Đồng Nai: Dân ồ ạt chuyển trồng sầu riêng, diện tích hồ tiêu giảm mạnh

Việc chặt bỏ hồ tiêu tiếp tục diễn ra ở Đồng Nai, hầu hết người dân sẽ chuyển đổi hồ tiêu sang trồng sầu riêng, do loại trái cây này đang có giá cao và đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Diện tích hồ tiêu ở Đồng Nai giảm còn 11.400ha. Ảnh minh họa. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ngày 20/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết năm năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ khoảng 5.600ha hồ tiêu.

Năm 2018, diện tích hồ tiêu của Đồng Nai là gần 17.000ha, nhưng đến nay giảm còn khoảng 11.400ha.

Bên cạnh đó, do giá hồ tiêu xuống thấp nên nông dân Đồng Nai giảm đầu tư, không chú trọng chăm sóc vườn tiêu, điều này khiến năng suất hồ tiêu hiện nay giảm khoảng 30% so với trước.

Dự báo tới đây, việc chặt bỏ hồ tiêu tiếp tục diễn ra ở Đồng Nai, hầu hết người dân sẽ chuyển đổi hồ tiêu sang trồng sầu riêng, do loại trái cây này đang có giá cao và đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Trước năm 2018, giá hồ tiêu tăng cao nên nông dân ở Đồng Nai ồ ạt chặt bỏ nhiều loại cây để trồng tiêu, do phát triển nóng nên diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh vượt quy hoạch hàng nghìn ha.

Những năm qua, giá hồ tiêu liên tục duy trì ở mức thấp, trong khi đó loại cây này đòi hỏi nhiều công chăm sóc, dễ bị sâu bệnh nên nông dân không còn mặn mà với hồ tiêu.

Ngoài ra, giai đoạn hồ tiêu giá cao người dân đua nhau trồng loại cây này, không ít hộ trồng tiêu trên vùng đất không phù hợp, năng suất thấp.

Những năm trước, người dân chặt bỏ hồ tiêu để trồng mít, bưởi. Hiện các loại trái cây này giảm giá, nông dân lại chuyển qua trồng sầu riêng.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho thấy năm 2018, toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 15.000ha mít, bưởi, sầu riêng (diện tích mỗi loại khoảng 5.000ha) nhưng đến nay, tỉnh có hơn 9.000ha mít, trên 10.300ha bưởi và gần 11.500ha sầu riêng.

Hồ tiêu là cây chủ lực của Đông Nai với thị trường xuất khẩu khắp thế giới.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân chỉ chặt bỏ hồ tiêu già cỗi, tuyệt đối không chặt bỏ hồ tiêu mới trồng, đang thu hoạch tốt.

Để tăng lợi nhuận, nông dân tính toán trồng xen các loại cây khác trong vườn tiêu. Đồng thời, giảm chi phí sản xuất bằng cách áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật vào canh tác; tăng cường liên kết, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn nhằm tăng giá trị của hồ tiêu.

Nguồn Công Phong (TTXVN/Vietnam+)

5 phản hồi cho bài "Đồng Nai: Dân ồ ạt chuyển trồng sầu riêng, diện tích hồ tiêu giảm mạnh"

Nguyễn Vịnh

Bà con nông dân Đồng Nai đã chuyển đổi nhiều diện tích hồ tiêu sang trồng chuối cấy mô để xuất khẩu đã 4-5 năm nay rồi. Do có đầu ra khá ổn định, trồng chuối cũng nhàn hạ, thu nhập cũng khá hơn nhiều !

tran van

Hiện tại năm 2023, nếu vườn tiêu nào phá bỏ cho thuê đất để trồng chuối xuất khẩu cũng được 100 triệu/hecta (các bác có người quen ở Đồng nai có thể kiểm chứng). Trong khi trồng tiêu 1 năm không tính công nhà thì chỉ huề vốn hoặc lãi 20-30 triệu. nên việc phá bỏ vườn tiêu là tất yếu, người nông dân trồng tiêu đã quá kiệt quệ, so với trồng sầu riêng, chuối xuất khẩu thì thu hoạch phấn khởi vô cùng. Công nhân đi làm chuối cũng rất nhàn và giá cao, từ 350-500k/ngày. trong khi hái tiêu nguy hiểm và vất vả hơn nhiều cũng chỉ tầm 300-400k nên việc thuê nhân công hái tiêu ở Đồng Nai rất khó. sầu riêng thì thương lái tự cho người vào vườn cắt, chủ vườn chỉ việc cân kg và đếm tiền, là nông dân tôi cũng thấy thương cho người trồng tiêu. Với giá 100k/kg thì trồng tiêu cũng khó cạnh tranh với sầu riêng và chuối xuất khẩu và một số cây trồng khác nữa.

Hằng Nguyễn

Nhà nước bảo duy trì – thật cũng muốn duy trì các cô, chú ạ. Nhưng thực tế thì khác chi phí nhân công, chi phí chăm sóc tiêu tăng cao. Chỉ nói riêng cp nhân công nhiều lúc hái chia đôi họ còn không thèm hái. Ba mẹ cháu cũng muốn trồng lại mà đang cân nhắc thấy khó khăn quá. Gía thấp không bù lại chi phí huống chi là giá cả tiêu dùng tăng bán 1kg không đủ mua nước mắm chan cơm. (nông dân cười ra nước mắt). Nhà cháu ở huyện Châu Đức – nhà nhà đa phần chuyển đổi cây trồng sang cây ăn trái, nuôi bò dê…

Bùi Hồ

Việc dân phá bỏ Hồ tiêu để chuyển sang trồng Sầu riêng cũng là một tiến trình tự nhiên trong chuỗi cân bằng sản xuất hàng hóa .
Bất kể một mặt hàng nào cung chưa đủ cầu thì được coi là hiếm và giá sẽ cao ngay đến như Kim cương cũng vậy ! Nhưng khi nguồn cung dư thì Hồ tiêu hay Sầu riêng giá cũng sẽ xuống thấp mà thôi .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *