Giá tiêu tăng nóng: Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bể hợp đồng vì không mua được hàng
Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam đứng trước nguy cơ bể hợp đồng vì hàng chỉ bán lưu thông trong giới đầu cơ, đại lý và người dân chứ không về đến tay người xuất khẩu.
Giá tiêu trong nước tháng 2 tăng 1.000 – 3.500 đồng/kg so với tháng 1, dao động trong khoảng 53.000 – 55.500 đồng/kg. Đà tăng bứt phá hơn khi bước sang tháng 3, giá tiêu đã tăng lên tới 66.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, việc giá tiêu tăng nóng như hiện nay khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua hàng, thậm chí đứng trước nguy cơ bể hợp động. Để làm rõ hơn vấn đề này, người viết có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA).
Nguyên nhân của đợt tăng giá này là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Hiên: Giá tiêu tăng nóng thời gian gần đây chủ yếu dân không muốn bán ra. Nếu dân bán ra thì đại lý cũng ôm cũng không chịu bán. Nhìn chung hàng nằm trong tay dân và đầu cơ, không đến được tay doanh nghiệp xuất khẩu.
Doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam đứng trước nguy cơ bể hợp đồng vì hàng chỉ bán lưu thông trong giới đầu cơ, đại lý và người dân chứ không về đến tay người xuất khẩu.
Trong khi đó, hơn 90% hồ tiêu Việt Nam tiêu thụ qua đường xuất khẩu.
Việc giá tiêu tăng, giảm là chuyện bình thường trên thị trường nhưng đại lý phải bán ra thì mới có thể điều tiết xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa thay vì chỉ bán qua tay từ người này qua người khác ở trong nước, thổi giá cao mà không thể xuất khẩu đi nước ngoài.
Doanh nghiệp xoay xở hàng để xuất đi như nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Hiên: Tình hình như hiện nay quá khó khăn cho doanh nghiệp, không chỉ đối với Trân Châu và toàn bộ doanh nghiệp xuất khẩu tiêu.
Đợt tăng giá năm ngoái còn có “người khóc người cười” do vẫn còn một vài doanh nghiệp mua được giá thấp để giao cho khách hàng nhưng năm nay ai cũng phải “khóc” hết.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu từ đầu năm đến nay gần như ngồi chơi. Nếu mua vào lúc này rất mạo hiểm vì giá quá cao. Không doanh nghiệp nào dám mua vào vì sợ giá có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào.
Trong khi trước đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký hợp đồng với khách hàng nhưng ở mức giá thấp, đến lúc giao hàng thì không thu mua được tiêu hoặc phải mua với giá rất cao và chịu thua lỗ. Dự kiến trong tháng 3, xuất khẩu tiêu không được nhiều.
Sản lượng tiêu Việt Nam được dự báo giảm 20%. Có nhiều tin đồn cho rằng nguồn cung đang bị thiếu hụt nhiều do Việt Nam đang chiếm gần 60% thị phần thế giới. Ông đánh giá thế nào vấn đề này?
Ông Nguyễn Tấn Hiên:Thời tiết năm nay lạnh nên tiêu chín chậm hơn một tháng kéo theo thời điểm sau tết không có hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa mua được hàng. Nhiều tin đồn cho rằng năm nay cung sẽ thiếu hụt so với nhu cầu do sản lượng giảm.
Thế nhưng, nhìn chung cung vẫn cao hơn so với nhu cầu. Nhu cầu hồ tiêu của thế giới hiện nay khoảng 500.000 tấn trong khi đó nguồn cung năm 2021 cộng thêm tồn kho của những năm trước khoảng 600.000 tấn.
Đơn hàng như mọi năm, thậm chí có lúc ít hơn năm ngoái vì một số khách hàng vẫn còn tồn kho.
Đợt tăng giá vào cuối tháng 5 năm ngoái dễ hiểu vì lúc đó thu hoạch hồ tiêu đã kết thúc. Ngoài ra, giá tiêu trước đó quá thấp, chỉ 37.000 – 39.000 đồng/kg nên. Do đó, việc giá bật tăng sau thời gian dài ở mức thấp là điều hợp lý.
Nhưng hiện nay đang chính vụ thì tại sao lại có chuyện đó? Vừa qua giá tiêu Việt Nam ở trong khoảng 53.000 – 55.000 đồng/kg thì cũng ở mức tương đối. Cái gì tăng cũng phải lộ trình tăng đứng như này bất thường.
Ông có khuyến cáo thế nào đối với người trồng tiêu?
Ông Nguyễn Tấn Hiên: Người dân nên cẩn trọng, không nên tham lam quá mà cần hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp bởi trên 90% lượng tiêu của Việt Nam được tiêu thụ qua xuất khẩu.
Người dân đừng mong chờ giá tiêu có thể lên 100.000 đồng/kg mà bỏ lỡ cơ hội vàng như hiện tại. Đương nhiên, giá tiêu có thể lên 70.000 – 80.000 đồng/kg nhưng không phải ở giai đoạn này mà sẽ rơi vào thời điểm Việt Nam đã thu hoạch xong, thiếu hàng.
Trong khi đó hiện nay, trung bình mỗi ngày thu hoạch được 4.000 – 5.000 tấn. Với tốc độ như hiện nay, còn khoảng 40 ngày nữa là hoàn thành thu hoạch.
Nguồn hàng đang rất nhiều chứ không phải thiếu đến mức giá tiêu bị đẩy lên quá nóng, một ngày thậm chí giá có thể tăng tới 4.000 – 5.000 đồng/kg/ngày.
Đó là dấu hiệu không ổn định, không bền vững. Giá tăng hiện nay người dân vẫn có lợi nhưng cần cân đối với cả lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu.
Việc không xuất được hàng ảnh hưởng thế nào đến thị phần xuất khẩu tiêu của Việt Nam trên thế giới?
Ông Nguyễn Tấn Hiên: Nếu doanh nghiệp Việt Nam không xuất được hàng, các nước đối thủ như Brazil sẽ tận dụng cơ hội sẽ bán. Điều này dẫn đến Việt Nam mất khách hàng. Trên thực tế, ngành tiêu đã có bài học tương tự từ đợt tăng giá tiêu năm ngoái.
Khi khách hàng đã đủ hàng thì nhu cầu sẽ sụt mạnh và giá tiêu thế giới cũng lao dốc theo, khi đó, ngành tiêu Việt Nam đã mất cơ hội.
38 phản hồi cho bài "Giá tiêu tăng nóng: Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bể hợp đồng vì không mua được hàng"
Nghe nói trong phiên họp đột xuất của VPA mới đây đã yêu cầu các DNXK là hội viên ngừng mua? Nếu không mua thì lấy gì xuất khẩu? Có vẻ lúng túng, mâu thuẫn quá mức. Mà không mua sao giá vẫn tăng?
Nghe nói giá tiêu chào bán XK ở mức 3.500-3.600 Usd/tấn, tương đương 83-86k thì sẽ mua cho dân trồng tiêu được bao nhiêu sau khi đã trừ các chi phí…?
Tiêu lên nữa cũng không có mà bán. Mấy năm qua nó đã xuống giá, dân bỏ luôn, càng làm càng nợ rồi tiêu cũng chết, người lao vào cảnh nợ nần. Giờ tiêu lên thì còn gì nữa đâu bà con ơi. Khổ đến tận cùng của người nông dân chỗ tôi, còn vài nhà mà cũng chỉ thu được 1-3 tạ cho cả mùa thôi.
Phản hồi không hợp lệ !
Vui lòng kiểm tra sự chính xác của tên (nickname) hay địa chỉ email của bạn khi phản hồi.
Lúc giá lên thì họ nói người nông dân không nên tham lam quá mà phải hài hòa với lợi ích của NXK. Sao lúc giá xuống không thấy các NXK nói đến hài hòa lợi ích với người trồng tiêu nhỉ.
Vui lòng đọc kỹ những nguyên tắc gửi phản hồi ! Cảm ơn.
@Loc An
Theo mình nghĩ, giá đại lý mua từ nhà vườn thấp hơn giá DNXK chào bán khoảng 10% là được.
Ví dụ, hôm nay giá chào bán XK khoảng 3.500-3.600 USD/tấn tùy theo loại I, loại II thì giá mua của nông dân nằm ở khoảng (-10%) 3.150-3.240 USD/tấn, theo tỷ giá 23.000Vnd/Usd quy đổi thành 72.400-74.500đ/kg là được nhỉ. Kêu gì nữa mà kêu… Các vị ở VPA còn chê ít chăng?
Mấu chốt là các vị ấy ký bán khống rồi, giờ lên cao không bù nổi lỗ. Chứ nếu chưa ký thì đã không có chuyện này đâu. Mua cao bán cao thì đâu đến nỗi than trời, nước mắt cá sấu này.
Mấy năm nay các ngài ấy ngồi mát ăn ngập mồm quen rồi. Giờ hơi nguy hiễm tí đã khóc… Chỉ khổ nông dân thôi – mồ hôi, nước mắt! Giá thì bị xào chẽ từ lái buôn đến đại lý rồi NXK… ai khóc cho nỗi đau này?
Từ nông dân trồng tiêu đến thị trường tiêu dùng là một chuỗi móc xích với nhiều tầng nấc, không thể thiếu. Tôi hiểu ý xào chẽ bạn muốn nói là do một vài móc xích nào đó đã thu lợi vượt quá ngưỡng.
Sáng nay Chủ nhật 14/03, các cty địa phương và nhà cung ứng cho các công ty XK vẫn mua với giá 71-72k, nhưng các đầu cơ nhỏ lẽ tìm đến các đại lý đặt mua với giá 74-75k và có thể cao hơn nữa. Đây chính là tin vui cho bà con nhưng sẽ làm chuỗi cung ứng thị trường bị đứt gãy, vì rất khó để mua của bà con với giá cao hơn trừ phi qua ngày mai, thứ Hai 15/03 các nhà XK chào bán giá cao hơn hôm nay.
Brasil và các nước trồng tiêu khác cũng không dại gì bán với giá thấp hơn của mình đâu. Họ sẽ chào bán với giá cao hơn, lên ở mức các nhà NK chấp nhận được. Đó mới là giá thật của thị trường KD hồ tiêu quốc tế.
Bán khống, bán trước, bán giao sau, bán kỳ hạn… là những phương thức bán hàng khác nhau, các nhà XK khắc biết để lựa chọn cách bán phù hợp với công ty và đối tác của mình, bà con không cần quan tâm.
Bán ngay hay giữ hàng lại chờ giá cao hơn thì bà con tự quyết, bất kể ai nói gì, vì hạt tiêu do công sức của mình và gia đình làm ra mà… Vấn đề là cân nhắc, thận trọng và cơ hội giá cao cũng không dễ dàng có được.
Kỳ vọng giá cao cuối năm cũng không loại trừ, nhưng không phải vay tiền NH để chi tiêu hay để mua đầu cơ ồ ạt, coi chừng “cóc mò cò xơi”.
Thân
Đúng như ý kiến của bác @Nghia Hung.
Hôm nay giá chào bán XK không tăng, đầu cơ nhỏ lẻ trong nước ngưng mua nên thị trường vẫn duy trì mức giá như bác dự tính.
Cộng đồng mong nhận được thêm nhiều ý kiến chia sẻ của bác.
Trân trọng !
Bác Phó VPA thân mến, tôi thấy bác nói bể hợp đồng là do nông dân ghìm hàng.
Vậy bác có đặt lại câu hỏi tại sao họ không bán không?
Bác cứ chào giá cao giúp dân đi, dân bán ra ầm ầm ngay. Bác muốn chúng tôi những người nông dân khổ tới bao giờ với giá bán khống mồ hôi công sức của chúng tôi.
Khi nguồn cung sụt giảm, nhu cầu tăng thì chúng tôi được quyền hưởng giá tăng. Nếu đã lỡ ký bán khống giá thấp, hãy game over rồi start lại!
Bác chơi đẹp đi, cơ hội thắng trong tương lai 2023 – 2025 với giá 200k còn nhiều.
Dân khổ nhiều rồi ông gì đấy ạ! Doanh nghiệp hay nông dân còn có đại lý, thương lái đứng giữa nữa.
Ông là doanh nghiệp, ông không chủ động được việc thu mua từ gốc, từ ngọn cho dân bớt khổ ! Ông muốn ngồi mát người ta dâng tận họng cho ông, khi đại lý không chịu ói ra thì ông lại kêu ca, bảo dân bớt tham lam!
Cái gì cũng có cái giá của nó nhé ông gì đấy, nông dân bây giờ người ta tiếp cận với công nghệ nhiều rồi, không còn lúa như xưa đâu !
Tư duy làm kinh tế của doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn bộc lộ lạc hậu nhiều ! Các doanh nghiệp hãy chịu khó kiếm tìm một sự thay đổi trong làm ăn đi để cho chính mình, nhân dân và đất nước được nhờ !
Lở ký bán khống rồi, giờ rớt vào tiến thoái lưỡng nan. Nếu đưa giá cao để mua, tiêu hạ giá là các ngài lổ nặng. Còn nếu không mua trong lúc này thì không có hàng để giao, bể hợp đồng, chẳng khác nào phá sản. Giá cứ tăng hàng ngày, dù sao chăng nữa giai đoạn này các ngài mua vẫn còn kịp. Đừng để giá lên 100.000 rồi ngồi khóc thật, bây giờ chỉ là khóc giả thôi. Tại sao tôi lại nói vậy?
Thứ nhất tiêu mất mùa trầm trọng trên diện rộng.
Thứ hai thế giới đã có vắc xin ngừa Covid.
Thứ ba các nhà hàng quán ăn đã hoạt động trở lại.
Ba yếu tố này làm cho cầu năm nay vượt cung là điều chắc chắn.
Mùa tiêu năm nay tại đất nước Campuchia chẳng hơn gì ta. Các ngài đừng dùng chiêu rung cây nhát khỉ nữa, vì người dân trồng tiêu không còn ngu như xưa đâu, chỉ bán vừa đủ khi cần tiền giải quyết công nợ, theo dự đoán chu kỳ vàng đen 2017 có khả năng lập lại.
Một sự mơ hồ không hề nhẹ. Ngồi đó chờ đi quý ngài, các vị định 5 hoặc 6 ngàn tấn ở đâu ra. Các vị ngồi đó sao biết tiêu chết, mất mùa….
Có chết đói cũng không bán thời điểm này, bởi vì đã đói rồi giờ đói thêm tí cũng không sao.
Phản hồi không hợp lệ !
Vui lòng kiểm tra sự chính xác của tên (nickname) hay địa chỉ email của bạn khi phản hồi.
Nếu giá tiêu xuống 30k thì mấy ông có mua cho dân 35k không?
Tiền thuê 1 người hái 250k, hái được 8 kg khô, tính ra đã 30k rồi. Mấy năm nay mấy ông mua 40k, ai khổ?
Thực tế quê tôi BRVT, đa số tiêu chết vì không chăm sóc, cây còn sống cũng bị mất mùa. Thu hoạch thêm nửa tháng là sẽ hết tiêu chứ không có chuyện lâu như mọi năm. Cho nên giá còn lên nữa, vì thực tế là không còn tiêu, tiêu dự trữ cũng đã hết.
Bác Nguyễn Vịnh ơi !
Trưa nay họ vào trả tiêu nhà cháu với giá cộng thêm 8.000đ/kg, vậy cháu nên bán bác nhỉ !
@Hoàng Ân
Bác Nguyễn Vịnh đã nói rồi. Bác không bàn chuyện giá cả với riêng cá nhân ai trên mạng.
Còn nếu bạn là người thân quen thì bạn lên nhà bác để tư vấn.
Giá cộng thêm chủ yếu là do chất lượng tiêu xô (dung trọng). Nhân đây mình xin hỏi tiêu của bạn chăm cách gì mà được cộng tới 8.000đ/kg vậy ? Trong khi mức cộng thêm vụ mùa này không cao như mấy vụ trước.
Theo mình dự đoán trong đó có phần đẩy giá lên vài ngàn của thương lái tranh mua tại nhà để có hàng giao cho đầu cơ nhỏ lẻ.
Bác Nguyễn Vịnh ơi !
Cháu hiếm khi thấy bác bàn về giá tiêu trên trang web, nhất là khi có những ý kiến muốn tham vấn bác về giá cả. Nhưng cháu tin chắc, không lẽ bác admin cả giacaphe.com và giatieu.com mà bác không nói một tí nào về giá cả…?
Giá tiêu đang nóng quá bác ơi. Nông tiêu chúng em rất cần những thông tin định hướng trong ngắn lẫn dài hạn. Mong bác bỏ chút thời gian để nêu vài ý kiến bác nhé. Cám ơn bác nhiều !
Dự đoán giá lên xuống là vấn đề tế nhị, không thể chắc chắn. Có lẽ vậy nên bác Nguyễn Vịnh không để đem ra chuẩn đoán cho bà con được. Bác chỉ khuyên bà con mình cần tiền thì hãy bán vừa đủ khi giá lên, ngừng bán khi giá hạ… Để tránh giá tuột dốc không phanh. Còn cảm thấy giá bao nhiêu có thể bán được đó là quyết định của mỗi cá nhân…
Phản hồi không hợp lệ !
Vui lòng kiểm tra sự chính xác của tên (nickname) hay địa chỉ email của bạn khi phản hồi.
Mình xin có vài ý kiến thế này:
Bây giờ tất cả người dân đều mong muốn tiêu đạt mốc 100k và đây cũng là mốc mà giới đầu cơ đang hướng tới. Vì vậy khi đạt mốc này theo mình nghĩ thì sẽ có 1 lượng hàng rất lớn sẽ được tung ra thị trường, trong đó có cả người dân và giới đầu cơ. Khi đó sẽ dẫn đến tình trạng hàng dư cung 1 cách đột ngột dẫn tới tình trạng giá sẽ giảm. Cùng với đó là người dân thấy giá càng ngày càng giảm lại đổ xô bán ra khiến giá càng giảm sâu hơn nữa.
Thứ 2, giá giảm sâu sau khi người dân bán hàng ra thì sẽ có 1 số bộ phận giới đầu cơ quay trở lại thị trường để mua, theo kiểu “1 mâm mà ăn 2 lần”.
Hi vọng rằng giá tiêu sẽ tăng nhưng bền vững.
Ví dụ hàng chỉ nằm trong giới đầu cơ và nhà nông. Không có hàng để xuất khẩu thì sẽ như nào… Các bác giải thích hộ em. Em không biết về điều này.
Không có hàng để xuất khẩu thì sẽ thế nào là chuyện của nhà XK.
Nếu bác lo lắng thì bác bán hàng cho họ đi, ôm nữa làm gì cho nặng bụng !
Các bác nông dân cần tiền thì nên bán ít một. Lúc này là sự bất lợi thuộc về các đơn vị đã chốt khống, bán trước với giá rẻ. Họ đang phải nháo nhào đi mua bù hợp đồng để giữ uy tín danh dự. Khi giá bị đẩy lên cao họ phải bù lỗ nhiều hơn, những ai không trụ nổi thua lỗ phải xù hợp đồng thì độ nóng của tiêu mới giảm nhiệt. Giảm sẽ rớt tạm trong thời gian ngắn cho tới khi mọi thứ đi vào ổn định.
Tôi ở Quảng Trị, trưa qua bán giá 74k/kg bán bớt nên sẽ bán tiếp vì để tiêu 5 năm rồi, quá lâu…
Chào bạn @Nguyễn thị Vui bạn có thể chia sẻ giùm cách giữ tiêu lâu mà không bị ẩm mốc cho cộng đồng tham khảo với. Cảm ơn bạn trước nha.
Các thương gia Trung Quốc đang chủ động tích cực thu mua Hồ tiêu của Việt Nam, nếu họ biết mất mùa, tồn kho không còn nhiều và sẽ ôm một lượng hàng lớn ngay từ đầu mùa để về chế biến xuất khẩu. Trong khi đó các doanh nghiệp của ta lại đang ngồi đợi giá xuống mới thu mua, như vậy có khi cần hàng giao ngay lại phải mua của các thương gia Trung Quốc với giá rất cao cũng nên ! Vì họ đã mua giá cao rồi thì không bao giờ họ lại bán giá thấp hơn.
@Anhdung suy nghĩ của dân ta nó vậy bác ạ, thà để thằng hàng xóm giàu chứ không muốn anh em trong nhà giàu đâu.
Họ phải nghĩ tới câu:”chú khoẻ thì anh mừng” thì xã hội này mới khá được.
Giá cứ rẻ hoài thì nông dân ngó lơ cây tiêu luôn, phải đảm bảo được giá trị tiêu, để người nông dân có thể sống bằng chính sản phẩm họ làm ra, để họ có niềm tin vào mục tiêu họ theo đuổi. Thì các ngài VPA mới có tiêu mà XK.
Giá tiêu chiều nay giảm nhẹ, bên cty XK vẫn mua bình thường nhưng các nhà đầu cơ nhỏ lẻ ngừng mua để nghe ngóng thêm nên thương lái không dám đẩy giá nữa…
Hôm nay ở Cư Kuin xả hàng tồn mấy năm trước khá nhiều. Hỏi thăm vài nhà nông thì họ bảo: cũng phải xả bớt mới có tiền thuê công hái năm nay chứ… Tiêu ở vùng này qua tuần sẽ bắt đầu hái rộ.
Hôm nay 16/3 giá tiêu CưJut – Đắk Nông vẫn cao hơn giá trên mạng.
Tình hình còn đang nóng sốt…!
Phản hồi không hợp lệ !
Vui lòng kiểm tra sự chính xác của tên (nickname) hay địa chỉ email của bạn khi phản hồi.
Công lao động của nông dân phải 250 ngàn và giá tiêu cũng cần phải 100ngàn/kg thì mới tương xứng.
Thị trường đang xuất hiện hai luồng thông tin với 2 xu hướng trái ngược nhau.
– Xu hướng giá tăng, có khả năng sẽ chạm mốc 100k vào cuối năm nay. Cơ sở của xu hướng này là nguồn cung toàn cầu thiếu hụt và khả năng sang năm sẽ thiếu hụt trầm trọng hơn vì người trồng tiêu chuyển đổi cây trồng khác hay bỏ bê không chăm sóc suốt 3 năm qua khiến dịch bệnh lây lan và diện tích trồng tiêu của nhiều nước giảm mạnh, số còn lại cho năng suất thấp.
– Xu hướng giá chỉ tăng tạm thời, hàng vụ mới chưa ra kịp do thu hoạch vụ mùa bị chậm lại vì thời tiết mưa cuối năm kéo dài. Điều này cũng không quá khó, chỉ cần đợi thêm 1 tháng nữa sẽ rõ thị trường thừa thiếu ra sao.
Vấn đề là các nhà KD nội địa cũng như KDXK có chờ đợi được không hay vẫn đẩy giá lên để mua cho được hàng. Quan trọng nữa là các nhà NK có chờ đợi vụ mùa rộ hơn nữa hay sợ cảnh “trâu chậm phải uống nước đục”.
Không dễ dàng để quyết định ngay lúc này !
Các tỉnh Tây Nguyên diện tích tiêu còn bao nhiêu đâu. Chết nhiều, chuyển đổi cây trồng nhiều rồi. Tiêu đâu còn mà hàng trăm ngàn tấn để dư hàng cho mấy doanh nghiệp XK thao túng. Cứ muốn dân bán ra dưới giá thành sản xuất mãi sao?