Gia Lai: Sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô ở Đức Cơ
Để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn tiếp cận những tiến bộ KHKT và từng bước thay thế phương thức canh tác thiếu hợp lý, đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, huyện Đức Cơ đã triển khai mô hình sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Những năm qua, diện tích hồ tiêu trồng tự phát trên địa bàn huyện Đức Cơ không ngừng gia tăng. Hiện tổng diện tích hồ tiêu của Huyện khoảng 600 ha. Tuy nhiên, người trồng hồ tiêu chủ yếu sử dụng dây lươn và dây chính chưa được kiểm soát nguồn gốc, sâu bệnh ký sinh để làm giống nên khi trồng cây dễ bị nhiễm bệnh và tỷ lệ chết cao làm thiệt hại về kinh tế.
Trước thực tế trên, Đức Cơ đã triển khai mô hình sản xuất giống hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô. Theo đó, Huyện triển khai 15 mô hình với tổng diện tích 2,5 ha tại các xã: Ia Dom, Ia Din, Ia Nan, Ia Krêl và thị trấn Chư Ty. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1 tỷ đồng (nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh 335 triệu đồng, người dân đóng góp hơn 709 triệu đồng). Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua giống cây hồ tiêu nuôi cấy mô, cây trụ sống và công kỹ thuật; hỗ trợ 50% kinh phí mua các loại nấm, men vi sinh, thuốc BVTV và các loại phân hóa học. Người dân tham gia dự án đối ứng 100% kinh phí làm trụ bê tông, mua phân chuồng, trả công lao động.
Dẫn chúng tôi đi tham quan những vườn hồ tiêu vừa trồng sử dụng giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, chị Lương Thị Thanh Huyền – Chủ nhiệm đề án, cho biết: Đây là một dự án mang tính ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Việc sử dụng nguồn giống hồ tiêu sạch bệnh được sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật có ưu điểm vượt trội so với những giống được ươm bằng dây lươn và dây chính như cây giống có bộ rễ khỏe mạnh, hoàn chỉnh, cây có sức sống mạnh, có khả năng đề kháng tốt với dịch bệnh nguy hiểm, chất lượng cây giống đồng đều, kéo dài tuổi thọ cho cây… Chị Ngô Thị Lĩnh (làng Ia Khop, xã Ia Krêl), một trong 15 hộ tham gia mô hình sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô, vui vẻ cho biết: Gia đình tôi hiện có hơn 400 trụ tiêu được trồng bằng dây lươn ươm nên tỷ lệ sống không cao, phải trồng dặm vài lần mới hoàn thiện được. Vừa rồi, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ để tham gia mô hình sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô với diện tích 2 sào (khoảng 360 trụ), tôi thấy cây giống phát triển rất tốt do bộ rễ rất khỏe, tỷ lệ sống đạt gần 100%. Hy vọng với mô hình này, cây hồ tiêu phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và cho năng suất cao, giúp gia đình phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Tư, Phó Trưởng phòng NN&PTNT Đức Cơ, cho biết thêm: Sản xuất cây giống hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô là sử dụng những mô được lấy từ những cây mẹ ngoài tự nhiên có khả năng kháng bệnh, năng suất cao. Với phương pháp này sẽ tạo ra hàng loạt cây giống giữ nguyên bản chất di truyền và năng suất của cây mẹ. Ngoài ra, cây giống được tạo ra trong môi trường cấy mô thì bộ rễ rất khỏe, khả năng sinh trưởng nhanh hơn so với giống ươm bằng phương pháp truyền thống. Ưu điểm vượt trội hơn nữa đó là một số giống không thể ươm bằng phương pháp dâm dây lươn như tiêu Phú Quốc thì phương pháp nuôi cấy mô có thể cho ra hàng loạt giống này từ những mô của cây mẹ. Áp dụng mô hình này sẽ giúp người dân giảm tỷ lệ cây chết khi xuống giống khoảng 20% so với giống thông thường; giảm tỷ lệ sâu bệnh hại; cây phát triển đồng đều. Mô hình này cũng sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức từ việc sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc sang sử dụng giống có chất lượng cao hơn.
16 phản hồi cho bài "Gia Lai: Sản xuất hồ tiêu bằng phương pháp nuôi cấy mô ở Đức Cơ"
Vấn đề quan trọng nữa là giá 1 bầu tiêu giống ?
Bước tiến quan trọng trong ngành hồ tiêu công nghệ cao, hiệu quả trước mắt là có được giống tốt, kháng bệnh còn về sau nữa. Nếu mỗi người chúng ta không tự mình thay đổi cách thức trồng tiêu sử dụng thuốc bvtv vô tội vạ thì giống có tốt đến mấy cũng là số 0 cả. Tôi có đi học hỏi nhiều người được gọi là lão nông họ quả quyết một điều mà chính tôi còn thấy rợn tóc gáy “trồng tiêu mà không phân và thuốc bvtv liên tục thì không ăn”. Hồ tiêu bây giờ trồng không khó mà cũng không dễ, mới lên thì đẹp đấy nhưng cái đẹp và năng suất không lâu bền. Người dân chúng ta đừng quá rập khuôn vào một quy trình mà phải thay đổi để phù hợp với mảnh đất mình đang làm.
Theo chủ quan của tôi thì việc nuôi cấy mô để nhân giống không còn mới lạ, đã áp dụng trên nhiều loại cây khi cần một lượng giống tăng đột biến như nhân giống các loại lan, chuối tiêu hồng… hay hồ tiêu cũng vậy !
Quan trọng nhất là chúng ta cùng đồng lòng xây dựng lại thương hiệu hồ tiêu trong khi sản lượng của Việt Nam đang đứng ở vị trí cao nhất mà chất lượng thì…!?
bạn Huỳnh Ngọc Cảnh ơi, không biết bạn ở hỏi kinh nghiệm trồng tiêu ở vùng nào chứ ở vùng mình đây EAHLeo – Daklak thì không như bạn nói, nhà ba mình trồng tiêu với diện tích rất lớn, năm 2015 thu được 17 tấn cũng là thuộc vào hộ thu gần như là đạt nhất nhì xã.
Theo kinh nghiệm của ba mình thì mỗi năm chỉ dùng thuốc BVTV nhiều nhất là 2 lần vào lúc mới nhú bông (hay còn gọi là dé) để phòng trừ sâu ăn không hình thành hạt thôi. Quanh năm nhà mình chỉ sử dụng phân vi sinh để bón lót khi đôn tiêu, rồi rãi phân bò, vỏ cà, vỏ cây bắp hoai thôi chứ mình đâu thấy dùng phân bón, thuốc BVTV đâu mà bạn nói như vậy.
Về sâu thì vậy rồi, nhưng còn phòng các nấm bệnh thì nhà bạn làm cách nào ?
Bạn Trần Thị Tâm à! Thu được 15 tấn mà phải trồng bao nhiêu ha đất? Ở chỗ bạn ai cũng làm được như nhà bạn thì tốt rồi. Làm kiểu như gia đình bạn cũng là hướng đi mà mọi người chúng ta đang hướng đến đó. Tôi ở Chư Pưh – Gia Lai
Chào bác Nguyễn Vịnh và mọi người !
Với thời tiết mưa dầm vì bão như năm nay, vào thời điểm tiêu đang ra trái xin mọi người tư vấn giúp mình có nên đổ thuốc ngừa nấm và bệnh chết nhanh chết chậm không ?
Hiện tại vườn của mình chưa có biểu hiện bệnh nhưng mình thấy mưa dầm nhiều một số hộ cây đã rũ hết rồi. Xin cám ơn
Một số hộ đã có hiện tượng héo rũ hết rồi, đồng nghĩa là bệnh đã phát thành hiện tượng.
Vậy thì lo mà trị chứ còn phòng ngừa gì nữa hả trời !
Có lẽ ở chỗ bạn chưa quen dùng vi nấm đối kháng trichderma để phòng bệnh quanh năm cho cây tiêu.
Bạn cần xem lại nhận thức về việc phòng bệnh và chữa bệnh.
Mình nghĩ bạn sẽ dễ dàng tìm thấy tất cả trên giatieu.com
Nếu để phòng bệnh cho tiêu, bạn tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ sinh học để giúp cây tự sinh nhiều kháng thể chống sâu bệnh và đổ nấm đối kháng tricho một năm vài lần. Chỉ khi cây đã có hiện tượng bệnh rõ rệt thì bạn mới dùng thuốc BVTV sẽ đạt hiệu quả hơn…
Bạn Huỳnh Ngọc Cảnh à, gia đình bố mình trồng được 2000 trụ ạ. Canh tác theo hướng hữu cơ rất bền vững, vừa bền vững đất mà vừa bền vững cây. Lúc mới canh tác gia đình mình có một vườn tiêu 350 trụ sử dụng phân hóa học là chủ yếu dẫn đến cây chỉ sung mấy năm đầu, sau bị chết dần. Nguyên nhân chính là do nấm hại rễ. Vì nếu canh tác phân hóa học lâu ngày đất bị ngộ độc sinh ra bí đất nấm bệnh dễ sinh sôi nãy nở. Khi cây đã bị thì dễ lây lan sang cây khác nên vườn tiêu 350 trụ chết rất nhanh.
Mưa dầm tuyệt đối không cho ăn phân vô cơ, thậm chí không sử dụng phân vô cơ luôn. Nó là những dạng kim loại nặng rất nguy hiểm, chỉ có ở VN ta mới sử dụng phân hóa học nhiều như vậy.
Thiên nhiên vốn rất tốt đẹp và trong lành, ta can thiệp vào không đúng cách sẽ giết chết môi trường của đất – ngộ độc đất – tồn dư kim loại nặng. Hỏi sao cây tiêu không lên tiếng ?
Đầu tư hữu cơ và áp dụng phương pháp canh tác sinh học đúng cách và đúng lúc. Các cụ ta nói ko sai: Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để có một vườn hồ tiêu bền vững còn rất nhiều vấn đề nữa…
Cây tiêu nuôi cấy mô rất khỏe tuy nhiên nhược điểm là lâu ra ác.
Không biết thế nào. Nhà tui trồng tiêu vẩn bỏ vô cơ đều, 1 năm 3 đợt. Kèm phân chuồng và phân hữu cơ. Toàn bỏ vô cơ mùa mưa mà có chết mấy đâu. Vườn đã được 17 năm tuổi. Bữa nay thu khoảng 3kg trên 1 trụ.
Mưa không gây ngập úng, không làm thối rễ tơ thì bón phân hóa học có vấn đề gì ?
Phân hóa học không có gì sai, mà sai do người bón phân chưa hợp lý, không đúng cách, đúng mức, đúng lúc…