Hiệp hội hồ tiêu lý giải giá tiêu Việt Nam giảm giá xuống “bét” thế giới
Chưa bao giờ giá tiêu trong mấy ngày hôm nay giảm giá mạnh như thời điểm này. Chỉ trong vòng 1 tháng, từ cuối tháng 8 đến nay giá tiêu đã liên tục giảm về mốc 80.000 đồng/kg, cách xa so với mốc đỉnh điểm 170.000 – 200.000 đồng/kg như 1 năm trước đây.
Trong một chiều hướng khác, giá tiêu xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm nay cũng giảm tới 33% chỉ đạt 5.377 USD/tấn. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã lên tiếng lý giải về giá tiêu hiện nay.
Được xếp vào hạng cường quốc về xuất khẩu hồ tiêu, cây tiêu cũng đem lại lợi nhuận “khủng” cho nông dân. Thế nhưng mọi chuyện đã khác khi năm nay giá hồ tiêu giảm thê thảm. Nhà nhà ào ạt trồng tiêu, nhưng chất lượng thì không đảm bảo… Nhiều thị trường nhập khẩu cũng đã “phản ứng” vì tiêu Việt Nam tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)…
Những lời cảnh báo…
Giữa năm 2015, khi hồ tiêu đang ở thời điểm “hoàng kim” vì mang lại lợi nhuận “khủng”, lọt vào top những nông sản xuất khẩu tỷ đô… thì Hiệp hội Gia vị châu Âu đã có thư gửi Bộ NN&PTNT cảnh báo dư lượng hóa chất trong hạt tiêu Việt Nam. Thư cảnh báo khiến cả người trồng tiêu và giới kinh doanh “giật mình” nhìn lại. Sang năm 2016, một số nước châu Âu tiếp tục cảnh báo khi phát hiện hàm lượng chất diệt nấm Carbendazim vượt quá giới hạn cho phép trong lô hàng hạt tiêu đen của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo kết quả tổng hợp cảnh báo của EU, từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2016, có 17 lô hàng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam bị phát hiện chứa dư lượng của 9 loại thuốc BVTV vượt mức quy định và cảnh báo về 3 chất có tần suất xuất hiện cao khác. Còn tại thị trường Nhật Bản, cơ quan chức năng nước này cũng đã đưa mức dư lượng hoạt chất Carbendazim trong hạt tiêu về mức 0, nếu không đạt chuẩn này, Nhật Bản sẽ từ chối nhập tiêu Việt Nam.
Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá hồ tiêu tăng cao đã đem lại mức siêu lợi nhuận cho người trồng trong những năm qua, từ 300 triệu đến trên 1 tỷ đồng/ha. Do đó, nông dân đã ồ ạt mở rộng diện tích.
Diện tích thống kê năm 2017 đã tăng gấp đôi so với năm 2013, đã có 28 tỉnh, thành trồng tiêu. Phía Bắc mở rộng đến Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… Phía Nam mở rộng đến đất liền của Kiên Giang, Cà Mau… Các tỉnh có diện tích tiêu tăng đột biến và đứng đầu cả nước là Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Bình Phước… Chính việc gia tăng sản xuất một cách ào ạt, không kiểm soát, không theo quy hoạch, chạy theo lợi nhuận… đã đẩy hồ tiêu Việt Nam cũng như nhiều nông sản khác vào thế khó. Để tăng năng suất, tận dụng thời điểm giá bán cao trong khi phải đối mặt với bệnh chết nhanh chết chậm ngày càng lan rộng, nhiều nhà vườn trồng tiêu đã lạm dụng thuốc BVTV. Từ đó, dẫn đến kết quả dư lượng các hoạt chất cấm trên sản phẩm cao, thị trường nhập khẩu từ chối nhập hàng…
“Trong bối cảnh giá hồ tiêu ở mức cao, việc sản xuất theo hướng bền vững sẽ làm giảm năng suất của vườn tiêu xuống khoảng 50-70% nên rất khó để thuyết phục nông dân” – ông Đỗ Hà Nam, nguyên Chủ tịch VPA, Tổng Giám đốc Intimex từng chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng trăn trở rằng, năm nay, hồ tiêu Việt Nam rơi vào thế khó khăn vì các nước nhập khẩu đều lập rào cản, gây bất lợi cho hồ tiêu nước ta. Bên cạnh các yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV, các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, về thị trường… cũng đòi hỏi người trồng tiêu phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Giá tiêu hạng “bét”
Hoạt động thương mại, xuất khẩu hồ tiêu những năm qua cũng rất nhộn nhịp, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng mạnh và mở rộng khắp nơi đã giúp nông dân tiêu thụ được hết lượng sản phẩm sản xuất ra, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đứng đầu thế giới với tỷ trọng trên 58% lượng xuất khẩu toàn thế giới.
Thế nhưng, do diện tích tăng quá nhanh, cung vượt cầu nên giá tiêu bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm 2016 đến nay. Có thời điểm tiêu được thương lái thu mua với giá gần 200.000 đồng/kg nhưng đến đầu năm nay chỉ còn mức 80.000 đồng/kg.
Đối với tiêu xuất khẩu, giá tiêu Việt Nam đã “tụt dốc không phanh” kéo theo giá thu mua hồ tiêu nội địa cũng tụt giảm đến 50% trong vài ba tháng qua. So với Indonesia, Malaysia, Trung Quốc… tiêu đen, tiêu trắng Việt Nam đang có giá thấp nhất trên thị trường xuất khẩu.
Ông Đỗ Hà Nam thông tin thêm, mặc dù xu thế giảm giá này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, song không thể dự đoán trước được mức giá đã giảm quá sâu khi dự báo nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu vẫn tăng 4 – 5% trong năm nay.
Theo ông Nam, so với các đối thủ xuất khẩu hồ tiêu như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia… giá hồ tiêu Việt Nam đã giảm sâu và tụt về vị trí hạng “bét” trong bảng so sánh. Riêng Ấn Độ, cả giá nội địa và giá xuất khẩu tiêu đen Malabar của nước này luôn cao gấp đôi so với giá tiêu Việt Nam (xem đồ họa). Giá tiêu đen Lampung của Indonesia, Sarawak của Malaysia cũng cao hơn tiêu Việt Nam, ở mức lần lượt là 6.688 USD/tấn và 7.650 USD/tấn trong tháng 4 và giảm còn 5.410 USD/tấn đối với tiêu Lampung, 7.650 USD/tấn đối với tiêu ASTA trong tháng 5, trong khi của Việt Nam là 4.518 USD/tấn.
Giá tiêu trong nước cũng tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Từ đầu tháng 4 tới nay, giá tiêu đã giảm 50%, từ mức 150.000 đồng/kg xuống còn xấp xỉ 80.000 đồng/kg.
Theo bà Nguyễn Mai Oanh – Tổng Thư ký VPA, giá hồ tiêu thế giới giảm mạnh chủ yếu do… trồng tiêu của Việt Nam. Cụ thể, từ 2013, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới đã tăng diện tích trồng mới một cách chóng mặt và cho sản lượng rất cao, cao hơn 50.000 tấn so với những năm trước đó.
Theo bảng tổng hợp giá tiêu xuất khẩu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu đã về vị trí hạng “bét” so với các đối thủ khác trên thế giới. Không chỉ vậy, ở sản phẩm tiêu trắng (tiêu sọ), giá chung cũng giảm nhưng hàng Việt Nam vẫn có giá thấp hơn so với các nước khác. Đặc biệt, tiêu trắng Trung Quốc có giá cao gấp đôi tiêu trắng Việt Nam.
57 phản hồi cho bài "Hiệp hội hồ tiêu lý giải giá tiêu Việt Nam giảm giá xuống “bét” thế giới"
Nông dân trồng tiêu ồ ạt thì rất đúng, còn do bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà tới mức tồn đọng quá dư lượng cho phép là không hẵn đúng. Theo những báo cáo đều nói do bà con sử dụng carbendadim. Điều đáng nói ở đây là có thể do chính các doanh nghiệp nhỏ đã dùng chỉ để chữa nấm mốc mà thôi. Đừng nên đổ lỗi oan cho bà con mà mắc tội.
Còn tại sao giá tới đáy ??? Việt Nam đứng đầu về sẩn xuất hồ tiêu, chiếm hơn 50% thị phần mà sao không cầm giá được ! Nếu VN bán cầm chừng thì t/g sẽ thiếu bao nhiêu %? hay tại họ không mua? Không mua mà bán cả 200 ngàn tấn/năm sao?
Hay tại bà con khổ quen rồi nên muốn ép sao cũng được !
Chắc là xuống luôn rồi ! Khó có cơ hội lên nữa !
Bác @ ducquan ơi. Không cần bác phải nói đâu. Bà con nông dân đều hiểu hết à. Cái gì xấu cái gì hư cũng sẽ đổ lên đầu nông dân cả. Xưa giờ vẫn vậy. Tôi có ông chú ruột có 1,2 ha tiêu trên Đak Lak, trồng tiêu sạch theo gợi ý bao tiêu của công ty. Khi thu hoạch xong gửi mẩu tiêu lên cty kiểm định chất lượng để bán. Rồi bên cty bảo có dư lượng thuốc bvtv nên không mua. Trong khi đó chú tôi ngưng phun thuốc từ 4 tháng trước khi thu hoạch. Hỏi dư lượng ở đâu ? Bữa sau mới nói kiểm định sai, cty sẽ cho xe tới nhà vận chuyển nhưng phải có 5 tấn mới tới nhà mua. Thử hỏi 1,2 ha tiêu sạch thu 5 tấn ở đâu ra khi bài báo trên có nói làm tiêu sạch bền vững sản lượng sẽ giảm 50% -70%.
Vậy mà bữa trước có người nói tôi nói làm tiêu sạch bền vững chỉ bằng 1/3 sản lượng bình thường là không có căn cứ. Giờ đọc bài báo này đi rồi suy ngẫm. Lời của ông Đỗ Hà Nam nguyên chủ tịch VPA. Tổng giám đốc Intimex chia sẻ chắc không sai chứ hả !
Người dân Lâm San bán tiêu cho HTX Nông nghiệp Lâm San được test mẫu đạt chuẩn tiêu sạch xuất khẩu qua châu Âu (Đức) nhưng giá bán cũng bằng giá tiêu bẩn (tiêu nhiễm thuốc BVTV) cộng thêm 5000đ/kg. Tôi nghĩ là làm tiêu sạch, năng suất rất thấp mà chỉ hơn tiêu bẩn 5000đ thì việc sản xuất tiêu bền vững là rất khó, hay là nông dân bị ép giá ?!
Chênh lệch 5.000đ/kg thì quá ép người trồng tiêu !
Đồng cam cộng khổ với nhau mới tồn tại được lâu dài…
Ý bạn @ Dương tôn muốn nói @ Dan Viet mới phát biểu tuần trước đây mà…
Sao chưa thấy phản hồi nhỉ ?!
@ Dương tôn ơi, ông nhầm rồi. Nếu ông sử dụng hoạt chất carbendazim thì dù ông ngưng 40 tháng cũng chưa hết tồn dư, chứ đừng nói là 4 tháng. Ông ko chuyên ngành bvtv thì đừng cảm tính nữa. Còn thực tế nông dân dùng nhiều hóa chất độc hại vào cây trồng là đúng, nhưng ta phải trách bọn cửa hàng tư vấn để bán thuốc bvtv và nhà quản lí trước. Người dân thì kiến thức quá hạn hẹp, lại bảo thủ không chịu lắng nghe. Sử dụng thuốc bvtv hóa học có một điều không phải bàn cãi là: GIẾT CHẾT ĐẤT. Thế nên không hiểu thì hỏi, thì học, đừng bảo thủ. Đồng ý là nông sản Việt Nam luôn bị ép giá. Rất đơn giản vì ta không xây dựng được thương hiệu cho riêng mình, và lại bị đánh cắp nữa. Nhất là thương nhân TQ, nó có trồng được cây hồ tiêu nào mà kêu xuất khẩu tiêu thứ hai thế giới. Và rất nhiều vấn đề nữa.
Rất mong mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm.
Tiêu Campuchia thương hiệu Kampot, tên của tỉnh sát biên giới Tây Ninh hiện xuất khẩu đi Pháp với giá 6.500 – 6.700 USD/tấn trong khi tiêu VN đang chào bán giá 4.200 – 4.500 USD/tấn.
Các vùng trồng tiêu lớn ở nước ta đều đang hô hào xây dựng thương hiệu nhưng thực tế hiện không biết xây theo kiểu gì. Trong khi có được thương hiệu Chư Sê thì đã “tiêu” theo thuốc BVTV rồi!
Thương lái Trung Quốc lên Tây Nguyên mua tiêu Vĩnh Linh có dung trọng cao đưa về Hải Nam chế biến thành tiêu trắng xuất đi Mỹ với giá 7.600 USD/tấn, tất nhiên với thương hiệu Hải Nam. Trong khi tiêu trắng VN chế biến ở Đồng Nai, Bà Rịa chỉ xuất khẩu được với giá 5.700 USD/tấn.
Thấy đắng vì thương hiệu chưa !?
Chỗ Xuyên Mộc, tôi có anh bạn trồng tiêu năm thứ 3 lên xanh tốt, mơn mỡn như con gái 18. Đầu tư phân thuốc đầu đủ lắm, ai nhìn vào cũng mê, vậy mà vừa qua trời mưa dầm sinh ra bệnh chết nhanh chết chậm đi sạch mấy trăm trụ, mặc dù tiêu trồng ở vùng đất đỏ cao ráo, hơi pha sỏi, không biết có phải do bón phân và thúc lớn nhanh nên tiêu dễ bệnh chết hay không?! Nỗi buồn tiêu giảm giá kéo theo nỗi buồn tiêu chết dẫn đến kiếp nghèo truyền thống khi làm nông dân… ôi thôi tiêu rồi!
Theo quan sát của tôi, tiêu năm 3 bắt đầu cho bói mà bùng phát bệnh ngay mùa mưa năm đó và ồ ạt ra đi thì 95% là nguồn giống lấy từ cây đã nhiễm bệnh. Do bà con chạy đua diện tích, mua giống tùm lum, không quan tâm chất lượng giống mua…
@Anh Bằng
Im lặng cũng là một cách phản hồi.
Nói cho bạn Dương Tôn nghe nè.
Lấy mẫu khảo sát ngẫu nhiên từ nông dân tại 6 tỉnh trồng tiêu thì 244/360 mẫu đạt yêu cầu (khảo sát tháng 3/2017) nghĩa là 62% tiêu sạch đang nằm trong dân. Vậy họ bị mất năng suất 70% cả sao? Làm gì có chuyện đó.
Tuy nhiên, lấy mẫu từ đại lý thì chỉ có 12,7% đạt yêu cầu. Tại sao vậy? Đại lý phun thuốc vào tiêu à?
Cũng không phải, nhiều đại lý có quan hệ thân thiết với Dan Viet xác nhận là không có chuyện đại lý phun thuốc BVTV vào hạt tiêu. Vậy vấn đề ở đâu?
Do quy mô nhỏ lẻ nên để gom được một lô hàng lớn cần phải trộn tiêu thu mua từ nhiều hộ, nhiều vùng khác nhau lại mới đủ, vì vậy mà phát sinh nhiễm chéo, lô sạch bị trộn chung với lô bẩn.
Vậy, chi phí thưởng 5 k là nhằm tách tiêu sạch (vốn có sẵn trong thị trường) ra khỏi tiêu bẩn mà thôi.
Nếu bạn không biết cách làm ra hạt tiêu vừa năng suất vừa sạch thì hãy tìm hiểu để làm cho được cái điều mà 62% nông dân VN đang làm được mà chẳng đòi hỏi gì đi nhé. Khi đã làm được như thế thì có nhiều cty sẵn sàng trả thêm chút nữa để tách tiêu của bạn ra khỏi tiêu bẩn trên thị trường.
Về những gì anh Nam nói, tôi có mấy ý như vầy.
1. Cty Intimex không mạnh về thị trường EU nên tỷ lệ xuất đi khối này rất ít. Intimex không chuyên về săn hàng sạch đi EU nên Intimex không có được những số liệu khảo sát tới nơi tới chốn như tôi có.
2. Không lẽ mọi người nghĩ tất cả những gì anh Nam nói đều đúng? Ảnh là thánh phán à?
Nói với Anh Bằng như vậy là hết lời rồi đó, 62% tự giác trồng sạch là vì lợi ích của chính nông dân, lạm dụng hoá học sẽ dẫn đến cây mất đề kháng và ngã bệnh chết hàng loạt, nông dân trắng tay.
Bạn không tin, không nghe mà cứ chăm chăm đòi tiêu phải gấp 3 thì bạn mới làm sạch thì tuỳ bạn đấy, sau này trả giá thì đừng trách.
Nói trước với bạn là sẽ không có cty nào trả mức giá như bạn kỳ vọng đâu.
Anh @ Dân Việt cho em hỏi, sao cty hợp đồng bao tiêu sản phẩm tiêu sạch cho nông dân mà khi nông dân cần bán lại nói là đủ số lượng 5 tấn mới vào nhà mua là sao. Nếu như vậy thì chỉ có ai diện tích tiêu nhiều mới bán được hàng à.
Tôi chỉ là nông dân không hiểu nhiều về thị trường thế giới nên chỉ nói về Việt Nam mình. Nếu hồ tiêu canh tác bền vững sản lượng cũng không giảm tới 50-70% được. Có giảm chỉ 20-30% là cao. Thứ hai người dân VN cũng đã ý thức được việc sử dụng thuốc BVTV. Hiệp hội tiêu sạch đã ra đời khắp nơi. Không lẽ Việt Nam không thể kiểm tra hàm lượng thuốc BVTV trong tiêu hay sao mà để gửi sang rồi bị trả về là lỗi do đâu. Bộ Nông nghiệp chỉ biết nói trên giấy. Nhà tôi làm tiêu tới đây cũng 15 năm gắn bó với cây tiêu. Nhưng cũng tự làm tự bán.
Tuỳ cty, hãy chọn những cty có chính sách thu mua tốt và phù hợp với bạn để hợp tác.
Nhà nước mình không bảo trợ được giá là thua. Giá lên theo nhà buôn muốn làm sao thì làm thì nông dân khổ thôi. Nhà nước áp đặt giá thì nhà buôn đâu thể ép dân chứ…
Có vẻ @ Trần duy hà chưa hiểu thế nào là kinh tế thị trường…!
Bà Thủ tướng Yingluck của Thái Lan vì mua lúa giá cao cho nông dân, bị lỗ 2 tỷ đô, không chỉ bị mất chức Thủ tướng mà mới đây còn bị kêu án 5 năm tù về tội làm thất thoát ngân sách quốc gia. Còn ông nào dám ?!
Bác @ Thanh Hà cho hỏi tiêu năm 3 tới mùa mưa chết thì chữa sao hả bác ?
Chào cháu @ Phạm nguyễn ngọc bình và cộng đồng.
Tiêu năm 3, bắt đầu nuôi trái nên sinh trưởng bị ức chế để sinh thực phát triển làm sức đề kháng của cây sụt giảm. Nguyên nhân nữa là việc chăm bón không hợp lý, thiên nhiều về hóa học cũng làm mất kháng thể trong khi chưa chú trọng sử dụng vi nấm đối kháng trichoderma để phòng ngừa vì chủ quan nhìn thấy cây lá vẫn xanh tốt…
Khi vào mùa mưa dầm, cũng là cơ hội cho nhiều loại nấm bệnh bùng phát như vàng lá, héo lá, thối rễ, thối thân, chết nhanh chết chậm, chủ yếu là nấm phytophthora, rhizoctonia và fusarium kết hợp với tuyến trùng và các vi khuẩn có hại nhiễm sẵn trong đất lẫn trong cây.
Lúc này cây đang yếu, không nên cùng một lúc chữa nhiều loại thuốc BVTV khiến cây quá sức chịu đựng, không loại trừ việc pha trộn nhiều loại thuốc còn gây ra phản ứng hóa học làm mất chất, giảm hiệu quả thuốc. Dùng ngay các loại thuốc trị nấm, tác dụng tiếp xúc+lưu dẫn, theo phác đồ điều trị có trên bao bì hoặc theo nhà phân phối tư vấn. Tuyến trùng chỉ làm cây yếu vì cạnh tranh dinh dưỡng, không làm cây chết ngay nên để chữa trị sau.
Cần trao đổi cụ thể cho trường hợp riêng của mình, email cho chú qua nguyenvinh@giatieu.com
Thân
Bà con mình làm tiêu truyền thống quen rồi. Giờ chuyển qua làm tiêu sạch thì kinh nghiệm chưa đủ nên sản lượng cũng không được cao, giá thì chỉ hơn 5 ngàn. Phải chi giá tiêu sạch cao hơn tiêu bẩn nhiều chút thì đỡ khổ cho nông dân.
Chào cháu @ Dương tôn và các bạn quan tâm giá tiêu hiện nay.
Chú giả sử, nếu làm tiêu sạch có giá bán xấp xỉ khoảng 100.000 đ/kg thì các bạn nghĩ sao ?
Cơ sở để chú dự kiến mức giá trên là tiêu đặc sản Kampot (Cam) bán qua Pháp khoảng 6.500 Usd/tấn và tiêu Sri Lanka bán qua Ấn Độ 6.200 Usd/tấn. Trong khi tiêu Brasil chào bán ở mức 4.600 – 4.800 Usd/tấn, Indo 4.600 Usd/tấn, Malaysia 4.500 Usd/tấn, (fob).
Các bạn suy nghĩ và cho ý kiến !
Thân
Cho cháu xin hỏi. Cháu đọc trên phản hồi có nói Trung Quốc mua tiêu của Tây Nguyên về chế biến tiêu trắng bán qua Mỹ với giá 6.700 USD/T. Nhưng bài báo lại nói tiêu trắng TQ bán với giá gấp đôi tiêu trắng VN. Chả nhẽ tiêu trắng nước mình bán rẻ hơn tiêu đen ?
Chào cộng đồng – chào các bạn !
Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu ! Hãy làm ngay những vấn đề sau đây :
1 – Hạ giá thành sản phẩm
2 – Sản xuất ra sản phẩm an toàn
3 – liên kết các nông hộ cùng chung ý với nhau thành 1 tổ liên kết có sản lượng đủ lớn.
4 – Tìm doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín cho đầu ra.
Làm các điều này không khó; cái khó chính ở mỗi người trong chúng ta tự gây khó cho mình. Vượt qua chính mình; ấy là điều khó nhất ! Phải làm thế nào để có sản phẩm đạt chuẩn là sản phẩm sạch cho người tiêu dùng an tâm.
Mong là, vài năm tới, tiêu của mỗi nông hộ chúng ta là hàng hiệu chứ không phải là hàng “chợ” hàng “đống” như lâu nay.
Thân chào với tất cả quyết tâm !
Một báo nguy hiểm… Chắc có công ty nước ngoài nào thuê họ viết để làm giá tiêu VN rồi !
@ Hồng Mai phát hiện hay quá ! Mình đọc mà cũng không để ý lắm…
Sao họ viết vậy được nhỉ, có ý gì ?!
Có thể làm một số người nhầm chứ không thể tất cả mọi người đều bị nhầm được.
* Đề nghị cộng đồng trao đổi những nội dung về cây trồng trên những bài thuộc mục Trồng và chăm sóc tiêu. Không trao đổi nội dung chăm sóc tiêu trên những bài thuộc mục Thị trường hạt tiêu, để giúp cộng đồng dễ dàng tham khảo, trao đổi.
Cảm ơn !
Báo chí viết về thị trường chứ không phải là báo cáo thị trường.
Mọi người đọc để tham khảo, đừng kỳ vọng quá mức !
Các nhận xét, số liệu của bác Dan Viet đưa ra là thực tế, không dễ gì bà con có những số liệu đó để hiểu thực trạng ngành hồ tiêu Việt Nam một cách chân thực.
Câu chuyện nhiễm chéo là câu chuyện đau đầu của các công ty XK uy tín. Ngoài nguyên nhân như bà con nói do đại lý thu gom từ nhiều nguồn, còn nguyên nhân từ chính đại lý do vừa kinh doanh tiêu vừa kinh doanh thuốc BVTV, phân bón tại cùng một địa điểm, chung một kho.
Thực tế là vậy, mong cộng đồng giatieu tiếp tục chia sẻ trao đổi thẳng thắn để chúng ta tự nhận thức và có ý thức trách nhiệm trong công cuộc xây dựng ngành hồ tiêu theo hướng bền vững.
Chú Ba đúc kết chính xác 4 vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết.
Mong chính quyền thực sự tham gia giải quyết đê đất nước được cơ hội phát triển ngành hàng mà chúng ta thật sự có thế mạnh.
Có vẻ như báo chí đang đua nhau “đánh hội đồng” nông dân trồng tiêu…
Tự nhiên xuất hiện hàng loạt bài nói về chuyện tiêu rớt giá vì đủ thứ lí do lí trấu.
Có cả chuyện thương lái Trung Quốc đặt hàng các DN mua tiêu “với bất cứ giá nào” rồi biến mất tăm hay tìm cách không thực hiện hợp đồng…
Ra làm DN mà để cho họ lừa được thì quá kém… có thật vậy không, hay chỉ nói bừa ?
Hồi này tiêu rớt giá nên bà con trồng tiêu có vẻ bức xúc nhiều hơn…
Nhà mình làm tiêu trắng gần 20 năm nay, mình thấy giá tiêu lên xuống cũng thất thường như giá các nông sản khác. Nhưng giá tăng khá cao 5-6 năm nay cũng giúp nhiều nhà vườn đỡ khó khăn, có tích lũy được ít nhiều. Chỉ những bà con mới đầu tư trồng tiêu vài năm nay đã tỏ ra sốt ruột. Nhưng biết làm sao ? quy luật thị trường mà. Mình có quyền bán ra lúc nào nếu mình muốn khi thấy có lời, hoặc bán cắt lỗ như công ty vậy. Họ cũng phải trả lương, đóng thuế… đủ thứ.
Nông nghiệp nước mình vẫn phải đa canh đa con mới tồn tại được.
Mình chỉ lo nếu mức giá hiện nay kéo dài vài năm thì nhiều bà con sẽ không trụ nổi !
Đây là quy luật thị trường dù nó rất khó chấp nhận, nhưng biết làm sao cung vượt cầu thì giá xuống là dễ hiểu thôi. Thị trường giá tiêu chắc chưa thể trở lại giá cao được, trong khi diện tích hồ tiêu cho thu mới đang tăng. Những năm 2009 giá tiêu đen giảm xuống, chỉ còn 20 đến 30 ngàn 1kg, tâm lý người tiêu dùng khi có nhiều sản phẩm họ có quyền lựa chọn sản phẩm sạch.
Trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ mình cần phải lên tiếng làm rõ một việc: Mình không liên quan gì đến báo Dân Việt và cũng chưa từng viết bài hay trả lời phỏng vấn báo này bao giờ.
Mình tham gia diễn đàn này từ 2014 đến này, lấy nick Dan Viet để tự nhắc mình dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, phục vụ bất kỳ tổ chức nào thì mình cũng mang dòng máu Lạc Hồng trong người, đơn giản chỉ là như vậy.
Nhà mình cũng hay bán tiêu cho thương lái TQ, mỗi tháng 2-3 tải. Hồi trước họ đặt mua dung trọng cao nhưng mà mình chỉ bán xô. Họ chọn mua tiêu đẹp, hạt mẩy để làm tiêu trắng. Hàng chở xuống cảng Qui Nhơn lên tàu về Hải Nam, cung ứng cho các xưởng chế biến… Khách này mua thường xuyên vài năm rồi. Mình thấy họ làm ăn cũng tốt chứ không vấn đề gì.
Mà bố mình cũng cứng rắn lắm. Chưa đủ tiền thì xe tải khỏi lăn bánh, dứt khoát !
Dở chiêu trò ở đâu không biết, chứ mình thấy mấy thương lái này đàng hoàng, chăm chỉ làm ăn.
Cộng đồng cho hỏi, trichoderma có thể kháng nấm bệnh không. Và nên sử dụng như thế nào.
@ Dương tôn
Câu hỏi của cháu nằm ngay dưới câu trả lời của bạn @ Ngok làm bác thất vọng quá !
Chịu khó tập trung đọc những cái cần thiết để tự nâng cao kiến thức…
Giatieu.com vừa nhắc nên phản hồi phù hợp với nội dung mà cháu cũng không quan tâm ?!
Thân
Trichoderma là vi nấm. Enzyme do tricho tiết ra sẽ gây độc giết chết các loại nấm bệnh nên mới được gọi là nấm đối kháng. Mỗi năm bón cho tiêu 3-4 lần tùy theo, kết hợp với phân đổ gốc sinh học Biogel là tốt nhất. Chọn thương hiệu tin cậy để mua !
Tôi mới đọc 1 bài báo, thấy viết rõ ông A ở BR còn trữ 7 tấn chờ giá, ông B ở ĐN còn 5 tấn bán chưa kịp… Thấy có cả tên bác Hoàng Văn Lập còn 10 tấn 2 mùa chưa bán…
Các vị khai hàng tồn nhiều thì càng bị ép giá là chuyện đương nhiên, không có gì để thắc mắc cả. Họ không ép giá mới là lạ đó !
Ở Tây Nguyên nói về cây công nghiệp có cà phê, tiêu và cao su là chủ đạo, 3 sản phẩm này đều rớt giá, vậy nông dân biết trồng cây gì ? Trách nhiệm nhà quản lý ra sao ?
Nhà quản lý chỉ định hướng, không có quyền can thiệp !
Ví dụ họ khuyến cáo cả nước chỉ trồng tối đa khoảng 90.000 ha hồ tiêu.
Nhưng hiện nay diện tích trồng đã lên tới 125.000 ha và… chưa dừng.
Thưa quý bà con. Trồng tiêu sạch theo hướng bền vững là một bước đi quan trọng của nông dân Việt bây giờ, cũng có thể nói nó như một bước ngoặt lịch sử của ngành hồ tiêu Việt Nam. Nhưng để làm được điều đó thì cần có sự giúp sức từ nhà nước quản lý đầu ra cho dân. Như chỗ tôi tại xã Sông Ray Đồng Nai, đã có một số hộ trồng tiêu sạch và đã bán được với cái giá hơn so với thương lái ngoài gọi là một chút thôi. Vậy là cũng gọi tạm được so với thời điểm hiện tại thôi, nhưng tiêu sạch vẫn bị ép giá bà con ạ. Như năm 2016 thì dân bán tiêu sạch xong, tính tiền thưởng và giá chênh lệch cũng được hơn 10 ngàn/kg so với giá thị trường. Nhưng năm nay chỉ còn đượ 3-4 ngàn/1kg. Thử hỏi tiêu sạch đủ tiêu chuẩn xuất khẩu với giá như vậy có hợp lý không. Trong khi dân thì cố giữ cho tiêu khỏi chết mà không cần dùng thuốc, thì thương lái lại cố nghĩ cách để ép dân lấy của làm giàu cho họ. Thật là xót xa cho giá trị của những hạt mồ hôi mà người dân bỏ ra để làm giàu cho thương lái.
Nhận thức này không chỉ của riêng bạn mà nhiều bà con hiện nay vẫn nghĩ như vậy, vẫn chưa thấy rằng xã hội cần thay đổi và nhận thức cũng phải đổi thay cho phù hợp.
Nếu bạn cho rằng sản xuất tiêu sạch tốn công tốn sức mà lợi nhuận cũng không cao mấy thì bạn cứ sản xuất tiêu “bẩn” đi, không sao cả. Nhưng bạn nghĩ sao nếu vì bẩn mà giá tiêu sẽ giảm nữa ? Trước mắt, vẫn xuất khẩu được nhưng tiêu sạch được “nhà giàu” mua giá cao, còn tiêu “bẩn” chỉ bán cho “nhà nghèo và giá cả ra sao chắc bạn đã rõ.
Việc sản xuất nông sản sạch là điều tất yếu. Sản xuất dần dần buộc phải đổi thay theo xu hướng tiến bộ vì con người. Thương lái là tầng nấc trung gian, bạn có quyền không bán cho họ chứ làm sao họ ép bạn được. Nếu sợ bị ép thì bạn tự mang hàng lên công ty mà bán, có sao đâu !
Mấy hôm nay có vụ 1 lò mổ ở Hóc Môn tiêm thuốc an thần cho heo ngủ trước khi giết thịt, bạn đã biết chưa và có suy nghĩ gì không khi nhà nước buộc phải tiêu hũy gần 4 ngàn con heo và còn xử phạt hành chính nữa. Sản xuất “bẩn” rồi sẽ là như vậy nếu muốn bán được giá cao hơn. Và giá tiêu còn rớt nữa, như vậy có hợp lý không ? Có phải là bước ngoặt lịch sử tất yếu của ngành hồ tiêu như bạn nói không ?!
Xin được điểm lại các ý kiến hot.
Khi mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo thì: đất tui tui trồng, mắc mớ chi nhà nước can ngăn.
Khi giá tiêu rớt thảm thì: nhà nước không quan tâm chăm lo, không giữ giá cho dân.
Khi được cộng thêm dzem độ thì: thương lái thưởng cho người trồng tiêu.
Khi bán tiêu sạch thì đòi tiên thưởng…
Ki bán tiêu bẩn thì không ai nói chi đến tiền phạt, mặc đù chưa ai bị phạt.
(Sẽ còn bổ sung)
Bẩn sạch gì cũng cho lên xe tải thế là xong.
Chẳng biết đâu là bẩn đâu là sạch nói chẳng ai tin. Số lượng ít đành phải chịu…
Sạch hay bẩn tự mình phải biết chứ ! Điều bạn nói phản ánh đúng qui mô sản xuất nông nghiệp hiện nay ở VN: sản xuất manh múm, tự phát, diện tích nhỏ lẽ nên thích gì làm nấy, bất chấp mọi sự khuyến cáo, ATVSTP… 1 mớ rau, con cá… khó để thành hàng hóa chất lượng đồng đều. Nhưng không thể không sống nên phải làm. Giá thấp cũng vì vậy…
DN bi khách ép giá, DN quay sang ép giá nông dân? Có DN nào chịu lỗ khi kinh doanh không? Nếu không thì tại sao lại ép giá nông dân? Thay vì ép giá nông dân, DN xuất khẩu cùng Hiệp hội Hồ tiêu VPA nên đồng lòng, gây sức ép ngược trở lại cho nhà nhập khẩu.
Không phải người dân không biết về dư lượng thuốc diệt nấm hoặc thuốc trừ sâu, họ biết và hiểu điều đó ! Nhưng khi sản phẩm sạch được làm ra, giá bị ép thì làm sao họ trụ lai được?
Cứ vòng lẫn quẩn như thế này, tiêu Việt Nam còn rớt giá nữa.
Thử phân tích chút xíu để các bác thấy giá giảm là do đâu, vì sao, từ đó tự đánh giá xem giá có ngừng giảm và phục hồi được không nhé
Do tính chất nhỏ lẻ nên chuỗi cung cấp hiện này của tiêu VN như sau :
Nông dân => Bạn hàng nhỏ => Đại lý => Cty XNK=> Khách hàng nước ngoài.
Nói về hàng tồn thì hiện nay cả 4 khâu trong chuỗi đều có hàng tồn nhưng tính chất và vốn tính dụng để trữ hàng rất khác nhau.
Nông dân: vốn tự có là chính, do tích lũy được từ các năm vừa qua nên không chịu áp lực trả lãi vay nhiều (nhưng chỉ là số ít)
Bạn hàng nhỏ: bỏ tiền ra ôm từ đầu vụ, trả lãi vay tới giờ cũng đuối hung rồi, đa số dùng vốn vay. Đây chính là trung tâm gây ra giảm giá cho giá tiêu hiện nay.
Đại lý: Đa phần là vốn vay, 50% chốt với cty XNK khi có đơn hàng, chỉ ăn chênh lệch nên không có rủi ro. 50% ôm từ đầu vụ đến giờ nên cũng đuối như bạn hàng nhỏ rồi, có gồng thì cũng là cố thôi chứ bản chất là mõi mệt lắm rồi.
Cty XNK: đa phần hàng tồn trong khối này là đã có khách mua từ trước rồi, họ trữ để chờ giao hàng mà thôi. Cty nào bán được đơn hàng mới thì mới mua tiếp chứ chưa nghe cty nào trữ hàng chờ giá lên. Nếu không bán được, họ sẽ không mua.
Nhờ bạn @ Dân Viet giải thích giùm là giá bán hàng ngày do công ty XNK ra giá hay là các đại lý vừa và nhỏ ra giá… Chứ mỗi khi hỏi giá để bán thì đại lý bảo chưa biết giá chờ điện thoại hỏi công ty…
@Phucdo.
Câu hỏi hay, khó và thú vị
Theo lý thuyết, giá hàng ngày là thước đo phản ánh tất cả các góc nhìn của tất cả mọi thành phần tham gia thị trường (ít nhất là 5 thành phần như kể trên)
Tuỳ thời điểm, có lúc là do nông dân quyết định, có lúc thì thương lái và bạn hàng nhỏ, có lúc là do cty XNK. Cũng có khi do bạn hàng ngoại
Theo tôi thì hiện nay, giá đang do các cty XNK quyết định.
Sức mạnh của nhóm chi phối chính phụ thuộc vào ba yếu tố chính như sau
1. Lượng hàng hoá mà nhóm đó đang nắm giữ
2. Khả năng tài chính của nhóm
3. Thông tin mà nhóm đó có
Nhóm XNK đang chi phối giá hiện nay nhờ vào sức mạnh tài chính và thông tin.
Vd nhé, cách đây khoảng 1 tuần, một cty lớn đã bán ngược hàng của họ ra thị trường, giá hạ ngay lập tức.
Cám ơn @ Dan Viet đã giải thích. Vậy là công ty XNK điều tiết giá cả thị trường hồ tiêu.
Bấy lâu tôi cứ nghĩ đại lý là đơn vị thu mua và ra giá hàng ngày.
Khi giá tăng thì đại lý là những người quyết định, thậm chí họ đưa ra giá cao hơn XNK, họ mua đón đầu để đầu cơ tạo ra kham hiếm đẩy giá lên. Những lúc như vậy, họ thực sự là “bạn của nhà nông”
@ Dân Việt
Mình rất thích cách anh phân tích, rất trung thực và có tâm. Hy vọng anh cứ phát huy.
Quy luật thị trường thôi, cung dư thì mất giá.
Cách đây 4 năm ai cũng ca ngợi việc giữ giá hồ tiêu của VFA đó thôi.
Nhiều người nghe lời khuyên của anh Nam “dưới 80 k thì đừng bán” đến giờ vẫn còn tiêu trong nhà.
Nói chung là những người giữ tiêu lại như vậy đã làm cho giá rớt chậm lại, tạo điều kiện cho những người mới trồng không bị thiệt hại quá nặng.
Chính nhờ những kêu gọi như vậy mà thiệt hại được chia đều ra, mỗi người, mỗi đoạn trong chuỗi gánh một ít thiệt hại nên cũng đỡ sốc.