Hiểm họa sau “cơn sốt” trồng tiêu ở Tây Nguyên

Giá tiêu đang ở mức cao khiến nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên đua nhau mở thêm diện tích. Người thì chặt bỏ vườn cà-phê, người thì tìm mọi cách xâm hại rừng để trồng tiêu. Tuy nhiên, “cơn sốt” này được dự báo là sẽ đi kèm với nhiều rủi ro khó lường. Do vậy, cần có sự vào cuộc kịp thời của chính quyền.

Nông dân huyện Cư Kuin thu hoạch tiêu
Nông dân huyện Cư Kuin thu hoạch tiêu

Riêng ở xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Ðăk Lăk), đến nay diện tích tiêu đã lên tới gần 350 ha, tăng gấp hai lần so với hai năm trước. Theo ông Trương Văn Khánh, một nông dân ở đây cho biết, vì tiêu được giá nên nhiều hộ đã phá bỏ vườn cà-phê để trồng tiêu. Không chỉ chặt bỏ vườn cà-phê, nhiều người còn chặt luôn cả vành đai cây che bóng mát trong vườn để trồng tiêu với tâm lý, trồng thêm được trụ nào hay trụ ấy… Gia đình ông Khánh đã phá bỏ gần nửa sào cà-phê và cây che bóng để trồng thêm hơn 400 trụ tiêu.

Tình trạng trên đang xảy ra phổ biến tại nhiều địa phương lâu nay được coi là vùng trọng điểm tiêu của Ðăk Lăk, như Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Năng, Chư M’Gar… khiến diện tích tiêu tăng vọt. Theo Phó phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phan Hùng Cường, trong quy hoạch của tỉnh Ðăk Lăk thì diện tích tiêu chỉ ở mức 5.000 ha, nhưng hiện đã phát triển lên khoảng 5.700 – 5.800 ha. Diện tích tiêu vượt kế hoạch này chủ yếu trong thời gian một đến hai năm gần đây, khi giá tiêu không ngừng tăng cao. Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Văn Sinh cho biết, không một cấp thẩm quyền nào “dám” ra văn bản “cấm trồng tiêu” cả! Bởi bất kỳ ngành sản xuất nào cũng đều được chi phối theo quy luật cung – cầu của thị trường. Giá tiêu đang cao thì người nông dân phát triển thêm diện tích cây tiêu là điều tất yếu.

Hiện người dân huyện Cư Kuin, tỉnh Ðăk Lăk đang bắt tay vào thu hoạch hồ tiêu. Gia đình anh Trần Văn Tiến ở thôn 25, xã Ea Ning có gần ba sào cho thu hoạch, với hơn 300 trụ tiêu, năng suất bình quân đạt 5 tạ/sào. Không những được mùa mà giá tiêu vụ này cũng đạt mức cao (gần 130.000 đồng/kg) nên sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, gia đình anh Tiến còn thu lãi gần 170 triệu đồng. Tương tự, hơn bảy sào tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Song ở thôn 7, xã Ea Bhôk cũng đã cho thu hoạch với năng suất cao, dự kiến sản lượng tiêu của gia đình đạt khoảng 3,8 tấn. Ông Song chia sẻ: “Vừa được mùa, lại trúng giá nên năm nay gia đình tôi cũng thu được số tiền cả trăm triệu đồng từ vườn tiêu”.

Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 5.000 ha hồ tiêu đã cho thu hoạch, trong đó tập trung phần lớn ở hai huyện Chư Sê và Chư Pưh với khoảng 3.000 ha. Vụ tiêu năm nay, giá hồ tiêu đang dao động ở mức 130.000 đồng/kg và đang có chiều hướng tiếp tục tăng. Với mức giá hiện nay, rất nhiều nông dân trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai dự kiến sẽ “trúng đậm” trong vụ thu hoạch này. Tại vùng tiêu Chư Sê, Chư Pưh, Ðăk Ðoa, Chư Prông, năng suất bình quân đạt 6-7 tấn/ha. Với giá 130 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn còn lãi hơn 2/3. Hàng trăm hộ dân ở các huyện trồng nhiều hồ tiêu trên địa bàn sẽ trở thành tỷ phú sau vụ thu hoạch. So với cùng kỳ vụ tiêu năm 2011, giá tiêu hiện nay đã vượt hơn 30.000 đồng/kg.

Cùng với việc người trồng tiêu phấn khởi vì giá tiêu liên tục tăng cao và ổn định trong suốt ba năm qua thì đi kèm với đó là tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt cũng xảy ra. Sau hai đợt kiểm tra vào ngày 30-10-2011 và 15-2-2012, riêng địa bàn huyện Chư Pưh đã có khoảng 65 ha tiêu bị chết. Trong khi các cơ quan chuyên môn đang tìm nguyên nhân và giải pháp xử lý thì giá hồ tiêu tăng cao liên tiếp trong những năm qua đã tạo nên “cơn sốt” mới. Hàng nghìn nông dân trong tỉnh bất chấp việc hồ tiêu đang chết hàng loạt ở nhiều nơi. Thậm chí, có nhiều hộ gia đình phá cà-phê để lấy đất trồng tiêu. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê Hoàng Phước Bính, tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, dù đất đai vùng này đã khan hiếm, nhưng hàng nghìn hộ dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu bằng việc chuyển đổi đất cà-phê sang trồng tiêu với trung bình mỗi hộ từ vài trăm đến vài nghìn gốc. Ðối với các huyện còn nhiều đất trống như Chư Prông, Ðăk Ðoa, Mang Yang… hàng nghìn hộ dân đổ xô trồng tiêu ước tính diện tích tăng lên đến hàng trăm ha mỗi năm. Với những địa bàn không còn diện tích đất trống thì nông dân đã phá dần vườn cà-phê đang cho thu hoạch để trồng tiêu. Chủ tịch UBND xã Nam Yang Huỳnh Văn Thương, cho biết: Trong vòng ba năm trở lại đây, diện tích hồ tiêu ở xã này tăng từ 40 ha đến 50 ha/năm. Riêng vụ trồng tiêu năm nay, diện tích hồ tiêu có thể tăng lên đến 100 ha mà chủ yếu là diện tích đất cà-phê chuyển sang.

Việc nông dân ồ ạt phá cà-phê để đầu tư trồng tiêu đang diễn ra tràn lan sẽ là một rủi ro rất lớn cho nông dân nếu hồ tiêu bị nhiễm bệnh, hoặc thị trường hồ tiêu biến động rớt giá. Gia đình Nguyễn Hồng Sơn ở thôn 2A, xã Ea H’Leo (huyện Ea H’Leo, tỉnh Ðăk Lăk) có vườn tiêu hơn 2.000 trụ đang trong thời kỳ kinh doanh. Từ cuối năm 2011, vườn tiêu của gia đình ông bắt đầu có hiện tượng vàng lá, chết dần. Ðến thời điểm này, đã có hơn ba phần tư trụ chết khô, số ít còn lại cũng đang vàng úa dần. Gặp chúng tôi, ông Trần Văn Thơ, ở thôn 2A, xã Ea H’Leo than thở: “Nhà có 400 trụ tiêu được coi là nguồn thu nhập chính, vậy mà nay đã chết sạch hết rồi”. Tương tự, gia đình bà Huỳnh Thị Dư cũng có 400 trụ tiêu đang thời kỳ kinh doanh, nhưng từ năm ngoái đến nay cũng đã chết dần. Xót xa hơn có lẽ là trường hợp gia đình ông Nguyễn Thanh Hải cũng ở thôn 2A. Nhà ông có đến 4.500 trụ tiêu đang thời kỳ kinh doanh nhưng hiện nay đã chết hết phân nửa, số còn lại cũng đang trên đà chết dần. Mất mát đó của ông Hải là không ít so với giá tiêu hiện tại, nhưng cũng theo ông thì thiệt hại không chỉ có bấy nhiêu đó, mà bao nhiêu công sức của gia đình đổ ra mười mấy năm qua, giờ coi như mất trắng!

Nhằm phát triển cây hồ tiêu trên vùng đất đỏ ba-dan này một cách bền vững, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Ðăk Lăk  Nguyễn Văn Sinh nhận định: Một khi quy hoạch trồng trọt bị phá vỡ thì đối với bất kỳ loại cây trồng nào cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Một là chất lượng. Do không kiểm soát hết các cung đoạn đầu tư sản xuất – từ cây giống, kỹ thuật, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản… nên hạt tiêu Ðăk Lăk chắc chắn sẽ không đạt được phẩm cấp mà thị trường đòi hỏi. Theo đó, khi mọi người đua nhau trồng tiêu, điều tất yếu xảy ra là “cung sẽ vượt cầu” và tất nhiên giá sẽ giảm dần khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút, không bền vững nữa.

Hai là, tình trạng suy thoái, bạc màu đất đai do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng mát có tác dụng ngăn chặn sự trôi rửa của đất để tận dụng trồng tiêu sẽ làm cho độ phì của đất nhanh chóng kiệt dần. Chỉ sau vài năm là diện tích đất ở những vùng được canh tác theo lối “bóc lột” như thế chắc chắn sẽ bị sa mạc hóa… không thể trồng được các loại cây có giá trị kinh tế cao.

Từ những cảnh báo nêu trên, ông Sinh chỉ ra thực tế các vùng trồng tiêu ngoài quy hoạch ở địa bàn Ea H’Leo, Krông Búk, Buôn Hồ, Krông Păk, Krông Năng… hiện đã lên đến 300 – 400 ha sẽ là mối lo cho ngành nông nghiệp vốn bấp bênh và thiếu bền vững như hiện nay.

An Minh

Nguồn Báo Nhân Dân điện tử

3 phản hồi cho bài "Hiểm họa sau “cơn sốt” trồng tiêu ở Tây Nguyên"

Nếu tiêu chỉ còn 50 ngàn/kg, 1 trụ 3kg khô là không khó, vẫn khỏe hơn chăm cà phê!

trinh tuan phat

Lâu rồi không thấy giá cà phê có biến động lớn vậy mà giá tiêu rớt ghê quá! Cà phê khi nào cũng giữ giá trên dưới 40.000 đ/kg.

Sao lại như vậy? Tiêu khó chăm sóc mà mạo hiểm quá!

nguyen que

Mình cũng đang hạ 3 sào tiêu. Thấy báo viết một số nơi tiêu bị chết mà lo quá… Mà mình cũng chưa biết nên trồng loại giống tiêu nào nhỉ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *