Gia Lai: Giá hồ tiêu vào chu kỳ “rung lắc”
Chỉ trong khoảng 20 ngày, giá hồ tiêu liên tục biến động, có lúc vọt lên đến 80 ngàn đồng/kg, sau đó dao động quanh mức 73-75 ngàn đồng/kg. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê.
* P.V: Giá hồ tiêu liên tục biến động, liệu có bất thường không, thưa ông?
– Ông HOÀNG PHƯỚC BÍNH: Theo ngôn ngữ của thị trường thì giá hồ tiêu trong những ngày qua đang bước vào chu kỳ “rung lắc” (tức là dao động lên xuống liên tục). Giá tăng là điều rất đáng mừng, nhưng sự tăng nhanh và đột ngột đã gây ra nhiều xáo trộn. Qua nắm bắt tình hình cho thấy, đa số nông dân giữ hàng lại không bán. Còn các đại lý thì gom hàng bán chủ yếu cho nhà đầu cơ, chứ không bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, các nhà xuất khẩu không mua được hàng để đáp ứng cho các hợp đồng xuất ngay hoặc trả nợ các hợp đồng đã ký trước đó.
Thiếu hụt sản lượng là nguyên nhân đẩy giá hồ tiêu tăng cao. Như vậy, có thể thấy, giá hồ tiêu dao động là từ quan hệ cung-cầu, tự thị trường điều chỉnh chứ không phải do một “bàn tay” nào làm giá. Nếu năm 2020 sản lượng hồ tiêu của Việt Nam là 240.000 tấn thì niên vụ này ước sản lượng chỉ đạt dưới 150.000 tấn. Giá thành sản xuất hồ tiêu đang nằm mức 65-70 ngàn đồng/kg mà giá bán như hiện tại thì người trồng mới có lãi chút đỉnh.
* P.V: Tại sao dự kiến sản lượng năm nay lại giảm rất mạnh như vậy, thưa ông?
– Ông HOÀNG PHƯỚC BÍNH: Vừa rồi, tôi trực tiếp đi khảo sát tại 6 vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của nước ta là Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Đak Nông, Đak Lak và Gia Lai. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trực tiếp trồng hồ tiêu, rồi làm công tác ở Hiệp hội Hồ tiêu mười mấy năm, tôi có thể khẳng định điều này. Trước đó, một vài ý kiến nhận định sản lượng hồ tiêu năm nay dự kiến đạt 220.000 tấn. Nếu nhận định như vậy thì có thể nói đó là “chiêu” của doanh nghiệp. Người ta muốn nói sản lượng cao như vậy để ghìm giá thấp, không đưa giá lên cao để mua được hàng với mức giá thấp, nhằm có lợi nhuận cao hơn.
Những năm giá chớm cao thì người dân bắt đầu trồng. Khi đến năm giá cao đỉnh điểm thì đổ xô trồng nhiều hơn. Rõ ràng, việc ồ ạt trồng hồ tiêu đã dẫn đến thừa sản lượng, khi đó giá lại giảm. Còn hiện nay, sản lượng giảm, giá lại tăng là đương nhiên. Ví dụ: Giai đoạn 2001-2006, giá hồ tiêu đi xuống. Sau đó, từ đáy của năm 2006, giá hồ tiêu bắt đầu đi lên liên tục đến năm 2015 đạt đỉnh cao nhất. Từ năm 2016, giá ở đỉnh cao nhất này lại bắt đầu đi xuống.
Chính vì khi giá hồ tiêu xuống thấp quá, có lúc chạm đáy 35 ngàn đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất thời điểm đó khoảng 45 ngàn đồng/kg nên càng đầu tư càng lỗ. Vì vậy, người dân bỏ bê vườn hồ tiêu, không chăm sóc hoặc có đầu tư chăm sóc cũng chỉ theo kiểu cầm chừng, cùng với đó ảnh hưởng của thời tiết khiến năng suất không đạt.
* P.V: Giá hồ tiêu đang tăng và dự báo sẽ còn tăng, có thể người dân sẽ mở rộng diện tích trở lại. Vậy, ông có khuyến cáo gì?
– Ông HOÀNG PHƯỚC BÍNH: Đây có thể là đầu chu kỳ tăng giá. Hiện tại, giá hồ tiêu đang có sự “rung lắc” nhưng tương lai ra sao là do diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, tôi cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng khi trồng lại cây hồ tiêu. Trước đây, bà con canh tác không đúng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dinh dưỡng trong đất còn cao, khó tiêu trừ, nấm bệnh vẫn còn tồn lưu trong đất. Do đó, để phát triển bền vững cây hồ tiêu, bà con nông dân cần thiết phải đảm bảo 2 điều kiện cơ bản đó là kiến thức về trồng hồ tiêu và khả năng đầu tư.
Thứ nhất, người trồng hồ tiêu tuyệt đối không được tái canh trên vườn hồ tiêu đã bị chết; phải chọn đất phù hợp để tránh việc tỷ lệ đất sét cao dẫn đến việc giữ nước, dễ bị nấm bệnh; phải chọn giống tốt; tránh trồng trụ bê tông và trụ gỗ, cần trồng trên trụ sống; phải để cỏ cho êm đất trong mùa nắng và rút nước trong mùa mưa. Đặc biệt, cần trồng xen với các loại cây khác để giảm áp lực sâu bệnh; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; trồng theo hướng hữu cơ nhằm tránh việc lạm dụng phân và thuốc hóa học… Thứ hai, cần cân nhắc đầu tư trồng theo khả năng tài chính của mình, không nên chạy theo thị trường, thấy giá lên thì ồ ạt trồng, giá xuống thì bỏ.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
20 phản hồi cho bài "Gia Lai: Giá hồ tiêu vào chu kỳ “rung lắc”"
Cây Hồ tiêu trồng lại trên đất cũ cực kỳ khó phát triễn, nó còn khó lên hơn cả cây cà phê.
Khuyến cáo bạn sử dụng xạ khuẩn streptomyces trong sản phẩm Forge SP để xử lý đất cũ 2 lần liên tiếp.
1 lần trước khi đào hố và bón phân lót. 1 lần ngay khi xuống cây giống.
Chúc bạn thành công !
Tôi thấy từ trước tới giờ chỉ có đại lý và nhà XK rung lắc để dọa dân, bây giờ lại thấy người dân muốn rung lắc dọa ngược lại họ. Cá ăn kiến thì có ngày kiến ăn cá.
Vụ thu hoạch tại Đak Lak, Gia Lai và 2 huyện Cư Jut, Đak Mil khoảng giữa tháng 4 sẽ kết thúc. Điều này cũng cho thấy áp lực bán sẽ yếu dần trong khi áp lực mua sẽ tăng cao nên khách ngoại biết rõ là sẽ không còn bất kỳ cơ hội nào để mua được hàng giá thấp nữa.
Giá tại Đak Lak vững đứng ở mốc 72-73k gần cả tuần nay cho thấy 2 bên mua bán khá cân bằng, nhưng qua tuần lễ Phục Sinh thì sao? Cuối vụ rồi, có chờ được nữa không?
Tôi dự kiến giá vẫn còn rung lắc ở mức 75k-80k trong nửa đầu tháng 4. Bà con thấy giá lên 80k không giữ được cứ thoải mái bán, nếu rớt về 75k thì ngừng.
Tôi không hoan nghênh việc vay mượn để trữ tiêu, vì trả lãi cũng nặng nề lắm. Cần tiền đến đâu thì bán đến đó.
Tôi đồng ý mức dừng bán bạn đặt ra. Đo cũng là kỹ thuật mua bán trên thị trường để tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư.
Tất nhiên bà con cũng phải biết định liệu. Chỉ bán ra khi giá tăng và dừng bán khi giá giảm để chờ cơ hội mới. Tôi tin rằng giá tiêu trong vài năm tới đang ở chu kỳ giá tăng như ông Bính PCT Hội HT Chư Sê nhận định. Cuối quý 2 giá có khả năng ở mốc 90k.
Chúc nông tiêu bước vào chu kỳ giá mới với nhiều may mắn.
Tôi nghe nhiều người nói tuần qua giá tiêu trắng lẫn tiêu đen ở các nước trên thế giới đều tăng khá, riêng giá tiêu của VN bị chững lại. Vậy là sao hở mọi người ?!
Tại sao mấy hôm nay giá thế giới lại lao đầu vậy ai giải thích cho mình với !
Giá tiêu thế giới đang có xu hướng tăng…
Bạn xem ở đâu mà nói giá thế giới lao đầu ?
Giá tiêu vùng Đông Nam Bộ có xu hướng tăng, theo tôi là dấu hiệu bên các nhà XK bắt đầu mua vào để giao cho hợp đồng tháng 5.
Giá tiêu trắng cũng có vẻ đang rục rịch hướng tăng !
Theo tôi, bà con có nhu cầu chi tiêu thì vẫn bán. Bán vừa đủ, không bán ồ ạt để làm giá rớt là trúng ý thương lái TQ, họ đang tìm mọi cách để gìm giá xuống. Để xem bà con ta hay họ phải buông tay… Không lý gì bà con ta là người cầm hàng mà trao quyền vào tay họ !
Tôi thấy liều vaccine tâm lý bác @Tiêu Cay tiêm mấy tháng trước có vẻ phát huy hiệu quả tốt. Thị trường hù doạ tới cỡ đó mà vẫn không ai sợ.
Tôi nhắc lại những nguyên tắc dễ nhớ đó là :
-Chỉ bán khi cần tiền, bán vừa đủ số tiền mình cần.
-Không vay mượn để ôm tiêu.
-Không bán vì sợ, kể cả khi thương lái TQ hay bất kỳ cty lớn nhỏ nào bán hàng ra thị trường cũng kệ họ, bà con đừng sợ mà bán theo họ. Họ ra đòn gió để dọa bà con thôi…
Tôi khóa cửa kho đi nghỉ hè đây !
Nếu tính theo chu kỳ giá lên thì sự tăng giá sẽ kéo dài được bao nhiêu năm. Các bác dự đoán điều này có thể chia sẻ cho bà con tham khảo được không ạ. Hiện tại thấy bà con Tây nguyên trồng mới nữa rồi…
Em hái vừa xong, chỉ bán một ít vừa đủ trả tiền công.
Mai phơi thêm 2 ngày nữa, quạt sạch, cất vô kho là xong vụ.
Kể từ ngày sau em đi giúp bà con kiếm tí công, vậy là được chứ gì.
Em dự tính năm nay đầu quý 3 có thể xả hàng. Có ai tính như em không ?!
Em thấy đưa tin giá tiêu Gia Lai thấp hơn nhiều so với giá tiêu ở các tỉnh khác.
Xin giải thích giùm… Em cám ơn mọi người nhiều.
-Có lẻ do mấy năm giá thấp, bà con bỏ bê lơ là chăm bón nên tiêu xô của Gia Lai có dung trọng thấp, không có lợi.
-Cũng có thể do cự ly vận chuyển về các kho ở Đông Nam bộ xa hơn, tốn kém hơn.
-Hoặc có thể do tầng nấc trung gian nhiều hơn, việc thu mua vất vả hơn.
Tôi suy đoán như vậy. Mong cộng đồng góp ý bổ sung.
Trung tâm mua bán tiêu ở Gia Lai là huyện Chư Sê, nơi đó có Hiệp hội Hồ tiêu địa phương do ông Hoàng Phước Bính làm Thường trực hoạt động rất tích cực.
Hiệp hội có trang bị bộ dụng cụ chuẩn để đo dung trọng, độ ẩm… hơn 10 năm nay, bà con có thể đến đối chiếu với các thông số đo của các đại lý thu mua.
Đây là điều nhiều địa phương khác chưa làm được, khiến cho nhiều đơn vị thu mua không thể “ăn gian”, đã góp phần đưa giá tiêu Chư Sê nói riêng về đúng với chất lượng. Nhất là các đại lý phải mua đầu giá đúng chứ không thể phát đầu giá cao nhưng sau đó quay lại “ăn gian” chất lượng được.
Rất tiếc là nhiều nơi đã không làm như Chư Sê.
Một thương nhân địa phương mỗi năm mua bán khoảng 5-7 ngàn tấn tiêu xô đã chia sẻ với tôi: “Đầu giá bao nhiêu không quan trọng, cách cân đong đo đếm mới là quan trọng…”
Đại Lý và doanh nghiệp tung tin thất thiệt về sản lượng để nhằm dìm giá thấp để mua được hàng, chứ thật ra ai cũng biết. Đi đâu cũng thấy hồ tiêu bị chết trơ trọi thì lấy đâu ra sản lượng nhiều.
Không hẳn chỗ nào cũng mất mùa, tiêu chết nhiều như bạn nói.
Ở chỗ tôi vùng trồng tiêu trọng điểm của Đăk Lăk vụ năm nay được mùa, nhiều nhà tăng hơn 25-30% so với vụ năm ngoái !
Tiêu nhập khẩu được các FDI bán ra sẽ đè giá tiêu nội địa yếu lại, nhưng không thể kéo dài do số lượng có hạn, chỉ vài ngàn tấn.
Khi lực đè không còn kết hợp với nhà vườn giảm bán, giá tiêu nội địa sẽ bùng mạnh trong cuối tháng này là một dự báo khá hợp lý. Đợt này giá tiêu sẽ ở mức nào, 85k chăng ?
@Truong Sinh
Kỳ này sẽ có đợt giảm giá nhẹ ở mức 80k, sau đó vượt lên 85k.
Sang tháng 5 mới thực sự bùng nổ.
@Vui
Không có giải pháp thích hợp, không áp dụng KHKT, lấy kinh nghiệm làm đầu thì tái canh chẳng khác gì đánh bạc. Tôi thấy nhiều vườn tiêu tái canh vài ba năm gần đây số thành công chưa tới một nửa. Không biết khi bắt đầu nuôi trái cho thu hoạch thì sẽ như thế nào.