Hạt tiêu thế giới tăng 1.000 USD/tấn trong 1 tuần, tiêu trong nước vượt 130 nghìn đồng/kg
Giá tiêu mới đầu vụ đã tăng cao khiến nhà vườn lạc quan nhưng cũng chưa ai bán ra vì đang bận thu hoạch.
Chỉ trong vòng 7 ngày qua, tính đến hết ngày thứ Hai đầu tuần, giá tiêu kỳ hạn thế giới tiếp tục được đẩy tăng nhanh trong nỗi lo nguồn cung năm nay sẽ thiếu hụt trầm trọng. Ấn Độ, một nước sản xuất tiêu chủ lực, đang thu hoạch vụ mùa và dự báo có khả năng sụt giảm đến 40% năng suất.
Giá hạt tiêu kỳ hạn thế giới trên sàn Ấn Độ (NCDEX) tiếp tục tăng nóng. Kỳ hạn giao tháng 3 tổng cộng tăng 4.765 Rupi lên 36.855 Rupi/tạ, tương đương 14,85%, tức tăng 967 USD lên 7.478 USD/tấn và kỳ hạn tháng 4 cũng tăng 4.665 Rupi lên 37.130 Rupi/tạ, tương đương 14,37 %, tức tăng 947 USD lên 7.534 USD/tấn (1USD = 49,2852). Mức tăng mà những nhà quan sát lẫn nhà kinh doanh trên thị trường tiêu kỳ hạn cũng không thể lường được.
Giá hạt tiêu giao ngay cũng tăng 4.048 Rupi lên 36.343 Rupi/tạ, tương đương 12,53 %, tức tăng 821 USD lên 7.374 USD/tấn. Giá hạt tiêu giao ngay càng cao càng khẳng định mức độ căng thẳng của thị trường hạt tiêu Ấn Độ.
Trái lại, trên sàn Sing (SMX-Singapore), giá tiêu kỳ hạn tháng 3 tăng 93 USD, tương đương 1,44 %, lên 6.531 USD/tấn và kỳ hạn tháng 4 cũng tăng tăng 94 USD, tương đương 1,45 %, lên 6.592 USD/tấn, mức tăng rất nhẹ so với tiêu kỳ hạn Ấn Độ trong khoảng thời gian tương tự.
Do đặc điểm thời gian, giá đóng cửa của sàn Sing được dùng để sàn Ấn tham chiếu. Nhưng mức giá tăng gấp 10 lần của sàn Ấn lại khiến cho sàn Sing hết sức bất ngờ.
Giá hạt tiêu giao dịch trên sàn SMX-USD/tấn (nguồn: CafeF)
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, ước xuất khẩu tháng 2 đạt 6 ngàn tấn với kim ngạch đạt 42 triệu USD. Xuất khẩu 2 tháng đầu năm ước đạt 9 ngàn tấn và thu về 66 triệu USD, giảm 4,5% về lượng nhưng tăng 39,1% về giá trị so cùng kỳ năm trước. Giá tiêu tăng mạnh, giá xuất khẩu bình quân tháng 1 đạt 6.971 USD/T, tăng 42,4% (tương đương 2.074 USD/T) so với cùng kỳ năm 2011.
Sáng nay 29/2, giá tiêu đen xô tại các thị trường nội địa tiếp tục tăng nhẹ. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu là 131.000-132.000 đồng/kg, Bình Phước 129.000 đồng/kg, Đăk Lăk-Đăk Nông 127.000 đồng/kg, Gia Lai 126.000 đồng/kg, bình quân tăng 5.000 đồng/kg trong vòng 1 tuần qua.
Chị Thanh Tâm, nông dân trồng tiêu ở Cư Kuin, Đăk Lăk cho biết, giá tiêu mới đầu vụ đã tăng cao khiến nhà vườn lạc quan nhưng cũng chưa ai bán ra vì đang bận thu hoạch. Tính đến thời điểm này gia đình chị đã thu hoạch mới được 1/3 diện tích, vì năm nay nền nhiệt vẫn chưa cao nên tiêu chín chậm so với các năm trước.
Nhìn chung, thị trường hạt tiêu nội địa tuy giá cao ngay từ đầu vụ nhưng mua bán vẫn chưa sôi động. Nhu cầu thu mua của các công ty xuất khẩu bình quân chỉ bằng một nửa của các năm trước.
Thị trường tiêu kỳ hạn thế giới liên tục đẩy giá lên cũng góp phần làm ngăn cản dòng chảy đưa hàng ra thị trường. Vô hình chung, bây giờ nhà vườn trồng tiêu rơi vào cảnh “ôm hàng đợi giá”.
Anh Văn
9 phản hồi cho bài "Hạt tiêu thế giới tăng 1.000 USD/tấn trong 1 tuần, tiêu trong nước vượt 130 nghìn đồng/kg"
Nhìn giá tiêu thế giới tại sàn Ấn Độ và sàn Sing tôi thấy cực kỳ phi lí. Chỉ trong 1 tuần mà sàn Ấn Độ tăng gấp 10 lần sàn Sing, chứng tỏ đầu cơ hàng giấy đã chi phối, thao túng sàn này rồi. Tất yếu nó sẽ sớm xẹp ngay như bong bóng vỡ.
Khi đó thị trường trong nước “dở ta dở tây” sẽ bị đóng băng như bài viết kết luận.
Tăng như vậy thì làm sao mà bà con bán được hàng? Bán xong để rồi lại tiếc à !
Xin hỏi, trong nhiều bài viết tác giả Anh Văn có nói vụ tiêu năm nay sản lượng sẽ sụt giảm 10-30%. Thông tin rất nhiều vườn hồ tiêu khắp cả nước đang bị dịch bệnh chết nhanh chết chậm hoành hành được đăng trên các báo rất nhiều, trong khi số trồng mới chưa thể cho sản lượng ngay. Kết quả khảo sát của VPA trước tết cũng được ngành Nông nghiệp làm căn cứ để dự báo xuất khẩu tiêu năm 2012 giảm 30%. Nói chung là sản lượng không thấy có gì khả quan.
Nhưng tôi mới được đọc nhiều bài viết dẫn dự kiến của IPC cho rằng (tôi xin copy): “Việt Nam, chiếm tới 34% sản lượng hạt tiêu toàn cầu, dự kiến sản lượng sẽ tăng 10% so với năm ngoái lên 110.000 tấn”…
Vấn đề muốn hỏi là IPC dựa vào đâu để đưa ra dự báo như vậy?
Năm nay ở Gia Lai tiêu lại chín sớm hơn mọi năm khoảng hơn nửa tháng.
Trong mấy ngày vừa qua giá hạt tiêu trên thị trường kỳ hạn Ấn Độ tăng quá nóng. Có lẻ IPC muốn làm cho tình hình giá cả bớt nóng chăng?
Chỉ có bà con nông dân trồng tiêu biết rõ hơn ai hết, bên cạnh còn có các cấp quản lí ngành nông nghiệp của từng địa phương.
IPC chẳng qua dựa theo báo cáo của văn phòng đặt ở các nước hội viên hay tin của hãng tin nào đó.
Nhưng ai đảm bảo các tin này là chính xác ? Hay là tin nhằm phục vụ cho giới đầu cơ ?
Căn cứ ở đâu thì tôi không rõ. Nhưng tác động của thông tin này sẽ tạo ra những diễn biến bất ngờ, khó lường, nhưng cũng không khó hiểu.
Nhìn chung giá tiêu từ đầu vụ đến bây giờ có phần nhỉnh hơn. Bà con nông dân chúng ta cần lưu ý. Diễn biến vẫn còn rất phức tạp, bà con nông dân đừng bán vội, chờ đợi và bán với giá tốt là điều cần thiết để tránh việc bị ép giá. Cứ để thị trường càng sôi động càng tốt!
Giá tiêu Chư Sê Gia Lai lại tăng.