Giới thiệu về hạt tiêu Madagascar, báo cáo của MPB
Được Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) giao trách nhiệm tìm hiểu và đánh giá về tiềm năng sản xuất hồ tiêu của quốc đảo Madagascar để xem xét kết nạp làm thành viên, Ủy Ban Hồ tiêu Malaysia (MPB) lập báo cáo sau đây. Xin mời bà con cộng đồng giatieu.com tham khảo.
Mặc dù nền kinh tế của Madagascar chủ yếu là nông nghiệp, nhưng phần lớn đất đai không thích hợp cho việc trồng trọt vì địa hình đồi núi và lượng mưa ít ỏi hay không đều. Madagascar sản xuất khá nhiều loại gia vị. Các loại gia vị chủ yếu của nền kinh tế xuất khẩu như quế, đinh hương, bạch đậu khấu và hồ tiêu. Hồ tiêu được xem là một trong những nguồn thu quan trọng nhất từ việc xuất khẩu nông sản, đứng sau cà phê, vani và đinh hương. Xuất khẩu hạt tiêu trong năm 2010 lên tới 1.864 tấn, trị giá 4,6 triệu USD.
Theo thông tin được giới chức Madagascar cung cấp, diện tích hồ tiêu của đảo quốc khoảng 100 ha. Phần lớn hồ tiêu được trồng ở các quận Manakara, Mananjary, Sambirano, Nosybe và Ambanja (xem bản đồ). Do thời gian hạn chế, chuyến thăm trang trại nhằm mục đích thăm dò chỉ tập trung vào quận Manakara và Mananjary, nằm cách thủ đô Antananarivo lần lượt 750km và 950 km. Trong suốt chuyến thăm, thật khó để đánh giá mức độ và tiềm năng canh tác vì việc trồng trọt ở đây khá thưa thớt. Ở Madagascar, việc trồng hồ tiêu hầu như chỉ dành cho tiểu nông với mỗi trang trại có kích thước trung bình khoảng 0,2 ha.
Vì mục đích của chuyến đi này là để xác định liệu Madagascar có đủ điều kiện để trở thành thành viên của IPC không. Do đó, chuyến đi này tập trung vào các thông tin như sau:
Quá trình canh tác
Ở Madagascar, đa canh là nét đặc trưng chính có vẻ rất phổ biến đối với cây hồ tiêu (hình 1). Chỉ có một số ít người trồng hồ tiêu theo hình thức độc canh (hình 2). Hồ tiêu thường phát triển dựa vào cây hồng mai. Ngoài ra, người ta còn sử dụng cây xoài hoặc cây lấy gỗ để làm nọc cho hồ tiêu leo.
Ở Madagascar, hồ tiêu bắt đầu đạt năng suất sau 4 năm gieo trồng. Mùa cao điểm thu hoạch chủ yếu là giữa tháng 6 và tháng 9 mỗi năm. Hồ tiêu sẵn sàng để cho thu hoạch khoảng 7-8 tháng sau khi ra hoa. Tuy nhiên, ở Madagascar, hồ tiêu non được thu hoạch để sản xuất hạt tiêu ngâm nước muối chủ yếu dành cho thị trường Pháp. Quả già được sử dụng để sản xuất tiêu đen.
Chủng loại hồ tiêu
Có hai loại hồ tiêu chính được trồng tại Madagascar. Theo quan sát, một trong các loại hồ tiêu đợc trồng tại Madagascar khá giống với loại tiêu địa phương của chúng ta, loại S. Aman nếu xét về mặt cấu trúc lá, màu sắc chồi non và màu hoa (hình 3). Một giống tiêu khác được trồng tại Madagascar là loại Kuching (hình 4).
Loại đất phù hợp
Hồ tiêu có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Ở Madagascar, theo quan sát tự nhiên, loại đất Podzolic vàng đỏ (hình 5)được sử dụng rộng rãi nhất cho việc trồng tiêu. Loại đất này có tính chất tự nhiên rất tuyệt vời, và hầu hết các loại tiêu đều phát triển tốt mặc dù người ta không làm gì với đất cả. Qua quan sát thấy được đất không hề bị chua. Ngoài ra, có một số nông dân cũng trồng tiêu trên đất cát (hình 6).
Nguyên liệu trồng và kỹ thuật ươm
Ở Madagascar, một hoặc hai đốt thân hồ tiêu cắt ra được sử dụng làm nguyên liệu trồng (hình 7). Các đốt được trồng trong các túi polyetylen nhỏ (đường kính 5cm và chiều dài 9cm) chỉ chứa lớp đất bề mặt. Dựa trên thông tin có được, các đốt được lấy từ bất kỳ phần nào của cây mẹ và không cần phải lựa chọn cây mẹ khỏe mạnh. Các đốt đó được đưa ra trồng ngoài vườn từ sau 6-8 tháng trồng trong vườn ươm.
Trông nom cây tiêu non
Trong quá trình trồng tiêu, việc tỉa cành rất cần thiết để có được tán lá dày và đều, lá sẽ che phủ gần như toàn bộ chiều dài của trụ chống. Ở Madagascar, việc cắt tỉa không được thực hiện. Do đó, hầu hết các cây leo từ 5-8 năm có tán lá rất nhỏ (Hình 8) với sản lượng hạt ước tính ít hơn 1kg.
Bón phân
Ở Madagascar, toàn bộ nông dân trồng tiêu đều theo phương pháp hữu cơ. Họ không sử dụng phân hóa học. Phân bón hữu cơ phổ biến nhất được dùng để trồng tiêu là phân bò. Có một số ít nông dân cũng sử dụng bả quế thải làm phân hữu cơ (Hình 9).
Loại bỏ cỏ dại
Người trồng tiêu ở đây không sử dụng thuốc hóa học để trừ cỏ dại. Họ trực tiếp nhổ cỏ dại bằng tay.
Sâu bệnh
Dựa trên quan sát, căn bệnh phổ biến nhất ảnh hưởng đến các trại tiêu ở Madagascar là virus gây bệnh khảm dưa leo (Cucumber Mosaic Virus) (hình 11) và thối rễ Fusarium (hình 10).
Sản phẩm tiêu
Ở Madagascar, đa số nông dân chủ yếu là sản xuất hạt tiêu đen. Họ không sản xuất tiêu trắng. Điều này cho thấy vì sao công nghệ chế biến tiêu trắng không được phát triển. Bên cạnh tiêu đen, một sản phẩm tiêu quan trọng khác được sản xuất ở Madagascar là “tiêu ngâm nước muối” (hình 12).
Chế biến tiêu đen
Ở Madagascar, không sử dụng thiết bị chế biến nông nghiệp để chế biến tiêu đen, ví dụ như máy tuốt lúa, xoắn ốc, quạt gió… Tất cả hạt tiêu đen được xử lý bằng thủ công (hình 13) bao gồm cả vấn đề lựa chọn để loại bỏ đất đá và gié tiêu (hình 14). Đối với người trồng tiêu ở Madagascar, phương pháp chần được ứng dụng trong sản xuất tiêu đen.
Tuy nhiên, kỹ thuật chần được áp dụng không đúng cách. Theo kỹ thuật chần của họ, hạt tiêu cần được ngâm trong nước lạnh trong vòng 24 giờ sau khi được ngâm trong nước sôi khoảng 1 giờ. Việc thực hiện kỹ thuật này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tiêu.
Chất lượng tiêu đen
Dựa trên phân tích kỹ thuật tiêu Madagascar của Hội đồng Hồ tiêu Malaysia, tiêu được sản xuất tại Madagascar có thể được xếp loại tiêu chuẩn FAQ (hình 15). Các phân tích vi sinh vật cũng cho thấy loại tiêu này nằm trong phạm vi chấp nhận được (hình 16A và 16B). Về chất lượng tiêu, phân tích hóa học nội tại cho thấy tiêu Madagascar nằm trong phạm vi chấp nhận được như đã nêu trong Luật An toàn Thực phẩm (hình 17).
Những hạn chế chính ảnh hưởng đến ngành công nghiệp tiêu ở Madagascar:
- Tập quán văn hóa không thích hợp trồng tiêu.
- Không có công nghệ chế biến nông sản phù hợp để sản xuất tiêu có chất lượng.
- Quốc gia và nhà xuất khẩu không nhận được sự hỗ trợ thích đáng.
Khuyến nghị:
- Madagascar được xem là thành viên quan sát của Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) vì quốc đảo này hiện chỉ có diện tích canh tác tiêu rất nhỏ.
- Chuyển giao công nghệ thực hành nông nghiệp trong trồng trọt hồ tiêu.
- Chuyển giao công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch.
2 phản hồi cho bài "Giới thiệu về hạt tiêu Madagascar, báo cáo của MPB"
Diện tích chưa bằng 1 xã của mình. Canh tác theo lối tự nhiên vậy thì lấy đâu ra năng suất !
Lang thang trên mạng để tìm tư liệu và học hỏi kinh nghiệm trồng tiêu của quê hương số 1 thế giới, may mắn gặp được trang giatieu.com. Cám ơn nhưng tư liệu, những bài viết vô cùng quý báu của các bác trồng tiêu giàu kinh nghiệm chia sẻ. Kể cả những phản hồi thắc mắc, tư vấn, trao đổi, chia sẻ… tràn đầy kinh nghiệm người trồng tiêu rất cần để học hỏi, không thể tìm thấy ở đâu có trên thế giới, của cộng đồng trồng tiêu trên trang giatieu.com.
Mong giatieu.com trở thành nơi hội tụ, là trường học không thể thiếu của người trồng tiêu ở nước ta nhiều hơn nữa. Xin cám ơn.
Người xa quê- Madagascar.