Hồ tiêu, cây trồng “vàng” đất Việt
Việt Nam trở thành nước sản xuất hồ tiêu số 1 của thế giới từ năm 2000 và liên tục 14 năm liền, từ đó đến nay vị trí đó không đổi.
Xóm Nghệ Tĩnh tỷ phú
Vùng trồng hồ tiêu của tỉnh Bình Phước phần lớn nằm dọc theo Quốc lộ 13 thuộc 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Qua ngã 3 cửa khẩu Hoa Lư 20 km, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp có ấp Tân Hòa nhưng cái tên ấp đó chỉ được sử dụng cho mục đích hành chính, còn tên gọi thường ngày là xóm Nghệ Tĩnh tỷ phú.
Cả xóm có trên 100 hộ, 100% đều có quê gốc ở Nghệ An và Hà Tĩnh và 100% đều có thu nhập tròm trèm 1 tỷ đồng/năm.
Năm 1988, ông Cao Đình Hồng, đưa 5 con, 4 trai 1 gái: Tân, Tiến, Mạnh, Hùng, Phương đều đang tuổi “lao động vàng” từ xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An vào đây lập nghiệp.
Vùng đất này ngày trước đã có chủ nhưng các hộ kinh tế mới của TP Hồ Chí Minh, các hộ Việt kiều Căm Pu Chia chạy nạn Pôn pốt đã không trụ lại được, còn ông Hồng nhờ đã có “nhãn quan” kinh tế mới (vốn là dân Hưng Nguyên đi kinh tế mới ở Nghĩa Đàn) nên sớm phát hiện ra mỏ vàng dưới lớp đất bazan nâu đỏ và trồng tiêu ngay từ những ngày đầu.
Ban đầu chỉ được vài trăm trụ nhưng với giá tiêu sọ 1 chỉ vàng/kg, ông Hồng khá lên rất nhanh và thu hút thêm nhiều gia đình khác và ấp Tân Hòa trở thành xóm Nghệ Tĩnh tỷ phú. Riêng đại gia đình ông Hồng đã có đến 40 ha, trồng 3 cây chính là hồ tiêu, cao su và cà phê, trong đó hồ tiêu là chủ lực với sản lượng bình quân 35 T/năm.
Không riêng Tân Hòa mà hồ tiêu đã làm nên bao nhiêu ấp tỷ phú khác, đổi đời hàng vạn hộ nông dân từ nghèo trở nên khá giả, giàu có ở Châu Đức (BR-VT), Xuân Lộc, Cẩm Mỹ (Đồng Nai), Đăk Mil, Cư Jut (Đăk Nông), Eakar, Eahleo (Đăk Lăk) Chư Sê (Gia Lai)…
Đến với những xóm ấp này cứ tưởng một nơi nào đó trên thế giới vì ai ai cũng có biệt thự, có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt hiện đại, có tài khoản ngân hàng, xài thẻ tín dụng, sử dụng internet và đặc biệt vào các dịp lễ tết thì đoàn xe hơi, con em của họ đang đi làm ăn ở các thành phố, cứ nối đuôi nhau…
Việt Nam trở thành nước sản xuất hồ tiêu số 1 của thế giới từ năm 2000 và liên tục 14 năm liền, từ đó đến nay vị trí đó không đổi. Hồ tiêu là mặt hàng nông sản duy nhất của Việt Nam không xảy ra hiện tượng “được mùa mất giá” do người nông dân có thể tự điều tiết lượng hàng hóa bán ra từng thời điểm để có được giá cả có lợi nhất.
Tại sao các mặt hàng có thế mạnh tương tự hồ tiêu như cà phê, cá da trơn lại không làm được điều đó? Câu trả lời là hồ tiêu có được sự hỗ trợ của thông tin. Không có mặt hàng nào mà có được thông tin minh bạch về sản lượng sản xuất, lượng hàng tồn kho, cân đối cung cầu, giá cả trên từng thị trường được cập nhật một cách đầy đủ, kịp thời, có độ tin cậy cao như thông tin của Hiệp hội hồ tiêu thế giới IPC.
Gia nhập IPC năm 2005, Hiệp hội hồ tiêu VN – VPA là hội ngành hàng duy nhất của Việt Nam gia nhập hội ngành hàng của thế giới và trở thành thành viên quan trọng nhất, thành viên có mức đóng góp hội phí cao nhất (100.000 USD/năm), cho tổ chức này.
IPC có 6 thành viên, bao gồm Brazin, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Srilanka và Việt Nam có tổng sản lượng 331.500 T, chiếm 87% sản lượng hồ tiêu của toàn thế giới (năm 2013) nên tiếng nói của IPC cực kỳ quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành hàng này trên quy mô toàn thế giới.
Thông tin của IPC được VPA chuyển tải lại trên trang web của mình và trở thành công cụ tư vấn cực kỳ hiệu quả không những cho các DN, các trang trại mà cả cho hàng nghìn hộ trồng tiêu khác.
Mặt khác, do được tích lũy từ nhiều năm nên phần lớn các hộ trồng tiêu không bị thúc ép bởi gạo tiền thường nhật, tiêu lại có thể đóng bao bảo quản thông thường từ 2-3 năm mà không sợ bị hư hao, đấy là cơ sở để người trồng tiêu, trữ tiêu lựa chọn được thời điểm bán ra phù hợp nhất cho mình.
Đâu là lợi thế của hồ tiêu Việt Nam?
Năm 2014, tổng diện tích hồ tiêu kinh doanh của VN khoảng 63.000 ha cho sản lượng 135.000 T (đã trừ 20.000 T nhập khẩu) bán được 1.080 triệu USD (không kể 6.000 T tiêu dùng nội địa) bình quân mỗi ha thu được hơn 17.000 USD (tương đương 350 triệu VND).
Năm 2014 trở thành năm lịch sử trên cả 3 phương diện: Diện tích, sản lượng, giá trị, đồng thời cũng là năm cao nhất của giá bán hồ tiêu tại nông hộ – bình quân 170.000 đ/kg. Với mức giá trên ít có cây nào sánh kịp và trở thành động lực làm bùng nổ diện tích trồng mới.
Theo ước tính của nhiều chuyên gia, diện tích trồng mới trong 2 năm 2013 và 2014 là rất lớn, ước khoảng 10.000 ha/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi vậy diện tích hồ tiêu trong các năm tới sẽ là 100.000 ha, gấp 2 lần diện tích quy hoạch định hướng của Bộ NN&PTNT.
Song song với bùng nổ về diện tích, thâm canh ắt cũng sẽ bùng nổ về dịch bệnh. Điều tra của Viện KHKTNN Miền Nam cho thấy hồ tiêu đang mắc 8 trọng bệnh là chết nhanh, chết chậm, xoăn lá, thối rễ, đốm lá đen, đốm lá trắng, đốm rong, rệp bông, trong đó có 2 bệnh nguy hiểm nhất từng xóa sổ nhiều vùng tiêu ở Việt Nam là bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora và chết chậm do nấm Fusarium.
Nấm bệnh nhiều làm cho lượng dùng thuốc BVTV trên hồ tiêu tăng lên, nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đấy là nguyên nhân chính làm cho tiêu VN không đủ độ tin cậy để chen chân được vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Mức giá 200.000 đ/kg được coi là kỷ lục trong vòng 15 năm nay của hồ tiêu VN nhưng hãy còn rất rẻ so với Ấn Độ, Mã lai, Indo từ 1.500 – 2.500 USD/T.
Từng có nhiều đoàn đại biểu của IPC tham quan hồ tiêu VN, trong đó có không ít các nhà khoa học hàng đầu về hồ tiêu. Khi đến các vườn tiêu có năng suất từ 4-5 T/ha, họ đều khen ngợi nông dân ta hết lời nhưng khi về tới khách sạn chỉ còn vài người thân tình thì họ lại nói khác, 30 năm, 50 năm trước hồ tiêu của họ cũng từng đạt năng suất như vậy nhưng bị gãy đổ bởi dịch bệnh. Cũng theo họ, muốn bền vững thì năng suất chỉ nên duy trì trên dưới 2 T/ha.
Sự tăng giá nhiều năm liền của hồ tiêu do sự phát triển của ngành chế biến thức ăn nhanh sử dụng nhiều gia vị hơn; sự tăng giá đột biến từ 7.053 USD lên 11.000 USD/T vào cuối năm 2014 vừa qua chủ yếu là do giảm sản lượng 43.000 T từ Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka. Những nước này, nhất là Brazil đang nỗ lực để tăng sản lượng hồ tiêu, dự báo sản lượng cầu vượt cung ở năm 2015 trở về sau sẽ không còn đáng kể….