Giá hạt tiêu Việt Nam lên sàn tăng “như diều gặp gió”
Hôm nay 15/2, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu đang giao dịch ở mức giá 124.000 đồng/kg. Các thị trường nội địa khác giá thấp hơn 5.000-6.000 đồng/kg.
Chốt phiên thứ Ba ngày 14/2, giá tiêu thế giới trên sàn NCDEX tại Kochi-Ấn Độ bật tăng trở lại. Các kỳ hạn giao tháng 2,3,4 lần lượt tăng 425 Rupi, 385 Rupi và 305 Rupi, lên mức 29.535 Rupi/tạ, 29.975 Rupi/tạ và 30.250 Rupi/tạ, tương đương 6.015 USD/tấn, 6.105 USD/tấn và 6.161 USD/tấn (1 USD = 49,0987 Rupi). Tính theo giao dịch bằng đồng Rupi thì giá giảm nhẹ nhưng qui đổi ra USD thì giá vẫn tăng 20-60 USD so với ngày 10/2 tùy theo kỳ hạn tháng.
Giá hạt tiêu giao ngay tăng tiếp thêm 42 Rupi, lên 30.948 Rupi/tạ, tương đương 6.303 USD/tấn.
Cũng phiên ngày 14/2, giá tiêu đen trên sàn SMX tại Singapore kỳ hạn giao tháng 3 tăng 257 USD, tương đương tăng 4,38 %, lên đứng ở 6.119 USD/tấn, mức tăng rất ấn tượng.
Nhìn chung, giá tiêu trên các thị trường kỳ hạn lẫn các thị trường nội địa đang có xu hướng tăng.
Được biết, tiêu chuẩn loại hạt tiêu đưa lên giao dịch trên sàn SMX tương đương loại 550 Gr/l-FAQ, là tiêu chuẩn tiêu đen loại 1 Việt Nam. Sắp tới sàn SMX sẽ đưa tiêu đen tương đương loại 500 Gr/l-FAQ, là tiêu chuẩn tiêu đen loại 2 Việt Nam và cũng là loại Việt Nam xuất khẩu với khối lượng nhiều nhất, vào giao dịch nhằm thu hút khối lượng giao dịch qua sàn tăng lên. Do hạt tiêu Việt Nam hiện đang chiếm 43% khối lượng xuất khẩu tiêu toàn cầu và giữ vị trí xuất khẩu tiêu số 1 thế giới nhiều năm qua.
Tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500 Gr/l-FAQ được chào giá 5.900-5.950 USD/tấn, loại 550 Gr/l-FAQ giá 6.250-6.300 USD/tấn, FOB, tăng nhẹ. Trong khi tiêu đen Ấn Độ loại đặc chủng MG1 chào bán giá 6.400-6.450 USD/tấn đi châu Âu và 6.750-6.800 USD/tấn đi Mỹ, (C&F), giảm nhẹ so với tuần trước.
Theo kế hoạch của Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam (VPA) nhằm đánh giá một cách đầy đủ, chính xác và đưa ra những nhận định, dự báo về sản lượng vụ tiêu năm 2012 trong phạm vi cả nước, VPA hiện đang tổ chức đoàn khảo sát tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm như Bình Phước, Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai sau khi đã khảo sát tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu cuối năm 2011 vừa qua.
Nhận xét không mấy khả quan về vụ tiêu năm 2012 của VPA qua đợt khảo sát trước đã làm dấy lên mối lo cho những nhà nhập khẩu tiêu, vì thể đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Qua đợt khảo sát lần này chắc chắn VPA sẽ đánh giá một cách chính xác và toàn diện hơn.
Hiện nay tất cả những vùng trồng tiêu chính ở Đông Nam bộ và Tây nguyên đều bước vào vụ thu hoạch tiêu năm 2012. Và cũng đã có những tín hiệu phản hồi về vụ mùa khác nhau.
Theo số liệu thống kê của Hải Quan, xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2012 đạt 3.435 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 23,9 triệu USD, tuy tăng 4,7 % về lượng nhưng giảm 5,8 % về giá so với tháng liền kề và giảm 27,6% về lượng nhưng lại tăng 3% về giá so với cùng kỳ năm trước. Bình quân giá tiêu xuất khẩu tháng 1/2012 đạt 6.971 USD/tấn.
Anh Văn
3 phản hồi cho bài "Giá hạt tiêu Việt Nam lên sàn tăng “như diều gặp gió”"
Tui mới nghe nói sàn tiêu Ấn Độ không cho thương nhân nước ngoài tham gia mua bán, có phải vậy không? Mong có ai biết xin trả lời giúp, cám ơn.
Chưa nên bán tiêu vội, bà con hãy chờ đến khoảng tháng 9, tháng 10 sẽ được giá tốt
Chúc bà con thành công
Mấy hôm nay tiêu ở sàn giao dịch Ấn Độ cũng lên như diều gặp gió. Còn giá trong nước hôm qua xuống 1.000đ/kg, hôm nay lên lại 1.000đ ,chẳng ra làm sao cả. Có lẽ phải tổ chức nào đó đứng ra thành lập hiệp hội để bảo vệ giá cả nông sản của người nông dân thôi, chịu hết nổi rồi.