Giá hạt tiêu thế giới lập kỷ lục mới, tiêu trong nước trì trệ
Tại Châu Đức, Bà Rịa- Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đạt 129.000 đồng/kg; tại Lộc Ninh, Bình Phước giá 126.000 đồng/kg; tại Cư M’Gar, Đak Lak giá 124.000 đồng/kg và tại Chư Sê, Gia Lai giá 123.000 đồng/kg.
Sau khi nhà đầu tư gom hàng và đẩy giá lên cao lập kỷ lục lịch sử mới, giá hạt tiêu kỳ hạn trên sàn NCDEX tại Ấn Độ quay đầu suy giảm bởi áp lực bán ra và hoạt động chốt lời.
Chốt phiên giao dịch hôm qua 20/3, cũng là ngày chuyển kỳ hạn tháng, các kỳ hạn tháng 3, 4, 5 lần lượt mất 1.610 Rupi, 1.455 Rupi và 1.390 Rupi, xuống mức 40.065 Rupi/tạ, 42.685 Rupi/tạ và 43.615 Rupi/tạ, tương đương giá 8.026 USD/tấn, 8.551 USD/tấn và 8.737 USD/tấn ( 1 USD = 49,9187 Rupi ). Giá hạt tiêu giao ngay cũng ở mức 40.728 Rupi/tạ, tương đương giá 8.159 USD/tấn. Dù giảm song đây vẫn là các mức rất cao.
Việc giá tiêu kỳ hạn thế giới tại Ấn Độ duy trì ở mức cao cho thấy giá hạt tiêu vẫn còn chứa đựng nhiều bất ngờ trong thời gian tới.
Cùng ngày, trên sàn SMX tại Singapore, giá hạt tiêu giao tháng 3 đóng cửa ở 6.700 USD/tấn trong khi kỳ hạn tháng 4 được đẩy vọt lên 7.138 USD/tấn và kỳ hạn tháng 5 lên 7.294 USD/tấn, nhưng không có giao dịch nào thành công. Trong khi trên sàn Ấn Độ giá vẫn tăng cao và chênh lệch quá lớn với sàn Sing, đặc biệt là qua giao dịch kỳ hạn tháng 4, 5 không thành công, có thể cho rằng đã tiềm ẩn những bất ổn tại sàn này vì sự chênh lệch kéo dài đã trở nên phi lý.
Giá hạt tiêu Ấn Độ loại đặc chủng MG1 xuất đi Châu Âu giá 8.650 USD/tấn (C&F) và đi Mỹ giá 8.950 USD/tấn (C&F). Trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn chào ở mức khá ổn định với tiêu đen loại 500 Gr/l-FAQ giá 6.500-6.600 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ giá 6.850-6.950 USD/tấn (FOB), tiêu trắng loại DW 630Gr/l giá 9.800-9.900 USD/tấn (FOB) nhưng rất hạn chế.
Trưa nay 21/3, giá tiêu đen xô ở các thị trường nội địa giảm nhẹ. Tại Châu Đức, Bà Rịa- Vũng Tàu giá 129.000 đồng/kg, tại Lộc Ninh, Bình Phước giá 126.000 đồng/kg, tại Cư M’Gar, Đak Lak giá 124.000 đồng/kg và tại Chư Sê, Gia Lai giá 123.000 đồng/kg, khoảng cách chênh lệch giữa các thị trường nội địa đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay.
Tuy giá tiêu trong nước vẫn duy trì ở mức thấp nhưng lại có những nghịch lý. Theo các thương lái, người trồng tiêu hạn chế bán ra vì cho rằng giá đang ở mức quá thấp so với giá tiêu thế giới. Nhưng số hàng đã được lưu thông thì các công ty, các đại lý kinh doanh lớn cũng hạn chế thu vào vì “chưa có hợp đồng” và “thiếu vốn dự trữ”. Trái lại, các nhà đầu cơ nhỏ lẻ, nhà khá giả đặt hàng mua khá nhiều.
Theo các nhà trồng tiêu ở Đak Lak, họ đã thu hái hơn 80% diện tích. Năng suất tiêu năm nay không bằng năm ngoái. Chị Thanh Tâm ở huyện Cư Kuin cho biết, năm ngoái có 300 gốc tiêu tốt chị thu được gần 1,5 tấn tiêu khô, nhưng năm nay chỉ thu được hơn 5 tạ. Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, mưa nắng bị xáo trộn không theo quy luật thường niên như trước.
Theo dõi của hãng tin Reuters trong những năm gần đây cho biết, mỗi năm thế giới thiếu hụt từ 35.000-40.000 tấn tiêu các loại mà chưa dễ bù đắp. Trong khi Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) trong dự báo gần đây nhất cho rằng, năm 2012 thế giới thiếu khoảng 52.000 tấn tiêu các loại.
Các nhà phân tích thị trường cũng cảnh báo, từ khoảng tháng 6 trở đi thị trường hạt tiêu thế giới sẽ căng thẳng hơn bao giờ hết vì giá cả.
Anh Văn
10 phản hồi cho bài "Giá hạt tiêu thế giới lập kỷ lục mới, tiêu trong nước trì trệ"
Đọc bài phân tích thị trường hạt tiêu của ANH VĂN có một điều chưa hiểu mong ANH VĂN giải thích cho bà con nông dân chúng tôi được hiểu rõ hơn. Tại sao chúng ta lại phải phụ thuộc vào sàn giao dịch SMX? Nếu sàn này tình trạng giao dịch không thành công kéo dài, liệu ngành xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam có còn đi theo con đường xuất khẩu nào khác? Hay chỉ phụ thuộc vào sàn này. Cảm ơn.
Tôi cũng có suy nghĩ như bạn Lê ngọc Hồng vậy đó. Tại sao chúng ta ko hợp đồng xuất khẩu theo sàn giao dịch của Ấn Độ mà cứ phụ thuộc vào sàn SMX ? Hay các nhà xuất khẩu trong nước đang ép bà con nông dân ta ?
Tôi cũng muốn hỏi như thế. Nếu như ko phụ thuộc sàn SMX thì phải chăng các nhà xuất khẩu trong nước lợi dụng đang mùa thu hoạch tiêu ép giá tiêu trong nước?
Người dân thì chằng ai chịu bán ra với cái giá này. Nhưng vẫn biết thường thì dân phải bán trên dưới 1/3 sản lượng tiêu thu hoạch để trang trải chi phí trong năm nên các nhà xuất khẩu ép nhiêu được thì ép… mua được sản lượng bao nhiêu thì mua…!
Theo tôi thì chắc chắn là các nhà xuất khẩu trong nước đang ép giá nông dân rồi vì trước đây họ vẫn bán theo giá của sàn Ấn độ mà; quan hệ giao dịch với các khách hàng trước đây vẫn còn chẳng lẽ họ lại chịu bán hàng theo giá sàn Sing cho khách hàng để rồi khách hàng mang bán trên sàn Ấn hay sao? Thật vô lý!
Chỉ tội cho bà con nông dân cần vốn sinh nhai buộc phải bán mà thôi. Nếu ai chưa cần tiền thì nên hãy cứ chờ đợi.
DN ép giá chứ còn gì nữa, họ mua giá thấp theo sàn Sing xong lại bán giá cao theo sàn Ấn. Một khoản lời khủng đó.
Ko có ai can thiệp hết, vì lợi ích của mấy anh lớn mà nông dân chết.
Thấy “tiêu đen” nói thế… nghe mà bức xúc cho người dân.
Các bác yên tâm. DN trong nước làm ăn lớt phớt. Thương nhân Trung Quốc, hay bất kỳ thương nhân nước ngoài nào nhảy vô là DN trong nước chết thôi.
Tôi thấy, càng ngày chính sách ép dân càng nặng nề hơn:
– quá nhiều loại phí.
– giá tăng để bù cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ: bắt dân gánh giùm cho… đủ kiểu hết.
Đúng rồi doanh nghiệp nhà nước mà làm ăn được gì. Lấy của dân của nước về làm của riêng cho gia đình thì có … Khi nào mà ko bắt dân gánh dân chịu.
Bên nước ngoài cái gì dân, doanh nghiệp làm ko đc thì nhà nước làm. Còn ở Việt Nam cái gì ngon dễ thì nhà nước giành làm độc quyền cho doanh nghiệp nhà nước rồi hô : mình giỏi, làm ăn có lời …
Mùa tiêu năm ngoái, thương nhân Trung Quốc lùng sục vào tận nhà vườn để mua tiêu cho nên giá tiêu ở Việt Nam còn nóng hơn sàn Ấn. Năm nay kinh tế TQ lao đao không quan tâm đến thị trường tiêu của VN cho nên giá cả mặt hàng tiêu của ta ì ạch. Thế đấy, nhưng hễ có cty nước ngoài nào đó muốn vào Việt Nam để thu mua nông sản là các cty trong nước viện ra đủ lý do để ngăn cản và cho rằng về sau này họ sẽ thao túng thị trường nông sản nước ta. Cũng chính vì thế nông dân mình ngày càng thấy rõ ý đồ của các cty trong nước hơn, họ chỉ ra sức bảo vệ lợi ích của họ chứ không phải vì lợi ích của nông dân. Chúng ta có hội nông dân Việt Nam nhưng hội hoạt đông quá yếu kém, chẳng có ai đứng ra để bảo vệ quyền lợi của nông dân cả. Tất cả chúng ta đều phải tự bơi để cứu lấy mình, trước kia tôi cảm thấy đơn độc, nhưng giờ đây thì khác rồi, công nghệ phát triển chúng ta kết nối với nhau dễ dàng hơn, hy vọng một ngày nào đó tiếng nói của chúng ta đủ mạnh vang vọng tới một ai đó có tâm huyết để vực dậy ngành nông nghiệp nước nhà. Tôi rất đồng tình với phản hồi của BAOPN. Có thể nói rằng các cty trong nước sợ cty nước ngoài, nông dân thì sợ cái tâm của các cty trong nước.
Mấy nhà đầu cơ thì đang làm xiếc trên các sàn giao dịch kỳ hạn. Còn mấy doanh nghiệp xuất khẩu thì đang làm xiếc với bà con nông dân.
Thương trường hạt tiêu hạt điều kín bưng như nấy trang web của IPC lẫn VPA, chỉ dành để cho nhà kinh doanh thôi.
Thông tin trên mạng hết 2/3 là tin ảo, nhằm bịt mắt thiên hạ để mà kiếm tiền.
Giờ đã thấy sáng mắt khi làm chủ giá tiêu thế giới chưa, nghe mà ham !