi kinh nghiệm của một số chủ vườn Tiêu khá đẹp trên địa bàn(cả người trồng dây lươn và dây ác) nhưng đều nhận được những câu trả lời rất mù mờ về cách cắt cành, ươm giống và chăm sóc cây Tiêu lươn. Đa phần bà con vẫn sản xuất theo lối nhiều tiền thì làm dây ác, không có tiền thì đi cắt cành lươn, trồng được quả nào thì được.
Mình mong hai bạn và mọi người trên diễn đàn giúp đỡ cho mình kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cây Tiêu lươn.
Cảm ơn các bạn rất nhiều!
Nguyễn Trung Thành/Chư Pưh – Gia Lai

nghia binh 27

Chào bạn! tiêu lương nếu không đôn thì bấm đọt. Bấm lúc tiêu vừa bám trụ, chỗ đọt non như ngòi viết bấm hai ba lần là nức tay ác. Làm đúng cách thì không cần đôn, ít bịnh, không trống gốc, nhanh có trái, hiệu quả hơn đôn nhiều.
Vài dòng góp, chúc bạn thành công.

Tri Thắm

Bạn ở Chư Pưh mà ở xã nào vậy. Nói thật đất Chư Pưh hiện nay trồng tiêu hơi khó rồi, không giống như ngày xưa cứ thả dây giống xuống là nó lên ào ào. Có lẽ bạn ở nơi khác mới tới hay sao mà nay mới bắt đầu trồng tiêu. Nếu như trồng như ở vườn nhà mình thì tiêu lươn còn nhanh ăn hơn tiêu ác đó chứ. Còn trong rẫy mình trồng muộn hơn nhiều nên bây giờ gặp nắng nó lèo tèo xấu xí không chịu phát triển và cũng chưa đôn được luôn. Chậm và thua thấy rõ.
Còn bạn muốn biết cách chọn giống, cách ươm và cách trồng… thì trước hết bạn cứ đọc bài của bạn Minh Vịnh đó, mình thấy cũng cơ bản rồi. Còn bạn muốn cụ thể, tận mắt thì lên nhà mình đi, ông xã mình chỉ cho.

Nguyễn văn lưu

Bạn thành nhà ở đâu Chư Puh nhỉ. Có vẻ dân Chư Puh trên diễn đàn này nhiều nhỉ

Tri Thắm

Chi mà khổ vậy bạn Nguyễn Trung Thành. Ở Chư Pưh hầu như nhà nào không có tiêu. Bạn cứ đi hỏi mấy người có kinh nghiệm chút đó, họ dẫn chỉ cho tận mắt loại nào, loại nào, chỉ cần 1 lần là nhớ liền chứ mấy. Chứ ngồi mà viết miêu tả ra thì vừa dong dài, vừa khó hiểu. Mà ở Chư Pưh đa phần là tiêu Vĩnh Linh đó bạn.
Còn muốn trồng tiêu lươn thì tháng 12 âl bạn ươm là vừa đấy, khi có chừng 1, 2 cây mưa đầu mùa là bạn trồng liền, trồng lúc này chịu khó tưới nhé, nhưng rất hiệu quả. Năm vừa rồi mình cũng làm thế, đến bây giờ tiêu của mình đã đôn xong lên được nửa trụ rồi (trụ 4m). Còn trồng giữa hoặc cuối mùa mưa thì chịu khó chăm 1 năm sau mới đôn.
Trồng tiêu lươn nhẹ tiền giống tuy nhiên công đôn hơi cực, phải cẩn thận chứ không nó dập, dập xíu thôi nó cũng chết cả dây đấy.

Trích bài Bác Tri Thắm “Còn muốn trồng tiêu lươn thì tháng 12 âl bạn ươm là vừa đấy, khi có chừng 1, 2 cây mưa đầu mùa là bạn trồng liền, trồng lúc này chịu khó tưới nhé, nhưng rất hiệu quả. Năm vừa rồi mình cũng làm thế, đến bây giờ tiêu của mình đã đôn xong lên được nửa trụ rồi (trụ 4m). Còn trồng giữa hoặc cuối mùa mưa thì chịu khó chăm 1 năm sau mới đôn”.
Tôi có một thắc mắc nhỏ xin hỏi bác Thắm:
Trước tôi cũng trồng như bác, ươm lươn sớm, trồng sớm nhưng mãi đầu mùa mưa năm sau tôi mới đôn nên khá mất thời gian. Tuy nhiên tiêu đang gặp khô hạn, đôn xuống đúng mùa mưa thì rễ (phần lấp) phát triển rất mạnh, đến cuối mùa mưa cũng lên đạt 2/3 trụ. Nếu bây giờ tiêu bác đã đôn và lên lại 1/2 trụ, có nghĩa là bác đôn luôn tầm cuối mùa mưa hoặc đầu mùa khô năm nay. Nếu vậy khi đôn xuống, rể cám phát ra gặp mùa khô hạn (phần lấp), độ ẩm không khí thấp có làm cháy rễ con không nhỉ?
Cách đây 1/2 tháng tôi đi thăm một vườn, tiêu của anh đó cũng đã phát được 2-3 cặp ác, ảnh đôn luôn. Tôi góp ý là nên tầm cuối tháng 4 dương năm sau đôn thì sẽ đẹp hơn, ảnh biểu là không cần thiết. Tôi cũng chưa biết là đôn vào thời điểm nào tốt hơn (đôn ngay lúc tiêu phát vài cặp ác, kể cả mùa khô hạn hay nên chờ năm sau đôn để đón mưa luôn thì tiêu sẽ tốt hơn).
Mong anh và các bác có nhiều kinh nghiệm giúp đỡ.

Nguyễn Minh Vịnh

Chào bạn!
Tôi thường đôn cuối mùa khô. Tưới vài đợt vô mưa luôn là đẹp. Tiêu leo lên nửa trụ vẫn lôi xuống đôn được. Đôn mùa khô thì tưới.
Thân!

Tri Thắm

Bạn tủ gốc cho kỹ vào và siêng tưới nước là ổn thôi. Tốt hơn nữa là vườn tiêu có độ che phủ ở trên, 1 là trụ sống không thì che lưới, vườn nhà mình có che lưới.
Tiêu của mình ra chừng 3, 4 cặp tiêu ác là mình đôn. Lúc mình đôn vẫn còn mùa mưa, người ta nói đôn mùa mưa tiêu sẽ chết. Cái này đúng 1 nửa, nếu nó không bị trầy sướt gì, nó phát triển bình thường, không chết đâu.
Mình nghĩ làm gì làm cứ đảo bảm trong gốc không úng vào mùa mưa và luôn đủ ẩm vào mùa khô là đôn được. Nhưng đầu mùa khô thôi chứ đôn vào giữa mùa khô thì chắc nó không phát nổi đâu.

Nguyễn Trung Thành

Rất cảm ơn các bác Nghia binh 27, Cua, Minh Vịnh, Tri Thắm!
Cảm ơn mọi người đã tận tình truyền đạt cho mình những kinh nghiệm quý báu.
Thân gửi bạn Tri Thắm, đúng như bạn nói gia đình mình mới chuyển đến Chư Pưh được 1 năm nên bây giờ mình mới bắt đầu mò mẫm làm Tiêu. Khu đất mà mình định xuống Tiêu là đất rẫy, trước đây được phát hoang để trồng Mỳ và mình cũng đang trong giai đoạn cải tạo và làm đất. Mình đang ở thị trấn Nhơn Hòa, rất cảm ơn bạn đã có nhã ý, bạn có thể cho mình địa chỉ nhà bạn để mình tới thăm và học hỏi kinh nghiệm?
Sau khi nghe bạn nói về việc trồng và đôn dây lươn trong 1 năm mình rất mừng, vì thông qua những gì mình được biết và kinh nghiệm của những người mình quen thì mọi người đều xuống dây và đôn dây sau 1 năm.
Hiện nay tại Chư Pưh đang nhân rộng mô hình trồng cây sống, và mình cũng dự định là sẽ trồng cây Hông làm trụ cho cây Tiêu. Ưu điểm của loại cây này là phát triển rất mạnh nên có thể trồng Tiêu sau mấy tháng xuống cây sống. và cây này có thể cấn ngọn sau 1 hoặc 2 năm trồng nhưng nó có thể bị chết vì thối thân nếu cấn ngọn vào mùa mưa.
Cây Hông có thể là một chọn lựa tốt cho việc trồng Tiêu trên trụ sống, thân gửi mọi người tham khảo.
Nguyễn Trung Thành/Chư Pưh – Gia Lai

Tri Thắm

Cây Hông nhà mình cũng đã trồng rồi, trồng xen thôi chứ không trồng cả đám trụ Hông, nó lớn nhanh khiếp. Hiện tại mình thấy làm trụ Hông cũng tốt.
Nhà mình cách chợ Nhơn Hòa khoản 1 km, nếu bạn ghé thăm gđ mình cũng rất vui lòng. Bạn cho địa chỉ mail đi, mình sẽ gửi số đt cho rồi có gì liên lạc sau nhé !

Nguyễn Trung Thành

Chào bạn Tri Thắm!
Rất cảm ơn bạn đã có thư trả lời, mình cũng xin mạn phép ghé thăm nhà bạn vào một ngày gần đây. Nếu như nhà bạn gần chợ thì có lẽ là cũng gần nhà mình thôi, nhà mình ở ngay chỗ cây xăng Tường Vi.
Theo như mình được biết thông qua một số người quen thì cây Hông là một giống cây ngoại nhập, trước đây trên Đăk Hà có trồng làm cây lấy gỗ nhưng hiệu quả không cao, bên Đăk Nông và Đăk Lăk người ta cũng trồng làm trụ sống khá nhiều rồi, còn tại huyện mình thì chưa nhiều người trồng lắm.
Đây là imail của mình: thanhkennb@gmail.com
Rất cảm ơn bạn đã nhiệt tình giúp đỡ, mong là sau này chúng ta sẽ có cơ hội gặp gỡ để mình có thể học tập cách làm Tiêu từ bạn và gia đình.
Kính chúc bạn và gia đình sức khỏe!
Thân chào bạn.

Xuân lực

@cafe chim. Theo em anh chỉ nên phá 1 nửa vườn cà phê thôi, tránh tình trạng chạy theo phong trào anh à! Hiện nay diện tích tiêu đang lớn lên từng ngày, đến lúc tiêu của anh cho thu hoạch thì không biết lúc đó giá cả thế nào. “tiêu cười, điều mếu, cà phê là số 1”

Xuân lực

Em chào các anh! Anh tiêuphong đang ở Trảng Bom không biết có gần nhà bác này không, anh nào ở gần đến tìm hiểu xem sao. Em chỉ thắc mắc cách bác này làm bông tiêu thôi, sao lại cắt bỏ hết đọt non ý. Mong các anh cho xin ý kiến ạ! Chân thành cảm ơn các anh.

Phan Phat

@Cafe Chim thân!
Hình như bạn mới tham gia diễn đàn thì phải. Các bài viết trên diễn đàn mang tính cách tham khảo. Tôi xin nhắc lại lời tôi viết trên diễn đàn: “Trên cơ sở sinh lý, sinh thái mỗi loại cây, điều kiện thổ nhưỡng từng nơi, kết hợp kinh nghiệm thực tiễn từng vùng miền…”
Hiện tại bạn muốn trồng tiêu trên vườn cafe của mình bạn nên trồng xen tiêu vào (chưa vội phá cafe) :
– Cafe che bóng mát cho tiêu, đất đỡ bi xói mòn, có thêm nguồn thu nhập ít nhất được 2 năm. Đến lúc tiêu bước vào kinh doanh bạn phá dần cafe cũng chưa muộn, thực tế tiêu từ năm 1-3 chưa cần dinh dưỡng nhiều. Bạn thu nhập lợi nhuận từ cafe đủ đầu tư vào vườn tiêu đấy.
Chúc bạn thành công. Thân chào!

Hữu Phát

Chào tất cả mọi người! Cháu mới tham gia diễn đàn. Cháu cũng ở cùng xã với bác Lập nhưng chưa biết nhà bác chính xác ở đâu. Có thời gian phải đến tham quan học hỏi mới được. Không biết có chú bác nào ở Trảng Bom Đồng Nai nữa không để cháu có dịp thì đi tham quan học hỏi luôn. Cháu xin cảm ơn.

Hưũ Phát

Chào anh Tiêu Phong, anh cũng ở Trảng Bom Đồng Nai hả? Có thời gian em muốn đến tham quan vườn nhà anh có đựơc không ạ? Em ở Tân Thành, Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai.

hungvan

Thật là phát ngôn bừa bãi, báo chí mà ưng nói gì thì nói sao?
Tôi cũng là dân thôn Trường An mà cũng không biết đệ nhất tiêu miền đông, không biết danh hiệu này ai khen tặng, nhà nước hay tổ chức cá nhân? Thật là ếch ngồi đáy giếng nhìn trời bằng vung !

Đồng ý là mọi bài báo chỉ có giá trị tham khảo. Tuy nhiên, để diễn đàn chất lượng hơn thì BQT nên đọc kỹ rồi duyệt đăng những bài có chất lượng. Tôi thây bài báo này vớ vẫn quá, chả đưa lại điều gì bổ ích. Địa chỉ thì mập mờ, ngay cả những người ở cạnh đó cũng ko biết (tất nhiên ko ai buộc ai phải biết những người xung quanh), số liệu thì mơ màng: 1 ha tiêu bao nhiêu trụ? Năng suất 5 tấn/ha quá tầm thường với tất cả mọi người. Về kỹ thuật: cứ ra đọt non là cắt? Tôi cũng đã 13 năm trồng tiêu, chả biết đúng và sai chỗ nào. Bác Vịnh nói tôi phục: Gỡ đọt ra tầm 30-50 cm cho nó rủ xuống, hết đường lên cao, tức, ra bông – vừa đúng thực tế, vừa có cơ sỏ khoa học – còn cứ ra đọt rồi cắt, tôi nghĩ chắc rảnh quá.
“Sau một năm” tiêu bắt đầu cho trái. Với tiêu Vĩnh Linh ư? Được bao nhiêu trái, cành nhánh của ác giống hay là cành mới phát trái vậy cụ nhà báo? Cho bao nhiêu trái? biết thì nói, ko biết nên thôi là hơn! Tôi cũng có quyền tự hào như cụ nói: Tôi mới trồng mấy tháng, nay có tiêu nấu cháo gà rồi đó !
Mấy lời cũng vì mong anh em mới đừng lệch lạc. Xin lỗi nhiều.

“Hữu Phát 13/11/2012 lúc 21:59
Chào tất cả mọi người! Cháu mới tham gia diễn đàn. Cháu cũng ở cùng xã với bác Lập nhưng chưa biết nhà bác chính xác ở đâu. Có thời gian phải đến tham quan học hỏi mới được. Không biết có chú bác nào ở Trảng Bom Đồng Nai nữa không để cháu có dịp thì đi tham quan học hỏi luôn. Cháu xin cảm ơn.”…” Không ít lần ông đã được mời lên xã, huyện báo cáo thành tích và chia sẻ kinh nghiệm cho người dân quanh vùng học hỏi nhân rộng mô hình”. Sao xã mời báo cáo, huyện mời báo cáo mà bác ko biết vậy ta?
Nếu ko bị ném đá, tôi sẽ nói tiếp tôi đã đi về 1.200km để học hỏi một mô hình trồng tiêu của báo Quảng Bình như thế nào nhé !

lê sỹ khang

Lâu quá bận việc nay mới qua diễn đàn được. Trân trọng gửi lời chào và lời chúc tốt đẹp nhất tới các bác.

Đọc bài báo tuy có những điểm chưa sát với thực tế vì là báo…nhưng chúng ta qua đây để biết chúng ta đang ở đâu, cấp độ nào? Chúng ta nên tiếp thu mặt được mặt chưa được, sao chúng ta không coi đây là 1 bài tham khảo? 1 bài kiểm tra xem chúng ta đang ở cấp độ nào mà chúng ta lại đi trách bác admin? Chúng ta phải hiểu rằng trang web này đã đưa chúng ta nên 1 tầm cao tri thức mới, đóng góp 1 phần rất lớn vào địa vị tiêu Việt Nam trên thế giới và đưa nhiều người dân trồng tiêu qua cơn khủng hoảng về nhiều mặt. Trang web mang tinh thần sống vì cộng đồng, đó là kết luận của tôi.
Chào thân ái và quyết thắng.

phạm thành lam

Xin chào cộng đồng giatiêu.com, tôi có net cũng lâu rồi nhưng mới biết đến trang này.
Theo bài viết trên tôi thấy mình như rơi vào thiên la địa võng của kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu, bởi theo nhiều nguồn tin kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu tôi thấy sử dụng biện pháp sinh học là tối ưu nhất. Nhưng ở bài viết trên tôi thấy bón phân qua hệ thống tưới tự động thì chắc đét 1 câu là sử dụng phân bón hóa học rồi. Nhưng sao vườn hồ tiêu trên lại bền vững như thế nhỉ?

nguyễn thanh sơn

Xin kính chào tất cả các anh chị em trong cộng đồng giá tiêu. Chỉ với 1500m2 và một năm chứng minh cách làm của mình mà đã thu về 500 triệu đồng thì ghê gớm quá phải không mọi người. Chỉ có nhà báo mới vẽ ra được.

nguyen thanh son

Nếu ai biết chính xác địa chỉ nhà bác Hoàng Văn Lập thì đưa lên để mọi người đến thăm quan học hỏi thêm. Qua hình thấy vườn tiêu của bác xanh rất đẹp. Tôi cũng quê Nam Định và cũng hay đi ngang qua xã Thanh Bình. Xin cảm ơn.

Nguyễn Trọng Đoán

Tôi cũng đồng tình với nhiều ý kiến ở trên là:
– Bài báo phải có ích thì mới đăng tải
– Ban Quản trị nên duyệt kỹ trước khi đăng
– Một số phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam thiếu kiến thức về chuyên môn nên khi viết bài viết chung chung, thậm chí viết sai… Do đó, Lãnh đạo Báo Nông Nghiệp phải suy nghĩ về điều này.
– Ở Miền Đông Nam Bộ, có nhiều nông dân có diện tích tiêu lớn hơn, năng suất cao hơn nhiều so với nhân vật trong bài viết
….

Chào bác Nghĩa Bình.
Bác nói đúng, tuy nhiên đôn tiêu có hai tác dụng, thứ nhất là để đưa cánh ác xuống thấp tránh hiện tượng quần đùi. Thứ hai là tạo thêm nhiều bộ rễ nhằm giúp cho cây phát triển mạnh, tuổi đời dài thêm vì thông thường, ươm giống bằng lươn chỉ có cám 2 mắt xuống đất, rễ của giống lươn cũng ra rất ít chứ không như rễ thân ác.
Nếu chỉ cắt vài lần như bác thì chỉ có tác dụng 1 mà thôi.
Vài ý kiến cá nhân, mong được học hỏi nhiều kinh nghiệm của bác.

nghia binh 27

Chào bạn Cua!
Trước mình cũng đôn như bạn nói, nhưng qua quá trình làm nhiều cách mình thấy cách bấm ngọn là hiệu quả hơn hết. Vườn nhà mình có làm cả ba cách, trồng ác, trồng lươn đôn, lươn bấm ngọn. Tiêu không trống gốc, không bị bó rẻ, sau nhiều năm thì hơn đôn nhiều. Hiện giờ mình cũng đang làm thêm, bạn thử làm vài trụ theo cách này dễ làm mà hiệu quả tuổi thọ cao hơn đôn vì không bị bó rể. Bấm ngọn là để tiêu ác ra sớm cách mặt đất khoảng nửa mét, nếu biết cách thì có thể để theo ý thích.
Vài dòng trao đổi. Thân chào bạn.

trung_tin_727

Xin chào cả nhà!
Mấy hôm nay thấy mọi người thảo luận về cách trồng tiêu lươn hay quá. Bạn Cua, nghia binh 27 và Tri Thắm cho mình xin SĐT nhé, mình muốn học hỏi chi tiết hơn về tiêu lươn. Năm ngoái mình cũng trồng tiêu lươn, cũng đã đôn và cả bấm đọt nhưng tiêu lên vẫn không được đẹp lắm. Không biết phải do thời tiết hay không mà mình thấy vài năm trở lại đây trồng mới tiêu khó khăn hơn hồi trước nhiều. Vì thế nên mình rất muốn học hỏi thêm nữa.

nghĩa bình 27

Chào bạn Trung tin 727!
Trồng tiêu lươn thường không có giàn che nắng mà thời tiết vài năm gần đây mưa nhiều nắng lại gắt. Mưa nhiều làm cho rễ yếu, gặp nắng gắt nên tiêu suy và chết nhiều. Bạn để ý thời điểm giao mùa canh tưới nước giữ ẩm, đừng để khô đất làm hư rễ có hại về sau rất nhiều.
Thân chào bạn, sđt của mình là : 0984745474

Tri Thắm

Có thể bạn nghĩa bình 27 nói đúng, tiêu lươn trồng cho ra ác thế nào mà không phải đôn là một cách hay. Mình thấy tiêu đôn dễ bị bệnh, do phần thân tiêu nằm dưới đất nhiều chăng?
Mình thấy cùng trao đổi để tìm ra những cách làm tốt nhất như thế này thật là hay. Cảm ơn mọi người rất nhiều. Mình không phải là người kinh nghiệm đầy mình nhưng gđ mình sẵn lòng chia sẻ những gì biết và học hỏi được. email của mình là cdkttham@gmail.com hay d4t_tham@yahoo.com
Mình học được từ Minh Vịnh rất nhiều điều hay, không những từ việc làm tiêu mà vì còn câu nói này “cho đi mới là hạnh phúc, nhận chỉ mang nợ”. Cảm ơn người đồng nghiệp tạm thời của mình trên facebook. Mong sẽ là đồng nghiệp mãi mãi. (mà chắc không được vì bạn còn trẻ mà)

Nguyễn Minh Vịnh

Chào cả nhà.
Muốn trồng tiêu lươn không phải đôn thì trồng vào mùa khô. Ví dụ như thời điểm này. Trồng trong vườn ươm và cho nó leo lên trụ giả, tới mùa mưa nó ra tay ác “tiêu đôn”. Sau đó đem đi trồng phần nằm dưới đất tầm 5-7 mắt thì nó cũng tương đương tiêu đôn. Lợi thế trồng kiểu này là chăm sóc trong mùa khô dể dàng hơn. Tiết kiệm được nửa năm so với chờ đợi vào mùa mưa mới trồng. Nếu cách bạn biết cách chiết tiêu và trồng tiêu lươn trong mùa khô trong vườn ươm. Thì có thể trồng tiêu quanh năm. Hôm nay là cuối mùa mưa đầu mùa khô mà tôi cũng mới trồng cả trăm trụ tiêu chiết và chuẩn bị làm vườn ươm trồng “tiêu đôn” trong mùa khô. Muốn trồng tiêu mà không cần đôn thì ta nên trồng phần dưới đất ít nhất 5 mắt và có 1 chút kỹ thuật bấm đọt. Nhưng thường thì nó sẽ bị hở chân “ở truồng”. Không năng suất bằng tiêu đã được đôn đúng kỹ thuật. Còn một vài kỹ thuật giúp tiêu “ở truồng” phủ đều trụ cũng khá đơn giản có lẽ tôi nên chia sẻ sau vậy.
Thân!

năm thắng

Chào anh MINH VỊNH em có vài điều nhờ anh tư vấn giúp anh có thể cho em xin số điện thoại để trực tiếp học hỏi được không anh?

Cảm ơn bác Vịnh về cách trồng tiêu lươn trong mùa khô để khỏi đôn. Có một thắc mắc nhỏ mong bác giúp đỡ:
Mùa này trồng trong vườn ươm rồi cột vào trụ gỉ cho nó phát ác, sau đó đem trồng vào trụ chính , trồng cuốn lấp luôn phần lươn. Tôi hiểu là thế, cách này rất hay. Nhưng tôi không biết trồng ở đây là trồng trực tiếp xuống đất vườn ươm hay trồng trong bầu lớn, nếu trồng trực tiếp trên đất thì khi đánh đi trồng có đảm bảo không vì chắc chắn để phát ác rễ đã phát triển mạnh, dài. Còn nếu trồng trong bầu thì kích cỡ bầu là bao nhiêu để đảm bảo chất dinh dưởng cho cây tiêu suốt một thời gian dài để nuôi cây tới lúc phát ác mà vẫn nằm trong bầu. Nếu trồng trong bầu thì để cây tiêu phát ác đòi hỏi bộ rễ cũng đã phát triển rất mạnh và chắc chắn sẽ quấn nhiều vòng trong bầu – điều này có làm bó rễ, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây tiêu về sau không ?
Cảm ơn bác nhiều, chúc bác nhiều sức khỏe, ngày càng có nhiều kinh nghiệm chia sẽ, giúp đỡ bà con .

Nguyễn Minh Vịnh

Chào bạn!
Đúng là dùng bầu lớn. Có thể dùng bịch ươm cây sầu riêng cỡ đó là vừa. Trồng mùa khô cũng có cái lợi hại của nó đấy. Riêng với phương pháp này phải chuẩn bị hố thật kỹ. Khi trồng tức là đôn tiêu luôn đấy. Lợi thế là ta có thể chăm sóc 1 loạt. Tương tự như phương pháp nhân giống bằng phương pháp chiết. Có thêm phương pháp nhân giống này công với chiết tiêu nữa là bà con có thể trồng tiêu quanh năm. Đặc biệt hữu hiệu cho những trụ to quá khổ. Hoặc những trụ vừa chết xong xử lý hố trồng mới.
Thân!

Hòang Văn Lập

Thưa quý bà con trong cộng đồng giatieu.com và quý bạn đọc.

Tôi là Hoàng Văn Lập, ngụ tại xã Thanh Bình, Trảng Bom xin có lời: ngay chính bản thân tôi cũng bức xúc khi bài trên báo NNVN nói tôi là “đệ nhất tiêu miền Đông”.
Tôi đã có bài phản hồi ngay với báo khi đọc được, nhưng tôi không hiểu tại sao cứ bị xóa, không lưu được trên mạng. Tôi đính chính, diện tích đất của tôi trên 11.000 m2, không phải chỉ 1.500 m2 như trong bài báo. Đất rất tốt vì là đất rừng cao su trước.
Tôi không hề tự ý mình “sáng chế ra những phương pháp chăm sóc tiêu, nhưng do được phòng bảo vệ thực vật huyện tổ chức các lớp tập huấn về tiêu, và kinh nghiệm của anh em bạn bè chia sẻ. Về phân bón, chủ đạo là phân hữu cơ + ủ trichoderma và phân hóa học, còn các loại thuốc xịt dưỡng cây qua lá đều dùng phân sinh học… Tất cả các thuốc hóa học để phòng trừ nấm bệnh trên cây tiêu tôi không còn sử dụng trên 5 năm rồi…
Thành thật xin lỗi tất cả quý bà con, bạn đọc vì bài báo thổi phồng quá lớn những gì về tôi do phóng viên không cân nhắc biên soạn cho đúng, nhất là cái tựa đề thiếu hẳn sự khiêm tốn cần có, đọc qua rất dễ bị chửi.
Địa chỉ của tôi: 54/3 ấp Trường An – Thanh Bình – Trảng Bom, tôi sẵn sàng gặp mặt để nghe quý vị trách cứ. Thành thật mong quý vị thông cảm và tha thứ, vì chính bản thân tôi cũng không muốn như vậy. Xin cám ơn !

Cảm ơn bác Vịnh đã đóng góp thêm kinh nghiệm.

To bác Lập:
Cảm ơn bác vì đã phản hồi. Bà con ko ai dám trách cứ bác, chỉ trách nhà báo thổi phồng 1 cách quá phi lý làm cho bà con thấy bất bình. Nay bác đã đọc và phản hồi, mong bác góp tay chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong công đồng giatieu.com. Cảm ơn bác.

namBRVT

Chào anh Lập,
Mọi người đọc xong bài báo ai cũng bất bình, nhưng có lẽ đọc xong lời giải thích của anh ai cũng có thể vui vẻ bỏ qua. Hiện nay theo mình top đầu của người trồng tiêu thu hoạch mỗi năm cũng phải trên 20 tấn thì mới có thể nói Đệ Nhất được. Tại khu vực mình có vài hộ thu mỗi năm cũng trên dưới 20 tấn. (khoảng 6-7 tấn/ha)

Xuân lực

Em chào các anh!
Nay có bác Lập lên diễn đàn, vậy mong bác Lập chia sẻ kinh nghiệm làm bông tiêu, có giống như bài báo viết không ạ?
Cảm ơn các anh và bác Lập rất nhiều!

nguyễn thanh sơn

Kính chào các anh chị trong cộng đồng giatieu.com, do bận quá hôm nay mới thăm mọi người được.
Và cũng xin cám ơn bác Lập, xin phép hỏi bác một tí ạ. Nhà bác số 54/3 ấp Trường An có nằm trên trục đường Thanh Bình không ạ? Nếu được cho em xin số điện thoại, có dịp đi qua em xin phép được ghé thăm vườn bác học hỏi thêm kinh nghiệm. Đt của em 0982667426, quê em xã Hải Xuân – Hải Hậu – Nam Định.

Thành Công

Xin cám ơn anh Minh Vịnh đã chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên của anh về cách ủ phân bò khô với trichoderma.

phạm thành lâm

Chào cộng đồng giá tiêu. Tôi mới bước vào nghề trồng hồ tiêu, có 1 thắc mắc muốn hỏi cộng đồng giá tiêu… Vườn hồ tiêu của tôi được 1 năm tuổi, chăm sóc khá chu đáo nên cũng khá xanh tốt. Nhưng vừa qua tôi có sử dụng 1 loại phân bón lá trung lượng của công ty Diên Khánh có tên SILYMPHOS. Sau khi phun xịt được 1 tuần, trên lá hồ tiêu xuất hiện nhiều vết đốm nâu, lá không được xanh như trước. Xin các bác chỉ dùm tôi cách xử lý với, đó lá triệu chứng của bệnh gì? Theo em biết phân đó lá phân bón lá sinh học, nhưng sao lại chứa 1 thành phần có tên là photphorus. Tôi rối trí quá mong các bác hồi âm càng sớm càng tốt.
Mong hồi âm các bác nhiều, tôi xin cảm ơn.

tiêu lép

Tại sao bà con cứ đêm tài sản của mình ra để mà thử nghiệm? Sao không mua các loại phân có thương hiệu uy tín? Loại này tôi chưa nghe bao giờ, tìm trên mạng cũng không thấy !
Bón phân mà cũng không biết được là phân hóa học hay phân sinh học… Bó tay !

Hoàng Văn Lập

Thanh Sơn ơi. Nhà mình ở ấp Trường An nằm ngay trên trục lộ Xã Thanh Bình – Huyện Trảng Bom, điện thoại 0613925669, nếu có dịp mới tới thăm tệ xá. Những kinh nghiệm trồng và chăm sóc vườn tiêu mình vẫn phải học hỏi rất nhiều, không thể nói mạnh là tiêu không bị chết, như hiện nay dịch chết nhanh đang hoành hành khu vực xã Thanh Bình rất nhiều. Một số người hỏi tôi: Tiêu anh có bị chết không? Tôi hay nói chơi: Tiêu không chết mới lạ! Nhưng quan trọng là không chết hàng loạt… mỗi năm cũng chỉ 1-2 cây thôi. Nhưng có các bạn nào trị được bệnh chết chậm? bị virus? Xin tung lên cho anh em học hỏi với.
Cùng 2 bạn từ Xã Sông Trầu, xin lỗi vì ngày các bạn tới thăm mình không có nhà, vì phải đi bệnh viện khám bệnh định kỳ, hy vọng có dịp chúng ta gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm chăm sóc tiêu nhé!
Chào tất cả. Lập.

Hoàng Văn Lập

Bạn Thành Lâm. Thực sự tôi không biết bạn ở đâu nhưng đọc tin bạn tôi hơi ngạc nhiên. Diên Khánh tôi chưa từng nghe, nên phân sinh học có chất photphorus tôi nghĩ không hợp với cây tiêu 1 năm của bạn đâu. Nó là chất lân dạng muối acid mà trong Agrifos 400 (phòng trị chết nhanh) chứa nhiều, trong khi tiêu 1 năm cần các dinh dưỡng khác (trong các thuốc sinh học thường là có ghi rõ). Hơn nữa, co dùng đúng liều lượng trong nhãn ghi? Nưng cây chưa được phun có bị tình trạng đó không? Những cây để đối chứng. Chúng ta chỉ nên sử dụng các hãng đã có thương hiệu uy tín còn những thuốc mới, cty mới, nếu muốn sử dụng chúng ta phải thử, phải hỏi kinh nghiệm bạn bè, và đây là nơi mà chúng ta học hỏi được rất nhiều… Và những vườn chung quanh bạn có bị tình trạng đó không? Chào.

phạm thành lâm

Chào cộng đồng Giatieu.com. Chào bác Hoàng Văn Lập, rất cám ơn bài viết của bác, tôi ở Lâm Đồng cũng đã xem phóng sự của bác trên đài TH Đồng Nai và cũng tìm hiểu trên net, nhưng có 1 vấn đề muốn được thỉnh giáo bác mong bác vui lòng chia sẻ. Tôi mới bước vào ngành trồng hồ tiêu, có nhiều sơ suất tôi muốn bác chia sẻ 1 số phân bón lá dạng sinh học, của công ty nào tốt nhất bác đang sử dụng chẳng hạn và đặc biệt cách trị bệnh đốm nâu trên lá hồ tiêu. Tôi rất mong sự chia sẻ của bác cũng như cộng đồng Giatieu.com, tôi chờ hồi âm bác nhiều

huu phat

Chào chú Lập và mọi người trên giatieu.com! cháu tên Phát ở 470/23 ấp Tân Thành, Thanh Bình, Trảng Bom (sát Vừơn Táo) nè. Tết tây này chú Lập cho cháu đến tham quan vườn của chú để học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc tiêu nhé! chúc chú và mọi người nhiều sk!

Hoàng văn Lập

Cùng diễn đàn giatieu.com
Hiện nay bà con còn rất nhiều những nhu cầu cần biết về cây tiêu và nhất là với những cơn mưa lớn kéo dài, cũng như sắp chấm dứt mùa mưa và “cơn dịch” chết nhanh có thể lại bắt đầu, những chuỗi tiêu còn quá non lại nằm la liệt dưới gốc. Vì vậy cần đưa ra những kinh nghiệm phòng trừ ngay, để khắc phục giúp nông dân tránh bớt những thiệt hại. Thân mến. Lập Cây Gáo.

tiêu lép

Chào bác Lập. Theo ý bác, tôi xin có mấy ý chia sẻ với bà con.
Sau mưa dầm thường hay thấy tiêu rụng lá và chuỗi non khá nhiều. Hiện tượng này là dấu hiệu thối rễ tơ, cơ hội cho các loại nấm bệnh hại tiêu phát triển. Xin được phép nhắc bà con cần dùng các loại thuốc trừ nấm để sục gốc và phun lên cây, kết hợp dùng boocdo 5% hoặc đồng đỏ quét kỹ vùng cổ rễ, từ gốc lên khoảng 20cm.
Bà con dùng phân sinh học phun qua lá và phân sinh học đổ gốc giúp cây mau hồi phục và tái sinh rễ, có thể dùng thêm amino từ phân cá, bánh dầu và bổ sung nấm Trichoderma + Pseudomonas sau khi dùng thuốc trừ nấm khoảng 3 tuần. Nhớ kiểm tra lại mương rảnh thoát nước cho tiêu vì mưa bão vẫn còn do chưa có dấu hiệu chuyển mùa.
Chúc bác luôn vui + khỏe. Thân.

Giatieu.com

Gửi bạn @Pham van chuong
Bạn có thể tìm thêm thông tin về bác Hoàng Văn Lập mà bạn quan tâm trên trang này !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *