Gia Lai: Tỷ phú hồ tiêu làng Chăm Prông
Mặc dù giá hồ tiêu không còn cao như mấy năm trước nhưng ông Rơ Lan Phih (làng Chăm Prông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) vẫn có thu nhập rất ổn định từ vườn hồ tiêu 2.500 trụ luôn xanh mướt, trĩu quả.
Không hẹn trước nên ông Rơ Lan Phih hơi bỡ ngỡ khi thấy Trưởng thôn và chúng tôi đến nhà. Qua trao đổi, chúng tôi được biết, cách trồng và chăm sóc hồ tiêu của ông Phih cũng hơi khác mọi người. Từ khi trồng tiêu cho đến nay, ông không hề sử dụng thuốc BVTV. Ông cũng chỉ bón phân hữu cơ và vôi lân cho vườn hồ tiêu. Ngoài ra, ông tự mua thiết bị về lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn hồ tiêu rộng 2,5 ha.
Nhìn vườn hồ tiêu của gia đình ông Phih xanh mướt, trụ nào cũng to bằng 2 vòng tay người lớn, ai cũng mê mẩn. Lấy nước mời khách, ông Phih cho biết, trước năm 2000, gia đình ông rất khó khăn bởi đông con và đều đang tuổi ăn tuổi học. Vợ chồng ông làm bao nhiêu cũng chỉ đủ nuôi các con. Từ năm 2012, 4 người con của ông đều ra trường, đi làm kiếm tiền đỡ đần cho bố mẹ. Trong số này, cậu con trai thứ ba tên Phon sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Tài chính kế toán đã đăng ký đi xuất khẩu lao động và được một công ty quảng cáo ở Hàn Quốc nhận vào làm việc…, với thu nhập bình quân 50-60 triệu đồng/tháng. Làm được bao nhiêu, Phon gửi hết về cho bố mẹ mua đất để trồng hồ tiêu. Vì thế, từ chỗ khó khăn, ông Phih giờ đã trở thành tỷ phú hồ tiêu.
Ông Phih kể, ban đầu, ông mua lại mảnh rẫy trồng cà phê của một người trong làng. Tuy nhiên, cà phê cho năng suất rất thấp. Ông liền thuê máy về nhổ bỏ hết cà phê để chuyển sang trồng hồ tiêu. Rồi ông đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm, tìm giống hồ tiêu tốt đem về trồng. Mới đầu, ông chỉ trồng thử nghiệm 1.000 trụ, sau khi thấy hồ tiêu lên xanh tốt mới quyết định trồng hết đất. Năm đầu thu bói bán được với giá hơn 100 ngàn đồng/kg, còn bây giờ chỉ được 65-70 ngàn đồng/kg. Tuy vậy, gia đình ông vẫn có lời, mỗi năm thu được khoảng 600-700 triệu đồng từ vườn hồ tiêu.
Không chỉ được bà con làng Chăm Prông nể phục vì thu nhập “khủng” từ hồ tiêu, ông Phih còn được nhiều người yêu mến bởi lối sống giản dị, luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người. Với những gia đình trong làng cần giúp về kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu hay lắp hệ thống nước tưới nhỏ giọt, ông Phih đều nhiệt tình giúp đỡ, hộ khó khăn ông không lấy công. “Thực ra trồng hồ tiêu không khó nhưng người nông dân phải biết được quy trình chọn giống, làm đất, bón phân và chăm sóc. Sau khi đào hố phải sử dụng phân bò được ủ hoai cùng với vôi lân, phân hóa học (NPK) trộn đều với đất để khoảng 1 tháng sau mới trồng và nên chọn giống hồ tiêu Vĩnh Linh. Những dây tiêu ác vươn cao, bà con nên cắt bỏ vì nó không có cành. Nên hạn chế dùng thuốc hóa học; hàng năm nên ép xanh và dùng phân hữu cơ, phân bò ủ hoai bón cho hồ tiêu là tốt nhất”-ông Phih đúc rút kinh nghiệm từ thực tế trồng hồ tiêu.
Ông Ksor Jar-Trưởng thôn Chăm Prông: “Trang trại hồ tiêu của gia đình ông Rơ Lan Phih lớn nhất làng. Với cách chăm sóc, bón phân của ông, hồ tiêu rất xanh tốt. Trước đây, dân làng Chăm Prông chỉ trồng cà phê. Nhờ có trang trại hồ tiêu của ông Phih, bây giờ hơn 100 hộ trong làng đã học tập trồng theo”.
14 phản hồi cho bài "Gia Lai: Tỷ phú hồ tiêu làng Chăm Prông"
Rất hay. Vườn tôi cũng đang chăm theo hướng trên nên chi phí rất thấp, bệnh tật giảm nhiều. Điều này có vẻ trái với suy nghĩ của nhiều người.
Mong diễn đàn có nhiều bài đăng như này để có thể thay đổi cách nhìn của nông dân.
Hồ tiêu rớt giá dẫn đến đầu tư giảm. Đồng nghĩa với việc phân thuốc hóa học không còn xối ồ ạt lên cây hồ tiêu nữa… Bà con nên quay về lối canh tác hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ tự ủ hoai để bón. Cũng chính là cơ hội giúp cho các vi sinh vật hữu ích trong đất hồi phục, cây hồ tiêu cũng sẽ tăng kháng thể, hạn chế sâu bệnh, sẽ lấy lại giá trị trên thị trường trong một ngày không xa.
Tôi là người trồng tiêu, tôi biết rõ. Mong các bác hãy thôi tung hô kiểu như vậy đi. Để cho dân chúng tôi còn đường sống với…
Hôm nay ngày đầu khởi công hái vụ 2018, bình quân mỗi công hái khoảng 8 kg/ngày. Theo thời giá và tiền công như thế này chắc chết quá bà con ơi. Giá 60- 67 ngàn/1kg thì lời cái nỗi gì hỡi bà con. Tết năm nay chắc “ăn tiêu” quá, những ngày tết vào rẫy hái tiêu để đỡ bớt tiền công với bớt tiền chi tiêu ba ngày tết.
Không biết giá cả rồi sẽ thế nào chứ với giá này mà bác gì gì đó nói có lời thì tôi không thể tin nổi, bà con thấy thế nào?
Không biết cả nước còn được bao nhiêu vườn tiêu như vườn trong hình vậy.
Tiêu mới trồng được 4-5 năm thì sao không đẹp. Giá tiêu như bây giờ thì liệu mấy ai dám phân thuốc hóa học nhiều nữa. Phải không bà con
Em về làm tiêu 4 năm nay và có một điều rất thú vị về cây tiêu. Cây tiêu rất ưa bóng mát. chỉ cần 1 ngày hưởng được 5 giờ nắng nó sẽ tốt và tránh ánh nắng buổi trưa. Trong vườn có 1 cây tiêu bò lên cây điều và năng suất bình bình là 5kg. Cây này nó trên 15 năm rồi nhưng vẫn còn xanh tốt. Chúc cả nhà làm hồ tiêu bền vững.
Tổng kết lại thì hàng ngàn vườn đẹp như thế đấy. Nhưng bây còn bao nhiêu vườn ? Chắc 10%.
Trồng tiêu mà nền đất như vậy thì tôi dám cam đoan bẻ trái 2 mùa nữa là chết dần chết mòn, chết toàn diện.
Diễn đàn là nơi để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. Giá như bạn nêu rõ nguyên nhân, lý do bạn nhận định và cam đoan để cho mọi người cùng tham khảo thì hay hơn nhiều !
Đồng ý với bạn @Ngok.
Mọi người vào diễn đàn để chia sẻ mới có ý nghĩa cộng đồng…
Dan Viet không dám nói mạnh miệng vì không chắc nhưng nhìn những vườn như thế này tỷ lệ vài mùa sau là ra đi khá cao. Những đặc điểm của vườn này làm Dan Viet nghĩ vậy là:
1. Đất trụi lũi không có một cọng cỏ, khả năng chủ vườn dùng thuốc diệt cỏ khá cao, từ đó suy ra là khả năng lạm dụng hoá học khá cao, đất không có thảm thực vật để lôi kéo rệp sáp, tuyến trùng và nấm ra ngoài thì chúng sẽ tập trung tấn công rể tiêu, lá tiêu buộc phải dùng hoá học để chống đỡ, chẳng mấy chốc thì chai đất, xót rễ….
2. Không có tán che trên ngọn là cho cây dễ bị nắng cháy vào những năm khô hạn.
Mong được bạn Khang chia sẽ kinh nghiệm của mình.
@ Dan Viet nhận xét đúng.
Bản chất sinh học di truyền của tiêu là phát triển dưới tán rừng, hấp thụ ánh sáng tán xạ. Khi bị đưa ra ánh sáng trực xạ kết hợp với lạm dụng phân thuốc hóa học sẽ giúp tiêu phát triển rất nhanh và cho năng suất rất cao. Nhưng điều này cũng làm cây rút ngắn chu kỳ sinh trưởng, thiếu sức đề kháng và cây nhanh già cỗi, dễ bị sâu bệnh tấn công…
Các vi sinh vật hữu ích (EM) chỉ tồn tại trong lớp đất giàu chất mùn, độ ẩm thích hợp tương đối. Nếu thiếu ẩm, đất sẽ chai cứng vì nắng nóng, vsv không thể phát triển được thì lấy gì bảo vệ cây trước sự tấn công của các loại dịch hại…
Mọi rủi ro lúc này đều tập trung vào gốc tiêu.
Hóa ra bà con trồng tiêu dạo này thua kém xa đồng bào rồi…
Cố lên thôi các bạn ơi, chăm sóc theo hướng sinh học là thành công.
Xin chào các anh chị em. Tôi đọc trang này đã lâu, trước để học hỏi cách chăm sóc tiêu và anh Nguyễn Vịnh chia sẻ kinh nghiêm với tất cả mọi người. Theo tôi, mình làm vườn tiêu quan trọng nhất là tạo độ mùn cho đất. Đất mà tơi xốp là ok phải không anh Vịnh. Mấy năm nay tôi tăng cường phân chuồng ủ với trico nên thấy vườn tiêu phát triển rất tốt, không phải dùng thuốc bảo vệ thưc vật nữa. Còn về phân bón tôi chỉ bỏ có 3 lần, 1 sào bỏ có 10kg NPK. Trên đây là những gì mình chia sẻ với mọi người. Có gì không phải xin mọi người bỏ qua cho. Thân chào cộng đồng giatieu.com