Hồ tiêu chết ở Ea H’Leo: Thiệt hại chưa định lượng
Ông Nguyễn Văn Ngọc, một nông dân trồng tiêu giỏi ở thôn 2B, xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo (Đăk Lăk) lấy chiếc xe máy Win100 chở tôi đi thăm vườn tiêu mà theo ông là bi thảm nhất ở thôn 2C.
ThS. Lê Đăng Khoa hướng dẫn ông Bồng trồng lại vườn tiêu bị chết
Vô phương cứu chữa
Giữa trưa nắng Tây Nguyên, căn nhà lợp tôn liêu xiêu giữa cái sân bê tông hắt nóng hừng hực. Cả khu đồi chỉ có màu xanh duy nhất của cây lồng mức, còn lại đều xám xịt. Một cơn gió qua vườn tiêu cuốn bụi đất đỏ lầm lên, thốc vào nhà, phả lên mặt bỏng rát.
Năm 2003, hai anh em con chú con bác Lê Văn Bồng và Lê Văn Lương rời quê Bình Định lên lập nghiệp và gây dựng được vườn tiêu 4.000 trụ, mới năm ngoái họ còn hái được hơn 10 tấn nhưng năm nay thì một hạt cũng không. Với gương mặt nhàu nhĩ, ông Bồng cho biết chỉ trong tháng 7/2011 cả vườn tiêu đang xanh tươi bỗng đồng loạt chết không phương cứu chữa.
Theo ông Hồ Mộng Vỹ, cán bộ BVTV huyện Ea H’Leo thì 4.000 nọc tiêu của anh em nhà ông Bồng chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số nọc tiêu bị chết của xã Ea H’Leo từ giữa đến cuối năm 2011. Các hộ ở thôn khác như ông Hải, ông Sơn, ông Thơ thôn 2A … mỗi gia đình cũng có từ 2.000- 4.000 trụ đang thời kỳ kinh doanh nhưng bị chết bất đắc kỳ tử đến phân nửa.
Cũng theo ông Vỹ, đến cuối năm 2011, toàn huyện Ea H’Leo có hơn 1.700 ha tiêu, trong đó xã Ea H’Leo có diện tích lớn nhất, gần 400 ha. Nếu xét về diện tích bị thiệt hại thì năm nay vẫn không bằng năm 2008 nhưng xét về giá trị thì lớn hơn vì tiêu đang ở mức giá cao.
Nhờ sử dụng nấm đối kháng Trichoderma, vườn tiêu 4 ha của ông Ngọc vẫn xanh tốt
Loại trừ Voi Trắng?
Một số hộ bị có tiêu bị chết ở Ea H’Leo cho rằng, nguyên nhân gây chết tiêu của họ từ một loại phân bón vi sinh bổ sung các yếu tố vi lượng có tên Voi Trắng mà họ từng sử dụng 2- 3 năm liền. Nghi ngờ của họ đã được công an huyện Ea H’Leo vào cuộc, tuy nhiên qua các mẫu phân tích của Trung tâm III, thì phân bón trên lại hoàn toàn đạt chất lượng về hàm lượng hữu cơ, mật độ vi sinh vật, sai số về vi lượng không đáng kể.
Mặt khác, ông Bùi Duy Quảng, Phó GĐ Cty TNHH Voi Trắng cho biết năm 2011, có 39 hộ gia đình ở xã Ea H’Leo đã mua sản phẩm chuyên dùng cho tiêu của công ty ông nhưng trong số đó chỉ có 4 hộ có tiêu bị chết nên nguyên nhân từ loại phân này cũng có thể được loại trừ.
Trong lúc các cơ quan chuyên môn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây nên chết tiêu thì ông Nguyễn Văn Ngọc, nông dân trồng tiêu giỏi được tỉnh Đăk Lăk vinh danh lại cho rằng cây không chết mới là chuyện lạ. Ông Ngọc trầm ngâm: “Nói ra thì e mất lòng nhưng không thể không nói. Hai năm trước, khi thấy họ bón phân hóa học đến trắng bồn, tôi đã cảnh báo nhưng không ai nghe nay bệnh đã vào xương, vào tủy, tiêu bị thúi hết gốc rồi chạy chữa sao được nữa”.
Khác hẳn với các vườn khác, vườn tiêu của ông Ngọc rộng tới 4 ha với hơn 7.000 trụ tiêu trồng từ năm 1993, tất cả đều xanh tốt và đang lúc lỉu quả, năng suất ước đạt 5- 6 kg tiêu khô/trụ. Đây là điểm trình diễn sử dụng nấm đối kháng Trichoderma trên tiêu của Viện KH-KT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
Bí quyết của ông Ngọc không nằm ngoài sách vở: Thoát nước tốt, sử dụng phân và thuốc hóa học vừa phải trên nền phân hữu cơ, vi sinh đầy đủ. Cũng theo ông Ngọc, cái mất về tiêu chết dù sao cũng đã định lượng được, nhưng cái mất lớn hơn chưa được định lượng đang ở phía trước đấy là người dân hoang mang nên không còn sử dụng phân vi sinh và các chế phẩm, động lực chính trong việc phòng ngừa bệnh trên cây tiêu, trồng tiêu bền vững.
Theo ThS Lê Đăng Khoa, bộ môn BVTV Viện KH-KT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nấm Phytopthora hại rễ là nguyên nhân chính gây nên bệnh “chết nhanh” trên tiêu ở Tây Nguyên. Khu vực này có 4 tháng mưa liên tục, trong khi người dân lại chưa biết thiết kế mương rãnh thoát nước nên phần lớn diện tích bị úng, chảy tràn tạo điều kiện thuận lợi cho du động bào tử nấm phát tán mạnh.
Ngoài ra, việc sử dụng không đủ phân hữu cơ, trồng tiêu không có cây che bóng, lạm dụng phân hóa học và hóa chất trong BVTV, xới xáo nhiều làm đứt rễ cũng sẽ làm dịch hại thêm trầm trọng.
Nấm Phytopthora tấn công và phá hủy bộ rễ, phần ở dưới đất không nhìn thấy nên khi phát hiện được thì đã không thể cứu chữa, bởi vậy muốn quản lý được bệnh này thì phải triệt để tuân thủ phương châm phòng bệnh là chính.
Quang Ngọc
1 phản hồi cho bài "Hồ tiêu chết ở Ea H’Leo: Thiệt hại chưa định lượng"
Đến Chư Sê mà xem tiêu chết, có nhà tiêu bị chết không còn trụ nào.