Gia Lai: Cận cảnh hoang tàn của “nghĩa địa” hồ tiêu Tây Nguyên

Những ngày đầu xuân 2018, về tại huyện Chư Pưh và Chư Sê – nơi được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu của Tây Nguyên, nay đã trở thành “nghĩa địa” hồ tiêu, cảnh tượng hoang tàn bao trùm. Tiêu chết trắng, người thì chạy nợ, người ở lại thì loay hoay không biết trồng cây gì…

Để ghi nhận về đời sống của nông dân sau thời sau thời “vàng đen”, PV Dân trí đã tìm về các xã Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ, nơi có diện tích hồ tiêu nhiều nhất huyện Chư Pưh. Đập vào mắt chúng tôi là những vườn tiêu chết trắng, khô queo, nhà cửa hoang tàn, đóng cửa kín mít.

Một khung cảnh ảm đạm hiện ra bên những vườn tiêu chết khô, không một bóng người.

Cảnh hoang tàn của “nghĩa địa” hồ tiêu tại Gia Lai những ngày đầu năm 2018:

Chỉ hơn 2 năm đã có hơn 1600 trụ tiêu của gia đình ông Nguyễn Đình Nhiên (53 tuổi, xã Ia Blứ, Chư Pưh) chết trắng
Hàng ngàn diện tích tiêu chết trắng, Chư Pưh trở thành “nghĩa địa” của hồ tiêu
Các vườn tiêu đều chung biểu hiện chết dần dần rồi khô cả vườn
Hiện giờ người dân vẫn không biết sao tiêu lại chết trắng như vậy
Những vườn cà phê mọc lên để thay thế vườn tiêu chết
Nhiều căn nhà bỏ hoang, dân vỡ nợ nên bỏ xứ mà đi
Các cây ăn quả được người dân lựa chọn, nhưng họ vẫn hy vọng được chính quyền tư vấn để không phải theo “vết xe đổ” như cây tiêu.
Nguồn Phạm Hoàng (dantri.com.vn)

25 phản hồi cho bài "Gia Lai: Cận cảnh hoang tàn của “nghĩa địa” hồ tiêu Tây Nguyên"

Nguyễn Vịnh

Theo tôi, tái canh cà phê phát triển rất đẹp nhưng đã vội trồng xen tiêu thì sớm quá ! Đáng sợ là sau vài năm, khi tiêu bắt đầu phủ trụ hay cho quả bói thì bệnh sẽ bùng phát trở lại.
Bà con vẫn có thể trồng xen tiêu sớm nhưng với điều kiện là xử lý mầm bệnh triệt để, tăng cường hệ vi sinh vật có lợi cho đất, bổ sung dưỡng chất hữu cơ, gia tăng độ phì… chi phí đầu tư khá tốn kém.
Bà con nào cần tư vấn hỗ trợ, tôi sẵn sàng trao đổi cụ thể qua email nguyenvinh@giatieu.com
Thân

Vu Dinh

Hậu quả của lối canh tác lạm dụng phân thuốc hóa học quá mức theo hướng hũy diệt môi trường.
Dân vùng này bỏ qua Đăk Nông mua đất mới trồng tiêu, mang theo lối canh tác lạm dụng hóa học để nhanh thu hồi vốn. Nếu không tự thay đổi, chắc chắn 5-7 năm sau Đăk Nông sẽ phải trả giá như ở đây…
Bác Nguyễn Vịnh nói phải. Muốn hồi phục không quá khó, nhưng chắc là cần tiền núi vì phân thuốc không hề rẻ.

Xuân Giao

Dù tiêu có lên giá, tôi nghĩ nên chuẩn bị cho tương lai thì hơn.
1. Chia vườn làm 2, trồng ít nhất 2 loại cây trở lên.
2. Tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, dê… để cải thiện bữa ăn. Lấy ngắn nuôi dài.
3. Vì sao không nên đu theo cây tiêu nữa: do nguồn nhân lực bất tập trung. Chỉ mang tính thời vụ. Do xã hội hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa. Con người sẽ luôn tìm kiếm công việc mới. Nguồn nhân lực hái tiêu sẽ giảm xuống.

khailocninh

Ở Lộc Ninh-Bình Phước tôi ở tiêu cũng chết rất nhiều, với lại tiêu cũng ít trái…

Thắng Lợi

Xử lý kiểu gì cũng không sạch mầm bệnh bằng dùng hỏa công, cho một mồi lửa được đôi ba việc…
Mùa này gom hết cỏ rác, thân lá cây sâu bệnh lại thành luống nhỏ rồi đốt sạch, lấy tro cải tạo đất.
Sau đó rải vôi bột phủ khắp vườn, khoảng 2 tạ cho 1 sào 1000m2. Rải đều trên bề mặt, không bỏ sót chỗ nào rồi tiến hành cày đảo để phơi đất.
Tuyệt đối không được dùng máy cuốc để đảo đất. Đây là việc làm nhằm giúp vỡ đất, cho đất tơi xốp, nhưng sai lầm ở chỗ nếu vườn đã bị chết bệnh thì số bào tử nấm bệnh này sẽ bị chôn lấp xuống tầng sâu ẩn nấp, chờ thời cơ thuận lợi sẽ bùng phát bệnh trở lại, hàng chục năm vẫn tồn lưu trong đất.
Pha booc-do 1% phun thật kỹ các trụ nọc gỗ để diệt bào tử nấm bệnh, phun ít nhất 2 lần cách 1 tuần.
Tiến hành ủ các loại phân chuồng, phân vi sinh hữu cơ bàng nấm trichoderma và lựa chọn các loại cây trồng để tái tạo vườn mới. Chú trọng tìm hiểu khâu giống cẩn thận, rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh xa những giống mà mình nghi ngờ đã bị nhiễm bệnh…
Không khó, nhưng không được làm tùy tiện, làm lấy được theo ý thích.
Thăm hỏi, trao đổi nhau mà làm chứ chính quyền bận trăm công nghìn việc, có rảnh đâu mà ngồi đợi bà con đến tư vấn !

Dan Viet

Khi lạm dụng thuốc BVTV, họ biết rõ là người tiêu dùng cuối cùng sẽ ăn những hoá chất ấy và sẽ bệnh ung thư không? Chắc chắn biết !

Có vẻ như luật nhân quả đang được thực thi

Châu Phong

Vấn đề thực sự đáng buồn, khi con người trong xã hội chỉ vì lợi nhuận riêng tư bất chấp tất cả !

hong thuy

Cho em hỏi, em thấy giá tiêu trên mạng cho biết tiêu ở Gia Lai có giá thấp nhất.
Có phải vì lý do “nghĩa địa hoang tàn” mà giá tiêu Gia Lai thường thấp hơn các tỉnh khác không ?
Hay còn có lý do nào nữa ?

Châu Huế

Chủ yếu liên quan tới các chi phí gián tiếp như thu mua, cự ly vận chuyển, kiểm định, chất lượng… Bình thường giá tại Gia Lại thấp hơn nhưng khi giá rút ngắn, thậm chí ngang giá là do xuất ra hướng Bắc gần hơn, sức mua hướng này mạnh hơn…

Nguyễn khắc thịnh

Theo tôi nghĩ cây hồ tiêu hiện nay đang đứng bên bờ vực. Tâm lí người nông dân là muốn cho cây phát triển nhanh làm bức tốc đốt cháy giai đọan dẫn đến giảm sức đề kháng. Giống như người bị sida, họ thường chết vì những bệnh hết sức đơn giản như cúm, lao (bệnh cơ hội)… Tiêu cũng vậy. Tại sao ngày xưa cách đây 10 năm tiêu khó chết, còn giờ thì chết như ngã rạ. Đó là sự ra đời của phân thuốc cộng với ý muốn cho cây phủ trụ nhanh, cây phát triển mạnh trong khi nội lực không có thì hỏi tại sao tiêu không bền.

Longhoang

Trồng tiêu sợ nhất bây giờ là công. So với các loại cây trồng khác trồng tiêu tốn công vô cùng. Một mình thì làm không nổi, nhất là tiêu đang kiến thiết… Nhiều người tưởng dễ làm đua nhau giờ mới biết nên phải chặt bỏ trồng các loại cây trồng khác.

Dan Viet

Nhiều nông dân chê chênh lệch giá giữa canh tác bền vững và cường canh không đủ hấp dẫn.

Lợi ích chủ yếu của canh tác bền vũng đối với nông dân là cây bền, sức đề kháng mạnh mẽ không bị bệnh tật.

Đáng tiếc là bài học này chỉ học được khi đã trả giá đắt, rất đắt.

Longhoang

Công khó kiếm, giá công cao, đất lên giá, giá tiêu hạ. Bây giờ vườn ai có thì cứ làm thôi. Dịch bệnh thì không còn đáng ngại đâu. Phân bón ít. Lâu lâu cho tí phân thôi… Nhưng trồng không cho kinh tế so với cây trồng khác.

nhàn đắc

Vấn đề ở đây là một điển hình và bài học đắt giá về hồ tiêu, vì lợi nhuận lớn mà quên lợi ích dài lâu đất nhiễm độc cả nguồn nước ngầm. Nói về nông nghiệp hiện nay ra chợ mua các mặt hàng thực phẩm hàng ngày mỗi người chúng ta không thể tin chắc đó là an toàn cả. Thuốc BVTV đều bị lạm dụng vì cái lợi của bản thân. Làm rau để bán cũng trừ một luống, không phun thuốc để dùng. Nói chung ý thức sống để an toàn cho con người đang bị xem nhẹ.

duy trần

Tôi xin hỏi diễn đàn, ở chỗ tôi Tuy Đức Đăk Nông, đã có mưa, 15.1.Al, lượng mưa khá lớn, tiêu nhà tôi đã hái xong hôm 28.12.Al thì hiện giờ tôi phải làm thế nào. Hôm 22.11.2017.Al có một trận mưa rất to, từ đó đến hôm nay không mưa. Ở đây có thể mưa mấy trận nữa, tôi chưa hề có kinh nghiệm xiết nước, mong diễn đàn giúp. Xin cảm ơn…

Hoàng

Bạn theo dõi và quan sát kỹ xem, nếu tiêu có biểu hiện nhú cựa non thì dùng phân thuốc hỗ trợ cho bung bông vụ mới luôn…

Ngok

Kệ nó, cứ quan sát và chờ thêm. Không cần tưới nước giữ ẩm nữa…
Nếu đã có phân chuồng ủ hoai, bổ sung thêm nấm tricho và bón cho tiêu ngay…

Hai Thanh

Sử dụng hóa học rẻ, đầu tư thấp làm cho nhà nông nước ta hình thành thói quen vô cùng tai hại.
Bây giờ chuyển qua canh tác hữu cơ, sinh học, phải đầu tư chi phí cao hơn mà năng suất chắc khó theo kịp cũng khiến cho nhà nông khó lựa chọn nếu thiếu quyết tâm.
Giá bán nông sản ngày càng thấp nếu vẫn giữ thói quen lạm dụng hóa học.

Nguyễn Thanh Tuấn

Theo như @ duy trần chia sẻ thì trận mưa 15.1 âl khi bác đã thu hoạch xong. Theo tôi thì bác có thể không cần tưới nữa mà tiến hành rửa vườn là được rồi, tiếp theo chuẩn bị cào bồn dọn dẹp và chuẩn bị phân cho vụ tới, chờ mưa ướt đều đất rồi tiến hành bón vì theo dự báo năm nay có khả năng mưa sớm, nếu như trong thời gian hảm nước mà tiêu héo bác có thể tưới sơ là đủ. Một vài kinh nghiệm nhỏ bé cùng chia sẻ. Xin chào bác và bà con.

duy trần

Cảm ơn bạn @ Hoàng, @ Ngok, @ Nguyễn Thành Tuấn… đã chia sẻ kinh nghiệm, chào thân

Dan Viet

Biết lạm dụng hoá học gây hại cho người và làm cây dễ bệnh/chết mà vẫn làm thì bó tay rồi.

Đỗ Thị Hậu

Cho hỏi mình ở Gia Nghĩa, Dak Nông tiêu nhà mình bước sang năm thứ 3 tiêu gần phủ trụ rồi năm nay bắt đầu ra bói nhưng từ hôm 13/1 đen 17/1 chiều nào cũng mưa mà thấy tiêu đang ra hoa giờ phải làm sao? Liệu giờ ngày nào cũng mưa vậy tiêu có trái ko? Và có cần bỏ phân nữa ko? Xin cảm ơn.

Hoàng

-Phải xác định bông tiêu đã phơi mao để nhận phấn chưa mới trả lời được. Còn nếu mưa sau 16 giờ thì không sao cả.
-Cây cũng như người, khi nào chẳng cần ăn… Bạn cần tiến hành chăm bón theo đúng quy trình đã dự tính.
-Bổ sung thêm trung vi lượng và các chất cần thiết để tăng khả năng thụ phấn, ngăn chặn hiện tượng rụng chuỗi non.

Duy plieku

Phải như vậy người dân ở đây mới sáng dạ ra. Lúc trước dân Chu Puh này trúng tiêu không coi ai ra gì, kĩ sư xuống vườn dòm nửa con mắt. Ta đây kĩ thuật tiêu cao cho trái nhiều. Thuốc bvtv thì cắm mặt mà phun. Hậu quả để lại cũng gọi là đích đáng, cho vừa. Lên đời cũng vì cây tiêu thì ra đường móc bọc cũng vì cây tiêu thôi…

Ngok

Đồng ý thực tế là như vậy, nhưng cái giá phải trả cũng đắt quá bạn à..

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *