Giá hồ tiêu thế giới ổn định, giá tiêu Việt Nam tăng cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu
Sáng nay 26/04, giá tiêu xô tại Bà Rịa – Vũng Tàu, thị trường có giá tiêu cạnh tranh nhất của nước ta đã tăng lên mức 64.000 đồng/kg, trong khi tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm khác giá dao động trong khung 61.000 – 63.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với ngày đầu tuần.
Theo báo cáo thương mại tuần của Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu Việt Nam loại 500 g/l ở mức 2.950 USD/tấn, tăng 200 USD và loại 550 g/l ở mức 3.300 USD/tấn, tăng 250 USD (FOB) so với 2 tuần trước đó, trong khi giá tiêu của hầu hết các nước đều không đổi hoặc giảm nhẹ.
Theo một chuyên gia về thị trường hạt tiêu, sở dĩ giá tiêu thế giới không đổi trong khi giá tiêu Việt Nam tăng là do dung trọng hạt tiêu Việt Nam hơn hẳn nhiều nước sản xuất khác, nhất là loại hạt tiêu có dung trọng cao rất được các thị trường khó tính ưa chuộng. Nếu người trồng tiêu nước ta biết chăm chút hơn và biết cách làm thương hiệu hơn nữa thì giá tiêu bán xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi, gấp ba giá hiện nay là điều nằm trong tầm tay.
Theo ông Nguyễn Vịnh, một chuyên gia về hồ tiêu và cà phê ở Đăk Lăk, thì việc pha trộn tạp chất trong tiêu không phải là chuyện mới mẻ mà đã xảy ra từ rất lâu. Bởi lẽ, theo quy định về chất lượng, hồ tiêu được phép pha trộn với tỷ lệ 0,5% tạp chất, và tất nhiên các tạp chất này nằm trong danh sách được phép – là phế phẩm tiêu chứ không phải tạp chất ngoại lai.
Tuy nhiên, việc pha thêm tạp chất vào hồ tiêu thường chỉ gây thiệt hại cho nhà nông và giá tiêu xô tại thị trường nội địa mà không ảnh hưởng gì đến thị trường xuất khẩu. Bởi lẽ với tạp chất được phép phối trộn thì nhà xuất khẩu phải thêm công đoạn sơ chế, phân loại, kiểm định kỹ càng… trước khi chào bán và đưa hàng xuống tàu xuất khẩu để đảm bảo việc kiểm định dư lượng hóa chất vô cùng nghiêm ngặt của thị trường thế giới, có khi tới 0,1 phần triệu (pm). Và chắc chắn nhà xuất khẩu sẽ tính sổ số tạp chất này và cộng thêm chi phí phân loại, kiểm định chất lượng lãng phí ngoài dự toán này để trừ vào giá chào mua tiêu xô của đại lý, của thương lái và từ đó các đại lý, thương lái sẽ giảm giá mua tiêu xô trực tiếp từ nông dân.
Ông Vịnh cho biết thêm, khi đề cập đến câu chuyện xảy ra gần đây ở Đăk Nông, hầu hết nông dân trồng tiêu đều có nguyện vọng mong muốn các cơ quan chức năng phải mạnh tay để tiệt trừ, đủ sức răn đe, ngăn chặn không cho những hiện tượng tương tự tái diễn bất kỳ dưới hình thức nào. Đây cũng là cơ hội để người dân nước ta, kể cả người sản xuất lẫn kinh doanh hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững để nông sản Việt được người tiêu dùng khắp thế giới hân hoan đón nhận, đừng để cả xã hội phải quan tâm “giải cứu” hết nông sản này đến nông sản khác khiến cho cuộc sống của nông dân luôn phải phập phồng trong sự bất an.
Được biết, cho tới khi Indonesia ra hàng vụ mới sẽ thu hoạch vào khoảng tháng 7 tháng 8, hạt tiêu Việt Nam là nguồn cung duy nhất cho toàn cầu hiện nay. Đây cũng là cơ hội để các nhà kinh doanh hạt tiêu Việt Nam mở rộng thị phần hơn nữa. Còn nhà nông, phải thay đổi tư duy và nhất là phải hành động để hạt tiêu ở vùng mình, quê mình phải mang được thương hiệu là hàng đặc sản hay chi ít cũng là hàng chất lượng được mọi người tin dùng.
Anh Văn
11 phản hồi cho bài "Giá hồ tiêu thế giới ổn định, giá tiêu Việt Nam tăng cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu"
Mấy công ty kinh doanh địa phương trộn tạp chất vào tiêu cho tăng dung trọng để thu lợi nhưng cuối cùng người nông dân phải gánh chịu hết…
Ở quê mình có câu ngạn ngữ: Cui đánh đục, đục đánh săn… chỉ hoàn cảnh này !
Buôn thì gian, bán thì lận. Chả trách xưa nay vì sao người ta cứ lại nghĩ như vậy !
Vẫn biết là con sâu làm rầu nồi canh…
Nhưng biết đến bao giờ mới hết nghĩ… Khó lòng thật !
Hiện nay tuy nguồn cung từ Việt Nam chi phối thị trường tiêu toàn cầu nhưng giá cả sẽ như thế nào còn tùy vào thương thảo và nhu cầu của khách mua. Mình hy vọng các nhà XK có chiến lược bán hàng hợp lý để cải thiện giá tiêu trong tháng 5+6+7 trước khi Indo ra hàng mới.
Khi mua hàng từ bà con họ làm tạp, tính toán dem độ rất kỹ. Nhưng họ trộn thêm tạp bán cho công ty cũng là lợi dụng kẻ hở của quy định % tạp để mà kiếm lời thôi.
Giá đất tăng cao, vay tiền mua đất lãi nhiều quá nên đành phải bỏ tiêu. Trồng các cây khác như bơ, mít, sầu riêng thu hoạch dễ dàng, không phải vất vả như hái tiêu… Chuyển đổi cây trồng là hợp lý nhất !
Cung nhiều làm giá giảm là chuyện đương nhiên. Mình rất hoan nghênh các bạn nhanh chóng lựa chọn phương án chuyển đổi cây trồng khác có lợi nhuận hơn. Mình chấp nhận gian khổ giữ lại cây hồ tiêu để nhường thuận lợi cho mọi người. Chúc sớm gặt hái thành công !
Sự thành công chỉ dành cho những người biết kiên nhẫn…
Tưởng rằng giá tiêu xô trong nước sẽ lên bờ xuống ruộng sau vụ tạp chất nhuộm pin.
Nhưng giá tiêu xô vẫn đứng vững gần 5 ngày qua chứng tỏ thị trường không bị tác động xấu chi phối cả trong nước lẫn xuất khẩu…
Sàn hồ tiêu Ấn Độ đã ngừng giao dịch do nguồn hạt tiêu trong nước khô cạn vì mất mùa, còn do nông dân Ấn Độ không muốn bán hạt tiêu ra ở giá thấp !
Hiện nay bảng giao dịch điện tử chỉ nhảy cho vui, đang chờ quyết định chính thức.
Tuy không kỳ vọng vào giá cả tăng vọt như vài năm trước đây, nhưng mình vẫn lạc quan vào giá tiêu sẽ đem lại cuộc sống ổn định cho nhiều nông hộ trồng tiêu !