Điều tiết giá hồ tiêu thế giới: đừng để nông dân tự lo

Nếu nhìn vào các số liệu thống kê của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), có thể thấy rằng nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) về việc nông dân Việt Nam ngày nay đã điều tiết được giá hồ tiêu thế giới là có cơ sở. Thế nhưng, điều tiết như thế nào để có lợi cho chính mình lại là câu chuyện bị thả nổi.

Hai xu thế “ngược dòng” của giá cả thế giới

Từ các số liệu thống kê về lượng và giá trị hồ tiêu xuất khẩu của FAO và ITC, có thể vẽ được biểu đồ giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta so với của 35 quốc gia trồng hồ tiêu còn lại của thế giới (sau đây gọi tắt là 35 quốc gia khác) như dưới đây.

Theo đó, trong giai đoạn 1991 – 2000 giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta liên tục thấp hơn giá bình quân của 35 quốc gia khác, còn trong 10 năm tiếp theo cũng chỉ được hai năm (2007 và 2008) có giá cao hơn.

Giá xuất khẩu thấp hơn giá của các đối thủ cạnh tranh không chỉ đồng nghĩa với những thua thiệt về lợi ích kinh tế, mà thực tế này cũng có nghĩa là chúng ta không thể điều tiết được giá hồ tiêu thế giới.

Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2011 đến nay, có thể thấy hai xu thế giá cả ngược chiều nhau rất rõ ràng sau đây:

Thứ nhất, trong suốt sáu năm (2011 – 2016), giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta không chỉ hầu như liên tục cao hơn giá bình quân của 35 quốc gia khác, mà mức độ “tách tốp” ngày càng rõ ràng hơn.

Cụ thể, ở thời điểm năm 2011, với mức giá xuất khẩu 5.913 đô la Mỹ/tấn, giá của nước ta chỉ cao hơn 368 USD/tấn và 6,6% so với giá bình quân của 35 quốc gia khác. Còn ở thời điểm giá hồ tiêu thế giới đạt kỷ lục mọi thời đại (2015), khoảng cách này lên tới mức kỷ lục 944 USD/tấn và 10,9%.

Như vậy, nếu so với năm 2010, giá hồ tiêu xuất khẩu năm 2015 của nước ta đã tăng đến 5.970 USD/tấn, tương ứng 165,6%, trong khi giá bình quân của 35 quốc gia khác chỉ tăng 5.001 USD/tấn và 137,7%.

Thứ hai, ngược lại, sau quá trình “dò đáy”, giảm giá và thu hẹp khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh từ tháng 1/2016 đến tháng 1 năm nay, giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta từ tháng 2 đến nay liên tục bị kéo xuống và ngày càng thấp hơn.

Cụ thể, với việc đẩy lượng xuất khẩu lên trên 20.000 tấn/tháng ngay trong ba tháng đầu năm 2016 (tháng 3 đến tháng 5/2016), giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta đã thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh (322 – 641 USD/tấn, tương ứng với 3,9 – 7,7%). Còn sau đó, với việc giảm mạnh lượng xuất khẩu trở lại, khoảng cách giá cao hơn lại được tái lập và tính chung giá cả năm chỉ còn cao hơn các nước 427 USD/tấn (5,6%).

Thế nhưng, kể từ tháng 2/2017 trở lại đây, với việc đẩy lượng xuất khẩu lên những kỷ lục chưa từng có, giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta tụt dốc không phanh xuống chỉ còn 4.719 USD/tấn trong tháng 6 vừa qua, tức là đã giảm 2.677 USD/tấn (36,2%) so với tháng 1. Trong khi đó, giá xuất khẩu của tám quốc gia sản xuất hồ tiêu chủ yếu còn lại của thế giới tuy cũng giảm mạnh theo, nhưng mức giảm tương ứng cũng chỉ là 1.118 USD/tấn (16,1%).

Nhìn lại vai trò “đầu tàu” của Việt Nam

Nếu như trong giai đoạn 2011 – 2015 chúng ta là “đầu tàu” kéo giá xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh tăng theo thì từ đầu năm đến nay, chúng ta tuy vẫn là “đầu tàu”, nhưng lại là kéo giá xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh giảm theo.

Vì sao có… nghịch lý “đầu tàu” này?

Nếu nhìn vào bức tranh sản xuất hồ tiêu thế giới của FAO, có thể thấy nguồn cung hạn hẹp chính là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu bắt đầu tăng nóng kể từ năm 2011 (sau khi đạt kỷ lục 443.000 tấn vào năm 2006, sản lượng hồ tiêu thế giới hầu như liên tục giảm và năm 2012 chạm đáy chỉ với 411.000 tấn).
Thế nhưng, câu hỏi tiếp tục đặt ra là, theo số liệu thống kê của Việt Nam và của Malaysia (dẫn từ nguồn của IPC tại Indonesia), tại sao tổng sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2015 ước đã tăng mạnh lên 497.000 tấn mà giá hồ tiêu thế giới vẫn cao kỷ lục?

Có thể nói, lời giải này nằm ở khâu điều tiết giá cả hồ tiêu thế giới của nông dân Việt Nam.

Đó là, tuy được mùa kỷ lục như vậy và sản lượng cũng đạt kỷ lục 177.000 tấn, nhưng lượng xuất khẩu của nước ta trong năm 2015 chỉ đạt 131.000 tấn, giảm mạnh 23.500 tấn và 15,2% so với năm 2014. Không những vậy, số liệu thống kê của ITC còn cho thấy, trong năm này, nhập khẩu của nước ta đã tăng đột biến và đạt 22.300 tấn.

Thực tế này có nghĩa là, có khoảng 60.000 tấn đã được găm lại, khiến tỷ trọng của nước ta trong “rổ hồ tiêu” thế giới giảm mạnh xuống chỉ còn 31,2%, trong khi năm 2014 đạt kỷ lục 38,3%.

Còn hiện tại, nguyên nhân giá hồ tiêu của nước ta tụt dốc không phanh là do chúng ta “bung hàng” quá mạnh. Chỉ trong chín tháng, chúng ta đã xuất khẩu 181.000 tấn, tăng tới 23,3% so với cùng kỳ và vượt rất xa cả năm 2015. Trong khi đó, tổng lượng xuất khẩu của tám nước sản xuất hồ tiêu chủ yếu khác trong nửa đầu năm nay chỉ mới đạt 51.300 tấn, giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ.

Tính chung lại, tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam và tám nước sản xuất hồ tiêu chủ yếu khác trong sáu tháng đầu năm nay đạt 177.000 tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Thực tế này bác bỏ nhận định cho rằng, giá xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh là do nhu cầu tiêu thụ của thế giới yếu, chất lượng hồ tiêu của Việt Nam kém…

Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước

Với thị phần hầu như liên tục tăng, tuy nông dân Việt Nam đã giữ vai trò điều tiết thị trường hồ tiêu thế giới ngày càng mạnh kể từ năm 2011 đến nay nhưng rõ ràng là chúng ta đang tự hại mình. Bởi lẽ chúng ta không chỉ đã bị vuột mất cơ hội vàng năm 2015, mà còn đang phải gánh chịu hệ quả do “ôm hàng” quá nhiều ở thời điểm sốt nóng, cho nên đã, đang và chắc chắn sẽ còn phải tiếp tục tăng tốc “xả hàng gây lụt” thị trường hồ tiêu thế giới.

Nguyên nhân chủ yếu có lẽ nằm ở chỗ, hàng ngàn nông dân nước ta tuy có đủ tiềm lực kinh tế để điều tiết việc tiêu thụ hàng hóa của mình nhưng vẫn tù mù về tổng thể cán cân cung – cầu của thị trường hồ tiêu thế giới.

Vì vậy, thay vì chỉ khuyến cáo chung chung, đại loại như nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích… các cơ quan quản lý cần gánh trách nhiệm thu thập các dữ liệu cần thiết để vẽ ra bức tranh về thực trạng và triển vọng của thị trường hồ tiêu thế giới.

Nguồn Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes.vn)

17 phản hồi cho bài "Điều tiết giá hồ tiêu thế giới: đừng để nông dân tự lo"

nguyễn thanh tuấn

Bài viết sâu sắc, hay. Các chuyên gia hãy xem vì tôi cho đây là nhận định đúng đắn, đáng khen cho tác giả có quan tâm đến sự tụt dốc của ngành hồ tiêu Việt Nam chúng ta. Cảm ơn tác giả.

Nguyễn Vịnh

Tuy bài viết vẫn còn 1 số vấn đề cần quan tâm sâu sắc hơn nữa. Song chú vẫn đánh giá chú Nguyễn Đình Bích là chuyên gia phân tích thị trường nông sản hàng đầu của Vinanet hiện nay. Tiếc là những bài viết này chưa thực sự được quan tâm thấu đáo…
Thị trường vốn có sự canh tranh, ngay cả trong các thành viên cùng 1 hiệp hội.

Dan Viet

Nhiều người quan niệm là không muốn thông tin, dữ liệu rõ ràng minh bạch. Mọi người muốn dấu bớt sản lượng, hàng tồn để làm giá với bạn hàng nhằm bán được giá cao do lợi dụng được sự thiếu thông tin của khách hàng.

Khổ nỗi là khách hàng ngoại họ có đủ các biện pháp và nguồn lực cần thiết để có được những dữ liệu họ cần, chỉ có nông dân ta là thiếu thông tin và trả giá đắt vì thiếu thông tin mà thôi.

Nếu xét một cách tổng thể, toàn diện thì minh bạch thông tin vẫn có lợi hơn trong dài hạn cho người dân.

Nguyen Ngoc Khoa

Mấy ông lãnh đạo Hiệp Hội Hồ Tiêu Việt Nam là các Chủ Tịch HĐQT, các Tổng Giám Đốc của các DN xuất khẩu Hồ tiêu ở Việt Nam, điều này rõ ràng lợi ích DN của mấy ông này là trên hết, còn lợi ích của dân trồng tiêu thì không bao giờ quan tâm. Mấy ổng này cứ cho dân trồng tiêu ồ ạt, cung vượt cầu làm tiêu hạ giá, mấy ổng đưa ra 1001 nguyên nhân cũng là do dân trồng tiêu. Nói như anh Nguyễn Vịnh: “ngay cả trong các thành viên cùng 1 hiệp hội” cạnh tranh nhau, tâm trí đâu mà lo lợi ích cho dân. Việt Nam là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới mà không điều tiết được giá trên thị trường là một nỗi nhục…

Trần hiệp

Theo như cháu thấy thương lái ôm hàng là chính. Còn đa số nhà nào họ cũng trữ không nhiều lắm, mỗi người mua bán 1 kiểu, cũng 1 tấn mà bán cho 3 người 3 cách mua khác nhau làm chính người nông dân cũng hoang mang.

Thắng Lợi

Cách mua bán đã được Hiệp hội Hồ tiêu VPA đưa ra với mong muốn các nơi đều thống nhất, nhưng thương lái vẫn muốn mua theo cách riêng của mình. Chỉ mới chuyện mua bán mà bà con cũng chỉ biết theo thương lái để họ muốn làm gì cũng được, thì làm sao bàn được chuyện lớn hơn nữa như chất lượng, xuất khẩu, thương hiệu…!

Senca

Áp dụng theo chuẩn của Hiệp hội Hồ tiêu đưa ra:
-Dụng cụ đong : cái lít chuẩn 1.000 ml .
-Dung trọng chuẩn : 500 gram / lít. Chênh lệch 10 gr tính +/- 1 dzem.
-Đơn giá mua/bán : Theo đầu giá ở địa phương.
Đặc biệt là : Không chấp nhận những dụng cụ đong lường không đúng 1.000 ml
Tại sao không làm được ?!

*Đề nghị cách kiểm tra dụng cụ đong đúng chuẩn : Đưa lon không lên cân, xác nhận số cân chỉ báo (ví dụ : lon nặng 145 gr). Lấy nước sạch đổ vào lon, nếu cân chỉ báo 1.145 gr là lon đúng chuẩn 1.000 ml. Nếu sai số thì cứ lệch 10 gr là sai 1 dzem giá trị.

Bảo ngọc

Có cái gì xấu mà không đỗ lỗi cho nông dân đâu. Nghe riết thấy nhàm.

Quách đang

Xin cảm ơn tác giả, bài viết cho những người nông dân tù mù thông tin như tôi có cái nhìn rõ hơn về thị trường hồ tiêu.

tri huu

Không bán thì lấy gì để chi phí cho sinh hoạt hàng ngày…

Lê Thuận

Người nông dân nghĩ gì khi đọc bài viết này ? Giá cả là do thị trường quyết định, ở đây là thị trường XK, tức là các nước nhập khẩu hồ tiêu. Tôi không tin có ai đó có thể điều tiết được thị trường. Người nông dân VN càng không thể.

Theo tôi, ngoài quan hệ cung cầu, bán nhiều giá giảm và ngược lại, thì cần phải tính thêm yếu tố khác. Thời cuối những năm 90s, cung đâu có đủ cầu mà giá tiêu vẫn sụp đổ từ trên 5000 USD/tấn xuống 800 USD/tấn ? Đó chính là hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính từ Đông Á lan sang toàn cầu khiến mọi thị trường sụp đổ chứ không riêng gì hồ tiêu. Còn nay thì sao ? Sau rally tăng giá mỗi năm bình quân 18-20% từ 2011 tới 2016, thị trường tiêu đã rơi vào khủng hoảng từ đầu vụ 2017 khi liên tục rớt giá.

Chúng ta hãy đi tìm lý do chính của đợt khủng hoảng này…

lê thanh tú

Các công ty xuất khẩu hồ tiêu chính là những người làm cho giá tiêu VN rớt thê thảm, làm thiệt hại to lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của người trồng tiêu.
Mọi người thử nghỉ xem, họ là công ty xuất khẩu mua tiêu của nông dân khi xuất đi họ chỉ cần có lời là được nên họ dâu cần kiềm giá, điều tiết giá đâu để làm gì. Tranh thủ xuất được càng nhiều thì lời càng nhiều, nên họ không cần điều tiết giá làm gì. Mua tiêu giá thấp xuất khẩu thấp hơn giá các nước khác họ vẫn lời mà. Chỉ nông dân thiệt thôi…

Dan Viet

http://www.giatieu.com/thi-truong-tieu-gia-tieu-vuot-moc-7000-rupi-kg/6491/

Các bác hãy cùng đọc lại những gì chúng ta trao đổi 4 năm về trước cũng trên diễn đàn này. Dan Viet chỉ muốn nhắc lại một câu thôi:

“Ta không thay đổi được huóng gió nhưng ta có thể thay đổi được cánh buồm”

Bốn năm trước Dan Viet đã cảnh báo bà con tình huống đang xãy ra hiện nay, khuyên mọi người tiết kiệm, tích cốc phòng cơ và đa dạng canh tác để chia nhỏ rủi ro giá biến động, liệu có ai còn nhớ ?

lê văn thái

Theo mình nhìn thấy việc mở rông diện tích hồ tiêu được luật bù trừ trời đất cho thấy số hồ tiêu mới trồng bằng số hồ tiêu bị thiên địch gây hại. Cho nên ta hãy nhìn thực tế trên các giao dịch mua bán giá cả đều không như nhau là tại sao? Chắc có lẽ tại vì… nhiều hơn nữa… Thôi thì ta cứ cố gắng rồi sẽ qua.

Cáp tuấn

Mọi thứ đều có quy luật chung. Lúc lên lúc xuống như hình Sin. Khi thị trường không chuộng cái gì, hoặc cung nhiều, dư thừa thì cạnh tranh để hạ giá. Hoặc giá cả bị đẩy lên cao quá so với sức chịu đựng của người mua thì người ta sẽ không mua nữa. Chỉ có nước uống, thực phẩm để ăn, thuốc chữa bệnh, … thì bắt buộc.
Còn tiêu là gia vị, nếu giá cả vừa phải thì người bình dân sẽ dùng, nhưng cao quá thì họ sẽ ngừng cũng có chết ai đâu.
Bản thân gia đình tôi, lúc trước vẫn sử dụng tiêu nhiều để làm gia vị trong bữa ăn, sau khi giá tiêu lên cao quá tôi lại thôi sử dụng. Bây giờ tiêu rẻ thì sử dụng lại. Đó giống như là thói quen, mà để hình thành thói quen thì phải có thời gian. Khi người tiêu dùng bị shock giá thì thời gian phục hồi phải khá dài hơi.
Nếu có tổ chức uy tín đứng ra điều hành thì giá cả mới ổn định được, chứ người nông dân như rừng cây, gió chiều nào thì nghiêng theo chiếu đó!

thuanbp

Tôi rất hay theo dõi diễn đàn nhưng chủ yếu là để học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật là chính. Chưa bao giờ mà tôi để ý đến giá cả lên hay xuống và tôi mong mọi người cứ chăm bón cho tốt, học hỏi kinh nghiệm để tiêu không chết mà đầu vào ít nhất có thể mà đầu ra hiệu quả thì giá nào ta cũng vẫn ok. Nói ít thôi làm nhiều vào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *