Hồ tiêu Đăk Nông, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

Hồ Tiêu là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, đã mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương. Tuy nhiên thời gian qua, hồ tiêu phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Để cải thiện, tỉnh Đăk Nông đã đưa ra định hướng và giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững.

Trong cơ cấu cây trồng lâu năm, diện tích tiêu chiếm tỷ lệ không lớn, chỉ đứng thứ 4 sau cà phê, cao su và điều. Vào những năm 2009, 2010, do yếu tố giá cả thị trường và tình hình bệnh hại trên cây tiêu diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tuyến trùng, bệnh héo rũ chết nhanh và chết chậm đã làm cho sản lượng hồ tiêu trên địa bàn Đăk Nông không ổn định, diện tích có tăng nhưng sản lượng lại giảm xuống. Cụ thể, năm 2010 diện tích cây tiêu toàn tỉnh là 7.127 ha, tăng 327ha so với năm 2009, nhưng sản lư­ợng chỉ đạt 11.777 tấn, giảm 442 tấn so với năm 2009.

Đến thời điểm năm 2011, bệnh hại trên cây tiêu đã được khống chế, giá tiêu trên thị trường cũng luôn đạt ở mức cao, tiêu đen nội địa có thời điểm lên gần 155 nghìn đồng/kg, tiêu trắng lên đến 200 nghìn đồng/kg nên người dân đã đầu tư và mở rộng diện tích. Đến thời điểm hiện nay cây tiêu đạt khoảng 8.356ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 13.479 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện Đăk R’Lấp (2.803 ha), Đăk Song (2.433ha) và Cư Jut (1.324ha), đây là những vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh cho năng suất và chất lượng cao.

Trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh, hồ tiêu luôn đứng vị trí thứ 2 về sản lượng (sau cà phê). Từ năm 2006 -2011 sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 67,8 ngàn tấn, riêng năm 2011 ước đạt khoảng 15,3 ngàn tấn, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Singapore, Italia…

Tuy nhiên, tình hình chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu hạt tiêu trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế: sau khi thu hoạch chủ yếu phơi sấy bằng phương pháp thủ công đã làm giảm chất lượng sản phẩm; các đơn vị xuất khẩu trực tiếp còn ít, phần lớn nguồn nguyên liệu được bán ở dạng thô cho thương lái Trung Quốc và doanh nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Tp.HCM, Đồng Nai…thông qua mạng lưới thu gom của các đại lý trên địa bàn tỉnh; toàn tỉnh chỉ mới có 4 cơ sở chế biến hạt tiêu, với công suất đạt 4.900 tấn/năm tại huyện Đăk R’Lấp và Đăk Song, đáp ứng nhu cầu chế biến khoảng 30% sản lượng của tỉnh, mặt khác các cơ sở này còn hạn chế về công nghệ chế biến, chủ yếu sơ chế ở dạng thô. Chính lẽ đó, hạt tiêu Đăk Nông vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở phát huy những tiềm năng và thế mạnh, đồng thời khai thác hiệu quả giá trị kinh tế của hồ tiêu, tỉnh định hướng đến năm 2015 sẽ mở rộng diện tích là 8.000ha và năm 2020 lên 10.000ha, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn, tập trung chuyên canh tại hai huyện Đăk R’Lấp và Đăk Song; đầu tư nâng cấp 2 cơ sở chế biến tại huyện Đăk R’Lấp với công suất 1.800 tấn, dự kiến xây dựng mới 2 cơ sở chế biến tại thị xã Gia Nghĩa, nâng tổng công suất toàn tỉnh là 6.800 tấn/năm, dự kiên xây dựng mới 01 nhà máy tại xã Quảng Tín, huyện Đăk R’Lấp với công suất 10,8 ngàn tấn/năm.

Đồng thời, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư sản xuất theo định hướng phát triển hồ tiêu bền vững. Theo đó, đến năm 2015 chuyển đổi 1.200 ha vườn tạp, cà phê kém hiệu quả và sau năm 2015 chuyển tiếp 2.000 ha cây hàng năm sang trồng tiêu; tuyển chọn các giống cây cho năng suất cao, phẩm chất tốt, có khả năng kháng bệnh và phù hợp thay thế các vư­ờn tiêu không đảm bảo yêu cầu; thực hiện các biện pháp tổng hợp nâng cao độ đồng đều và chất lượng tiêu hạt, đối với tiêu trồng mới sẽ sử dụng trụ sống bằng các cây phát triển nhanh để hạ giá thành và hạn chế việc khai thác gỗ rừng làm trụ;

Tại hội thảo “liên kết bốn nhà” diễn ra mới đây ở Đăk Nông, ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích vì sản lượng thu hoạch trong các năm tới dự kiến vượt cầu. Vì thế, tỉnh cần sớm nghiên cứu thị trường tiêu thụ dài hạn trên thế giới để xây dựng quy hoạch phát triển diện tích tiêu. Bên cạnh đó, cần tập trung đăng ký mẫu mã, nhãn hiệu và xây dựng thư­ơng hiệu tiêu theo chuỗi giá trị bền vững nhằm khai thác hiệu quả chất lượng và giá trị xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.

Nguồn Tipcdaknong.com.vn
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *