Gia Lai phát triển hồ tiêu ồ ạt : Lợi bất cập hại?


Hồ tiêu là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng so với các loại cây trồng khác nên diện tích trồng cây hồ tiêu trên địa bàn Gia Lai không ngừng được mở rộng. Thực tế trên cũng đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có câu hỏi cây hồ tiêu phát triển ồ ạt như hiện nay là lợi hay hại?

Diện tích hồ tiêu trồng mới phát triển ồ ạt vượt quy hoạch

Diện tích hồ tiêu trồng mới phát triển ồ ạt vượt quy hoạch

Giá tiêu tại vùng Chư Pưh, Chư Sê ổn định ở mức cao nhiều năm nên chuyện nông dân vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh là Chư Sê, Chư Pưh đổ xô trồng tiêu là chuyện dễ hiểu. Anh Lê Trung Thương (thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) nói: Dù rất muốn mở rộng diện tích tiêu nhưng do quỹ đất không còn nên gia đình đầu tư cải tạo lại phần đất trồng 300 trụ tiêu đã bị chết do nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm để trồng lại hồ tiêu. Hy vọng tiêu mới trồng không bị nhiễm bệnh.

Dù đã có 2.500 trụ tiêu nhưng niên vụ này gia đình anh Phan Thanh Duy (thôn Hòa Thành, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) vẫn tiếp tục đầu tư trồng mới thêm 500 trụ tiêu nữa. Theo Phòng NN&PTNT Chư Pưh thì kế hoạch của huyện, trong năm 2015 sẽ trồng mới và thay thế diện tích hồ tiêu cũ khoảng 150 ha, tập trung tại xã Ia Le, Ia Hla và Chư Don… Diện tích hồ tiêu trồng mới trên địa bàn tập trung trên những chân đất trước đây người dân trồng bắp, mì và các loại cây ngắn ngày. Còn đất trồng hồ tiêu đã bị nhiễm bệnh được người dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Không chỉ Chư Sê, Chư Pưh mà tại nhiều địa phương khác của tỉnh, phong trào trồng mới cây hồ tiêu cũng phát triển khá mạnh, trong đó có huyện Chư Pah-địa phương mới phát triển cây hồ tiêu từ năm 2012 đến nay. Ông Nê Y Kiên-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah khẳng định: Hồ tiêu đang phát triển mạnh tại các xã: Chư Đăng Ya, Hòa Phú, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa và thị trấn Phú Hòa. Đến thời điểm này, diện tích hồ tiêu trồng mới toàn huyện trên dưới 250 ha, trong khi kế hoạch trồng mới năm 2015 là 188 ha…

Các địa phương có diện tích trồng tiêu phát triển mạnh mang lại nhiều mối lo ngại bởi lẽ, phần lớn giống tiêu đưa vào trồng mới hiện nay đều do nông dân tự tìm nguồn theo kiểu…tin nhau là chính. Giống tiêu ác thì đến các vườn tiêu trong và ngoài địa bàn để mua. Giống tiêu lươn lại đến các vườn ươm mua với giá bình quân 5-6 ngàn đồng/dây giống, trong khi việc kiểm định chất lượng giống trước khi đưa vào trồng rất khó khăn bởi nông dân tận dụng mọi quỹ đất, kể cả vùng đất không phù hợp, đất chưa qua xử lý các loại mầm bệnh để trồng hồ tiêu; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… vô tình đã tạo môi trường sống cho các loại sâu bệnh, vi khuẩn gây hại phát tán, lây lan. Bên cạnh đó, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, có thể tái phát bất kỳ lúc nào mà hệ quả của bệnh này để lại là năm 2014 có trên 250 ha hồ tiêu tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ… bị chết.

Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn, tổng diện tích hồ tiêu toàn Tỉnh đã trên 13.000 ha, trong khi quy hoạch diện tích hồ tiêu đến năm 2015 là 6.000 ha và tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định diện tích trên. Với giá thu mua hồ tiêu trên thị trường ổn định ở mức cao như đã nêu, chắc chắn trong tương lai diện tích hồ tiêu trên địa bàn Tỉnh sẽ không dừng lại ở con số hiện nay.

Trên cơ sở dự báo thị trường xuất khẩu hồ tiêu sẽ có lúc bị bão hòa nên Bộ NN&PTNT, UBND Tỉnh đã chỉ đạo không nên mở rộng diện tích hồ tiêu. Trước mắt, để đảm bảo diện tích trồng tiêu phát triển ổn định, hạn chế thiệt hại kinh tế của nông dân do giống, dịch bệnh… Tỉnh đã thành lập Trung tâm Giống hồ tiêu để cung ứng giống đảm bảo chất lượng cho dân; các địa phương tăng cường mở lớp tập huấn về sản xuất hồ tiêu bền vững và luân canh cây trồng; hướng dẫn nông dân trồng tiêu cách bón phân phù hợp; đặc biệt là thành lập tổ chỉ đạo chữa bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu từ tỉnh đến huyện…

Nguồn Baogialai.com.vn

9 phản hồi cho bài "Gia Lai phát triển hồ tiêu ồ ạt : Lợi bất cập hại?"

Đoàn Văn Cửu

Lời khuyên cho bà con nông dân là chúng ta nên trồng đa canh.
1. Tiêu
2. Cafe
3. Kết hợp trồng cây ăn trái (hàng rào chắn gió)

Theo trào lưu chặt bỏ vườn cafe mà chỉ tập trung vào trồng tiêu thì sẽ trả giá quá đắt.
Sau khi các nước trên thế giới bão hòa về cung họ sẽ chọn lựa hàng có chất lượng cao. Đào thải hàng kém chất lượng=> Giá sẽ giảm hoặc không xuất khẩu được vì tiêu chuẩn xuất khẩu cho nó có.
Lời khuyên chân thành nhất.

Nguyên Khang

Khuyên thì khuyên chứ mạnh ai người đó vẫn làm thôi. Ở Gia Lai hiên nay đua nhau làm tiêu, có nhà 5-6 nghìn trụ tiêu vẫn còn nói ít. Người nào chưa có đua cho có bằng anh bằng em. Khổ cái vì lợi nhuận cả thôi.

kim công

Trồng ít mà chăm sóc tốt cũng là cách an toàn. Đua nhau mở rộng diện tích lớn quá cuối cùng không kham nổi, diện tích dịch hại tăng rộng

Trịnh Thái Hiền

Theo mình thì khoảng 2 năm nữa giá tiêu sẽ xuống thấp, khi trồng ồ ạt thì cung vượt cầu. Tiêu mới trồng vừa cho ra trái thu hoạch thì giá đã xuống dưới, thua lỗ cho nông dân là cái chắc. Không làm thì không được, người ta nói mình không biết làm ăn, làm mà thấy tương lai mờ mịt thì biết kêu ại đây bà con !

Dan Viet

Theo Dan Viet thì quá trình điều chỉnh giảm sẽ bắt đầu từ năm 2016 khi VN vào vụ. Những hộ vay vốn để trồng tiêu buộc phải bán tiêu ngay sau khi thu hoạch để trả nợ vay ( ai đã từng đi vay sẽ hiểu rõ cơ chế này nhé ).

Biện pháp phòng thủ:

1. Trích lập dự phòng (gửi ngân hàng lấy tiền lãi chẳng hạn).
2. Trồng xen canh.
3. Những hộ trồng keo làm trụ sống có thể tận dụng lá keo để nuôi dê, tạo ra nguồn thu phụ.
4. Không nên dung vốn vay để phát triển diện tích cây tiêu vì không còn an toàn nữa.

Anhnguyen

Olam về Chư Pưh trồng 450 ha, chắc chắn tiêu sẽ không rớt giá.

Trịnh Thái Hiền

Mình làm cty cà phê Olam đây nè. 11 năm rồi đấy bạn

Trịnh Thái Hiền

chào bạn @Thảo
Không nên tập trung vào 1 loại cây trồng, đi theo trào lưu, phải biết thực lực của mình làm được khoảng bao nhiêu cây, cần phải để dư ra 1 ít vốn, tuyệt đối không nên vay mượn để đầu tư khi tất cả mọi người đều đầu tư vào nó. Mình thấy ở các huyện ở Gia lai bây giờ mức đầu tư cho hệ thống tưới, chi phí cho ống PVC thôi thì 1 đại lý nhỏ thôi đã bán trên 10 tỷ / 1 tháng, thử hỏi khi giá tiêu rớt thê thảm thì bao nhiêu người còn sống? Làm nhưng trong tầm kiểm soát của mình… và nên tìm cho mình 1 giống cây trồng khác phù hợp với thổ nhưỡng của đất, phù hợp thì trường tiêu thụ mỗi nơi. Làm nông không đơn giản như bán tạp hóa đâu bạn, phải phụ thuộc rất nhiều, luôn trong thế bị động.
chào bạn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *