Giá hạt tiêu giảm do nguồn cung dồi dào

6 tháng đầu năm, giá hạt tiêu giảm 16.000 – 17.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2017.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá hạt tiêu trong nước tháng 6/2018 giảm so với tháng trước. Cụ thể, tháng 6/2018, giá hạt tiêu đen tại thị trường trong nước giảm từ 4,4% – 7,0% so với tháng 5/2018, mức giá thấp nhất là 53.000 đồng/kg tại tỉnh Đồng Nai, mức cao nhất là 55.000 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Giá hạt tiêu trắng đạt mức 97.000 VNĐ/kg, ổn định so với tháng 5/2018, nhưng thấp hơn so với mức giá 117.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2017.

Giá tiêu giảm do nguồn cung dồi dào và thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc. Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, giá hạt tiêu giảm do nguồn cung lớn, giảm 16.000 – 17.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2017.

Những năm gần đây, việc phát triển diện tích trồng cây hạt tiêu đã vượt tầm kiểm soát. Diện tích hạt tiêu cả nước hiện khoảng 152.668ha, vượt quy hoạch định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 300%. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trước tình trạng cung vượt cầu, giá liên tục giảm, ngành hạt tiêu Việt Nam có kế hoạch cắt giảm diện tích trồng tiêu đen gần 26,7%.

Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê sơ bộ, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 6/2018 đạt 23 nghìn tấn, trị giá 75 triệu USD, giảm 0,4% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với tháng 5/2018, tăng 0,3% về lượng, nhưng giảm 30,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt tiêu ước đạt 133 nghìn tấn, trị giá 457 triệu USD, tăng 5,9% về lượng, nhưng giảm 35,7% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2017.

Tháng 6/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu ước đạt 3.261 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 5/2018, nhưng giảm 30,9% so với tháng 6/2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt tiêu đạt khoảng 3.439 USD/tấn, giảm 39,3% so với 6 tháng đầu năm 2017.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá hạt tiêu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do áp lực dư cung. Theo Hiệp hội hạt tiêu quốc tế, trong vòng 5 năm trở lại đây sản lượng tồn kho tăng khoảng 20.000 tấn/năm. Dự kiến trong năm 2018, sản lượng hạt tiêu tồn kho từ vụ trước đạt khoảng 104.000 tấn.

Nguồn Nhịp sống kinh tế/CafeF

10 phản hồi cho bài "Giá hạt tiêu giảm do nguồn cung dồi dào"

Dan Viet

Ước tính mỗi năm thế giới tiêu thụ 450 ngàn tấn tiêu.
Nếu chỉ tồn 104 ngàn tấn thì giá phải cao kinh khủng vì thời gian vận chuyển, kho vận, chế biến đã mất khoảng 2.5-3 tháng. Lượng tồn kho mà tương đương với thời gian logistic (hậu cần) cần thiết thì đồng nghĩa với việc thế giới đang cận kề trạng thái hụt hàng. Mà hụt hàng thì giá phải tăng khủng chứ đâu có giảm chóng mặt như thế được.

Con số tồn kho 104 ngàn không phải là hơi sai sai mà là rất sai luôn.

Nguyễn Vịnh

@Dan Viet
Nhà báo phần lớn chỉ viết theo cảm tính.
Nhưng rất cần những phản biện như trên giúp cho cộng đồng hiểu rõ vấn đề.
Thân

Tran Tu

Nghe nói bên Indo năm nay cũng mất mùa vì giá rớt quá nên dân họ cũng không chăm mấy…

Dan Viet

Đó là con số do IPC công bố chứ chẳng có nhà báo nào chế cả chú ạ.

Dân mình hay tin vào những gì các tổ chức có tên gọi hoành tráng công bố (vì không có cơ hội kiểm chứng).

Cháu chỉ muốn chỉ ra một điểm không logic để chia sẽ cách đọc và đối chiếu thông tin nhiều chiều mà cháu hay áp dụng, giúp mọi người tránh thiệt hại không cần thiết.

Dan Viet

Nếu tin vào tin đồn thì nước nào cũng mất mùa, năm nào cũng là năm mất mùa.
Chính vì vậy mà các cty đa quốc gia phải thành lập một nhóm khảo sát, nghiên cứu sản lượng toàn cầu để nắm thông tin chuẩn xác. Họ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, có cả người Việt Nam.

Một người trong số đó đang ở Indo và thấy rằng không có chuyện đó nhé bác Tran Tu!

Tran Tu

Ý @ Dan Viet là thông tin của IPC cũng không thực sự để tin cậy chăng?

Nguyên Thanh Tuấn

Theo tôi được biết hiện nay tiêu ở một số vùng trong nước bị bệnh dịch chết rất nhiều, nhân dân đang điêu đứng vì tốn kém cho việc chữa trị nhưng kết quả thì không mấy khả quan lại thêm giá cả ngày một tụt dốc thế này thì không biết bà con trồng tiêu còn cầm cự được bao lâu nữa. Nếu chuyển đổi cây trồng thì biết trồng cây gì trong thời điểm này hơn nữa để cứu vãn cây tiêu và chờ giá nên bà con đã cạn kiệt tài chánh và còn nợ ngân hàng 1 số tiền không nhỏ, không biết số phận của những người trồng tiêu rồi phải ra sao?
Rất mong cộng đồng góp ý bây giờ chúng ta phải làm thế nào để có thể tồn tại trong xu thế thị trường tiêu hiện nay. Thân chào!

Longhoang

Giá tiêu hạ. Bây giờ chỉ có người làm nông đích thực có thể tồn tại, doanh nghiệp sẽ buông vì lợi nhuận không thể trả đủ nhân công làm và hái, phân bón, thuốc. Nhà tôi có nuôi vài chục con dê, dư phân chuồng bón, tốn ít tiền mua nấm trico ủ. Một ít phân npk, xịt vài lần bisol, nói chung không tốn kém bao nhiêu. Tốn kém nhất là công hái với giá cả thế này có thể chỉ bằng công hái. Do vậy ta phải huy động gia đình từ trẻ đến già để hái. Phá bỏ các cây năng suất thấp, trồng xen cây ăn trái vào. Chỉ giữ lại các trụ cho năng suất cao thì giá cả vậy có thể sống được.

Nguyên Thanh Tuấn

Hiện nay giá tiêu thì giảm, tiêu ở một số vườn lại bị nhiễm bệnh chết, bà con không ai mặn mà về tiêu . Hơn nữa tiêu giống chắc không đảm bảo nên việc tái sản xuất tiêu là vấn đề khó cho bà con vì các vườn tiêu hầu như điều nhiễm bệnh.
Để đảm bảo có giống tiêu sạch, nên tìm kiếm, lựa chọn những vườn chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh để mua. Hạn chế mua tiêu giống không có nguồn gốc chắc chắn rõ ràng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *