Hai chuyện rất khó lý giải của hồ tiêu Việt Nam

 tieu-chin-do24 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu tăng trưởng tốt cả về lượng lẫn giá trị. Dự báo năm nay nhiều khả năng xuất khẩu tiêu lại đạt kỷ lục mới về giá trị. Thế nhưng trong ngành hồ tiêu đang có những chuyện khó lý giải.

Giá tăng dù bán ra nhiều

Chuyện khó lý giải thứ nhất là giá tiêu trên thị trường nội địa đang liên tục tăng lên, khi mà thị trường trong nước và trên thế giới có những vấn đề không thích hợp cho việc tăng giá.

Cụ thể, theo ông Hoàng Phước Bính, PCT Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cách đây gần 2 tháng, giá đầu giá đối với tiêu đen ở Chư Sê đã giảm xuống chỉ còn 130.000 đ/kg, nhưng sau đó đã liên tục tăng lên và hiện đã ở mức gần 180.000 đ/kg.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cũng xác nhận, giá tiêu đã xuống tới mức trên 130.000 đ/kg rồi bật tăng mạnh lên tới 180.000 đ/kg. Giá tiêu liên tục tăng mạnh trong thời gian qua là rất khó lý giải, khi mà 2 thị trường đầu cơ lớn vốn mua nhiều tiêu của Việt Nam là Singapore và Dubai đều đã sụp đổ, vỡ nợ. Giá tiêu XK thì giảm xuống (tháng 2 và tháng 3).

Bên cạnh đó, trong tháng 4, các doanh nghiệp xuất khẩu rất nhiều tiêu (trên 20.000 tấn), đồng nghĩa với việc nông dân bán nhiều tiêu ra thị trường, vậy mà giá tiêu vẫn cứ tăng lên mạnh và liên tục. Ông Nam thử đưa ra một số giả thuyết để lý giải cho sự tăng giá tiêu nội địa: El Nino làm giảm sản lượng ở nhiều nước trồng tiêu; nhiều nước chưa vào vụ tiêu mới; hồi đầu vụ, nhiều hộ nông dân trồng tiêu ở Việt Nam do cần tiền để chi tiêu nên đã bán ra nhiều tiêu, khiến giá giảm xuống chỉ còn trên 130.000 đ/kg, sau đợt đó chỉ còn những hộ có tiềm năng kinh tế tốt, vẫn trữ tiêu lại và bán ra từ từ khiến cho giá tiêu tăng liên tục trở lại.

Đây chính là sự điều tiết chủ động của chính nông dân trồng tiêu, nhất là những hộ đã có nhiều kinh nghiệm, có khả năng phân tích, dự báo thị trường và có cơ sở kinh tế vững vàng. Chính sự điều tiết chủ động ấy sẽ giúp cho giá tiêu trong những năm tới khó giảm, kể cả khi sản lượng tiêu tăng nhiều do tăng diện tích ở nhiều địa phương (nhưng việc tăng mạnh diện tích về lâu dài sẽ gây ra những bất ổn khó lường).

Đến hết năm 2015, theo thống kê của 7 tỉnh sản xuất hồ tiêu lớn nhất (Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai và Quảng Trị), diện tích tiêu ở các tỉnh này đã là 86.216 ha. Giá tiêu XK dù có giảm so với hồi đầu năm và so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn ở mức cao. Dự báo của Hiệp hội Gia vị Mỹ (ASTA) cho hay giá tiêu trên thế giới sẽ tăng lên trong thời gian tới do hạn chế về nguồn cung.

Riêng trong năm 2016 này, nguồn cung hồ tiêu trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi El Nino, gây thiệt hại về sản lượng ở nhiều nước trồng tiêu, trong khi sản lượng tiêu Việt Nam không có biến động lớn. Những yếu tố này cũng sẽ hỗ trợ giá tiêu trong nước thời gian tới.

dong-bao-tieu

Trồng tốt cũng nhiễm Carbendazim

Chuyện khó lý giải khác đang gây đau đầu cho cả doanh nghiệp lẫn người trồng tiêu Việt Nam là nhiều lô hàng bị các thị trường khó tính trả lại bởi phát hiện nhiễm dư lượng Carbendazim, mà việc nhiễm dư lượng chất này đến nay vẫn chưa biết từ đâu.

Ông Hoàng Phước Bính cho biết, vừa qua, Cục Trồng trọt đã cùng Hiệp hội này đi khảo sát một số hộ trồng tiêu trên địa bàn. Một hộ là nông dân tiêu biểu toàn quốc, thắc mắc, hộ này phun thuốc BVTV trên tiêu lần cuối cùng là tháng 8 năm trước, đến tháng 1 năm sau mới thu hoạch, tháng 4 lô tiêu có nguồn gốc từ vườn tiêu của hộ này mới được XK, thế nhưng khi cơ quan chức năng nước ngoài lấy mẫu kiểm tra vẫn phát hiện dư lượng Carbendazim gấp 10 lần cho phép.

Ông Đỗ Hà Nam cũng thông tin, một nông trường ở Tây Nguyên đang tiến hành trồng tiêu vào loại tốt nhất hiện nay. Nông trường này đã triển khai trồng tiêu theo hướng bền vững, an toàn một cách rất bài bản, nghiêm túc. Thế nhưng khi kiểm tra 10 mẫu tiêu có nguồn gốc từ nông trường này, người ta phát hiện 2 mẫu có dư lượng Carbendazim. Thông tin đó khiến ai cũng ngỡ ngàng.

Như vậy, khi mà nông dân đã tuân thủ nghiêm túc việc sử dụng thuốc BVTV, đã sản xuất bền vững, an toàn, thì dư lượng Carbendazim ở trong tiêu bắt nguồn từ đâu? Từ trong đất, trong nguồn nước hay từ một nguyên nhân nào khác. Ông Nam cho rằng các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần vào cuộc để tìm ra nguyên nhân thực sự gây ra tồn dư Carbendazim trong hồ tiêu hiện nay.

Nguồn Nông nghiệp Việt Nam

21 phản hồi cho bài "Hai chuyện rất khó lý giải của hồ tiêu Việt Nam"

Trọng GL

Lại chiêu trò đè giá tiêu VN. Tiếc là mình chưa xây dựng được trung tâm kiểm định các dư lượng. Không lẽ carbendazim có trong đất? Khó nghe quá !

Hoàng

Tôi nghe có một đại gia sản xuất tiêu mà lại phát biểu rằng: Phơi khô sẽ bị hao…
Vậy thì không dùng thuốc để cho nó mốc à ?! Cứ vậy mà suy…

Châu Huế

Bà con cần biết, nếu tiêu dư ẩm 1 độ không chỉ bị trừ 1 zem theo đầu giá mà thương lái hay đại lý còn trừ thêm khoảng 1.000 – 1.500 đ/kg nữa để thuê người phơi lại.

nguyễn thanh tuấn

Theo mình nghĩ giá tiêu cao hay thấp không phải chuyện phải bàn khi nguồn cung cao so với cầu hay ngược lại. Nhưng cái lớn là chúng ta phải có thị trường ổn định mà thị trường ổn định thì ở đâu có, còn tiêu có dư lượng bảo vệ thực vật hay không thì người dân dựa vào đâu để biết. Tôi thấy giá tiêu trên thị trường quốc tế và giá thu mua trong nước có gì đó không đồng bộ. Vậy kính mong nhà quản lí xem lại.

Dan Viet

Từ:
1. Carbendazim rất khó phân hủy, để 6 tháng test lại vẫn không thấy giảm nồng độ chút nào.
2. Nông dân trong các chương trình không khai báo thật với các nhân viên khi phun xịt thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép.
3. Là một người trong cuộc, Dan Viet biết rõ là có những nông dân tham gia các chương trình hợp tác SX mua tiêu bên ngoài đem vào bán trong chương trình để hưởng chênh lệch

Dân ta thì trung thực cỡ nào chắc các bác cũng hiểu rồi.

phạm đình hoàng

Chào cả nhà giá tiêu. Hãy vững tin giữ tiêu lên giá như năm ngoái chúng ta bán. Nhà cháu còn hơn 1 tấn tiêu nữa đang cố gắng đợi giá tốt hơn bán.

B.kotam

Mấy ngày qua tiêu liên tục tăng giá. Các DNXK khó mua đc hàng nên nhắc đi nhắc lại chuyện cũ là nhiễm carbendazim nhằm lối kéo hàng trong dân …?

Anh Sơn

Carbendazim tồn dư lâu vậy mà các chuyên gia BVTV trên TV khuyên bà con mùa mưa phun thuốc phòng nấm 14 ngày/1 lần là sao? Ai nói đúng đây ta.

Trình Tuấn

Chuyên gia nói chinh xác theo nhà tài trợ yêu cầu đấy bạn ạ ! Cho nên bà con trồng tiêu phải áp dụng các biện pháp sinh học để phòng bệnh hơn là hóa học. Riêng mình mỗi năm đổ 3-4 lần trichoderma, tùy theo tình hình dịch bệnh xung quanh còn phải tăng cường bổ sung nữa.

Trịnh Văn Ba

Thưa các bạn ! thưa toàn thể cộng đồng !
Những người trồng và có tiêu ; khi thu hoạch thương phơi khô quạt sạch – phơi âm vài độ để bảo quản được lâu. Khâu trung gian – họ mua và bù ẩm , bù ẩm để tăng zem , tăng trọng lượng… Khi bù ẩm – nếu không có thuốc chống mốc thì sẽ mốc chứ sao ! Carbendazim sẽ làm được nhiệm vụ này !
Carbendazim có trong tiêu – không phải do tôi !

nguyễn thi nhat

Tiêu lép, bụi khi quạt, cũng được thương lái thu mua để trộn thi hỏi chất lương tiêu của Việt Nam sẽ đi về đâu khi kinh doanh thiếu đạo đức và chữ tín.

duongtam

Không ai đưa ra được câu trả lời do đâu tiêu Việt Nam nhiễm carbendazim này. Chỉ có đi hỏi ông trời

Huỳnh Bảo Ngọc

Thông thường ở các nước có nên nông nghiệp phát triển như Thailand chẳng hạn. Họ chỉ sử dụng thuốc bvtv trên hồ tiêu sau khi thu hoạch và trước khi ra quả. Sau khi đậu quả họ chỉ sử dụng các chế phấm sinh học trong đó chitosan được sử dụng nhiều nhất. Do vậy tiêu họ bán rất cao giá.

Hoàng vän hòa

Cái này phải nhờ cấp chính phủ giúp. Chứ nông dân chỉ biết làm ra sản phẩm thôi…

nhân đạo

Nếu như ở Việt Nam thời điểm này là mùa nắng không ai xịt thuốc nấm cả.

Tuyen

Nên khuyên người dân sử dụng các loại thuốc nào chứ. Carbendazim 100 người nông dân hỏi có 1 người nào biết đó là chất gì? có trong thuốc nào? có hại hay không? Người nông dân chỉ muốn tiêu lên đẹp, cho năng suất cao, giá cao để làm giàu. Còn chất Carbendazim nhiều ở sản phẩm nào thì thu hồi, cấm bán thì đâu có chuyện trong tiêu nhiều Carbendazim.

Nguyen tu doan

Đọc đi đọc lại tôi thấy vô lý quá. Trên diễn đàn khuyên bà con sử dụng tricho để phòng ngừa nấm bệnh còn dùng thuốc hoá học để trừ bệnh vì thời gian tác dụng của thuốc hoá học là không dài. Vậy mà carbenzazim lại tồn tại lâu thế ( 6 tháng!). Thế thì bữa dừ dùng nó để phòng bệnh luôn cho tiện!

Trung Anh

Bởi vậy nên mới gọi là chuyện rất khó lý giải của hồ tiêu VN…!

Dan Viet

Bất kỳ ngành hàng hàng nào thì cũng trải qua cả bốn giai đoạn tuần hoàn như sau.

1. Phục hồi, phát triển.
2. Đạt đỉnh cao.
3. Suy thoái.
4. Đáy của suy thoái.

Có những dấu hiệu cho thấy là thị trường đang chuyển đổi trạng thái từ bình minh sang hoàng hôn như quy luật xưa nay vẫn thế. Cái gì phát triển nóng, lợi nhuận cao cũng đều thu hút nhiều người tham gia sản xuất, khi có quá nhiều người tham gia thì sẽ dẫn đến thừa và kích hoạt quá trình giảm giá.

Theo tôi đánh giá thì điều mà chúng ta không mong đợi nhất đang đến (nhưng ai cũng hiểu rằng sơm muộn gì nó cũng đến)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *