Gia Lai: “Tỉ phú hồ tiêu” bỗng chốc trắng tay vì hồ tiêu

3 năm trước đây, sau 1 vụ người nông dân chân lấm tay bùn bỗng chốc hóa tỉ phú, “đại gia”; nay, cũng chỉ sau 1-2 vụ, những “đại gia hồ tiêu”, tỉ phú hồ tiêu lừng lẫy một thời, bỗng chốc trắng tay, trở thành con nợ.

Dịch bệnh lan rộng, chi phí tăng cao, giá xuống thấp… nhiều vườn hồ tiêu bỏ mặc không chăm sóc.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà vắng lặng không bóng dáng đàn ông, chị Nguyễn Thị Hải (thôn Hòa Bình, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pứ, Gia Lai) buồn rầu nói: “Chồng và con trai tôi vào TPHCM làm thuê để có tiền để trả nợ ngân hàng vì bao nhiêu tiền bạc gia đình tôi ném hết vào hồ tiêu, giờ tiêu chết, nợ nần chồng chất tôi không biết tính sao”.

Chỉ tay ra vườn hồ tiêu đã bị cháy xám, chị Hải rưng rưng: Không riêng gì gia đình tôi, nhiều hộ trồng tiêu tại Chư Pưh, Chư Sê đều chung cảnh hồ tiêu tự dưng bị héo úa rồi đồng  loạt “lăn ra chết”, thêm vào đó là giá hồ tiêu liên tục xuống thấp.

“Thu nhập cả nhà nhìn vào hồ tiêu, nhưng 2 năm nay nguồn thu này bị mất, nợ gốc còn đó, mỗi tháng gia đình chị còn trả 8 triệu đồng lãi vay ngân hàng” chị Hải nói mà như muốn khóc.

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Tám (từng là giáo viên, từng là “đại gia” hồ tiêu tại Đăk Đoa – Gia Lai) trầm ngâm cho biết ông là một trong những gia đình đang mắc nợ ngân hàng do đầu tư vào hồ tiêu hiện nay.

“Trước mỗi hecta hồ tiêu cho thu 100 triệu, chúng tôi lấy nguồn thu đó đầu tư mở rộng diện tích. Bất ngờ hồ tiêu rớt giá, 750 triệu đồng nợ ngân hàng chưa trả được, chưa kể mỗi tháng thêm 8 triệu đồng lãi suất vay. Trong xã Ya Bla người dân bỏ đất hồ tiêu đi làm việc tại các khu công nghiệp hết rồi” – ông Tám buồn rầu nói.

Ông Tám, “đại gia hồ tiêu” một thời nay lâm cảnh nợ nần. Ảnh: Báo LĐ

Cũng theo ông Tám, hiện nay, không chỉ vay nợ ngân hàng,  các hộ mua “chịu” vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu cũng trong tình trạng không có khả năng trả nợ. Tại thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) có nhiều đại lý phân bón đang bị đọng vốn bởi các hộ trồng tiêu.

Sai lầm vì không nghe lời khuyên của cán bộ

Trao đổi với PV, ông Hoàng Phước Bính-Tổng thư ký Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê chia sẻ: “Mấy năm trước hồ tiêu được giá nên các hộ đổ xô đi trồng dẫn đến cung vượt cầu. Số liệu của Cục trồng thông tin có khoảng 100.000 hộ trồng hồ tiêu, nhưng theo tôi con số này có thể là 200.000 hộ với khoảng 149.000ha. Giá hồ tiêu giảm mạnh trong 3 năm gần đây, hiện tại chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg, không đủ trả tiền thuê hái nên nhiều nhà trồng tiêu bỏ cây, không chăm sóc”.

Theo ông Vũ Ngọc An – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, cách đây 3 năm khi giá hồ tiêu bắt đầu xuống thấp, trước tình trạng tăng diện tích hồ tiêu ồ ạt, ngành nông nghiệp tỉnh đã cử cán bộ xuống khảo sát, khuyên can, nhưng người trồng vẫn không nghe. Nay một mặt giá hồ tiêu xuống thấp do dư thừa trên thế giới, một mặt cây hồ tiêu chết đồng loạt do dịch bệnh, nên nhiều người nông dân gần như mất trắng.

“Nhiều gia đình khổ vì hồ tiêu chết. 3 năm trước gia tiêu cao,  nhìn họ thu tiền tỉ tôi ham lắm, muốn mở rộng diện tích. Nhưng gia đình tôi nghèo không có tài sản thế chấp nên không vay được vốn ngân hàng để đầu tư. Nay hàng loạt người trồng tiêu bị thất thu, nợ nần; tôi không có vốn, không đầu tư gì lại thoát”, ông Siu Tớih – Đắk Đoa – Gia Lai cho biết.

Nguồn Báo Lao Động

11 phản hồi cho bài "Gia Lai: “Tỉ phú hồ tiêu” bỗng chốc trắng tay vì hồ tiêu"

Senca

Báo chí hay giật tít tào lao. Làm nông thì không thể “bổng chốc” như mua xổ số. Chính bài báo cũng viết rõ 3 năm kia mà… Tại sao ở nhiều vùng cây hồ tiêu vẫn phát triển đẹp.
Theo đánh giá, mặc dù suy thoái mấy năm nhưng hiện nay cả nước vẫn còn hơn 120.000 ha hồ tiêu.

Ngok

Khổ nhất là các vị trồng tiêu có trình độ văn hóa nhất định, rồi tới các nông dân biết vào mạng, lên net… Phân tích rõ ràng cụ thể, nói mãi mà chẳng thèm nghe !

Nguyễn Vịnh

Xin chào cộng đồng.
Cũng khó trách nông dân được, vì thị trường phân thuốc thật giả lẫn lộn, phân thuốc kém chất lượng tràn lan… Ý kiến tư vấn cho nông dân cũng quá nhiều, chẳng ai giống ai, chủ yếu để kinh doanh phân thuốc là chính. Do vậy, nông dân càng thêm hoang mang, mất phương hướng. Tất nhiên, không loại trừ yếu tố thị trường giá cả tác động không hề nhỏ.
Tuy nhiên, mong mọi người cố găng kiên trì. “Nói phải củ cải cũng nghe”…
Đến với nghề nông với mong muốn để làm giàu là sự lạc quan quá mức !
Thân

Phucdo

Nếu họ có trinh độ thì họ làm cán bộ kỹ sư bác sĩ cả rồi, ai làm nông dân cho nhọc xác. Họ vẫn biết vào mạng internet, nhưng họ có thấy người khác làm như thế nào và có tin tưởng được không. Vì mang xã hội muôn vàn thông tin, từ anh nông dân kiến thức lem nhem đến giáo sư tiến sĩ, đại lý phân thuốc… loạn cả lên thi biết tin ai. Thôi thì theo anh hàng xóm cho chắc, nên mới có tình trạng chết chung, sống chung. Thành công hay thất bại là chuyên thường… Ai cũng muốn làm giàu, có ai muốn làm nghèo đâu. Hãy thương họ, đừng mỉa mai họ. Họ cũng khổ lắm rồi… Mình may mắn hơn là được tiếp cận phân thuốc tốt, tư vấn cao nên tốt hơn họ, chứ không thì cũng như họ …

Duc Minh

Bác nói có ít nhiều mâu thuẫn, nhưng chả sao. Không phải ai cũng may mắn như bác, bà con cũng may mắn khi làm hàng xóm của bác. Giờ biết trách ai đây khi đã trắng tay…

Thắng Lợi

Làm nông chỉ có kinh nghiệm truyền miệng, không có tri thức mà vẫn giàu được chẳng qua là nhờ gặp thời !

Dan Viet

Khi dư cung thì giá giảm là quy luật tất yếu thôi. Giá giảm và thời gian neo ở mức thấp phải đủ lâu để một bộ phần người trồng tiêu nản và bỏ cuộc dần dần cho đến khi cung không đủ cầu, hàng tồn bắt đầu giảm sút thì giá mới có cơ hội phục hồi. Giá càng giảm thì tỷ lệ bỏ cuộc càng cao, nếu tỷ lệ bỏ cuộc vẫn chưa đủ làm cho cung cân bằng với cầu thì giá buộc phải giảm tiếp hoặc neo ở mức thấp lâu hơn nữa để tỷ lệ bỏ cuộc phải tăng thêm.

Nghiên cứu về chi phí sản xuất, Dan Viet thấy có sự khác biệt rất lớn giữa người mới trồng và người đã trồng lâu, giữa đất mới và đất cũ, giữa tây nguyên và miền đông nam bộ. Hai thông số quan trọng nhất trong bài toán hạch toán chi phí là tỷ lệ chết và năng suất. Nói chung là giá tiêu 70k thì đã bắt đầu có người phải bỏ cuộc nhưng nếu giá giảm đến 30k thì vẫn có khoảng 20-30% nông dân vẫn tồn tại được với cây tiêu.
Giá tiêu sẽ dò đáy trong năm nay. Mức giá đáy của năm nay phải là mức sao cho có thêm ít nhất 30% nông dân trồng tiêu trên thế giới (trong đó có VN) buộc phải rời cuộc chơi.

Giá thấp là sự sàng lọc nghiệt ngã nhưng công bằng nhất, những ai có chi phí sản xuất cao, nhảy vào trồng tiêu không đúng lúc buộc phải rời cuộc chơi để giảm nguồn cung đang dư thừa.

Phucdo

Bác nói chính xác. Ông thời đi khỏi ông giỏi cũng vứt. Tôi ở ngay thủ phủ sầu riêng Dona Phước An, Krông Pẳc. Họ trồng chơi trăm gốc sầu riêng xen cà phê. Năm thu tiền tỷ, chả tốn công hái. Mình trồng tiêu sụp giá chả được bao nhiêu còn lo bệnh tật. Làm nông không dễ đâu các bác.

Nguyễn Hà

Phản hồi không hợp lệ !
Vui lòng kiểm tra sự chính xác của tên (nickname) hay địa chỉ email của bạn khi phản hồi.

Phucdo

Tôi nói đây là sự thật, không có gì mâu thuẫn cả. Tôi cũng học hỏi từ diễn đàn này mà làm thôi. Tôi không thích những ý kiến chê bai người khác, chỉ có vậy. Cảm ơn bạn hàng xóm của tôi vẫn sống tốt.

trongminh

Phản hồi không hợp lệ !
Vui lòng kiểm tra sự chính xác của tên (nickname) hay địa chỉ email của bạn khi phản hồi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *