Gia Lai: Phát triển hồ tiêu bền vững ở Chư Pưh
Với tổng diện tích 2.450 ha (trồng mới 165 ha), sản lượng bình quân hàng năm trên 8.000 tấn, Chư Pưh được xem là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên những năm trở lại đây cùng với việc người dân ào ạt trồng tiêu thì bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên trên cây tiêu diễn biến tương đối phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng.
Để khắc phục tình trạng trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh đã đưa ra nhiều biện pháp giúp người trồng tiêu phòng ngừa, đồng thời mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và cách phát hiện sớm bệnh trên cây tiêu.
Ông Nguyễn Xuân Hùng- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh cho biết: Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như chú trọng canh tác cây hồ tiêu theo hướng bền vững là ưu tiên hàng đầu của Huyện trong những năm qua. Do đó, trong thời gian qua Phòng đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm Huế triển khai mô hình IPM trên cây hồ tiêu.
Đã tổ chức lớp tập huấn TOT cho cán bộ cấp xã, huyện và lớp FFS dành cho các trưởng thôn, già làng, những người trồng tiêu trên địa bàn. Mục đích là phổ biến cho người trồng tiêu trên địa bàn Huyện về kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu theo hướng bền vững cũng như cách phòng ngừa và sớm phát hiện bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên… để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Bên cạnh đó, Phòng cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng mới mà bất chấp đất đai có phù hợp với cây tiêu hay không, nhất là những vùng đất trũng để tránh rủi ro, phải thường xuyên kiểm tra vườn tiêu để phát hiện các dấu hiệu của bệnh, đào rãnh thoát nước tránh ngập úng trong mùa mưa. Hướng dẫn người dân kỹ thuật xử lý trụ, đất và phun thuốc phòng trừ tuyến trùng, bệnh thối gốc, thân trước khi tiến hành trồng nhằm hạn chế mầm bệnh tích lũy, lây lan cho vườn tiêu. Đối với các vườn tiêu già cỗi, chết do bệnh chết nhanh, chết chậm, người dân cần chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày như bắp, đậu các loại… 2-3 năm nhằm cải tạo đất trước khi trồng lại cây tiêu.
Mặt khác, nhận thấy mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, vừa kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu, vừa hạn chế các loại dịch bệnh gây hại, lại giảm bớt chi phí đầu tư cho người dân, hạn chế tình trạng phá rừng nên thời gian qua, Phòng NN&PTNT đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Trạm Khuyến nông triển khai nhân rộng mô hình trồng tiêu trên cây trụ sống.
Ông Hùng cho biết thêm: Thời gian tới Phòng sẽ tiến hành trồng thử nghiệm giống tiêu ghép giữa thân cây tiêu ở rừng Amazon với cây tiêu địa phương có ưu điểm sinh trưởng tốt, kháng được nhiều loại sâu bệnh hại. Nếu giống tiêu ghép này phù hợp với chất đất, khí hậu nơi đây và cho năng suất, sản lượng cao thì sẽ tiến hành nhân rộng giống tiêu này trên toàn địa bàn huyện.
Với những định hướng cụ thể cho sự phát triển bền vững cây hồ tiêu trên đất Chư Pưh của các ngành chức năng, hy vọng cây hồ tiêu sẽ tiếp tục góp phần xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội huyện Chư Pưh nói riêng cũng như của tỉnh nói chung.
Theo Quang Tấn (Báo Gia Lai điện tử)
6 phản hồi cho bài "Gia Lai: Phát triển hồ tiêu bền vững ở Chư Pưh"
Trước đây tôi biết Chư Sê được xem là thủ phủ cây hồ tiêu của Gia Lai. Nay thì bài báo này lại xem Chư Pưh là thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai, có phải do diện tích của Chư Pưh nhiều hơn chăng? Các bác giải thích giùm, xin cám ơn !
Chào anh.
Trước đây Chư Sê là thủ phủ của hồ tiêu Gia Lai là ko bàn cãi vì nó bao gồm luôn cả diện tích của huyện Chư Pưh. Huyện Chư Pưh được tách ra từ huyện Chư Sê 2 năm nay thôi… được xem là thủ phủ hay ko là xét về diện tích và sản lượng hồ tiêu.
Thân.
Theo báo cáo thống kê năm 2012 của Sở NN-PTNT Gia Lai thì huyện Chư Sê có 2.121 ha tiêu (1.824 ha thu hoạch), sản lượng 8.664 tấn ; huyện Chư Pưh có 1.887 ha tiêu (1.603 ha thu hoạch), sản lượng 7.889 tấn. Nhưng theo bài báo này huyện Chư Pưh có 2.450 ha (có 165 ha trồng mới ), chắc là số của Phòng NN báo cáo… Vậy nên mới biết tiêu, cà phê… xuất khẩu mãi mà vẫn còn trong dân !
Đâu là thủ phủ tiêu Gia Lai?
Chào diễn đàn. Bây giờ Chư Pưh mới là thủ phủ hồ tiêu, còn Chư Sê bây giờ không đáng nói, các bạn biết Bãi Sao không, Nông trường 194 hay Nông trường HAGL, vào mà xem thử. Thân chào
Chào diễn đàn. Chư Pưh hiện nay tiêu chết, bệnh nhiều quá, nhà thì chết 100%, nhà thì vàng lá cả nửa vườn, không biết mấy năm nữa Chư Pưh còn được mang cái danh hiệu “thủ phủ” nữa không?
Trồng mới cũng nhiều nhưng các gia đình có điều kiện đều mua đất ở các huyện khác trồng. Còn trồng ở đây thấy toàn người đồng bào mở rộng thôi. Nhưng không hiểu kỹ thuật nên cũng chả ra gì